Khác với các năm trước, Tết Trung Thu truyền thống của người gốc Việt nhưng năm nay các hoạt động tổ chức vui chơi Trung Thu trong cộng đồng tỏ ra trầm lắng hơn.

Quận Cam có nhiều nhà thờ và chùa, cùng rất đông đảo tín hữu Công giáo, Phật giáo gốc Việt. Tuy nhiên, trước Trung Thu 2 ngày, tôi thấy duy nhứt Giáo Xứ Thánh Linh ở thành phố Fountain Valley có thông báo tổ chức Tết Trung Thu, ngoài ra không thấy nhà thờ hay chùa nào khác có thông báo gì việc có tổ chức Trung Thu hay không. Về phía cộng đồng, quận Cam có 3 cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản thì tôi không thấy cộng đồng nào có thông báo. Ngoài ra có hai cá nhân đứng tên và một group từ thiện thông báo tổ chức Trung Thu cho trẻ em, tuy nhiên không lớn lắm.

Hoạt động mua bán bánh Trung Thu cũng không hào hứng, nhộn nhịp bằng các năm trước ở các chợ Việt. Năm nay có thêm bánh pía bán ở tiệm Costco tại thành phố Garden Grove. Hộp in chữ “Bánh Bía Có Trứng (tiếng Việt,) giá $16/hộp/8 cái. Giá này không mắc, nhưng tôi nhìn hình chụp cái bánh in trên hộp và cách dùng chữ “bánh bía” hơi kỳ kỳ, không giống bánh người Việt sản xuất, người Việt không xài chữ “bía” mà xài chữ “pía.” Tôi lật tới lật lui cái hộp thiếc đựng bánh, giương mắt lên tìm kiếm một hồi mới nhìn thấy dòng chữ “Made in Malaysia” in nhỏ rí màu đen dưới đáy hộp. Tò mò, tôi mua một hộp ăn thử. Bánh tròn và vun cao như bánh bao, không dẹp hình bánh xe như bánh người Việt làm. Tôi phải công nhận là Malaysia họ không lừa khách hàng, hình chụp làm sao thì bánh y như vậy. Tức có nhưn là cái tròng đỏ trứng vịt muối bự tổ bố ở giữa, trứng ngon nhưng tổng thể nhưn bánh không béo. Da bánh thua xa bánh pía Việt, nó dày, cứng, đặc, khô, không lột ra từng lớp bột mỏng như tờ giấy được.

Các chợ Việt có nhiều loại bánh được sản xuất ở Mỹ cũng có, nhập từ Việt Nam, Ðài Loan, Malaysia cũng có. Năm nay, giá bán một hộp bánh cỡ trung (4 cái) tăng khoảng $3 – $5 so với năm ngoái. Tùy theo loại bánh, thậm chí có loại đặc biệt giá bán tới $40/hộp, còn giá bình quân là $22/hộp. Với tình hình vật liệu làm bánh, chi phí vận chuyển tăng giá như hiện nay thì giá bánh Trung Thu bán ra không tăng mới là sự lạ. Ở đây không bán bánh Trung Thu (bánh nướng vuông) quanh năm như ở quê tôi, nên có muốn ăn bánh in, bánh pía loại lớn thì phải chờ dịp Trung Thu các chợ mới bán.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Tôi không thích ăn thức ăn quá ngọt, nên từ trước tới giờ không quan tâm đến chuyện bánh Trung Thu (loại bánh nướng) lên giá hay xuống giá. Tuy nhiên, tôi vẫn thích thỉnh thoảng ăn một ít bánh pía nhưn trứng muối đậu xanh và bánh in trắng làm bằng bột nếp rang trộn đường. Phải nói là từ ngày nghỉ làm việc cho cơ quan nhà nước Việt cộng, tôi đã thoát nạn “cúng rằm Tháng Bảy” cho các lãnh đạo cơ quan tôi. Mình không có ăn, nhịn thèm, nhưng phải bấm bụng mua bánh ngon, mắc tiền làm quà biếu cho họ mấy dịp lễ lạt Tết nhứt như thế này, nhưng vẫn bị chê bai, khinh thường. Vì quà của tôi biếu giá mắc so với đồng lương eo hẹp của tôi, chớ làm sao sánh được giá trị “quà biếu” (Tôi phải để chữ quà biếu trong ngoặc kép chỗ này) của đàn em tay chân các sếp mà họ không sống nhờ lương, mỗi lần lễ lạt là một dịp hợp thức hóa các kiểu đưa hối lộ.

Ở quê tôi có nguyên một khu phố chuyên sản xuất bánh pía, bánh in quanh năm, dân địa phương kêu là “khu lò bánh pía.” Phải nói kỹ thuật làm bánh của người gốc Hoa ở đây tuyệt vời. Bánh pía không quá ngọt, hơi ướt, ăn vừa bùi, vừa béo. Lúc nhỏ, tôi thích lột từng lớp da bánh pía mỏng bỏ vô miệng ăn từ từ, mỗi cái bánh có hàng chục lớp da bột mỏng như vậy. Còn bánh in trắng đem phơi sương qua đêm, bột khô nhưng dẻo ngon vô cùng. Ngoài ra, bánh in, bánh pía sản xuất ở tỉnh Sóc Trăng cũng ngon nức tiếng. Ở Little Sài Gòn này tôi chưa bao giờ mua được cái bánh pía, bánh in bột nếp ngon vừa ý.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Năm 2015, khi tôi mới tới Mỹ, một anh bạn dẫn tôi vô tiệm Fry’s Electronics lớn nhứt quận Cam mua bộ computer. Tôi hỏi ổng sao không thấy đồ “Made in USA” mà cái nào cũng “Made in China” hết vậy? Rồi làm sao biết là nó xài tốt, xài bền? Ổng trả lời thời nay ở đây đào đâu ra hàng “Made in USA”? “Tiền nào của nấy,” cứ thấy cùng hiệu nhưng cái nào giá mắc nhứt thì mua chớ làm sao kiểm tra được mà biết (?!) Câu trả lời làm cho tôi “ngậm cà na” luôn, hết nói thêm câu nào nữa.

Tuy nhiên, với thức ăn, bánh trái thì không hẳn như vậy, nhứt là bánh Trung Thu, mắc tiền nhứt không hẳn là bánh ngon nhứt, ít ra là với tôi. Tỷ như bánh Trung Thu (vuông) thập cẩm nhiều người ca ngợi nó “sang trọng,” “ngon” vì nhưn bánh có chứa “hầm bà lằng xắn cấu” nào là bào ngư, vi cá, gà quay, thịt heo quay, hột dưa, hột sen, hột điều, mè trắng, jambon, xá xíu, lạp xưởng, mứt bí, mứt sen, mỡ, đường… được bọc trong da bánh ngọt lừ. Kỷ niệm nhớ đời của tôi là Trung Thu năm nọ, tôi tới nhà một người bạn, được mời một miếng (1 góc 8) bánh Trung Thu thập cẩm, mà theo lời bạn tôi hãnh diện khoe “được biếu” hộp bánh “mắc tiền lắm, rất ngon.” Tôi cũng hăm hở cắn một miếng bánh nhai, bánh chưa nuốt xuống nhưng tôi phải cố dằn cơn nôn mửa vì lịch sự. Má ơi, các loại mùi vị lộn xộn mặn ngọt đó chúng nó “quánh lộn nhau” quyết liệt, thiệt là kinh dị vô cùng. Tôi cố gắng nuốt trôi hết miếng bánh, rồi quyết liệt từ chối khi bạn tôi đưa thêm một miếng khác lớn hơn gấp đôi. “Một lần cho tởn tới già/ Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chưn.” Từ đó về sau tôi không bao giờ ăn thêm một miếng bánh Trung Thu thập cẩm nào khác nữa.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Mấy năm trước, tôi đi chợ thấy bánh chất ê hề, nhưng chậm vài hôm thì khách hàng đã rinh sạch bách. Năm nay bánh có vẻ ế hơn các năm trước nên sát ngày Trung Thu tôi ra chợ vẫn thấy rất nhiều bánh, và tôi mua được một hộp bánh pía nhưn trứng muối đậu xanh giá $17/hộp/4 cái, một cái bánh in lớn giá $11, cả hai loại đều sản xuất tại Mỹ. Cũng không đến nỗi quá mắc tiền làm cho tôi phải “treo mỏ.” Ðối với tôi bao nhiêu đây là đủ. Tôi đi chợ nghe có đồng hương than rằng giá bánh Trung Thu năm nay lên cao quá, bỏ tiền ra mua rất là “đau ruột” nhưng “bắt buộc phải mua”? Ngộ há! Ở xứ Mỹ này cũng bị bắt buộc biếu quà giống ở Ðông Lào sao mà “bắt buộc mua” dù “đau ruột” hay “đành phải chấp nhận”? Lớp con nít sanh ra và lớn lên ở Mỹ tụi nó vẫn thích ăn đồ ăn Mỹ hơn.

Trong chợ Việt, ngày bình thường vẫn có bán bánh pía, bánh in, bánh dẻo bột nếp loại nhỏ với giá phải chăng. Tuy không ngon bằng bánh lớn ngày Trung Thu, nhưng để “giải quyết cơn thèm” hương vị quê nhà thì nó không tệ. Vì vậy, tôi thấy không có gì bắt buộc tôi phải bỏ số tiền lớn ra mua bánh trong ngày Trung Thu để phải bị “lủng túi.” Lúc nhỏ, tôi đọc cuốn Em Học Vần có bài mẹ chia bánh Trung Thu dẻo cho Chi, Tí, Tơ. Em Tí và em Tơ đòi thêm, mẹ nói: “Cơm no rồi các con ăn thế thôi. Ăn nhiều quá có hại.” Bánh ăn chơi trong vài ngày, nó lên giá mà ta cứ mua nhiều như trước thì có phải là tự làm khổ mình hay không?

TPT