Trong kỳ trước, tôi đã viết về cái lợi của homeschool, và một số lý do khiến một số bậc cha mẹ quyết định dạy tại nhà. Trong bài này, tôi sẽ bàn về cái hạn chế và bất lợi của học tại nhà, so với trường công lập.

(Trường công lập ở Mỹ gọi là public school, nhưng ở Anh gọi là state school; ở Anh và Wales, nhưng không ở Scotland, public school là từ gọi trường đóng học phí, trường tư, chẳng hạn như Eton hay Westminster School).

Bảo Huân

Bất lợi của homeschool

Tốn kém

Trên bề mặt, học ở nhà là không phải đóng học phí (nếu không thuê gia sư) và không phải tốn tiền đi từ nhà tới trường, nhưng homeschool có thể tốn kém hơn về nghĩa khác: tốn thời gian và công sức từ cha mẹ, thời gian có thể dùng vào việc khác (chẳng hạn như để kiếm thêm tiền).

Ngoài ra, trẻ em học ở nhà có thể bị một số hạn chế như không có thư viện trường hoặc không có phòng lab, không có điều kiện làm thí nghiệm khoa học—nếu các bậc cha mẹ muốn làm thí nghiệm để giúp con học, sẽ phải tốn kém hoặc không có điều kiện an toàn.

Thiếu access cho thể thao và các hoạt động ngoại khóa

Ði học ở trường công lập là không chỉ học lý thuyết—trường học còn dạy nhạc, hoặc có phòng gym, phương tiện tập thể thao, và các hoạt động ngoại khóa.

Một số bậc cha mẹ có thể có điều kiện dễ dàng cho con cái tập thể thao và có những hoạt động bên ngoài, nhưng một số khác có thể không có điều kiện nhưng không muốn cho con cái đi học trường công lập vì lý do này lý do khác, sẽ phải chấp nhận con mình mất đi một số cái lợi từ trường học.

Môn học bị giới hạn

Một trong những lý do để chọn homeschool là có thể kiểm soát nội dung dạy, và nếu muốn, có thể ưu tiên đi sâu vào một số môn học, nhưng ngược lại, cái bất lợi là chương trình học có thể bị giới hạn, học sinh học ở nhà có thể không được có đủ kiến thức cho một số môn khác.

Một môn học có thể bị hạn chế là âm nhạc – nếu cha mẹ không có khả năng âm nhạc và cho là không quan trọng, và nhà không đủ điều kiện, người con có thể cảm thấy bị thiếu hụt về âm nhạc.

Thiếu giáo viên có kỹ năng và được đào tạo

Một mặt, một số giáo viên ở trường công lập có thể không giỏi, hoặc không đam mê, chỉ xem đó là nghề kiếm sống, và vì thế không quan tâm tới học sinh, hoặc chỉ dạy hướng tới bài thi để có tỷ lệ đậu cao. Nhưng mặt khác, khi cha mẹ lãnh lấy vai trò giảng dạy và phải dạy nhiều môn học khác nhau, đôi khi họ có thể không đủ kỹ năng, thậm chí vừa học vừa dạy.

Theo Wikipedia, nghiên cứu cho thấy học sinh học tại nhà trung bình đạt điểm cao hơn nếu cha hoặc mẹ là giáo viên có chứng chỉ, hơn những học sinh học tại nhà có cha lẫn mẹ đều không phải người đi dạy.

Thiếu hệ thống

Một cái lợi của homeschool là linh hoạt về thời gian và lịch học, nhưng ngược lại, cái không tốt là thiếu hệ thống, không theo giờ giấc cụ thể, hoặc đôi khi có thể bị lệch, tập trung quá nhiều vào cái gì đó vì thích và lơ là môn khác.

Các trường công lập thường có cách cấu trúc dữ liệu (structure), và lập chương trình rõ ràng, chi tiết, và qua nhiều năm, hệ thống trường lớp cũng đã thử qua nhiều cách dạy, nhiều phương pháp khác nhau, đã tiêu chuẩn hóa kiểm tra, và biết đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy, trong khi homeschool theo nghĩa nào đó có thể là một kiểu thử nghiệm.

Ngoài ra, nếu cha mẹ là người dạy mà lộn xộn thiếu hệ thống, hoặc thiếu kỷ luật, con cái cũng bị ảnh hưởng.

Ít thời gian xa nhau giữa cha mẹ con cái, thiếu độc lập

Nếu cha mẹ trực tiếp dạy con cái, điều đó có nghĩa là gần như lúc nào cũng dính chùm với nhau, không có thời gian riêng. Con cái cũng có thể thiếu độc lập, vì nếu đi học ở trường, sẽ phải tự tới trường, tự nhìn lịch học đi từ lớp này sang lớp khác, tự sắp xếp bài tập về nhà, và phải tự đối phó với người lạ hoặc những tình huống không quen như phải nói trước đám đông.

Thiếu Xã hội hóa (socialisation) và thiếu tiếp xúc với các suy nghĩ khác

Một hạn chế khác của homeschool là thiếu điều kiện tiếp xúc với người đồng trang lứa, thiếu điều kiện phát triển kỹ năng xã hội, không được dạy (bằng cách ép) nói trước đám đông, và quan trọng hơn hết, khiến con cái chỉ quẩn quanh mình, ít được gặp và nói chuyện với những người có background khác, từ quốc gia khác hoặc thuộc chủng tộc khác hay tầng lớp khác, với kinh nghiệm và suy nghĩ, cách nhìn khác. Ít va chạm với người khác mình có thể làm con người bị hạn hẹp, và không nhận ra có nhiều thứ mình xem là hiển nhiên hoặc bình thường chẳng hề bình thường và hiển nhiên với người khác.

Những người được homeschool thường nói đây là cái tiếc khi được dạy tại nhà: thiếu điều kiện gặp người đồng trang lứa và kết bạn. –

Hơn nữa, nếu một số bậc cha mẹ chọn homeschool làm cách để bảo vệ con khỏi ảnh hưởng xấu từ bạn học, chẳng hạn như rượu chè hoặc chất gây nghiện, họ không tạo cho con cái khả năng tự bảo vệ và biết từ chối những thứ xấu đó khi sau này gặp phải trong môi trường khác.

Ðây là một số hạn chế và bất lợi của homeschool, so với trường công lập.

HDN

Nguồn:

https://nces.ed.gov/pubs2009/2009030.pdf

https://www.momjunction.com/articles/pros-and-cons-of-homeschooling-kids_00390939/

Public%20schools%20teach%20children%20a,lot%20of%20time%20at%20home

https://homeeducator.com/homeschool-vs-public-school/

https://www.publicschoolreview.com/blog/what-are-the-benefits-of-public-school-over-homeschooling

https://vittana.org/16-public-school-vs-homeschool-pros-and-cons

https://www.highspeedtraining.co.uk/hub/the-homeschooling-debate/

https://en.wikipedia.org/wiki/Homeschooling