Kỳ 5

Dân Chủ là thuốc độc

Trong Kỳ 2 của bài này có nói đến một nhân vật thuộc Thành Phần Thứ Ba thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau 75 ông đã thức tỉnh chính trị và trở thành chống đối chính quyền cộng sản. Sau này ông còn cố gắng và thành công đưa được con qua Mỹ du học. Nhưng cho đến tận hôm nay, qua những gì ông biểu tỏ, trên văn đàn lẫn chốn riêng tư, ông vẫn giữ quan điểm rằng ông đã đúng khi tích cực chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam trước 75.

Song, ứng xử và biểu tỏ như ông không phải là hiếm trong xã hội Việt Nam nói riêng và con người nói chung. Nhận chân và thừa nhận những sự thật không vẻ vang gì liên quan tới bản thân, tới xứ sở của mình luôn là thách thức chung của tất cả mọi người, tất cả mọi xã hội.

Tôi có những người bạn Pháp rất tốt bụng, lớn tuổi hơn tôi, thuộc lớp người lao động trí óc nhưng khi nói đến Mỹ là họ tỏ ra rất không ưa và coi thường, không chỉ về vấn đề văn hóa, ẩm thực, mà cả vấn đề chính trị. Những phản ứng bài bác này còn nặng nề hơn trong những năm vừa qua dưới thời Tổng Thống Donald Trump và hiện tại, sau vụ rút quân hoảng loạn tại Afghanistan.

Trong cả hai trường hợp tôi đều không hy vọng có thể thay đổi quan điểm của người đối thoại.

Ðối với trường hợp đầu, tôi đã kiên nhẫn suy gẫm và tìm hiểu nhưng không tìm thấy nguyên nhân lý tính nào ngoài sự bướng bỉnh của con người.

Trong trường hợp sau, ở những người bạn Pháp, tôi thấy được vài nguyên do hữu lý. Những người Pháp này là những người ái mộ Charles de Gaulles – vị anh hùng cứu quốc Pháp và là người có chính kiến bài Mỹ, chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam; họ chưa từng đọc những tác phẩm kinh điển Pháp viết về Mỹ như của Alexis de Tocqueville, cũng chưa đọc tác phẩm Pháp hiện đại bình về chính trị Mỹ như của Denis Lacorne; họ thường chỉ đọc báo hàng ngày luôn có nhiều tin câu khách nói về các xì-căng-đan trong chính trường và xã hội Mỹ.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Những người bạn Pháp tốt bụng này của tôi hoàn toàn không biết rằng chính nước Mỹ đã biết trân trọng Montesquieu sớm hơn và đúng đắn hơn nước Pháp. Họ cũng không nhớ hoặc không muốn nhớ hơn 230 năm qua nước Mỹ chỉ phải trải qua hơn một nền cộng hòa (nếu kể cả The Articles of Confederation), trong khi đó, với thời gian ít hơn và lại ra đời sau, nền cộng hòa Pháp đã bị gián đoạn nhiều lần và phải thay đổi tới 4 lần mới tìm được một mô hình ổn định cho mình.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu theo chiều ngược lại, chúng ta cũng sẽ thấy, không khó khăn gì, những thành kiến, hiểu lầm, ngộ nhận, bất tri của người Mỹ về người Pháp, nước Pháp hay người Việt, nước Việt.

Nhưng không chỉ là hiểu lầm, ngộ nhận, thành kiến. Nước Mỹ, nước Pháp, Tây Âu, các nền dân chủ đáng ngưỡng mộ nhất đều đầy các hục hặc, sai lầm, tội lỗi.

Cuộc chiến 20 năm tại Afghanistan là sự đồng thuận giữa các thành viên NATO. Song, khi quyết định rút hết quân, Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã đặt các thành viên NATO vào thế bị động.

Liên Âu đang rộ lên các chỉ trích Mỹ, các lời kêu gọi xem xét lại quan hệ đồng minh với Mỹ nhằm tránh lặp lại số phận của một «đối tác dưới cơ» (un partenaire minoritaire).

Nhiều báo Pháp và các tổ chức dân sự Pháp đang lớn tiếng tố cáo chính phủ Pháp đã «phản bội» (trahison) các đồng nghiệp Afghan khi không quan tâm tới số phận của những người bản địa đã cộng tác, trợ giúp quân Pháp trong thời gian bình định Afghanistan.

Nước Ðức đầu tàu kinh tế của Liên Âu bị dị nghị, tố cáo trong chính sách trung dung nhằm mở cửa sau với độc tài Nga, Trung Cộng để kiếm lời.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Nước Anh biểu tượng của thượng tôn pháp luật (rule of law) đang có ý phớt lờ Công Ước Geneva 1951 để tránh một khủng hoảng di dân mới.

Hiện thực còn xám hơn nữa nếu chúng ta nhìn sâu vào trong nội tại các nền dân chủ lớn nhất hiện nay. Tại Pháp, các cựu tổng thống, cựu bộ trưởng và cả bộ trưởng tư pháp đều thay nhau xuất hiện tại tòa; các tệ nạn xã hội trộm cắp, lừa đảo, đâm chém, giết chóc, hủ bại đều diễn ra thường xuyên và len vào cả giáo hội Công Giáo; nguy cơ khủng bố luôn rình rập, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào; giới trẻ chán ngán, thờ ơ, bỏ mặc quyền bầu cử bằng con số thống kê kỷ lục về tỷ lệ không đi bầu lên tới 87% trong độ tuổi 18-24 trong vòng 1 của kỳ bầu cử cấp vùng mới nhất trong tháng Sáu vừa qua.

Ðội quân Taliban hoang dã và man dã đang nô nức thiết lập trở lại bộ máy cai trị hà khắc tại Afghanistan có thể coi là một cái tát vào giữa mặt khối dân chủ, văn minh trên toàn thế giới.

Nếu chúng ta lại dò dẫm lật thêm các tài liệu nói về các vết đen không thể xóa của lịch sử thuộc địa hóa do phương Tây-tiền dân chủ đã tiến hành tại nhiều xứ sở, chúng ta sẽ còn cảm thấy bi quan, mất hy vọng nhiều hơn nữa vào phương Tây-các nền dân chủ hiện thời.

Sự mất giá, mất danh dự của khối dân chủ phương Tây hiện nay là điều không thể biện hộ trước công luận. Song, trong sự đánh giá này phần lớn chúng ta đã bị rơi vào một nhầm lẫn: sự mất giá, mất danh dự này chỉ có ý nghĩa trong sự xét lại của chính khối dân chủ phương Tây trong các dự án, tham vọng khuếch trương, mang những giá trị nhân bản, tiến bộ tới các xứ sở khác chứ không phải trong sự so sánh với các thế lực độc tài chuyên chế. Các chế độ độc tài chuyên chế chống phương Tây chưa từng bao giờ mong muốn, cũng như chưa từng bao giờ có khả năng đem lại các giá trị có tính khai phóng cho con người.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Sự thất bại thảm hại của khối dân chủ phương Tây tại Afghanistan hay tại Việt Nam trong quá khứ là kết cục của nhiều lý do trong đó có một lý do căn bản là: có một khối người tại bản địa quyết liệt chống chế độ dân chủ phương Tây.

Khối người chống này là ai?

Trước tiên, đó là bọn người cầm quyền không muốn rời bỏ quyền lực độc đoán cùng các quyền lợi vô bờ chúng đang được độc hưởng. Chấp nhận các giá trị dân chủ phương Tây là đồng nghĩa với nhận một liều thuốc độc trừ khử mộng đế vương vĩnh hằng. Quay quanh khối người tham vọng quyền lực vĩnh hằng này là nhiều nhóm người khác nhau, có thể là kết quả tuyên truyền hoặc liên đới xã hội, nhưng cùng đi theo hướng chống chế độ dân chủ phương Tây với những động lực khác nhau không dễ tách bạch như chủ nghĩa dân tộc mù quáng, chủ nghĩa cơ hội, các ràng buộc cá nhân, khát khao một lý tưởng hay chỉ bởi những lý do hạ cấp như nhu cầu mưu sinh hay chống vì thấy người khác chống.

Tuy nhiên, chế độ Taliban nhiều khả năng, thậm chí đã tỏ ra vài dấu hiệu, có thể sẽ thích nghi để không còn là một đối thủ của phương Tây nhằm được rảnh rang hưởng thụ trong việc chăn dắt nhân dân Afghanistan giống như chế độ Hà Nội đang làm.

Khi đó chắc chắn có nhiều người Afghan, kể cả những người đang ủng hộ chế độ Taliban, sẽ lại ước mơ được quay trở lại thời kỳ 20 năm vừa rồi. Và dân chủ hóa sẽ gần như hoàn toàn chỉ còn tính chất địa phương, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực sống chết của người địa phương.

PHS (11/09/2021)

Tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố tòa tháp đôi

New York