Khói lửa đang hừng hực tại biên giới Israel và Gaza, số thương vong lên đến mấy ngàn người chưa kể biết bao tài sản mồ hôi nước mắt của bao nhiêu con người tan thành tro bụi. Khó lòng để kẻ bàng quan như phe ta hiểu được ngọn ngành tại sao người địa phương thù hận nhau sâu đậm như thế và giữ mối ân oán dai dẳng đủ để tạo ra chiến tranh khủng khiếp như hiện nay.

Jerusalem. nguồn: gettyimages  

Mấy năm trước, Dế Mèn may mắn có cơ hội lang thang suốt 3 tuần lễ ở vùng đất ấy, một quốc gia nhỏ xíu, lãnh thổ chỉ vỏn vẹn 8,630 dặm vuông, cỡ tiểu bang New Jersey của Huê Kỳ. Xe chạy một mạch từ đầu đến cuối dải đất 290 dặm kia chỉ mất vài tiếng đồng hồ mà tiêu xài mấy tuần lễ nhưng vẫn chưa đủ, chưa thấm tháp chi với lịch sử của con người và đất đai ấy! Cứ dăm ba quãng đường là lại thấy một dấu tích tuổi vài ngàn năm, vừa nhìn ngắm vừa mày mò tìm hiểu nên lè è chậm rì.

Trên mảnh đất ấy, người Palestine (thuộc khối Ả Rập) chiếm giữ vùng West Bank (Bờ Tây) và dải đất Gaza dọc biên giới Ai Cập và Israel. Mỗi vùng [Palestine] lại có một chính phủ khác nhau.

Nhìn thoáng, Israel là một quốc gia “mới” dù tuổi tác đã chục ngàn năm, chính thức được độc lập ngày 14 tháng 5, năm 1948, theo chính thể cộng hòa, có tổng thống, thủ tướng và quốc hội (kneset). Dân số trên dưới 10 triệu người, 75% gốc Do Thái; 21% Ả Rập (theo đạo Hồi nhánh Sunni) và phần còn lại là các sắc dân khác theo đạo Thiên Chúa và Druse (Druze). Ngôn ngữ chính thức là Hebrew và Arabic, và phần lớn cư dân ở đó “hiểu” nhau, dùng được cả hai ngôn ngữ.

Jerusalem được xem là thánh địa của 3 tôn giáo cùng gốc gác, chung tổ phụ Abraham (Ibrahim): Do Thái (Jewish), Thiên Chúa giáo (Christan) và Hồi giáo (Muslim). Đạo Do Thái tin theo truyền sử Isaac trong khi đạo Hồi theo Ishmael; là hai anh em cùng cha Abraham nhưng khác mẹ. Cụ tổ Isaac là con bà cả trong khi cụ tổ Ishmael dù ra đời trước nhưng lại là con của tỳ nữ nên không được xem là dòng “chính”(?) Mỗi bên giữ niềm tin sắt đá, sắt đá đủ để gọi “bên kia” là “tà đạo”! Tín ngưỡng dẫn đến các xung đột mỗi ngày một sâu đậm nên không lạ là thành phố nhỏ xíu Jerusalem bị chia thành từng khu rõ ràng: Muslim, Jewish, Christan và Armenian quarter. Chỉ vài chục bước chân là ta đi qua ranh giới của các khu phố, cứ nhìn cờ quạt, nhà thờ, đền thờ … đánh dấu các thánh địa ấy mà nhận biết ta đang ở đâu.

Xem thêm:   Từ Chung 

Cùng ngôn ngữ, cùng thói quen sinh sống nên bá tánh sống quây quần với nhau là điều hiển nhiên nhưng khi tôn giáo [trở thành quan điểm chính trị] là nền tảng của đời sống thì ta không còn sum họp được nữa? Bất đồng dữ dội trở nên bất hòa và xung đột; ít thì chửi bới chê bai nhau nhiều thì dao kiếm, súng đạn?

Thăm viếng những vùng đất Âu Á, từ Baltic đến Trung Á với các dấu tích Do Thái bị xóa sổ, chỉ còn mỗi tấm biển trên dưới 10 cm vuông ghi nhận đó là thôn xóm xưa cũ của cư dân Do Thái từ vài trăm năm trước mới thấy bất nhẫn và bùi ngùi. Điều Dế Mèn chưa hiểu và đang tìm kiếm nguyên nhân; lý do nào khiến tộc [tín đồ] Do Thái bị người chung quanh truy đuổi và tận diệt suốt mấy trăm năm? Bị truy sát như thế nhưng dân tộc kia vẫn bền bỉ, sống sót và rủ nhau trở về đất tổ lập quốc, chung tay chiến đấu để giữ gìn nòi giống? Đoàn kết để trường tồn bằng không tấm gương đẫm máu Holocaust sẽ lặp lại. Câu chuyện của những cháu chắt người Do Thái khắp năm châu trở về Israel để sinh sống như chuyện nhiều cư dân Huê Kỳ, sinh trưởng và thành danh tại Mỹ nhưng vẫn đưa gia đình về Israel vì niềm tin về đất tổ. Điều Dế Mèn càng không hiểu là tại sao khối Ả Rập 400 triệu người cứ nhất quyết hè nhau tru diệt 10 triệu dân Do Thái sinh sống ở Israel?! Bị bao vây, sống giữa kẻ thù truyền kiếp như thế nên không lạ là người Do Thái sẵn sàng sống chết để giữ nhà, giữ đất và họ bị xem là “khát máu”!

Truyền thống đặc biệt nhất của người Do Thái có lẽ là nếp sống cộng đồng, Kibbutz, nơi cư dân tụ họp sinh sống theo tập thể dù họ vẫn là công dân Israel, tuân theo luật pháp kể cả việc gia nhập quân đội, hiện dịch cũng như trừ bị khi đủ tuổi cầm súng, trai gái như nhau.

Phe ta theo nhóm du khách thăm viếng mấy thôn làng quanh vùng Golan Heights, nghe họ chuyện vãn về đời sống vui buồn hằng ngày. Làng Druze (Druse) bao gồm những người Ả Rập, quốc tịch Israel, nhưng không đồng thuận với cộng đồng Ả Rập mà theo tôn giáo riêng, đạo Druze, tin thờ Allah nhưng cũng tin vào việc nam nữ bình quyền, không chấp nhận nô lệ và nhất là việc tách rời tôn giáo với chính quyền. Một quan điểm vô cùng mới mẻ ở thời điểm mấy trăm năm trước.

Xem thêm:   Bánh tổ chiên món ăn gợi nhớ bâng quơ

Kibbutz El Rom nằm ngay tại Valley of Tears (Thung Lũng Nước Mắt) vùng đất chịu tàn phá nặng nề trong trận chiến Yom Kippur năm 1973 khi quân đội từ khối Ả Rập hè nhau tấn công khắp lãnh thổ Israel. Trận tấn công bất ngờ gây tổn thất nặng nề, nhân mạng cũng như vật chất, cho Israel khiến thủ tướng Golda Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan ông tướng độc nhãn lẫy lừng phải từ chức. Trong trận chiến ấy anh / em và dòng họ ông thủ tướng đương thời Netanyahu cũng mất mấy người. Nhà cửa xơ xác đầy dấu bom đạn, cư dân Israel ngày nay trồng nho cất rượu dù thân nhân họ sinh sống bên kia biên giới Syria. Phe ta gặp nơi đó một gia đình xuất phát từ New Jersey, chọn lựa sống chết với đất tổ chứ không muốn ở lại Huê Kỳ bình yên.

Druze villages. nguồn: timesofisrael.com/

Ở một Kibbutz khác, Kibbutz Kfar Haruv, nơi cư dân chọn sống hợp quần, mỗi gia đình một căn nhà nhỏ để giữ sự riêng tư nhưng ăn uống tại phòng ăn chung, mỗi người làm một việc, cày bừa chăn nuôi; trẻ em đi học hoặc vào nhà giữ trẻ; phòng y tế đều do người làng đảm nhận việc chăm nom dạy dỗ… Họ gom chung tài sản để duy trì thôn làng, từ máy phát điện đến bơm nước, hàng rào bao bọc chung quanh…

Phe ta và bạn bè qua đêm ở đó, ăn uống chung với người làng; bữa sáng thì ăn tại nhà riêng, một phòng ngủ với cầu thang lên gác xép nếu đông người, phòng tắm riêng, có người mang thức ăn nóng đến tận cửa để ta vừa ăn vừa ngó ra biển nhìn mặt trời lên lúc hừng đông. Giản dị nhưng vô cùng thoải mái và thú vị, một kinh nghiệm khiến Dế Mèn nghĩ đến Israel với ít nhiều cảm tình quý mến ngoài những khâm phục qua các di tích lịch sử.

Một chút về Kibbutz (theo Hebrew “kvutza” có nghĩa là “nhóm”): Kibbutz được thành lập khoảng 90 năm trước với khái niệm chính là mọi tài sản kiếm được từ Kibbutz là của chung, Kibbutzim, sử dụng cho mọi người trong cộng đồng. Thành viên chọn hội đồng quản trị và tuân theo một số “lệ làng”. Các tiêu chuẩn văn hóa xã hội như tôn giáo, giáo dục, y tế … đều do người làng thỏa thuận; họ nương tựa nhau mà sinh sống. Kibbutz là một cộng đồng lớn hơn đơn vị nhỏ nhất là gia đình. Các món chi tiêu đều nhắm đến mục đích chung, bất kể chức vị, tiền bạc đóng góp từ mỗi cá nhân. Phúc lợi được chia đồng đều theo đầu người; gia đình đông người được chia “phần” nhiều hơn. Mục đích là để mọi thành viên trong Kibbutz đều được sinh sống tương tự như nhau.

Xem thêm:   Những gánh đậu hủ lõm vai

Một số Kibbutz theo kiểu mẫu khác như cho phép người làng nhận mức lợi tức cá biệt (qua công việc) nhưng tiêu chuẩn “tối thiểu” về mức sinh sống được áp dụng cho mọi thành viên; nghĩa là chẳng ai khốn khó nếu chịu làm việc để đóng góp với thôn làng. Mỗi Kibbutz có lượng cư dân nhiều ít khác nhau, từ 100-1000 người. Có gia tộc bao gồm cả 3,4 thế hệ chọn việc tiếp tục nếp sống trong các Kibbutz xưa cũ; con cháu dọn ra rồi lại dọn về sau khi sống “thử” nếp sống tự do bên ngoài cộng đồng, nhất là những “ngoại kiều” (song tịch) trở về đất tổ! Kibbutz hoạt động theo khuynh hướng riêng, nơi nặng về tôn giáo, chỗ lại “bảo thủ” hoặc “phóng khoáng” tùy theo tuổi tác, gia cảnh … của thành viên

Kibbutzim xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, trước khi người Israel lập quốc; chính các Kibbutz ấy là nền tảng của quốc gia tân lập này. Ngày nay, chỉ 3% cư dân Israel chọn kiểu sinh sống hợp quần Kibbutz nhưng họ lại là các tập thể có mức sản xuất cao nhất so với hãng xưởng công cũng như tư. Thành viên của các Kibbutz cũng là những người duy trì truyền thống Do Thái mạnh mẽ nhất. Khoảng 250 Kibbutz rải rác khắp lãnh thổ Israel nơi cư dân sinh sống.

Bên Huê Kỳ, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng có một vài cộng đồng hippie, hoạt động theo kiểu mẫu của Kibbutz nhưng mấy cộng đồng ấy tan rã sau chừng mươi năm vì thành viên bỏ đi.

Sau Holocaust, khi 6 triệu người Do Thái bị truy diệt, cuối cùng tín đồ Do Thái cũng tìm được nơi trú ẩn để trở về trên đất tổ; họa diệt vong hiển hiện trước mắt nên không lạ là họ quyết lòng sống chết với đất nước Israel. Hình như Kibbutz là nền tảng của tinh thần cộng đồng / tổ quốc bền chặt của người Israel ngày nay?

TLL