Tấm khăn che mặt hay “mask” trở nên một danh từ quá xá phổ thông từ ngày đại dịch hoành hành; cư dân thế giới gọi tấm khăn che mặt kia bằng nhiều tên, theo công dụng là “Germ shield” (tắm chắn vi khuẩn); theo tâm cảm bực bội là “dirt trap”, cái bẫy bụi hoặc mỉa mai, chống đối là “muzzle”, vật dụng buộc miệng thú vật (“rọ miệng”). Khăn che mặt không có chi mới mẻ, vật dụng này đã được sử dụng cả trăm năm nay, để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và bảo vệ sức khỏe. Khăn che mặt vô cùng phổ thông với dân Á Châu, ta dùng để cản bụi đường; người Việt ta gọi là “khẩu trang” (“khăn che miệng” dù tấm khăn che cả mũi?!)
So sánh với trận đại dịch cúm (Spanish Flu 1918) của thế kỷ trước, đại dịch Vũ Hán có nhiều điểm tương đồng và cũng có những dị biệt. Ngày trước, cư dân Huê Kỳ cũng dùng mặt nạ để tự bảo vệ; mặt nạ thủa ấy chế tạo từ các loại vải dệt thưa như gauze (vải mùng) và cheesecloth (vải lọc nước). Trong đại dịch, xưa cũng như nay, chuyên viên y tế công cộng đều khuyến khích cư dân dùng mặt nạ để tự bảo vệ và tránh nhiễm trùng cho người chung quanh. Xưa cũng như nay, cư dân có người đồng thuận và cũng có kẻ chống đối.
Là chuyên viên y tế nên với Dế Mèn, việc dùng mặt nạ là chuyện hiển nhiên như đói thì ăn, khát thì uống và muốn phòng ngừa bệnh truyền nhiễm thì rửa tay, đeo mặt nạ… nên vô cùng bỡ ngỡ với việc chống đối. Áy náy như thế nên phe ta mày mò lục lại tài liệu cũ, may ra hiểu thêm ít nhiều về sinh hoạt của tiền nhân trước đại dịch. Và khi đọc sách vở thì tìm ra vài điều lý thú nên xin kể lại đây.
Trong những năm 1918, 1919 của đại dịch cúm, quán rượu, tiệm ăn, những địa điểm tụ họp để ăn uống chuyện trò cũng như rạp hát trường học đều bị đóng cửa. Mặt nạ đã trở thành biểu tượng của sự chống đối vì “chính quyền quá quan trọng hóa đại dịch”; và cư dân cũng xuống đường, đưa kiến nghị và cứ tụ họp để phản kháng. Trong lúc ấy, cả chục ngàn người Huê Kỳ đã chết vì cúm!
Theo sách vở, dịch cúm xuất hiện lần đầu tiên vào tháng Ba, năm 1918 trong một căn cứ quân đội tại Kansas, khoảng 100 binh sĩ bị nhiễm trùng. Chỉ chừng một tuần lễ sau, số người bị nhiễm trùng tăng gấp 5, rồi nhanh chóng lan tràn khắp nơi. Ðể đáp ứng, một số địa phương ban hành luật cách ly hầu tránh bệnh tật lan tràn. Theo Bác Sĩ Howard Markel, tác giả cuốn sách “Quarantine!” và cũng là một sử gia về dịch bệnh tại đại học Michigan, đến mùa Thu cùng năm thì bảy thành phố lớn San Francisco, Seattle, Oakland, Sacramento, Denver, Indianapolis và Pasadena, California đã ban hành luật buộc cư dân dùng mặt nạ. Thủa ấy, cũng có những người chống đối nhưng tiếng nói của họ không mạnh mẽ cho mấy. “Anti-Mask League”cũng lên tiếng nhưng cũng chỉ là những nhóm nhỏ.
San Francisco là thành phố tiên phong về những luật lệ an toàn y tế, theo dõi bệnh tật kỹ lưỡng và ghi chép cả việc một nam nhân mang bệnh về nhà sau chuyến thăm viếng Chicago. Một việc làm khó thể lặp lại ngày nay vì bá tánh di chuyển hà rầm, thành phố nào có đủ nhân viên y tế công cộng để lập hồ sơ rồi tìm kiếm, theo dấu vết bệnh tật kỹ lưỡng như thế?
Ðến cuối tháng Mười thì tại California đã có 60 ngàn người nhiễm bệnh, riêng San Francisco thì con số đã lên đến 7 ngàn người và thành phố được đặt tên “masked city.” “The Mask Ordinance” do thị trưởng James Rolph ban hành ngày 22 tháng Mười năm 1918 đã khiến San Francisco trở thành thành phố đầu tiên bắt buộc cư dân dùng mặt nạ, và chiếc mặt nạ phải có đủ 4 lớp!
Nhật báo The San Francisco Chronicle cho rằng chiếc mặt nạ giản dị nhất làm bằng vải mùng bốn lớp và dây thun, loại mặt nạ mà các nhân viên công lực sử dụng ngày ấy và bị chế giễu là cảnh sát đắp mặt bằng miếng bánh!?
Những người phản đối càm ràm rằng đeo mặt nạ rất khó chịu, xấu xí và mất tự do ngay cả việc chỉ riêng trong tháng Mười, số người tử vong đã lên đến 195 ngàn người! Bài báo của ký giả Alma Whitaker trên tờ The Los Angeles Times (ngày 22, tháng Mười năm1918) thuật lại rằng những người nổi tiếng (tài tử, minh tinh điện ảnh) đã cằn nhằn về mặt nạ vì khi phải dùng, bá tánh chẳng mấy ai nhận ra họ [là người nổi tiếng] nữa cả!
Tại quán ăn, nhân viên đeo mặt nạ nhưng thực khách thì cuộn tấm che mặt lên mũi rồi há miệng nhai nuốt thức ăn. Riêng bà ký giả cũng phản đối và từ chối dùng mặt nạ rồi phây phây ra đường. Lập tức bà ấy bị đưa đến trụ sở Hồng Thập Tự về tội “bất tuân” và thúc ép phải dùng mặt nạ!
Luật lệ đeo mặt nạ được áp dụng chặt chẽ, kẻ bất tuân bị phạt từ 5 -10 Mỹ kim hoặc đi tù 10 ngày. Ngày 9 tháng Mười Một năm ấy, trên ngàn người bị bắt giữ, nhà tù đông đến độ chỉ còn chỗ đứng. Tòa án và cảnh sát phải làm việc ngày lẫn đêm để giải quyết số “tù nhân” đông đảo nọ. Khi quan tòa Mathew Brady hỏi tội phạm tại sao không đeo mặt nạ thì có kẻ trả lời rằng họ đang đốt điếu xì gà thì bị bắt trong khi người khác biểu không thích tuân theo luật lệ kia.
Báo chí địa phương cũng tường thuật về các cuộc ẩu đả giữa người thuận và kẻ chống luật đeo mặt nạ. Ngay cả nhân viên y tế, health inspector, ông Henry Miller cũng đã bị kẻ chống đối uýnh tơi bời vì thúc ép họ đeo mặt nạ. In hệt như ngày nay, nhiều nhân viên cửa tiệm bị khách hàng chửi bới, thượng cẳng chân hạ cẳng tay và ngay cả rút súng dọa bắn vì đã yêu cầu khách hàng dùng mặt nạ theo luật lệ của cửa tiệm.
San Francisco, Los Angeles không chỉ là hai nơi xảy ra những vụ ẩu đả về việc đeo mặt nạ, tại những thành phố lớn khác như Chicago, cư dân cũng họp nhau chống đối. Theo tờ báo Chicago Daily Tribune, tháng Mười năm 1918, trong buổi họp thường niên của hội đoàn the Illinois Equal Suffrage Association ghế ngồi đặt cách nhau 4 bộ Anh, và chỉ 100 hội viên được tham dự. Hội đoàn này phản kháng việc đeo mặt nạ vì khi chụp ảnh, chẳng ai thấy mặt mũi họ nên lúc ra ứng cử, cử tri không mấy quen thuộc!?
Bốn tuần lễ phải đeo mặt nạ chấm dứt trưa ngày 21 tháng Mười Một, và cư dân San Francisco đổ ra đường nhảy múa reo mừng. Người người tháo mặt nạ vứt xuống đất, giày xéo cho hả giận; nhà thờ đổ chuông như thể khi thánh lễ quan trọng được cử hành! Cảnh sát thành phố thở ra vì họ không phải thực thi luật pháp nữa trong khi hàng quán tặng không rượu bia, kem… cho khách ăn, uống. Ðường phố đầy những chiếc mặt nạ… rác.
Trận cúm đầu tiên vừa chấm dứt [cùng lúc với luật đeo mặt nạ] nhưng trận cúm thứ nhì đang từ từ lộ diện. Ðến giữa tháng Mười Hai thì thành phố đã rục rịch định ban hành luật đeo mặt nạ nhưng lần này thì cư dân phản đối mãnh liệt. Tổ chức Anti-mask League ra đời. Văn phòng của ông sếp chi y tế địa phương, Bác Sĩ William C. Hassler bị đặt bom nhưng bom không phát nổ.
Kể lại chuyện cũ và phân tích các dữ kiện liên quan đến trận cúm 1918, sử gia Brian Dolan, University of California, San Francisco, cho rằng phản đối việc đeo mặt nạ không phải là vì điều luật ấy vi hiến mà thực ra vì tiền! Bị mất cơ hội buôn bán làm ăn nên cư dân nổi đóa và họ phản ứng bằng cách chống đối dữ dội. Theo thống kê của CDC, đến cuối năm 1918 thì con số tử vong đã lên đến 244, 681 người.
Tháng Giêng năm 1919, thành phố Pasadena ban hành điều luật đeo mặt nạ và cảnh sát đành ép cư dân tuân theo. Cảnh Sát Trưởng W.S. McIntyre cho rằng đó là một điều luật bị chống đối ầm ĩ nhất; cảnh sát chịu áp lực, chửi bới từ nhiều phe phái, tứ bề thọ địch. Hàng quán vắng hoe vì bá tánh không muốn ra đường nên người người rầu rĩ.
Năm ấy, đeo mặt nạ trở thành biểu tượng chính trị, in hệt như chuyện ngày nay! Cư dân xuống đường đòi thị trưởng và sếp y tế từ chức vì “ép dân đeo mặt là vi phạm quyền tự do” của họ và “chẳng có bằng chứng nào là đeo mặt nạ tiết giảm sự lan tràn của cúm!”
Vào cuối tháng Hai năm 1919, số người nhiễm bệnh đã giảm khá nhiều và điều luật kể trên cũng được bãi bỏ. Nhưng rồi đến cuối năm 1919, trận bão cúm trở lại Huê Kỳ lần thứ ba (!); con số tử vong lên đến 675 ngàn người; riêng tại San Francisco, tỷ lệ tử vong là 3%, một tỷ lệ cao nhất trên đất nước này.
Theo Tiến Sĩ Dolan, câu chuyện của Anti-Mask League xem ra đang được lặp lại ngày nay, cũng in hệt các lập luận, ý tưởng cũ. Ðiều này cho thấy điểm đặc thù của cư dân Huê Kỳ: sự chia rẽ [về] tư tưởng hay phân cách giữa tự do cá nhân và sự đồng thuận áp dụng điều lệ y tế vì sức khỏe cộng đồng! Sự phân cách ấy xem ra đang được người thế giới bàn luận ồn ào.
TLL
* Tài liệu từ (http://www.influenzaarchive.org/cities/city-sanfrancisco.html)
* Hình ảnh của San Francisco Chronicle – Archives; Chicago Daily Tribune – Archives