Là người đọc sách, tôi chưa bao giờ thử e-readers (máy đọc sách điện tử) – khi ở Việt Nam vẫn thường xuyên mua sách, rồi từ khi sang Na Uy, phần lớn sách tôi đọc là từ thư viện, ở Anh cũng vậy. Nhìn từ xa, e-readers có vẻ phiền hà, và làm sao so được với cảm giác cầm sách giấy trên tay? Nhưng nếu mùa dịch và tình trạng lockdown khiến đa phần mọi người thay đổi thói quen và làm nhiều thứ trước đây chưa bao giờ thử, nó cũng làm tôi cân nhắc vấn đề e-books (sách điện tử).

Thế mọi người nghĩ gì về e-books và e-readers?

Thích hay không, không ai có thể chối cãi e-readers là phát minh quan trọng và rất tiện lợi. Gần đây tôi thử hỏi trên Twitter, và tất cả fans của e-books đều nói: tiện lợi.

Gọn nhẹ. Vừa tay. Có thể đem đi khắp nơi. Dễ dàng cầm đọc War and Peace hay The Tale of Genji mà không sợ đau vai hay mỏi tay. Dễ dàng đọc trên giường, vì có đèn, cũng có thể đọc trong bồn tắm, nếu không thấm nước. Thậm chí có ông còn bảo, e-reader cứu vãn cuộc hôn nhân—vợ có thể tắt đèn đi ngủ, mình vẫn có thể nằm đọc e-books thoải mái bên cạnh.

E-books tiết kiệm không gian—một thiết bị bé tí như một cuốn Penguin bìa mềm có thể chứa hàng ngàn hàng vạn cuốn sách. Ðỡ tốn chỗ. Không phải nhét vài cuốn sách nặng trịch trong túi khi du lịch, không phải cân nhắc đắn đo cuốn nào đem theo cuốn nào để lại, cũng chẳng phải trả thêm tiền hành lý vì quá cân. Tiện cho người du lịch thường xuyên hoặc đi làm xa. Càng tiện cho người liên tục dọn nhà không thể mãi di chuyển theo cả tủ  sách.

E-books tiết kiệm thời gian—download tích tắc có cuốn sách, không phải ra hiệu sách cũng chẳng phải đặt mua qua mạng rồi đợi vài ngày cho sách tới. Hơn nữa, internet là một thư viện, một kho tài liệu khổng lồ—phần lớn tác phẩm văn chương kinh điển tiếng Anh đều có thể tìm thấy online, không tốn một xu, đặc biệt trên Gutenberg, còn tác phẩm kinh điển nước khác dịch sang tiếng Anh cũng có giá rất rẻ so với giá sách giấy thông thường. Phần tiếng Việt, cũng có rất nhiều tác phẩm được đẩy lên mạng, hoàn toàn miễn phí.

Ðó là chưa kể, nhiều thư viện địa phương có thể nghèo nàn phần sách giấy nhưng phong phú phần sách online, dễ dàng đọc trên e-readers.

Nếu không muốn mua sách giấy vì thiếu không gian, hay muốn sống gọn nhẹ vì phải thường xuyên dọn nhà, hoặc chỉ đơn giản là đã mua quá nhiều sách không muốn mua thêm, e-readers là lựa chọn lý tưởng. Ðặc biệt với người ở thành phố nhỏ, hoặc ở nơi xa xôi bất tiện như vùng quê Colombia hay đâu đó ở Somalia, không phải muốn sách gì là có sách đó, e-books là giải pháp hoàn hảo.

Ngoài ra, với e-books người đọc có thể highlight (trong khi có thể không muốn quẹt vào sách giấy), có thể đánh dấu trang quan trọng, có thể tìm kiếm gì đó bằng từ khóa, và chỉ cần click có thể tra từ điển.

Khi tôi hỏi, một vài người trên Twitter cũng nói bắt đầu thay đổi và chuyển sang dùng e-reader vào mùa dịch—khi mọi thứ đóng cửa, thư viện lẫn hiệu sách đều không hoạt động, và đặc biệt nếu công việc bị ảnh hưởng và thu nhập nhỏ giọt nhưng vẫn muốn đọc sách, e-reader là sự lựa chọn hoàn hảo.

Ngoài ra, với người quan tâm đến vấn đề môi trường và khủng hoảng khí hậu, dùng e-books là giảm lượng sách giấy.

Một người còn nói, khi đọc sách giấy mình luôn biết được mình đang ở đâu, đã đọc bao nhiêu và còn bao nhiêu, trong khi trên e-reader có thể thấy chung chung đã qua bao nhiêu phần trăm nhưng không ý thức rõ rệt khi nào hết nên có thể vẫn đắm chìm vào cuốn sách và không có cảm giác chuẩn bị hết, chuẩn bị tạm biệt với các nhân vật trong sách.

Bảo Huân

Hại mắt?

Một trong những điều khiến nhiều người, bao gồm tôi, e ngại về e-readers là chuyện hại mắt. Tuy nhiên, phần lớn e-readers bây giờ sử dụng công nghệ e-ink, để màn hình nhìn như mặt giấy, không phải backlit (có đèn nền) như màn hình điện thoại, máy tính, hay tablet (như iPad hoặc Kindle Fire). Màn hình e-ink như đa phần các sản phẩm của Amazon Kindle và Kobo có ảnh hưởng tới mắt tương tự mặt giấy.

Ngược lại, e-readers còn có lợi là có thể phóng to chữ, nên người đọc không phải nheo mắt đọc chữ li ti như trong sách bìa mềm khổ nhỏ.

Thế nhưng tại sao e-books không thể thay thế sách giấy, và e-readers không làm thay đổi hoàn toàn ngành xuất bản sách?

Từ khi e-books được phát minh, nhiều người đã dự đoán từ từ e-books sẽ thay thế sách giấy, nhưng trên thực tế điều đó không xảy ra—trong khi báo giấy bị ảnh hưởng và nhiều tờ sập tiệm vì báo online, ngành sách in vẫn vững mạnh và sách giấy vẫn bán chạy hơn e-books1. Vì sao?

Bởi cảm giác sung sướng khi cầm một cuốn sách trên tay và chạm mặt giấy, thậm chí cảm giác ngửi mùi giấy, không thể thay thế được bằng cái tiện lợi của e-reader. Bởi tiện thì tiện, nhưng e-reader vẫn là một thiết bị điện tử—người ta không thể có cảm giác gắn bó với một cuốn sách xếp chung với hàng ngàn cuốn sách ẩn trong một thiết bị, như gắn bó với một cuốn sách giấy ngay trước mặt, có thể nhìn thấy, có thể chạm vào, có thể lật trang. Bởi người yêu sách không chỉ đọc sách mà còn sưu tầm sách, còn tạo nên một thư viện cá nhân, một không gian đọc riêng của mình, và xem sách là bạn, để đọc đi đọc lại, hoặc xếp trên kệ để đôi khi nhấc xuống đọc lại vài trang.

Người ta không có cảm giác thật sự sở hữu một cuốn sách trừ phi có nó như một vật thể—một cuốn sách in. Một cuốn e-book vẫn luôn tạo cảm giác nó ở đâu đó trong không gian nhưng không thuộc về mình.

Hơn nữa, một cuốn sách in đi với nó một lịch sử riêng—mua dịp nào, tự mua hay ai tặng, đọc lúc nào và ở đâu… và có dấu ấn của thời gian, cũng như so sánh hình trong album kiểu xưa và hình chụp bằng máy kỹ thuật số hoặc điện thoại thời nay. Người đọc đôi khi có thể có thói quen ghi vào sách, sau này thành kỷ niệm, hoặc có thể mua sách secondhand, có chữ viết và dấu ấn của chủ nhân trước đó.

Tất cả những điều này, e-readers đều không thể thay thế.

Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn khi cầm cuốn sách đọc, người ta thường nhớ trong đầu điểm nào đó nằm ở đâu của cuốn sách, dễ tìm lại hơn e-books. E-books cũng trở thành bất tiện nếu dùng sách để học hoặc nghiên cứu—không thể nhìn quét qua cuốn sách, khó đọc lướt, khó lật qua lật về tìm cái cần dùng v.v.

Nói chung, e-books và e-readers có nhiều cái lợi, là giải pháp cho nhiều vấn đề, và tạo thêm nhiều lựa chọn cho người mê đọc sách. Tuy nhiên công nghệ phát triển không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn thay thế cái truyền thống.

DN

1: https://www.cnbc.com/2019/09/19/physical-books-still-outsell-e-books-and-heres-why.html