Tôi nghe nhiều đồng hương Việt nói: “Làm lãnh đạo Fed sướng ghê. Chẳng làm gì hết, chỉ ngồi một chỗ mà tăng lãi suất thôi. Còn ai lo sấp mặt, ngửa mặt gì cũng thây kệ.”

nguồn marketwatch.com

Quả thật, tin “Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất căn bản thêm 0.25 điểm hôm Thứ Tư, 22 Tháng Ba, tiếp tục cố gắng kiềm chế lạm phát bất chấp tình trạng rối loạn tài chính sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đóng cửa.” Lãi suất căn bản hiện ở mức 4.75% tới 5%. Không ít đồng hương gốc Việt đã lo lắng nay càng thêm bối rối, lo lắng nhiều hơn. “Trong năm qua, Fed tăng lãi suất tổng cộng 4.5 điểm qua tám lần họp liên tiếp, đợt tăng lãi suất quyết liệt nhất của họ kể từ đầu những năm 1980.” Fed giải thích rằng “để kéo lạm phát xuống còn 2%” và “sẽ cần tăng nữa.”

“Mức lãi suất mới dự trù sẽ làm chậm thêm hoạt động kinh tế vì làm tăng phân lời thẻ tín dụng, tiền vay mua nhà, xe hơi cũng như những khoản vay khác. Tuy nhiên, người Mỹ, nhất là người cao niên, đang hưởng lợi vì tiền tiết kiệm gửi ngân hàng bây giờ sinh lời nhiều hơn mấy năm qua.”

Theo Kinh tế học, lạm phát được định nghĩa “là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ảnh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.” Nghe thật rối rắm phải không quý vị?

Tôi không phải là chuyên gia kinh tế, không có hứng thú với môn kinh tế học, cũng chưa bao giờ có hứng thú với việc tính toán, đầu tư, đếm tiền. Thời tôi còn làm công chức ở Việt Nam, mỗi lần lãnh lương tôi đều chiếm cái bàn kế bên thủ quỹ để bày xấp tiền lương của tôi ra và xếp tiền theo từng mệnh giá khác nhau, rồi mới đếm được tổng số, dù tiền lương tháng công chức nhà nước ở Việt Nam thì có đáng bao nhiêu đâu. Nếu tôi không làm như vậy thì tôi sẽ đếm lộn, rồi cứ đếm tới đếm lui hoài, chiếm mất thời gian của của kế toán và thủ quỹ phát lương cho người khác. Nếu tôi chưa đếm tiền lương xong thì họ bắt buộc phải ngồi đó theo dõi cái sự đếm tiền của tôi, phòng khi tôi la làng “tiền thiếu.” Tôi thường nói giỡn với bạn bè nếu tôi trúng số độc đắc thì tôi sẽ mướn một kế toán để lo việc đếm tiền cho tôi. Kể lể dài dòng văn tự như vậy để quý độc giả biết là cái định nghĩa về lạm phát ở trên tôi cũng lùng bùng với nó. Tôi diễn nôm na lại là khi số lượng hàng hóa đang lưu thông thị trường ít hơn số tiền đang lưu thông trong dân, thì hàng hóa tăng giá và tiền mất giá. Khi đó xảy ra lạm phát.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Tại sao hàng hóa lại ít hơn trước? Tại vì sản xuất kém, tiêu thụ kém, nhập cảng kém. Sản xuất kém vì chi phí cho nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công tăng, trả lãi vay sản xuất tăng, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng. Ðể giảm giá thành, chủ thuê trả lương tối thiểu, không ký hợp đồng lao động, không bảo hiểm, không quyền lợi khác cho người lao động, giao việc nhiều hơn, sa thải bớt v.v. Lợi bất cập hại, khi người lao động có quá ít tiền, họ sẽ thờ ơ nhìn lướt qua đống hàng hóa rồi bỏ đi, và chỉ mua số lượng ít nhất có thể những mặt hàng thiết yếu cho đời sống gia đình của họ mà thôi. Hàng ế thì lại tốn tiền bảo quản, kho chứa, giảm phẩm chất  theo thời gian… dẫn tới mất giá phải bán tống bán tháo. Nói chung, không bên nào có lợi hết. Tất nhiên, người tiêu thụ cũng không có tiền để mua hàng hóa nhập cảng, người kinh doanh hàng hóa nhập cảng ế ẩm, đóng cửa, trừ những mặt hàng người tiêu thụ không mua không được.

Tháng Một, 2023, đại công ty Amazon, từng được coi là hưởng lợi nhiều nhứt trong thời gian hai năm mọi người bị cấm túc vì “đại dịch cúm Tàu,” đã sa thải 18 ngàn nhân viên, với lý do thiếu khách hàng, không đủ công việc cho nhân viên làm. Cách đây 2 ngày, Amazon lại tuyên bố sẽ sa thải thêm 9 ngàn nhân viên nữa. Trước đó nữa, làn sóng sa thải nhân viên của các đại công ty Microsoft, Alphabet hay Twitter… thì “quá ghê.” Tôi nghĩ quý độc giả cũng biết rồi, nên không cần liệt kê vô đây.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Vô các tiệm tạp hóa lớn của Mỹ như Walmart, Target, tôi thấy rất nhiều dãy kệ bày hàng hóa đang không có hàng, hoặc lèo tèo vài món. Vô website của họ coi, rất nhiều hàng hóa thiết yếu do “bên thứ ba” (Người thuê gian hàng online trên website Walmart, Target bán hàng, không phải hàng của Walmart, Target) bán với giá trên trời. Món hàng đó bán tại tiệm giá chỉ bằng 1/3. Tất nhiên là tôi không bao giờ mua của “bên thứ ba”. Trứng gà tươi 60 trứng/thùng, từ giá 8$/thùng đã nhảy lên giá $22/thùng bán tại tiệm, nhưng không phải lúc nào cũng có để mua.

Kinh tế trì trệ, sa sút, khó kiếm được tiền dễ khiến người ta sanh ra quẫn trí. Thời gian gần đây, đọc tin tức quận Cam tôi thường xuyên thấy có “Tin tức hình sự,” nghĩa là cướp, trộm, bắn, chém, chĩa súng… xảy ra tá lả, không khác gì các tờ báo ở Việt Nam. Học sinh trung học cũng bạo lực, chửi nhau lung tung, phụ huynh, giáo viên không kềm chế cảm xúc cũng quát vào mặt nhau trong các buổi họp ở Học khu. Việt Nam có gần 100 triệu dân, chưa kể người nước ngoài là khách du lịch, hay người Trung cộng ở các “khu tự trị” Tân Rai, Quảng Ninh. Dân số quận Cam (thống kê ngày 1 Tháng Tư, 2020) chỉ hơn 3 triệu người, năm ngoái đã “go to” sang tiểu bang khác nửa triệu người, nhưng “tin tức hình sự” vô cùng “sôi động” thì quả là kinh khủng.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Cô đồng hương của tôi ở Little Sài Gòn (quận Cam), lâu nay đi làm chỉ được trả lương theo giờ ở mức tối thiểu, mỗi tuần làm hai ngày mà mỗi ngày làm có 6 tiếng đồng hồ. May là từ nhà tới chỗ làm vẫn còn có thể mua vé xe bus $69/tháng, nếu phải lái xe nhà đi thì lương cô ấy không đủ đổ xăng.

Một đồng hương khác đã nghỉ hưu, tiền hưu không tăng nhưng tiền lãi vay ngân hàng mua nhà, mua xe (từ thời còn đi làm tới bây giờ chưa trả hết,) tiền mua bảo hiểm xe, thì lại cứ liên tục tăng lên. Họ lo lắng một ngày nào đó bỗng nhiên bị “ra đường” vì không trả nổi tiền lãi ngân hàng. Thực tế, người về hưu (tôi đã gặp) thì không có ai dư tiền gởi tiết kiệm hết, nên không thấy họ hưởng lợi từ lãi suất tiết kiệm như Fed nói. Hàng tháng tiền hưu nhận được “có đồng nào xào đồng nấy.” Nếu không có con, cháu cho thêm coi như “bơ mỏ.”

Vậy là mọi người đành “chia tay” những buổi chiều cuối tuần đi ăn tiệm, những lần mua sắm quần áo, giày dép mới, không đi loanh quanh ngắm phố xá hay biển nữa, càng không đi chơi xa. Mặc kệ cho tiệm ăn, tiệm bán quần áo, tiệm giày dép, trạm xăng… ế chơi. Sống kiểu này, các cụ nhà ta ngày xưa gọi là “Thắt lưng buộc bụng.”

Thời xưa, nông nghiệp lạc hậu nên người dân thường bị đói. Ðể chống đói, họ đã siết chặt dây thắt lưng ngang bụng lại để ăn ít hơn mà không cảm thấy đói. Như bây giờ chữa bệnh béo phì bằng cách thâu nhỏ bao tử vậy. Tất nhiên, đây chỉ là biện pháp “tạo cảm giác” thôi. Làm việc vất vả mà ăn ít thì thân thể ngày càng xanh xao vàng vọt, không tốt chút nào. Nhưng hiện nay, hầu như mọi người đều đang phải sống “Thắt lưng buộc bụng.”

TPT