Tôi không hiểu sao trong những câu tục ngữ mẹ tôi thường nói, tôi nhớ nhất câu: Của phù vân nó vần xuống biển. Câu này in sâu trong đầu tôi từ ngày còn bé tới khi lớn lên học được thêm rất nhiều câu khác.

Câu tục ngữ này cứ hiện ra ngay trong trí tôi, nhất là bây giờ mọi nơi mọi chỗ, người ta làm đủ cách để kiếm tiền, chân chính lẫn gian dối. Không biết chữ “phù vân” này bây giờ còn hợp thời không nhỉ? Mấy ông to bà lớn ở VN chỉ làm công chức mà sao nhà cửa như lâu đài. Tiền này có phải “của phù vân” không? Mấy cái dinh thự xa hoa này vẫn đứng sừng sững, có cái nào “vần xuống biển” đâu! Mẹ mất rồi, nên không biết hỏi ai.

Tôi thấy mấy tờ giấy bạc vô tri vô giác mà có quyền lực sai khiến con người! Hồi tôi còn rất nhỏ, mới học lớp một, trường học xa nhà 2-3 cây số, con nít vẫn phải đi bộ đến trường, đi bên phải, nếu trường nằm bên trái, khi tới nơi tự sang đường một mình. Cả xóm đầy con nít, không có ai rảnh đưa đón trẻ con đi học như bây giờ.

Trường học có 2 buổi: sáng và chiều. Buổi sáng lúc về nắng, buổi chiều nắng lúc đi.

Lớp nhỏ được học buổi sáng, tôi đi chung với một con nhỏ hàng xóm. Lúc nào hai đứa cũng ríu rít nói chuyện, khi nghe nó kêu khát nước, tôi vui vẻ ghé mấy xe nước ngọt ven đường. Với mấy xu mẹ cho, đủ mua ly trà đá cho hai đứa uống chung. Tôi không hề tiếc mấy đồng xu mình có, vì ngày mai mẹ lại cho tiền ăn sáng. Tôi hoàn toàn không nghĩ chuyện phải để dành mấy xu đó.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Cho đến một ngày, đi học về nắng chang chang, tôi khát khô cổ. Hôm nay, mẹ không cho tiền sáng vì mẹ đã gói xôi mang theo đi học. Trên đường về tôi kêu khát quá, con nhỏ đi cùng nghe, nhưng vẫn im lặng. Tự dưng tôi thấy sao hai đứa không còn tự nhiên nói chuyện. Ði ngang hàng nước, bà bán hàng quen mặt ngoắc ngoắc mấy ngón tay chào. Nó vẫn im lặng, tôi biết nó có tiền trong cặp, vì sáng nay nó khoe với tôi. Vậy mà nó chẳng mảy may nghĩ chuyện ghé vô mua trà đá như tôi vẫn thường làm, khi nó kêu khát.

Cảm giác về “tình đời” có từ lúc học lớp hai, đã theo tôi cho tới ngày hôm nay. Lúc đó tôi chỉ hơi buồn, chứ tôi không hề giận con nhỏ. Tôi cũng ráng chịu khát vì nhà cũng không xa lắm, đi bộ chỉ nửa tiếng. Tôi vẫn đi học với con nhỏ đó, mà không hề than phiền, trách móc vì tôi sợ không có bạn cùng đi học mỗi ngày.

Cho tới bây giờ, tôi không nghĩ nhỏ bạn đi cùng đường xấu tính, bằng cớ là đang ríu rít nói chuyện, nó cũng im bặt dù biết tôi khát. Chắc lúc đó trong đầu nó cũng suy nghĩ dữ lắm. Sau này, khi nhớ lại, chắc nó sẽ bứt rứt vì đã nhiều lần tôi mua nước khi nó khát. Tôi tin như vậy!

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Cũng bắt đầu từ hôm đó, tôi có kinh nghiệm đầu tiên: phải tự cứu mình. Tôi đã giấu một đồng 50 xu dưới đáy cặp, dành cho lúc cần. Nhưng dứt khoát, tôi không bao giờ keo kiệt quá đáng như con nhỏ bạn ngày xưa.

Cho tới khi qua Mỹ, trải bao thăng trầm của cuộc đời, ngay cả lúc vô cùng thiếu thốn, tôi vẫn ráng cất một chút, không dám đụng tới (Save for rainy day). Và lời mẹ dặn dò: “Con hãy nhớ, không ai thương mình bằng tiền thương mình. Chỉ có tiền mới giúp mình những lúc khó khăn, đừng trông mong vào ai cả. Nhưng tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt mới ở với mình. Còn tiền phù vân nó vần xuống biển”, tôi luôn nhớ!

Có lẽ nhờ mẹ nhắc nhở: “Tiền phi nghĩa chẳng giàu đâu!”, anh em chúng tôi không ai mê cờ bạc, còn tôi không bao giờ mua vé số.

Bảo Huân

oOo

Mùa Vu Lan về, tôi miên man nhớ về mẹ, nhớ về những câu tục ngữ, ca dao mẹ thường nói. Suốt đời vất vả nuôi đàn con, có lẽ cách sống của mẹ là kim chỉ nam cho anh em chúng tôi. Không tin vào những phù phiếm xa hoa bên ngoài, mẹ bảo chỉ là “mầu mỡ riêu cua”. Mặc cho ai khoe khoang giàu sang, mẹ tôi nói “năng nhặt chặt bị ”, chịu khó làm ăn cần mẫn thật thà thì “kiến tha lâu cũng đầy tổ. Mẹ dạy chúng tôi kiên nhẫn, chăm chỉ, siêng năng học tập, nhất là phải luôn luôn thật thà, bởi vì “của phi nghĩa có giàu đâu”.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Mùa Vu Lan tới, mỗi người nhớ về mẹ bằng nhiều cách khác nhau. Người nhớ về món ăn mẹ nấu; người nhớ về những thói quen, sở thích của mẹ. Riêng tôi nhớ về những câu ca dao tục ngữ mẹ hay nói.

Các bạn ơi, chúng ta có mẹ có cha, đó là một diễm phúc trên đời. Nếu cha mẹ còn sống, chúng ta cố gắng sống cho trọn đạo làm con. Hạnh phúc sao, những người còn mẹ còn cha để mà thương mà yêu!

Vu Lan về, tôi nhớ mẹ tôi! Người đàn bà cả đời vất vả nuôi con mà không hề mong chờ đáp trả.

LTM

(Mùa Vu Lan)