Trước khi ông Trump tuyên bố “đòi” kênh Panama (Panama Canal) về cho Hoa Kỳ thì chẳng mấy ai nhắc đến địa danh ấy ngoài mấy hãng du lịch bằng thuyền bè, cruise. Họ quảng cáo mời gọi du khách mua các chuyến hải hành trên du thuyền. Từ đó, thăm viếng, nhìn ngắm Panama Canal trở nên phổ thông, địa điểm này nghiễm nhiên trở thành nơi thu hút du khách của quốc gia ấy. Thực ra Panama Canal là đường vận chuyển khá quan trọng cho ngành hàng hải và thương mại.

Suốt thế kỷ XIX, chính phủ Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng như các thương gia đều mong ước việc vận chuyển hàng hóa nhanh lẹ [ít tốn kém] giữa hai bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Năm 1850, để tranh giành với Central American Republic of Nicaragua, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã từng thương lượng [không thành công] chương trình xây cất một  kênh đào nối liền hai bờ biển này. Chương trình đào kênh qua Panama (thủa ấy là lãnh thổ của Colombia) của Pháp tiến xa hơn. Chính ông Ferdinand de Lesseps, người xây cất Suez Canal tại Ai Cập trước đó, khởi đầu chương trình xây cất Panama Canal qua sự tài trợ của chính phủ Pháp năm 1880. Bệnh tật, sốt rét, sốt vàng da và các căn bệnh thời khí, đã phá nát chương trình xây cất kia. Sau 9 năm ròng rã và 20 ngàn nhân công tử vong, chính phủ Pháp vỡ nợ nên đành buông tay. Người Hoa Kỳ nhanh chóng thế chỗ, hủy bỏ hiệp ước trước đó với Anh quốc và ký kết với chính phủ Colombia qua hiệp ước ‘The Hay-Pauncefote Treaty of 1901’. Hiệp ước này cho phép Hoa Kỳ xây cất và điều hành kênh đào. Việc ký kết giữa hai ông ngoại trưởng bị quốc hội Colombia phản đối, đòi hủy bỏ vì các điều kiện kém lợi lộc về tài chánh.

Thương thảo không xong thì Hoa Kỳ dùng bắp thịt. Chính Tổng Thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đã khởi đầu chương trình đào kênh Panama vào đầu thế kỷ XX sau khi đưa quân đội đến bờ biển Panama City (Thái Bình Dương) và Colón (Đại Tây Dương) dưới danh nghĩa “ủng hộ việc độc lập của người Panama” (tách rời Colombia). Ngày 3 tháng Mười Một, Panama tuyên bố độc lập sau khi quân đội Colombia thua trận, trở thành ‘Republic of Panama’. Quốc gia tân lập nọ chọn ông Philippe Bunau-Varilla (kỹ sư công chánh Pháp làm việc trong chương trình xây cất Lesseps trước đó) làm đại diện (“Envoy Extraordinary và Minister Plenipotentiary”) để nối lại việc thương thảo hiệp ước ‘Hay-Bunau-Varilla Treaty of 1903’. Hiệp ước này cho Hoa Kỳ quyền sở hữu kênh đào, trả Panama 10 triệu Mỹ kim [đặt cọc] và sau đó, mỗi năm 250 ngàn Mỹ kim [thuê mướn]. Hoa Kỳ cũng thỏa thuận bảo vệ nền độc lập của Panama!

Người Pháp khởi công xây cất ở chân Đồi Vàng ở Culebra Cut năm 1896. nguồn: en.wikipedia.org

Hoàn tất năm 1914 với phí tổn trên dưới 400 triệu Mỹ kim, Panama Canal trở thành biểu tượng về sức mạnh kỹ thuật và kinh tế của Hoa Kỳ và được xem là sự thành công quan trọng trong chính sách đối ngoại của chú Sam thủa ấy. Thấy Hoa Kỳ kiếm tiền và kiểm soát kênh đào, tiền bạc lẫn quyền hành, qua nhiều năm, người Panama nóng mặt nên kỳ kèo đòi lại chủ quyền. Việc thương thảo dẫn đến hòa ước Torrijos–Carter Treaties năm 1977, Hoa Kỳ trả lại Panama Canal. Nhưng mãi 22 năm sau, dưới sự kiểm soát của cả hai quốc gia, Hoa Kỳ mới hoàn toàn rút lui, chính phủ Panama chính thức lấy lại chủ quyền Panama Canal năm 1999.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/20/2025)

Năm nay vừa lên ngôi, ông Trump đánh tiếng đòi chủ quyền của kênh đào này. Kênh đào này mang lại những quyền lợi nào để Hoa Kỳ nhìn ngắm?

Tổng thống Theodore Roosevelt tại Culebra Cut, 1906. nguồn: en.wikipedia.org

Một số chi tiết đáng kể về Panama Canal:

  1. Panama Canal là hải lộ ngắn giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Kênh đào Panama nằm giữa vùng Bắc và Nam Mỹ, dài 50 dặm (77 cây số), tàu bè tốn khoảng 8 tiếng để vượt qua hải trình này. Trước đó, để vận chuyển, tàu bè phải đi vòng qua Cape Horn, “mũi” biển tại vùng Nam Mỹ, một hải trình dài 12,500 dặm (20 ngàn cây số); Panama Canal “ra đời”, tiết kiệm biết bao nhiêu thời giờ và tiền bạc.

  1. Kênh đào Panama đã trên trăm tuổi, “qua tay” nhiều quốc gia, từ lãnh thổ của Colombia, Pháp rồi Hoa Kỳ và hiện nay, Panama.
  2. Để xây cất Panama Canal, 43+ ngàn nhân công đã đổ mồ hôi, xương máu. Đầu thế kỷ XX, thủa “sơ khai” về y tế công cộng, chương trình xây cất kênh đào Panama của Pháp đã khiến 20 ngàn nhân công tử vong vì bệnh truyền nhiễm. Người Hoa Kỳ tiếp tục và áp dụng các nguyên tắc phòng bệnh [qua phương pháp diệt muỗi] nên tiết giảm được bệnh tật. Tuy nhiên, số thương vong của nhân công vẫn khoảng 5 ngàn người. Tạm hiểu là chương trình xây cất Panama Canal đã khiến 25 ngàn người mất mạng.
  3. Theo American Society of Civil Engineers, Panama Canal là một kỳ quan của thế giới về công chánh; xây cất kênh đào ấy là một quá trình lớn nhất và khó khăn nhất về kỹ thuật. Cả một hệ thống “khóa” (rộng 110 bộ Anh hay 33 thước; dài 1,000 bộ hay 300 thước) giúp đưa tàu bè lên độ cao 85 bộ Anh (26 thước) trên mực nước biển để vào một hồ nước nhân tạo, sau khi vượt qua hồ nước (kênh đào) đó, hạ tàu xuống để trở lại bờ biển phía bên kia.
  4. Sách vở ghi chép nhiều kỷ lục về Panama Canal: Năm 1914, khoảng 1,000 con tàu đã đi qua Panama Canal, đến nay thì con số ấy lên đến cả triệu chuyến hải hành, vận chuyển mấy trăm triệu tấn hàng hóa, gấp 4 lần mức ước tính ban đầu!
    Nhiều tàu bè qua lại, nên tiền thu thuế đã lên đến trên 2 tỷ Mỹ kim hằng năm. Thuế mãi lộ dựa trên kích thước, lượng hàng hóa chuyên chở…. Khoảng 450 ngàn Mỹ kim / chuyến, du thuyền thì ít thuế hơn, có lẽ nhân sự “nhẹ” hơn hàng hóa? Ông Richard Halliburton người Hoa Kỳ đã trả 36 cents năm 1928 để bơi qua kênh đào này!

Con tàu đầu tiên đi qua kênh tại lễ khai trương chính thức, SS Ancon, đi qua vào ngày 15 tháng 8 năm 1914. nguồn: en.wikipedia.org

Panama Canal tiếp tục được khai mở rộng rãi hơn để tiếp nhận các tàu bè lớn hơn, vận chuyển khoảng 5% lượng hàng hóa qua đường hàng hải của thế giới. Lần xây cất sau cùng vào năm 2016. Quan trọng như thế nên dễ hiểu là Panama Canal trở thành tâm điểm của các cuộc tranh chấp, hiện nay mới chỉ lời qua tiếng lại, chưa biết lúc nào thì xảy ra chiến tranh?

Xem thêm:   Bong bóng đỏ

Phía Hoa Kỳ, Panama Canal đã “bị” “Tàu hóa”’, Trung Cộng sử dụng kênh đào này để buôn bán rầm rộ quá xá, Hoa Kỳ [ấm ức] việc bỏ tiền xây cất, làm cỗ để “đối thủ kinh tế” sử dụng, tạm hiểu là ‘Panama Canal bị Trung Cộng “mua” và Hoa Kỳ phải đòi lại sau khi bị trả thuế mãi lộ cao ngất ngưởng!’ Hoa Kỳ dựa trên điều khoản “Panama giữ trung lập” trong Torrijos–Carter Treaties năm 1977, lập luận rằng Hoa Kỳ có thể “đụng tay đụng chân” để bảo vệ Panama Canal khi kênh đào này “mất trung lập”.

Bên Panama trả lời rằng Panama Canal vẫn là tài sản của họ, ông Tổng thống José Raúl Mulino lên tiếng là ai xài kênh đào này cũng phải trả thuế mãi lộ, Panama Canal không bán mà cũng chẳng quốc gia nào được can thiệp vào quyền điều hành của Panama.

USS Missouri – một thiết giáp hạm – là một trong những chiếc lớn nhất, đi qua kênh đào vào ngày 13 tháng 10 năm 1945. nguồn: en.wikipedia.org

Có bao nhiêu “sự thật” về việc Hoa Lục can thiệp vào nội bộ của Panama? Theo quan sát viên quốc tế, chưa có sự việc nào cho thấy Trung Cộng “kiểm soát” Panama Canal hoặc đóng quân tại Panama. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, Tàu đã vận chuyển một lượng hàng hóa kha khá (21.4%) qua kênh đào này, quốc gia thứ nhì (sau Hoa Kỳ) đã sử dụng hải lộ ấy. Quốc gia này cũng đã đầu tư nhiều vào các bến cảng và nhà kho gần kênh Panama nhất là bến Balboa (bờ Thái Bình Dương) và Cristóbal (bờ Đại Tây Dương); công ty Hutchison Port Holdings [liên hệ mật thiết với chính phủ Hoa Lục] điều hành từ năm 1997. (Công ty này của tập đoàn CK Hutchison Holdings từ Hongkong do tài phiệt Li Ka-shing đứng tên). Thoạt tiên, khi Hutchison Port Holdings đấu thầu để lấy quyền điều hành các bến cảng kể trên Hoa Kỳ không để tâm cho lắm; mãi cho đến gần đây, thấy Hoa Lục làm ăn rầm rộ quá nên mới “thắc mắc”.

Được [Hoa Lục] o bế để lấy ảnh hưởng (Panama được xem là “sân sau” của Hoa Kỳ), Panama hủy bỏ mối ngoại giao với Đài Loan để chính thức bắt tay Hoa Lục năm 2017; sau đó trở thành quốc gia Châu Mỹ La Tinh đầu tiên liên kết với Hoa Lục trong chiến dịch “Belt and Road Initiative”, cho phép Hoa Lục đầu tư các chương trình xây cất hạ tầng cơ sở rộng lớn tại phương xa. Theo sát nút là The Dominican Republic, El Salvador, Nicaragua, và Honduras để làm ăn với Hoa Lục.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

Thấy Hoa Lục giành được ảnh hưởng với Panama và các quốc gia lân bang, Hoa Kỳ sốt ruột lắm, lo âu về an ninh quốc phòng và cả quyền lợi kinh tế đang từ từ bị Hoa Lục dòm ngó, thu tóm, ông Trump lên tiếng “đòi lại” Panama Canal. Tổng thống José Raúl Mulino cũng họp báo, công bố chủ quyền của Panama và nhấn mạnh rằng kênh đào kia là lãnh thổ của Panama.

Xây dựng âu thuyền trên kênh đào Panama, 1913. nguồn: en.wikipedia.org

Theo các quan sát viên quốc tế, từ năm 2000, kênh Panama nằm dưới sự kiểm soát của Panama Canal Authority bao gồm những nhân viên hành chánh do chính phủ tuyển chọn. Phần lớn nhân viên làm việc tại Panama Canal là người Panama, và qua các cuộc đấu thầu, Panama Canal Authority giao quyền điều hành bến cảng / nhà kho lân cận cho công ty trúng thầu. Thuyền bè qua lại đều do các thuyền trưởng làm việc dưới quyền Panama Canal Authority điều khiển.

Dù Hoa Kỳ có thể lo ngại về “sân sau” bị nhòm ngó, Panama khẳng định rằng chẳng có chứng cớ nào cho thấy Panama Canal do Hoa Lục kiểm soát.

Về phía Hoa Kỳ, chính phủ [ta] cho rằng Panama Canal chỉ được trả lại cho Panama [không chính phủ nào khác], ngày nay Panama lại để Hoa Lục “chiếm giữ” kênh đào ấy nên cần đòi lại! In hệt như truyện phim “The Tailor of Panama” (Pierce Brosnan và Geoffrey Rush đóng mấy vai chính), kể chuyện Hoa Kỳ mang quân xâm chiếm Panama nhận được tin tình báo [sai] là Hoa Lục bí mật mua Panama Canal. Khẩu khí của chính phủ Hoa Kỳ thì như thế nhưng không biết phe ta có thực sự “động binh” hay không?! Tất nhiên là cái giá phải trả sẽ rất cao, nhân lực cũng như tài lực.

Ta chờ xem?!

Dự án mở rộng kênh đào Panama mới, tháng 7 năm 2015. nguồn: en.wikipedia.org

Cập nhật: Ta chẳng cần chờ đợi nữa. Theo các bản tin từ 24 giờ qua, sau lần thăm viếng của ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio để chính thức yêu cầu Panama tiết giảm ảnh hưởng [kinh tế và chính trị] từ Tàu cộng, bằng không, kênh đào kia không còn “trung lập” nữa (và đây là lý do để Hoa Kỳ động binh lấy lại Panama Canal).

Để tránh cuộc binh đao, chính phủ Panama đã rục rịch thay đổi. Đầu tiên là việc chấm dứt việc tham gia chương trình “Belt and Road” (Nhất Đái Nhất Lộ) của Hoa Lục; kiểm soát chặt chẽ Darién Gap để tiết giảm di dân bất hợp pháp và cho tàu hải quân Hoa Kỳ qua lại hoàn toàn miễn phí. Các điều khoản khác như chấm dứt các hợp đồng với tập đoàn CK Hutchison Holdings (Hồng Kông) sớm hơn thời hạn, không cho công ty này điều hành hai bến cảng kể trên nữa. Kế tiếp là xem xét lại cách thức tính tiền mãi lộ, mọi con tàu qua lại trên kênh  đào này đều phải trả tiền như nhau tính theo thời giá hình như còn đang được thương thảo.

Theo các luật gia quốc tế, nếu miễn phí cho tàu hải quân Hoa Kỳ qua lại Panama Canal khiến Panama không còn “trung lập” nữa và nếu chấm dứt hợp đồng thương mại với tập đoàn CK Hutchison Holdings trước thời hạn, Panama có thể vi phạm luật thương mại và phải đền bù tiền bạc.

Phía Hoa Lục, thấy chuyện làm ăn bị chựng lại, họ đã lên tiếng phản đối.

TLL