Dế Mèn mua vé du lịch đi thăm Băng Đảo mà chuyến đi đã bị hoãn đến lần thứ nhì chỉ vì đại dịch Vũ Hán. Mong lắm mà chẳng biết đến bao giờ mới có dịp đặt chân lên vùng đất tinh tuyền ấy?!

Không được thấy “mặt” thì phe ta đành đọc sách và du lịch qua hình ảnh của bạn bè cùng những lời chỉ dẫn của họ, những người đã đến nơi ấy và ‘ở lì’ cả tháng trời vì nhiều lý do. Băng Đảo nổi tiếng vì nhân sinh quan của cư dân; quan niệm ‘etta reddast’ hay “khó khăn nào rồi cũng giải quyết xong”! Tạm hiểu là cứ cố gắng rồi việc diễn tiến đến đâu thì đến, đừng lo lắng quay quắt quá!

Theo cổ thư Landnámabók, con người sinh sống ở Băng Ðảo từ năm 874 khi tù trưởng Ingólfr Arnarson gốc Na Uy đến rồi sinh sống luôn ở đó. Những thế kỷ về sau, di dân Na Uy từ từ đến lập nghiệp và cả các bộ tộc gốc Scandinavia khác cũng đến định cư mang theo những “nô lệ” gốc Ái Nhĩ Lan.
Tổ tiên cư dân Băng Ðảo không phải là những “cướp biển” Viking lẫy lừng, vượt biển để khám phá chinh phục một vùng đất mới hầu mở rộng bờ cõi mà thực ra họ là những nông gia chân lấm tay bùn trốn lánh ách nô lệ (vì nghèo khó nên bị ép buộc làm gia nhân công rẻ), bắt lính dưới tay vua Harald Fairhair trong thế kỷ IX. Sợ hãi quá nên chịu cảnh vượt biển muôn ngàn hiểm nguy, thuyền nhân năm xưa rong ruổi 1,500 cây số qua biển bắc Ðại Tây Dương trên các chiếc tàu ọp ẹp để tìm đường sống!

Hòn đảo chịu ảnh hưởng của Hoàng gia Na Uy (như một nước chư hầu) nhưng có nền hành chánh riêng dưới quyền điều hành của Alþingi hay “Althing” (Quốc Hội). Cư dân tuy thần phục Na Uy, rồi liên minh Na Uy-Thụy Ðiển-Ðan Mạch nhưng vẫn duy trì được sự tự trị. Ðến năm 1944, Băng Ðảo chính thức trở thành một quốc gia độc lập. Hầu hết cư dân sinh sống tại thủ đô Reykjavik, trước đây kỹ nghệ chính là ngành đánh cá và canh nông nhưng vào thế kỷ XXI thì Băng Ðảo cũng theo chân Âu châu mà phát triển về tài chánh, kỹ thuật và hãng xưởng chế tạo.
Ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Bắc Âu nên Băng Ðảo cũng áp dụng tiêu chuẩn an sinh xã hội của những quốc gia chung quanh, theo hệ thống tự do mậu dịch (thương mại) nhưng với mức thuế tương đối thấp so với các quốc gia trong vùng. Ðất rộng người thưa, tài nguyên phong phú nên cư dân sinh sống khá thoải mái, Băng Ðảo xếp hạng tư theo chỉ số phát triển của Liên Hiệp Quốc, United Nations’ Human Development Index. Ðời sống yên bình quá nên Băng Ðảo đứng đầu trên chỉ số “an bình” của thế giới, Global Peace Index. Tạm hiểu là Băng Ðảo tuy không giàu có nhưng cư dân an vui, hạnh phúc!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Di dân đầu tiên lập nghiệp tại Băng Ðảo xuất phát từ vùng Bắc Âu và “gia nhân” Ái Nhĩ Lan nên dễ hiểu là họ mang theo phong tục văn hóa của cha ông. Ngôn ngữ chính Icelandic có nguồn gốc từ Ðức pha trộn với ngôn ngữ Ái Nhĩ Lan cổ. Trong các quốc gia của nhóm NATO, Băng Ðảo có số cư dân thấp nhất và cũng là quốc gia duy nhất không có quân đội mà chỉ có một đội quân nhỏ dành cho việc canh gác hải phận.

Thung lũng Haukadalur, Iceland

Thời khắc tốt đẹp nhất để thăm viếng Băng Ðảo là mùa Hè, khí hậu mát mẻ dễ chịu, ngày dài đêm ngắn và mặt trời rực rỡ khắp nơi. Không lạ là du khách kéo đến đó vào mùa Hè để ngắm mặt trời mọc, nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Bạn bè Dế Mèn kể chuyện hỏng xe lúc di chuyển giữa các thành phố và cung cách cư dân giải quyết các khó khăn rất dễ dãi, thủng thẳng. Xe hư? Không có thợ máy sẵn thì ta làm sao? Cứ để xe đó, mướn xe khác mà đi tiếp! Thôn làng xa xôi không có chỗ mướn xe? Thì ta cứ… tạm vui chơi tại chỗ, chờ thợ máy từ nơi khác đến chữa trị hoặc chờ cho đến khi xe câu đến lôi xe về nơi thuê mướn! Lựa chọn cách nào cũng phải chờ đợi ít nhất vài ngày và chương trình thăm viếng của ta có phải thay đổi thế nào thì cũng chẳng ai làm sao cả!? Qua lại một lúc rồi thì người bạn được nghe câu nói quen thuộc   từ nhân viên trả lời điện thoại. Nghĩa là việc chi rồi cũng xong mà quý khách!

Du khách đành ngẩn ngơ chịu trận vì chẳng có cách giải quyết nào khác hơn là chờ đợi. Bấm bụng / bực tức chờ đợi hay vui vẻ chờ đợi thì tùy thuộc vào triết lý sống cá nhân? Chấp nhận việc đã rồi và xuôi dòng thì đỡ mệt nhọc thay vì bực bội, ráng xoay trở sửa chữa, giải quyết việc xe hỏng sao cho chóng vánh hơn một hai ngày?

Xem thêm:   2 người thợ săn

Khi về lại nhà bạn bè Dế Mèn kể chuyện rồi khen nức nở, thủng thẳng thế mà lại hay, đâu rồi cũng vào đó, chỉ phải thay đổi chương trình thăm viếng của chuyến du lịch. Phe ta nghe chuyện, ngẫm nghĩ rồi thầm thán phục. Hay. Thán phục rồi mày mò tìm hiểu sách vở xem triết lý sống “thủng thẳng” ấy có nguồn gốc từ đâu.

Theo bà Alda Sigmundsdóttir, tác giả nhiều cuốn sách về văn hóa lịch sử Băng Ðảo,  là câu nói phổ thông, được sử dụng trong nhiều trường hợp và thường là để… an ủi người kẹt lối, nhất là khi họ không biết nói gì để không khí bớt nặng nề. Ðại khái là tui biết, tui thông cảm lắm nhưng bó tay, và chuyện chi rồi cũng xong mà!?
Những gì khiến cư dân Băng Ðảo… thong thả như thế? Ðây là một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của đất trời. Mùa Ðông buốt giá kéo dài; đất đai khó trồng trọt, cư dân chỉ được một mùa Xuân ngắn ngủi để thu gặt. Hải sản cũng chỉ được một mùa đánh cá ngắn mỗi năm nên thực phẩm không dư thừa dồi dào. Ấy là những ngày bình yên không chịu những thiên tai bất ngờ như núi lửa phun trào, động đất… Laki (năm 1783) đã gây tử vong cho 20% dân số và 80% gia súc. Những trận bão thổi qua, nhận chìm các chiếc thuyền đánh cá và ngư dân… Tạm hiểu là Băng Ðảo hùng vĩ mướt mắt kia là một vùng đất lắm tai ương, khó sinh sống và [đành] chịu khuất phục trong lòng mẹ thiên nhiên.

Reykjavik, Iceland.

Cư dân ở đó tất nhiên là phải thích nghi với môi trường chung quanh, chịu cuốn theo chiều gió bão để sinh tồn. Khi trời thình lình đổ tuyết giữa tháng Tám mùa Hè (vài năm trước) thì họ phải dừng tay làm việc để đi cứu gia súc đang ăn cỏ ngoài đồng. Lúc núi lửa bất ngờ phun trào thì phi trường đóng cửa, không khí bụi tro mù mịt nên cư dân phải tìm cách trốn lánh, phản ứng sao cho giảm bớt tai họa, thương vong. Và như thế nếu ta đòi hỏi sinh hoạt hằng ngày phải tuần tự theo ý muốn, diễn tiến theo kế hoạch đặt sẵn xem ra không thích hợp với tình cảnh khi con người nằm gọn trong bàn tay mẹ thiên nhiên? Nghĩa là ta, con người, chẳng thể làm chủ hoàn cảnh sinh sống của mình mà phải nương theo môi trường mà sống rồi hy vọng là đã cố gắng hết mình?

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Hẳn là khái niệm “xuôi dòng” ấy không được ưa chuộng bởi những tay ngang dọc trong đất trời? Ðã có những người cho rằng “þetta reddast” chỉ là một cách bào chữa để trốn lánh trách nhiệm? Hay tệ hơn, một cách nhìn nhận là ta… bất tài!?

Suốt 20 tháng qua, thế giới vật vã với đại dịch, cháy rừng, lũ lụt… Tai họa nào cũng gây tang thương đổ vỡ nặng nề, thiệt hại nhân mạng cũng như tài sản. Biến cố nào cũng mang lại những hoang mang sợ hãi. Ngày ngày xem tin tức, toàn những chuyện kinh hoảng xảy ra khắp nơi, mấy ai giữ được sự bình thản, an nhiên? Người còn sống sót như Dế Mèn đây chịu bó gối ở nhà nhìn ngắm hình ảnh, ngẫm nghĩ về các bản tin khoa học, thời sự mà thấm thía lắm. Cứ mỗi lần hãng du lịch báo tin trì hoãn là lại tiếc rẻ thở ra vài lần. Ðịnh xông pha đi… đại một chuyến du lịch xa thì lại ngần ngại nỗi cản trở, phải thử nghiệm Covid-19 âm tính trong 24-48 tiếng trước chuyến đi; rồi chịu cách ly khi đến nơi và chịu thử nghiệm vài lần nữa trước khi được lên máy bay về nhà thì xem ra nhiêu khê mệt mỏi quá?! Ngồi nhà đọc sách, đánh cờ triomino hoài thì cũng buồn chân, chán cảnh. Buồn đến đâu thì buồn, chán đến đâu thì chán, ta cũng vẫn là một người may mắn, chưa phải vật vã kiếm sống, chưa phải tất bật lo toan cho sức khỏe chính mình và thân nhân nên cần phải quỳ gối mà tạ ơn đất trời ban phước lành! Và quan trọng nhất là bớt lo lắng chuyện ngày mai; cứ chu toàn đầy đủ bổn phận cho ngày hôm nay, chuyện đâu còn có đó, và thể nào rồi cũng xong như người Băng Ðảo vẫn bảo nhau

TLL