Ngày 21 tháng Giêng, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (“The Centers for Disease Control and Prevention” hay “CDC”) của Hoa Kỳ chính thức nhìn nhận rằng chứng nhiễm trùng siêu vi khuẩn corona xuất phát từ Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei Province), Hoa Lục đã xuất hiện tại Hoa Kỳ. Chính siêu vi khuẩn này đã gây nhiễm trùng cho mấy trăm bệnh nhân tại vùng Đông Nam Á và tính đến ngày 27/01 đã có 82 người tử vong.

Người bệnh đầu tiên tại Hoa Kỳ, một cư dân của Snohomish County, đang được cách ly và chữa trị tại Providence Regional Medical Center, Everett, tiểu bang Washington. Nam nhân trong tuổi 30 này, di chuyển từ Vũ Hán đến tiểu bang Washington, đã khai báo rằng ông ta không hề thăm viếng những khu chợ buôn bán súc vật nơi phần lớn những người bị nhiễm trùng qua lại. Cơ quan y tế Hoa Kỳ lập danh sách những người tại [Hoa Kỳ] đã tiếp xúc với bệnh nhân kể trên để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của họ.

CDC cũng loan báo rằng cơ quan Y Tế Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng siêu vi khuẩn Vũ Hán trong các hành khách xuất phát từ Vũ Hán, Hoa Lục đến các phi trường quốc tế như Hartsfield-Jackson, Atlanta International Airport và Chicago O’Hare International Airport. Việc tìm kiếm [để phòng ngừa và chữa trị kịp thời] chứng nhiễm trùng kể trên đã được áp dụng từ ngày 17 tháng Giêng tại ba phi trường lớn của Hoa Kỳ, John F. Kennedy International Airport, New York, Los Angeles International Airport và San Francisco International Airport.

Ðồng thời, CDC đã tăng mức cảnh giác về các chuyến bay xuất phát từ Vũ Hán, Hoa Lục từ mức độ 1 lên mức độ 2 [trên thang điểm 1-3].

Mức độ 1 (Watch-level 1): áp dụng các biện pháp [phòng ngừa] thông thường như “theo dõi”. Mức độ 2 (Alert-level 2): áp dụng các biện pháp [phòng ngừa] cẩn trọng. Mức độ 3 (Warning-level 3): thông báo về nơi đang có bệnh dịch; du khách chỉ nên đến nơi ấy trong trường hợp tối cần, bằng không thì tránh xa.

CDC cũng khuyến cáo rằng những du khách đã đến Vũ Hán thì cần tránh tiếp xúc với những người đang đau ốm, đừng sờ mó hoặc đến gần thú vật dù đã chết hoặc còn sống, và tránh các khu chợ buôn bán thú vật. Loại siêu vi khuẩn này gây bệnh nặng cho những người già yếu hoặc đang bị bệnh tật.

CDC đang cẩn thận theo dõi các dấu hiệu truyền bệnh của siêu vi khuẩn Vũ Hán từ khi nhà cầm quyền Hoa Lục chính thức nhìn nhận sự lan tràn của chứng nhiễm trùng này như một trận dịch. Ðã có khoảng 400 bệnh nhân và nhiều ca tử vong, từ Vũ Hán lan đến Thái Lan, Nhật Bản và Nam Hàn.

Bộ Y Tế Hoa Lục đã công bố toàn vẹn bộ di tính của “2019 novel coronavirus” viết tắt là “2019-nCoV” (tên gọi của siêu vi khuẩn [xuất phát từ] Vũ Hán) trên liên mạng GenBank, kho dữ liệu [về] di tính của bộ Y Tế Hoa Kỳ và cả trang nhà Global Initiative on Sharing All Influenza Data (GISAID).

Diễn tiến về “2019-nCoV”: Ngày 31 tháng Mười Hai vừa qua, cơ quan Y Tế Thế Giới (WHO) tại Hoa Lục nhận được bản tường trình về một số ca viêm phổi chưa biết nguyên nhân xuất phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Hoa Lục.  Kế tiếp, vào ngày 7 tháng Giêng, năm 2020, bộ Y Tế Hoa Lục nhận diện loại siêu vi khuẩn mới, 2019-nCoV, và được xem là nguyên nhân gây chứng viêm phổi kể trên.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Dấu hiệu của nhiễm trùng do siêu vi khuẩn Vũ Hán bao gồm sốt, ho, khó thở và ngộp thở. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân bị viêm phổi (pneumonia), hội chứng suy hô hấp cấp tính (severe acute respiratory syndrome), bại thận (renal failure) và tử vong.

Loại siêu vi khuẩn corona xuất phát từ Vũ Hán, tạm gọi là “siêu vi khuẩn Vũ Hán”; cũng có thể lan truyền giữa con người (person-to-person) nhưng không dễ dàng và nhanh chóng như các siêu vi khuẩn gây bệnh sởi [ban đỏ/ measles] hoặc bệnh cúm (influenza).

Dưới kính hiển vi điện tử, siêu vi khuẩn corona có những “gai” trên bề mặt trông từa tựa như tua vương miện (couronne, crown…) nên được đặt tên “coronavirus”. Coronavirus (CoV) là chủng siêu vi khuẩn có thể lan truyền giữa thú vật và con người hay “zoonotic”. Nói chung, CoV là một chủng siêu vi khuẩn bao gồm nhiều loại, các loại siêu vi khuẩn này có thể gây nhiều bệnh tật, từ những chứng bệnh nhẹ như cảm [lạnh] đến các chứng bệnh nặng như Middle East Respiratory Syndrome (MERS-CoV) và Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS-CoV).

Loại 2019-nCoV là một siêu vi khuẩn corona mới được nhận diện trong con người vài tháng gần đây.

Các loại siêu vi khuẩn corona thường thấy trong con người bao gồm 229E, NL63, OC43, và HKU1, thường gây các triệu chứng nhiễm trùng nhẹ của bộ phận hô hấp như cảm cúm. Con người thường bị chứng nhiễm trùng này vài lần trong đời, và chỉ gây khó chịu trong một thời gian ngắn. Triệu chứng thường bao gồm:

– sổ mũi

– nhức đầu

– ho

– đau rát cổ họng

– sốt

– mệt mỏi, khó chịu

Ðôi khi coronaviruses trong con người có thể gây viêm phổi hoặc viêm khí quản (bronchitis); các chứng bệnh chỉ thấy trong những người đang bị bệnh kinh niên như tim mạch, giảm đề kháng, trẻ sơ sinh và người già yếu.

Hai loại coronaviruses gây bệnh nặng trong con người là MERS-CoV và SARS-CoV. Triệu chứng của MERS bao gồm sốt cao, ho, khó thở và thường dẫn đến viêm phổi. Khoảng 30% bệnh nhân bị MERS tử vong. Chứng bệnh này tiếp tục xuất hiện tại vùng bán đảo Ả Rập (Arabian Peninsula). Triệu chứng của SARS bao gồm sốt, nóng lạnh, đau nhức toàn thân, và thường dẫn đến viêm phổi. Từ năm 2014, ta chưa có thêm ca bệnh SARS nào khác xuất hiện trên thế giới.

Siêu vi khuẩn corona trong con người lan truyền và gây nhiễm trùng qua những cách sau đây:

– không khí khi người bệnh ho và hắt hơi

– tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, sờ mó người bệnh

– sờ mó vật thể dính siêu vi khuẩn rồi tự sờ mặt, mũi, mắt, miệng trước khi rửa tay kỹ lưỡng

– rất hiếm khi siêu vi khuẩn này lan truyền qua phân, chất phế thải

Tại Hoa Kỳ, con người thường bị nhiễm trùng siêu vi khuẩn corona vào mùa Thu và mùa Ðông. Tuy nhiên, sự nhiễm trùng có thể xảy ra ở những thời điểm khác trong năm.

Phòng ngừa

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa (vaccine) để tránh nhiễm trùng siêu vi khuẩn corona nhưng ta vẫn có thể giảm thiểu sự nhiễm trùng qua mấy phương thức đơn giản sau:

– rửa tay với xà phòng và nước, chà xát ít nhất 20 giây đồng hồ

– tránh sờ mó mắt, mũi hoặc miệng khi chưa rửa tay kỹ lưỡng

– tránh tiếp xúc với người bệnh

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Khi có những triệu chứng cảm lạnh, ta cần bảo vệ người chung quanh bằng cách:

– ở nhà, đừng đến nơi làm việc hoặc ra vào chốn đông người

– tránh tiếp xúc, sờ mó người chung quanh

– che miệng, mũi bằng giấy vệ sinh khi ta ho hoặc hắt hơi, rồi tự mình bỏ thùng rác các giấy lau này, sau đó rửa tay sạch sẽ

– lau chùi mọi vật thể ta đã sờ mó

Chữa trị

Chưa có cách chữa trị đặc biệt nào dành riêng cho chứng nhiễm trùng siêu vi khuẩn corona, hầu hết mọi bệnh nhân đều khỏi bệnh. Ðể tiết giảm các triệu chứng nhiễm trùng và dễ chịu hơn, người bệnh có thể:

– dùng thuốc giảm đau và giảm sốt nhưng ÐỪNG dùng Aspirin cho trẻ em

– dùng máy giữ độ ẩm trong phòng hoặc tắm hơi để giảm ho và rát cổ họng

– uống nhiều nước

– cần nghỉ ngơi

Một ít chi tiết về siêu vi khuẩn corona:

Có bốn nhóm siêu vi khuẩn corona: alpha, beta, gamma, và delta. Từ năm 1960 đến nay, khoa học nhận diện được bảy loại siêu vi khuẩn corona gây bệnh tật trong con người:

229E (alpha coronavirus)

NL63 (alpha coronavirus)

OC43 (beta coronavirus)

HKU1 (beta coronavirus)

MERS-CoV (beta coronavirus gây bệnh Middle East Respiratory Syndrome, MERS)

SARS-CoV (beta coronavirus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính, severe acute respiratory syndrome, SARS)

2019 Novel Coronavirus (2019-nCoV)

Người thế giới khi bị nhiễm trùng siêu vi khuẩn corona thường do các loại siêu vi khuẩn 229E, NL63, OC43, và HKU1. Ðôi khi, siêu vi khuẩn corona gây bệnh trong thú vật có thể biến thái (mutation), trở thành một loại siêu vi khuẩn mới và gây bệnh cho con người. Ðiển hình là siêu vi khuẩn 2019-nCoV, SARS-CoV, và MERS-CoV. SARS-CoV, lan truyền từ loài mèo civet qua con người và MERS-CoV, từ lạc đà dromedary qua con người. Khoa học đã nhận diện được một số coronaviruses khác chỉ xuất hiện trong thú vật mà chưa gây nhiễm trùng trong con người.

Những trận nhiễm trùng MERS và SARS khá phức tạp; để giải quyết hữu hiệu, ta cần sự phối hợp nhanh chóng giữa nhiều cơ quan y tế công cộng ở tầm mức quốc gia và quốc tế.

Năm 2012, thế giới biết về Middle East Respiratory Syndrome hay siêu vi khuẩn MERS qua các bài tường trình về một chứng bệnh suy hô hấp mới, rất trầm trọng, gây tử vong cho 4/10 bệnh nhân. Siêu vi khuẩn này lan truyền qua việc con người tiếp xúc trực tiếp với thú vật, đầu tiên là lạc đà.

Severe Acute Respiratory Syndrome hay SARS do một loại siêu vi khuẩn corona khác gây ra, triệu chứng có phần trầm trọng hơn, ngoài suy hô hấp, siêu vi khuẩn này còn gây tiêu chảy suy yếu, ngộp thở và bại thận dẫn đến tử vong, trận dịch này khởi đầu từ tỉnh Quảng Ðông, Hoa Lục. Tùy theo tuổi tác, mức tử vong lên đến 50%, phần đông là người già yếu. Nguồn gốc của SARS xuất phát từ mèo nhiễm trùng rồi siêu vi khuẩn biến thái và gây bệnh cho con người. Năm ấy, bệnh SARS lan tràn vì cơ quan y tế Hoa Lục chậm trễ, không loan báo tình trạng khẩn cấp của trận dịch và đã hứng chịu khá nhiều chê trách từ thế giới.
Nhiễm trùng MERS và SARS trong khi mang thai có thể dẫn đến hư thai chưa kể các biến chứng khác kể cả tử vong.

Năm 2019, cơ quan y tế Hoa Lục xem ra đã mau mắn hơn, đã báo động và chia sẻ dữ kiện về vấn nạn lan truyền nhiễm trùng; từ đó các cơ quan y tế trên thế giới đã kịp thời cách ly người bệnh và những người đến từ nơi bệnh dịch hoành hành trong khi chung tay góp sức tìm hiểu chứng bệnh mới ấy.

Trong trường hợp siêu vi khuẩn từ Vũ Hán, thoạt tiên cơ quan y tế Hoa Lục tưởng rằng nguồn gốc nhiễm trùng xuất phát từ hải sản và chợ buôn bán thú vật; tạm hiểu là sự truyền nhiễm đã xảy ra giữa thú vật và con người (animal-human). Tuy nhiên khi một số lớn bệnh nhân khai báo rằng họ không hề thăm viếng các khu chợ buôn bán thú vật thì ta hiểu rằng sự truyền nhiễm đã xảy ra giữa con người (human-human) dù chưa biết rõ chính xác bằng cách nào loại nhiễm trùng này đã xảy ra. Một số bệnh nhân tử vong vì viêm phổi dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính là các trường hợp nhiễm trùng trầm trọng, phần lớn các bệnh nhân khác đều khỏi bệnh. WHO vẫn tiếp tục ghi nhận và công bố các dữ kiện liên quan đến chứng nhiễm trùng này.

Dựa trên các dữ kiện di tính (genome), CDC đã tìm ra phương thức thử nghiệm chứng nhiễm trùng siêu vi khuẩn [corona xuất phát từ] Vũ Hán, Reverse Transcription-Polymerase Chain Reaction (rRT-PCR) test, để định bệnh. Nghĩa là ta có thể xác định người bệnh có bị nhiễm trùng từ siêu vi khuẩn corona từ Vũ Hán hay không. Hiện nay loại thử nghiệm này chỉ có thể thực hiện ngay tại CDC nhưng trong vài tuần sắp tới, CDC sẽ giúp các phòng thí nghiệm khác sử dụng loại thử nghiệm này qua cơ quan International Reagent Resource của thế giới.

Ðịnh bệnh là một bước tiến quan trọng của việc chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh tật.

Cập nhật ngày 27 tháng Giêng, 2020: Tính đến hôm nay, đã có trên 2,000 người Hoa Lục bị nhiễm trùng, trong số này đã có trên 80 người tử vong. Riêng tại Hoa Kỳ, đã có 5 ca nhiễm trùng siêu vi khuẩn Vũ Hán.

Các cơ quan y tế thế giới kể cả WHO và CDC vẫn tiếp tục theo dõi và ghi nhận sự lan tràn của chứng truyền nhiễm siêu vi khuẩn Vũ Hán trong khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. 

Tại Hoa Kỳ, CDC đã tăng mức báo động lên mức độ 3, khuyến cáo cư dân không nên đến Vũ Hán trong khi nhà cầm quyền Hoa Lục đã “phong tỏa” thành phố này, mọi phương tiện di chuyển công cộng như máy bay và xe lửa đều bị đình chỉ. Cư dân Vũ Hán không được ra khỏi thành phố và những người khác cũng không được đến nơi này.

Tại những nơi khác trên lãnh thổ Hoa Lục, các chương trình đón Tết mừng Xuân nơi đám đông cư dân quây quần tụ họp cũng bị huỷ bỏ để phòng ngừa dịch Vũ Hán.

Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha… đang sửa soạn các chuyến bay riêng để đưa nhân viên sứ quán cũng như các công dân của họ về nước. Các công dân này sẽ được cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe trong khoảng 14 ngày trước khi được phép về nguyên quán.

Dù đã công bố dữ kiện về di tính của 2019-nCoV với quốc tế, nhà cầm quyền Hoa Lục cũng vẫn bị chê trách về việc quá chậm chạp khi lên tiếng loan báo về trận dịch Vũ Hán.

TLL (Orlando, FL)