Bó chân bó cẳng rồi cũng ngán nên Dế Mèn và thân nhân rủ nhau ra biển. Florida nhiều vùng biển nên việc lựa chọn có phần dễ dàng. Cứ đặt phòng rồi rong xe theo bản đồ mà đi. Lần này phe ta trở lại thăm các hòn đảo ở cực nam của Florida hay đất “Hoa” theo tên gọi của người Tây Ban Nha thủa dẫn quân đi chiếm đất.

theapopkavoice.com    

Vùng biển phía nam của Florida nơi được gọi là “Florida Keys”, gồm nhiều hòn đảo nằm rải rác trên suốt 120 dặm đường. “Key” ở đây không có nghĩa là “chìa khóa” mà là tên gọi xuất phát từ chữ “cayo”, nghĩa là mảnh đất nhỏ giữa biển cả, sông nước, island. Tiếng Việt mình hình như có chữ “hòn” hay “cù lao”, ngoài chữ “đảo”? Dế Mèn không biết chữ nào thì chính xác cho các mảnh đất lớn nhỏ kể trên nên cứ gọi là “đảo” cho chắc ăn.

Chuỗi đảo lớn nhỏ ấy là nơi sinh sống của bộ tộc Calusa và Tequesta cho đến năm 1513, bị tướng Juan Ponce de Leon chiếm lãnh và đặt tên là quần đảo “Los Matires” (Những người xả thân).

Thủa xa xưa, Key West, hay đảo Tây, là thành phố lớn nhất của Florida nhờ làm ăn buôn bán. Vị thế địa lý của đảo Tây rất thuận lợi cho việc buôn bán với Cuba, Bahamas và cũng là nơi “nghỉ chân” cho những tàu buôn từ New Orleans. Khi đường thủy trở nên an toàn hơn nhờ các dụng cụ dự đoán khí tượng, máy móc trên tàu bè, vấn nạn đắm tàu hầu như chấm dứt vào cuối thế kỷ XIX nên đảo Tây chẳng còn làm ăn chi được nữa. Ngày nay, đảo Tây là nơi nghỉ mát nhờ khí hậu ấm áp, thuận tiện cho các môn thể thao như trượt nước, câu cá, chèo thuyền…hoặc vãn cảnh bờ biển.

Về mặt địa dư, chuỗi đảo này là vùng đất xa nhất của Huê Kỳ về phía nam, khởi đầu từ Key Largo (đảo Lớn hay cù lao Lớn) trải dài đến Dry Tortuga (hòn đảo không có người ở), khoảng 15 dặm từ Miami và chỉ 90 dặm là đến Cuba theo đường biển. Không lạ là vẫn có những thuyền nhân Cuba âm thầm vượt biển để đến lãnh thổ Huê Kỳ trong đêm tối qua ngả Florida Keys. Di dân Cuban sinh sống đông nhất ở vùng đảo Tây.

Diện tích Florida Keys tổng cộng có 137 dặm vuông với khoảng 80 ngàn cư dân, đông nhất là vùng đảo Tây. Là chuỗi đảo xa nên Florida Keys có phần cô lập, trước đây ta chỉ có thể đi / đến bằng đường biển cho đến đầu thế kỷ XIX, khi ông Henry Flagler, một tài phiệt ngành hỏa xa, mở đường tàu trong vùng bờ biển Ðại Tây Dương. Ðề án ấy bị mấy trận bão lớn làm ngưng trệ trong những năm 1906, 1909 và 1910 những vẫn hoàn tất để sử dụng. Ðường xe lửa chỉ được dùng khoảng 23 năm rồi bị thay thế bởi hệ thống xa lộ / cầu xây cất từ năm 1935 bởi những cựu chiến binh Thế Chiến I. Hệ thống Overseas Highway (Quốc lộ I) kéo dài từ Miami đến đảo Tây. Cũng năm này, trận bão Labor Day với sức gió 200 dặm / giờ đã bay qua đảo Islamorada gây tổn thất khá nặng nề, khoảng 600 người tử vong, kể cả 200 cựu chiến binh xây cầu. Những trận bão dữ dội khác gây tổn thất nặng cho vùng Florida Keys bao gồm Hurricane Camille (1969), Andrew (1992) và Michael (2018). Nổi bật nhất trong chương trình xây cất hệ thống cầu cống / xa lộ kể trên là Seven Mile Bridge, cây cầu dài 7 dặm nối liền đảo Knight với đảo Duck (đảo Con Vịt).

Tiệm bánh Key Lime Pie. Ảnh: tác giả cung cấp

Florida Keys cũng có những câu chuyện kể khá lý thú như chuyện thành lập “Conch Republic”. Năm 1982, chính phủ liên bang đặt trạm kiểm soát trên quốc lộ I để tìm kiếm tang vật của những chuyến buôn lậu ma túy và chặn di dân bất hợp pháp trên những chuyến xe qua lại. Bị kiểm soát chặt chẽ nên du khách nản lòng và ngừng thăm viếng chuỗi đảo ấy. Thiếu du khách là kinh tế xuống dốc nên Hội đồng Thành phố của đảo Tây lên tiếng than phiền và phản đối mạnh mẽ qua việc thưa kiện chính phủ liên bang. Thị trưởng đảo Tây, ông Dennis Wardlow và Hội đồng Thành phố tuyên bố ly khai Huê Kỳ, thành lập “quốc gia” mới, The Conch Republic. Sau một phút ly khai, ông Wardlow “đầu hàng” chính phủ liên bang và xin tài trợ một tỷ Mỹ kim.
Chuyện “ly khai” gây rùm beng một dạo và kết quả là chính phủ liên bang chấm dứt việc kiểm soát trên Quốc lộ I. Riêng cư dân đảo Tây thì buôn bán thêm một mớ vỏ ốc conch có chữ “Conch Republic” cho du khách làm quà kỷ niệm.

Xem thêm:   Khẩu súng săn

Câu chuyện khá nổi tiếng khác là chuyện ông Bush I. Ông này thích câu cá và thường đến Florida Keys, Cheeca Lodge, trong những ngày nghỉ mát. Có lần ông Bush chạy bộ trên khúc Quốc lộ I cũ, khúc đường này đã bị bỏ phế, chỉ dùng cho người đi bộ, đi câu… và gặp đám con nít xuống xe bus từ trường học. Ông Bush bèn rủ một đứa trẻ cùng chạy bộ thì đứa nhỏ lắc đầu biểu rằng: “má cháu dặn không được đi đâu với người lạ…”. Ông Tổng thống bèn giải thích ông ấy là ai và hứa sẽ đưa đứa trẻ về tận nhà rồi giải thích với bà mẹ. Câu chuyện kết thúc với việc ông Bush theo đứa trẻ về tận nhà và gặp gỡ rồi xin lỗi bà mẹ như đã hứa.
Cả chục ông tổng thống Huê Kỳ khác cũng đã viếng thăm Florida Keys kể cả ông Trump. Riêng ông Truman thì có cả một căn nhà riêng, the Little White House, tại đảo Tây; ngày nay trở thành viện bảo tàng nhỏ nhỏ, gần căn nhà cũ của văn hào Hemingway. Căn nhà của ông nhà văn ngày nay cũng là viện bảo tàng và là chỗ ở của 60 con mèo, theo di chúc. Lần trước Dế Mèn ghé chơi nơi này có vào bên trong để nhìn ngắm nơi văn hào phóng bút (đánh máy thì chính xác hơn). Trong khu vườn bao quanh có một cây “key lime” cổ thụ, tuổi mấy trăm năm. Lần này đi ngang, phe ta chỉ ngó chứ không vô thăm nữa. Ðường phố vật đổi sao dời, chỉ còn ít ngôi nhà cũ được giữ làm di sản văn hóa nên lòng dậy chút bùi ngùi.
So với những trái chanh xanh (lime) nguồn gốc từ Ba Tư, key lime là giống chanh lai, chỉ một phần của họ “citrus”; vỏ mỏng màu vàng nhạt, trái nhỏ và nhiều hạt; key lime lại ít nước nên hơi vất vả khi muốn vắt chanh làm bánh, món bánh key lime pie có hương vị thơm đặc biệt. Lần trước Dế Mèn ăn thử key lime pie ở đó rồi rinh thêm cả cái bánh về thưởng thức tiếp. Hôm nay cũng chỉ ngó vì không gặp lại cảm giác thích thú, thèm ăn món lạ ngày nào.

Dế Mèn mượn tấm phông của một họa sĩ địa phương. Ảnh: tác giả cung cấp

Mấy ngày ở Florida Keys lại gặp một ngày mưa tầm tã nên việc lang thang cũng bớt hăm hở. Hôm gió mạnh biển động nên chuyến đi tàu xem cá, glass bottom boat, bị hủy bỏ kẻo bá tánh lên tàu rồi chịu không nổi mà ói mửa lung tung. Ra biển không được thì phe ta loanh quanh trên bờ ngó cảnh đường xa.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Ở Islamorada có trại “nuôi” tarpon. Cá được lùa vào gần bờ và được người nuôi làm kiểng; những con cá dài cả thước quẫy nước mỗi lần táp mồi. Mấy con bồ nông tranh ăn dạn dĩ vây quanh nhóm người nuôi cá, mổ luôn vào tay mấy người cầm mồi.

Bữa tối tại quán bên đường có món conch fritters, đặc sản của Florida Keys là món thịt ốc bằm nhỏ trộn với gia vị và bột rồi đem chiên giòn. Món này không thấy trên thực đơn ở những địa phương khác. Món ăn đặc biệt khác là stoned crab, cua đá. Khắp quần đảo chỗ nào cũng có quán stoned crab. Càng cua khá lớn, được đập giập trước khi dọn ra bàn ăn, ta chỉ việc kéo nhẹ là miếng thịt cua rời vỏ. Thịt cua tươi rất ngọt ăn chung với sốt mù tạt hoặc với bơ. Loài cua ấy được săn bắt và “nuôi” rất lạ. Cua cỡ lớn bị bẻ một càng rồi thả về biển cả để tiếp tục mọc càng mới và “nuôi” ngư phủ dài dài. Nếu tham lam mà vặt luôn cả hai càng thì con cua không thể tự vệ và đành trở thành thức ăn của các giống thủy sinh khác.

Phe ta ngó bá tánh cho tarpon ăn. Ảnh: tác giả cung cấp

Khắp quần đảo nơi nào cũng trồng phượng vĩ, Royal Poinciana, năm nọ đến đây trổ bông rực rỡ hai bên đường nhưng hôm nay vào Thu nên hoa tàn và rụng gần hết. Mùa Thu ở đây cây cỏ vẫn xanh rì vì khí hậu nhiệt đới, nóng và ẩm hầu như quanh năm trừ những ngày gió lộng. Dế Mèn dùng một ngày đi loanh quanh đảo Tây, ngó đường phố đông người qua lại. Chẳng thấy ai đeo mask nên cũng tránh luôn những hàng quán đông người.

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

Mấy ngày rong chơi nhận thấy Florida Keys thay đổi khá khá, trừ mấy ngôi nhà được bảo trì như di sản văn hóa. Ôi chao, câu nói chẳng có chi là vĩnh cửu đúng quá xá. Chẳng biết bao giờ Dế Mèn mới có dịp trở lại nơi này và nếu có trở lại, thành phố hẳn cũng sẽ thay hình đổi dạng mà trở thành phố lạ như hôm nay!

Phố chính nằm trên Mallory Square, cả viện bảo tàng cất giữ những vật dụng tìm thấy từ những chiếc tàu gặp nạn. Ảnh: tác giả cung cấp

TLL