Kể từ thời lập quốc, nước Mỹ lần đầu chứng kiến sự tàn phá và chết chóc kinh hoàng. Con số tử vong lên cao trong một thời gian ngắn ngủi. Trước nội chiến, không có nghĩa trang quốc gia, không có ủy ban phụ trách chôn cất và liệt kê danh sách tử sĩ, không có phòng ban nào thông báo cho gia đình thương bệnh binh, không có trợ giúp cho gia đình liệt sĩ, không có ngày lễ Chiến sĩ Trận vong… Cuộc nội chiến đã hình thành các tổ chức cứu trợ, các bệnh viện cấp cứu, cũng như đội cứu thương và tải thương.
Binh nhì truyền tin 26 tuổi James Montgomery của phe Confederate, viết lá thư tuyệt mệnh ở Virginia ngày 10 tháng 5, 1864. Máu nhỏ giọt trên giấy từ vết thương ở vai. “Cha thương yêu! Ðây là lá thư cuối cùng. Con bị trúng đạn ở vai phải và tay treo lủng lẳng. Cái chết không tránh khỏi. Con yếu lắm nhưng con biết Cha sẽ rất vui khi đọc những dòng này của con. Con biết cái chết đang cận kề. Rằng con sẽ chết xa nhà, xa bạn bè ấu thơ. Ở đây con cũng có những người bạn tốt. Fairfax, bạn con sẽ viết cho cha theo yêu cầu của con sau khi con mất. Mồ của con sẽ được đánh dấu để sau này cha viếng thăm. Quyết định chôn cất ở đây hay dời về Mississippi tùy cha định đoạt. Con muốn về nằm bên cạnh mộ mẹ và em. Nhưng điều này không quan trọng lắm…Cho con gởi lời thăm bạn bè. Con đang yếu dần. Ngựa của con và các đồ đạc sẽ để lại cho cha. Lần nữa, chào vĩnh biệt cha. Mong gặp cha trên thiên đàng. Ðứa con sắp chết của cha, J.R. Montgomery.”
Bạn của Montgomery làm theo lời trăn trối, chôn cất và gởi thơ về quê nhà. Mặc dù nấm mồ được đánh dấu nhưng cha của Montgomery không thể nào tìm được mộ. Cũng như hàng chục ngàn nấm mồ vô danh khác, hàng chục ngàn người mất tích trong cuộc nội chiến.
Tháng 3, 1863, Bác sĩ Henry Bowditch ở Boston nhận được điện tín từ chiến trường của Nathaniel, đứa con trai duy nhất: “Potomac Creek, 18 tháng 3, 1863, Nat bị bắn vào hàm. Bị thương ở bụng. Tình trạng nguy hiểm. Ðến ngay lập tức.” Ông liền đáp tàu đến Washington, tin rằng con mình bị thương, trên đường đi không quên thu thập tin tức về chiến trường và mua các đồ đạc tặng con trai để khi con hồi phục mà dùng… Khi ông xuống tàu thì nhận được thư của Ủy ban Vệ sinh, phụ trách hồ sơ quân đội ở bệnh viện thông báo rằng con trai đã chết. Bác sĩ Bowditch được binh sĩ dẫn đến lều trại kỵ binh ở Massachusetts, nơi để xác con mình. Hoàn toàn suy sụp tinh thần và tiếc thương con mình, nhưng ông quyết định làm thay đổi số mệnh của hàng ngàn thương binh khác. Sau khi cho tẩn liệm thi hài để theo tàu lửa đưa về nhà, Bowditch tin rằng con trai mình sẽ được cứu sống nếu có hệ thống cấp cứu, vận chuyển như ambulance. Ông viết thư, đăng báo, vận động quân đội Union thành lập gấp dịch vụ ambulance. Trong bài viết, ông nhấn mạnh trách nhiệm của liên bang với binh sĩ.
Lùi lại thời gian vào đầu cuộc chiến giành độc lập, nước Mỹ có chừng 3500 “bác sĩ” trong 13 thuộc địa. Gọi là bác sĩ nhưng thực tế chỉ có 200 người được đào tạo bằng cấp ở Châu Âu, số còn lại là phụ tá hay barber (thợ hớt tóc, người viết sẽ có bài riêng về barber này.) Khái niệm về một dịch vụ vận chuyển cứu thương chưa có. Bị thương thường xem là bỏ mạng. Ở trận chiến Bunker Hill năm 1775, Tướng Horatio Gates đã để thương binh ở lại chiến trường tới 3 ngày, nếu họ lê lết về đồn trại được thì phải bỏ tiền túi ra để được chữa trị. Sau đó quốc hội mới quy định thành lập các bệnh viện quân đội. Mỗi quân đoàn phải có ngân sách cho các lều trại chăm sóc thương bệnh binh. Vào thời ấy bệnh dịch hoành hành như đậu mùa, tả lị, sốt vàng da… Quân đội của tướng Washington lớn mạnh đến 20 ngàn người. Bác sĩ quân y được mướn và trả 1.6 đô/ngày, lương ít hơn cả sĩ quan quân nhu. Vào cuối cuộc chiến giành độc lập, 1,200 “bác sĩ” quân y phục vụ trong quân đội liên bang nhưng số tử vong rất cao đến 25 ngàn. Trong số đó 6,500 chết trên chiến trường, 10 ngàn trong bệnh viện và số còn lại trong khi di chuyển. Những thương binh được vận chuyển bằng cáng khiêng tay, hay bằng xe ngựa trong sàn gỗ mui trần. Phân nửa số thương binh bị trúng đạn kíp phải cưa tay, hay chân. Ðó là cách cứu mạng phổ biến. Ða số chết do nhiễm trùng. Sau cuộc chiến này, đội quân y bị giải thể do tử vong cao, các trường y bắt đầu ra đời và cải thiện phẩm chất y sĩ.
Khi nội chiến 1861 nổ ra, quân Union có 16 ngàn binh sĩ, 114 bác sĩ quân y. Sau khi 2 phe chia cắt, 8 bác sĩ và 29 y sĩ tách ra theo phe miền Nam. Mỗi tướng quân đoàn có quyền bổ nhiệm bác sĩ quân y, họ thường là dân cùng quê. Trong các trận chiến, quân y dựng các lều vải có cắm lá cờ đỏ để binh sĩ có thể tìm thấy. Sau trận chiến Bull Run tháng 7, 1861, quân Union thương vong đến gần 3 ngàn người, nhiều binh sĩ được phân công khiêng cáng bỏ trốn hay mất tích, thương binh nằm trên mặt trận cả ngày trời. Số có thể đi được đã lết 27 dặm về thủ đô. Số về đến trại cứu thương thường được chữa trị bằng các “bác sĩ” chưa bao giờ thực sự hành nghề.
William A. Hammond Tổng trưởng y tế bổ nhiệm Jonathan Letterman làm Y Sĩ Trưởng Quân Ðoàn Potomac năm 1862. Letterman được xem là cha đẻ của ngành y trên chiến trường, bằng các hệ thống tổ chức thuốc men, chữa trị và phục hồi thương bệnh binh trong nội chiến. Hammond thì được xem là cha đẻ của ngành cứu thương ambulance hiện đại. Các bệnh viện được tẩy trùng, xây trần cao, cửa sổ, ánh sáng thông thoáng vệ sinh. Mặc dù lúc ấy phát hiện về nguyên nhân do vi khuẩn lây lan chưa được phổ biến. Vài thuốc men được dùng trước đây như thủy ngân, arsenic đã được cấm dùng do độc hại chết người. Ðặc biệt là đội cấp cứu ambulance, nhằm tải thương binh kịp thời về chữa trị. Ðó là những chiếc xe ngựa có 4 bánh và có mui vải. Trên xe chở được 2 thương binh nằm cáng và người y sĩ sơ cứu, có hộp thuốc và dụng cụ băng bó. Cứ mỗi đại đội có 1 xe ambulance như thế và 2 xe bò chở thuốc men cho mỗi trung đoàn. Ở trận chiến tàn khốc Antietam tháng 9, 1862 các xe ambulance này đã hữu hiệu cấp cứu 9,420 thương binh sau tàn trận đánh. Tàu lửa cũng được dùng làm sơ cứu thương binh và tàu hơi nước làm thành bệnh viện. Mặc dù chậm trễ nhưng tháng 3, 1864 Quốc hội đã thông qua đạo luật hình thành Ambulance Corps cho quân Union.
Năm cuối của nội chiến thì dịch vụ ambulance ở bệnh viện dân sự Cincinnati, Ohio mới bắt đầu. Sau đó ở Bệnh viện Bellevue, New York năm 1869 do cựu bác sĩ quân y làm giám đốc. Sinh mạng của bệnh nhân quyết định bằng tốc độ của việc cấp cứu, các xe ambulance bằng ngựa kéo luôn sẵn sàng trong vòng 30 giây. Bác sĩ cấp cứu luôn có mặt khi bệnh nhân đến bệnh viện. Trong năm 1870 đã cấp cứu 1,400 ca. Năm 1891 thì dịch vụ ambulance bận bịu lên đến 4,392 ca.
Cuối thế kỷ 19 thì xe hơi chạy bằng xăng, bằng điện đã thực sự cải thiện tốc độ trong việc cấp cứu bệnh nhân. Xe ambulance trang bị đèn sáng, có bánh xe hơi, dàn nhún êm ái. Xe 4 máy 32 mã lực, bên hông có cái kẻng thay còi báo hiệu cho khách bộ hành và giao thông. Hệ thống điện tín, điện thoại đã được nối kết với sở cảnh sát để liên lạc với bệnh viện. Radio 2 chiều cũng được phát kiến và sử dụng. Vào Thế chiến I, nước Mỹ tham gia gởi quân tận Châu Âu. Ernest Hemingway, sau khi tham dự cuộc chiến Mỹ – Tây Ban Nha, tình nguyện làm lính trong đội cứu thương, lái xe ambulance. Ông bị thương, yêu một người y tá lớn tuổi, để rồi cho ra đời tác phẩm lừng danh Giã từ vũ khí. Máy bay, trực thăng bắt đầu được dùng cho việc di tản và cấp cứu bệnh nhân nhanh chóng. Phổ biến khi vào thế chiến 2 ở Triều Tiên và sau đó ở Việt Nam, nhất là nơi những chiến trường và địa hình không thể có đường xe vận chuyển. Ambulance được trang bị dụng cụ y khoa và kỹ thuật cấp cứu hô hấp tiêu chuẩn, hệ thống chuyền oxy, truyền máu, liên lạc… Ngày nay hễ có một tai nạn, một cú gọi 9-1-1 thì xe cảnh sát, xe chữa cháy và xe cứu thương, có chữ Ambulance viết ngược trên mui (để cho xe chạy phía trước nhìn qua kính chiếu hậu đọc được) túa nhanh trên đường phố. Ðèn xe nhấp nháy, còi xe inh ỏi, mọi giao thông phải dừng lại nhường đường để cứu sinh mạng và tài sản con người.
Cuộc nội chiến Nam – Bắc và cái chết đã thay đổi nước Mỹ. Từ những chiếc cáng khiêng thương binh ở chiến trường, những chiếc xe ngựa bánh gỗ lọc cọc, những chiếc xe ambulance, tàu thủy, trực thăng, máy bay; đến một nền y học tân tiến bậc nhất ngày nay.
SB