Những con đường di dân

San Francisco có phố Tàu, phố Nhật và có Tiểu Sài Gòn; mỗi sắc dân chiếm một khu đất vài con đường và sống chung tương đối hòa bình vì phố Tàu cách phố Nhật khoảng 15 phút lái xe, cách Tiểu Sài Gòn chừng 10 phút, riêng rẽ như thế nên mạnh ai nấy sống. Mỗi dân tộc thủng thẳng trưng bày bản sắc của mình.

nguồn. polaris-re.com

Phố Tàu, Chinatown, là nơi các di dân gốc Hoa lập nghiệp từ những năm 1800. Ðây là Phố Tàu xưa nhất tại Bắc Mỹ và được xem là cộng đồng người Hoa đông đảo nhất tại ngoại quốc. Cổng vào Phố Tàu, Dragon Gate, nằm trên đường Grant, kiến trúc hoàn toàn Trung Hoa, từ những viên đá tại chân cổng đến mái lợp gốm xanh lục.

Hai bên đường Grant là những cửa hàng lớn nhỏ chen chân, quán ăn, tiệm nữ trang, sạp bán quà lưu niệm thập cẩm, thượng vàng hạ cám đều có mặt. Ðại khái là khách hàng nào cũng có thể tiêu tiền tại đây, tiền cắc đến bạc ngàn.
Cửa tiệm Dế Mèn hay ghé là một hàng nữ trang ở góc đường Clay và Grant. Ở đó người ta bày bán những miếng cẩm thạch đủ màu, đủ dạng, và ta có thể vẽ kiểu hay chế biến vòng dây đeo cổ kết thắt bằng những sợi tơ màu. Dế Mèn thường chọn vài thứ làm quà cho bạn bè, món quà do chính mình góp phần chế tạo.

Cộng đồng người Hoa phát triển khá mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống thành phố. Họ có hội quán, bệnh viện, trường học… đầy đủ những cơ sở căn bản để duy trì phần nào văn hóa tập tục của cha ông họ. Nhìn ngắm sự vững vàng của cộng đồng ấy, ta có thể nhìn ra sức sống dẻo dai tiềm tàng của di dân sau nhiều thế hệ.

Di dân đến đây, cần cù làm ăn sinh sống, khi khá giả, họ rời Phố Tàu và lập nghiệp ở những thành phố hay khu vực lân cận. Có thể nói là Phố Tàu “luân chuyển” luôn, cứ khoảng chục năm là lại có những nhóm di dân mới từ những thành phố khác nhau tại Hoa Lục, và hàng quán lại có bộ mặt đổi khác. Một người bạn của Dế Mèn, Wanju, gốc Ðài Loan, khi lang thang qua những đường phố lên đồi xuống dốc của Phố Tàu đã bỏ nhỏ rằng người ở đây nói tiếng Tiều (Quảng Ðông) nhiều hơn là Quan Thoại và bà ấy nhiều khi nghe mà cũng không hiểu rõ. Không hiểu nhau mà sao họ sống chung tương đối hòa bình?

Phố Tàu ở San Francisco

Tổ tiên của người Hoa đến đây lập nghiệp là những nhân công làm đường xe lửa. Họ là những người đổ mồ hôi để xây hệ thống đường sắt trải dài từ Nam ra Bắc California. Những di dân mờ nhạt trong lịch sử lập quốc của một đất nước non trẻ, thành hình từ những nhóm di dân đến trước, đến sau. Nhưng khuôn mặt có lẽ còn được nhắc nhở đến trong nhóm di dân đầu tiên là Ả Toy, một phụ nữ khởi đầu nghề mãi dâm và là tú bà đầu tiên tại Phố Tàu. Di dân Trung Hoa thủa ấy không được phép mang theo vợ con, phụ nữ không nằm trong sách được nhập cảnh nên nghề bán hoa, bán thịt nhanh chóng ăn nên làm ra. Luật di dân khe khắt là như thế nên phe ta tò mò là làm thế nào để Ả Toy nhập cảnh Huê Kỳ? Giả trai? Trốn trong thùng rượu? Bà này nghe nói đi theo chồng, chẳng may ông chồng qua đời trong chuyến hải hành nên trở thành gái bao của thuyền trưởng và khi cặp bến hành nghề bán hoa để sinh sống. Ả Toy cũng là người đầu tiên mở ra các mục “peep show” tại Phố Tàu trong những năm cuối thế kỷ XIX.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Xã hội đen của Phố Tàu đối mặt với nhà cầm quyền thủa ấy, và người thành phố có cả một lực lượng cảnh sát riêng cho Phố Tàu, Chinatown Squad, mãi đến thập niên 50 mới giải tán. Ấn tượng có riêng một đội ngũ cảnh sát để giữ an ninh nói lên một sự việc không mấy tốt đẹp nên cư dân trong khu vực này đệ đơn xin giải tán đội ngũ cảnh sát kia hoặc ngưng dùng cái tên đặc biệt riêng cho Phố Tàu!

Sau năm 1975, người Việt gốc Hoa cũng đến đây nhưng không ở lại mà tụ họp ở Thung Lũng Hoa Vàng, San Jose, cách San Francisco cỡ 1 tiếng lái xe.

Người Việt ta tụ họp tại một vùng đất khác trong thành phố, có tên chính thức là Little Saigon vào năm 2004, khu đất bao quanh đường Larkin & Eddy, khu Tenderloin của San Francisco. Dế Mèn đi ngang, dừng chân mua bánh mì thịt và chè đậu trắng tại quán Bánh Mì Sài Gòn. H. khoe với Dế Mèn là bánh mì ngon lắm, và phe ta cũng vỗ tay khen. Hai bên đường có một số quán ăn, định bụng sẽ ghé nhưng bận rộn quá đành hẹn lần tới.

Little Saigon, đường Larkin & Eddy, khu Tenderloin của San Francisco

San Francisco mở cửa đón những nhóm di dân khác, Phố Nhật ở San Francisco có lẽ là một khu phố lớn nhất, khoảng 6 block đường, của dân Nhật Bản tại Hoa Kỳ theo ý riêng. Tên chính thức của Phố Nhật là Japantown (Nihonmachi, Little Osaka, Funayville, và J Town), lạ là họ không đặt tên “little Tokyo” như mọi nhóm di dân, ra đi mang theo tên thủ đô đến miền đất lạ.
Trung tâm của Phố Nhật là Japan Center, nơi tập trung các cửa tiệm buôn bán và cả ngôi chùa Hòa Bình, Peace Pagoda, do dân cư Osaka đóng góp làm quà tặng San Francisco.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Di dân Nhật tụ họp tại những khu phố này sau trận động đất 1906; đến Thế Chiến II thì nơi này trở thành một vùng đất quy tụ cư dân gốc Nhật lớn nhất tại ngoại quốc, nhất là các con đường xây cất theo hình thể của khu phố Ginza tại Tokyo. Trong chiến tranh, cư dân Nhật bị gom vào những trại tập trung rải rác trong miền Tây Hoa Kỳ. Chính phủ thủa ấy lo âu rằng những cư dân Nhật sẽ hướng về cố quốc mà nổi dậy chống đối, giản dị là người Huê Kỳ nghi ngại và đề phòng sự việc “giặc trong nhà”. Vùng đất này bị bỏ trống và những người da màu từ miền Nam di dân đến đây kiếm sống. Sau chiến tranh, cư dân Nhật bị tập trung được trả về nơi trú ngụ cũ nhưng không mấy người trở lại Phố Nhật, họ sinh sống ở những nơi khác. Qua sự trợ giúp của chính phủ và các công ty Nhật Bản, vùng đất này được tái dựng, và “kết nghĩa” với thành phố Osaka năm 1957. Ở đó có một đoạn đường ngắn mang tên Osaka Way.

Ở Phố Nhật có những cửa tiệm buôn bán và quán ăn; quán ăn vừa miệng nhất có lẽ là quán ăn bên trong khách sạn Radisson. Những năm trước đây, Dế Mèn ghé đây vài lần, mua sắm những bình cắm hoa bằng gốm theo kiểu cắm hoa Ikebana. Gốm Nhật nung kỹ nên không dễ nứt, ít mẻ và lỡ khi mẻ, món vật dụng không phô màu trắng vì gốm nhuộm màu từ bên trong không chỉ nước sơn bên ngoài; ăn đứt đồ gồm Hoa Lục và Việt Nam. Lâu lắm rồi không trở lại nơi này dù phe ta ghé San Francisco nhiều lần, không biết đã vật đổi sao dời đến đâu khi California lên cơn sốt địa ốc, giá nhà cửa theo pháo thăng thiên mịt mù, hàng quán chắc xính vính?

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Khuôn mặt của San Francisco có nhiều vẻ, mỗi phần riêng biệt nhưng không khiến bộ mặt của thành phố xung đột nhau, có lẽ vì thế mà phe ta yêu mến nơi này?

(còn tiếp 1 kỳ)