Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…

(Đêm Thổ – Hoàng Cầm)

Chuồn chuồn bão Pantala flavescens (m) – Diên Bình 07.2012

Chuồn chuồn ớt Trithemis aurora – Thác Yang Bay Khánh Hoà 08.2009Chuồn chuồn có cánh thì bay 

Có thằng cu tí bắt mày, chuồn ơi!

Chuồn chuồn hổ Phaenandrogomphus tonkinicus khi vừa lột xác từ bà mụ, mắt còn đục, cánh chưa rõ gân – Huế 02.2018

Cu tí bắt chuồn chuồn để làm gì? Không để đá nhau như đá dế, đá kiến, cũng không phải ép vào trang lưu bút ngày hè như ép cánh bướm cạnh cánh phượng, mà để cắn rốn cho mau biết bơi. Cái “truyền thuyết” buồn cười này vậy mà được khối cu tí của nhiều thế hệ tin tưởng và tuyệt đối chấp hành, nhưng, dù ngàm chuồn chuồn có cắn sứt da sứt thịt, khi xuống nước, các tí lười học bơi chìm vẫn hoàn chìm!

Chuồn chuồn hổ Orthetrum sabina (m) khi trưởng thành – Hội An 02.2018

Chuồn chuồn trên thế giới có khoảng 4500 loài, riêng ở Việt Nam, đếm được 235 giống chuồn chuồn khác nhau, từ anh chuồn voi to kềnh càng đến chị chuồn kim mảnh mai thon thả. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng và khi so sánh với thống kê của các nước lân cận, Việt Nam có thể có đến gần 400 loại chuồn chuồn khác nhau. Ngoài các loại chuồn chuồn bão màu vàng, chuồn chuồn ớt màu đỏ, chuồn chuồn hổ xanh lá vằn đen thường thấy, còn có chuồn chuồn nương, chuồn chuồn suối chỉ gặp ở một số vùng thích hợp với sự phát triển đặc biệt của chúng. Chuồn chuồn kim bé tí nhưng ở đâu cũng thấy, màu sắc có đủ từ xám qua lam, từ vàng tới đỏ. Có vài loại chuồn chuồn kim mới được phát hiện gần đây ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Kon Tum, Ba Vì, Hoà Bình, Nghệ An… mang những cái tên la-tinh rất… việt, như Cryptophaea vietnamensis (J.V.Tol & Rozendaal, 1995), Coeliccia mientrung (Kompier & Phan, 2017), Coeliccia duytan (Phan, 2017), Drepanosticta emtrai (Dow, Kompier & Phan 2018)…

Chuồn chuồn cánh nâu Neurothemis fluctuans – Sài Gòn 08.2009

Khi nàng Kiều khiêm cung nhỏ nhẹ cùng Kim Trọng: nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Kiều đã không biết mình đang tự ví với một trong những “sát thủ chuyên nghiệp” của thế giới con ong cái kiến. Thật vậy, trong khi đại đa số ấu trùng của bướm là sâu chỉ ăn lá hay đục thân cây, trái cây để phát triển, đến khi thành bướm, cũng chỉ hút mật hoa, nhựa quả để sống, ấu trùng của chuồn chuồn mang tên bà mụ, sau khi rời trứng, sống dưới nước trong một thời gian dài, tàn sát từ vi sinh vật, lăng quăng, cá con đến cả nòng nọc. Sau khi bà mụ rời môi trường nước, lột xác để thành chuồn chuồn, vị hung thần có cánh lướt rất nhanh này tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng trên không trung: ruồi, muỗi, bướm, nhện và cả chuồn chuồn nhỏ hơn đều trở thành nạn nhân của chúng. Chuồn chuồn bắt các côn trùng khác khi con mồi đậu yên cũng như khi đang nhởn nhơ bay lượn, vì chuồn chuồn có khả năng tính toán trước được đường bay của nạn nhân để đón bắt và “thanh toán” ngay khi đang vi vút giữa trời. Với hai đôi cánh đầy gân mỏng manh nhưng chắc chắn, mà mỗi chiếc có thể chuyển hướng độc lập so với ba chiếc còn lại, chuồn chuồn có khả năng bay lửng lơ tại chỗ, thậm chí bay lùi, bay ngang và có loài bay vượt 18,000 km giữa Ấn Độ-Phi châu trên đường thiên di. Lại được trang bị thêm một cặp ngàm khoẻ (các cu tí nào đã từng bị chuồn chuồn cắn tay hay cắn rốn, sẽ nhớ đời), đôi mắt to xoay tròn nhìn mọi phía, ba đôi chân nhám nhiều gai, chúng dư sức đứng đầu cùng với nhện và bọ ngựa trong hàng ngũ các loài côn trùng ăn thịt hung hãn nhất.

Chuồn chuồn lam Brachydiplax sobrina – Bangkok 07.2012

Các họ chuồn chuồn hiện nay được xem là hậu duệ của một giống chuồn chuồn khổng lồ dài độ 30 cm với sải cánh hơn 70 cm (tương tự sải cánh bồ câu), bay lượn ở kỷ Permien cách đây khoảng 300 triệu năm, trước cả khi các loài khủng long bắt đầu xuất hiện. Như các loài côn trùng khác, cơ thể chuồn chuồn gồm đầu, ức và bụng. Đầu với râu ngắn, mắt kép, ngàm to, ức mang ba cặp chân và hai đôi cánh, bụng thường thuôn mảnh nên người Việt gọi nhầm là đuôi. Các loại chuồn chuồn trên thế giới được gom vào hai nhóm, chuồn chuồn ngô (libellule / dragonfly) và chuồn chuồn kim (demoiselle / damselfly). Chuồn chuồn kim hai mắt rời nhau, khi đậu, cánh xếp lại, trong khi chuồn chuồn ngô (thân dài từ nửa ngón tay út đến hơn ngón giữa, tuỳ loài) lại có hai mắt dính vào nhau và cánh xoè ngang khi đậu.

Chuồn chuồn voi Aaeshna affinis (m) – Choisy-le-Roi 09.2009

Chuồn chuồn có cách giao phối khá đặc biệt. Không cần chờ được ưng thuận, khi thuận tiện, con đực «tấn công» ngay bằng cách dùng cặp móc ở cuối «đuôi» như một gọng kìm kẹp vào cổ con cái, rồi chuyển tinh trùng được sản xuất từ bộ phận sinh dục chính đến nơi chứa tinh trùng tại bộ phận sinh dục phụ nằm ở đốt thứ hai của bụng. Không thoát nổi sự «kềm kẹp» của kẻ vũ phu, con cái đành cong người áp bụng vào bộ phận sinh dục phụ của con đực để trứng được thụ tinh. Cách giao phối có một không hai này ngẫu nhiên tạo thành hình một trái tim tình yêu ngộ nghĩnh! Sau khi thụ tinh, chuồn chuồn cái đập thẳng «đuôi» xuống nước để gieo trứng hay đẻ trên hoa lá các loài cây thuỷ sinh ven ao, hồ, có khi cả ở vùng nước lợ hoặc nước mặn, khép tròn chu kỳ trứng-bà mụ-chuồn chuồn của loài côn trùng này.

Chuồn chuồn kim cánh biếc Calopteryx virgo meridionalis (m) – Choisy-le-Roi 08.2009

Cũng như bướm, ong, dế, đom đóm… từ bao đời nay, hình ảnh chuồn chuồn đã ghi dấu trong thi ca, nhạc, hoạ… của loài người. Dù không «thấy» được ảnh hưởng của hơi nước trong không khí trên hai đôi cánh mong manh, nhưng cha ông ta đã «nhìn» hiện tượng để đoán trúng phóc thời tiết, không thua gì các bản dự báo khí tượng thời nay:

Xem thêm:   Ăn trộm tàu ngầm

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa 

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Trái tim tình yêu của cặp chuồn chuồn kim Chacolestes viridis – Choisy-le-Roi 09.2009

Chuồn chuồn được xem là một trong sáu biểu tượng của nước Nhật. Người Nhật quý trọng loài côn trùng này, coi đó tượng trưng cho sự khai sinh đất nước (tên cũ của Nhật Bản là “Đảo Chuồn Chuồn”), sự chiến thắng cũng như dấu hiệu báo bội thu của các vụ mùa. Vì vậy, hình ảnh chuồn chuồn xuất hiện nhiều trên tranh vẽ, vũ khí, đồ trang sức Nhật Bản và vải áo kimono. Người theo đạo Hồi cũng như người tin phong thuỷ cho rằng chuồn chuồn bay vào nhà đem đến sự may mắn. Mặc dù đâu đó có sự gán ghép chuồn chuồn với tà phép, nhưng đa số thần thoại Âu, Phi, Mỹ châu gắn liền hình ảnh chuồn chuồn với rồng, tiên, với sự biến hoá và tái sinh. Tại Việt Nam, cánh chuồn chuồn trong thơ Bùi Giáng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Vĩnh Tiến… mộc mạc, gợi ký ức tuổi thơ, còn ca khúc “Chuồn chuồn ớt” của Lê Minh Sơn qua tiếng hát trong veo Ngọc Khuê đã tạo được sự chú ý nơi người nghe những năm đầu của thế kỷ XXI.

Chuồn chuồn kim Coenagrion hastulatum – Choisy-le-Roi 05.2018

Cùng với sự thay đổi khí hậu, tàn phá và gây ô nhiễm môi trường của loài người, những cánh chuồn giăng giăng từng đàn báo bão mùa gió heo may ngày càng hiếm thấy. Hình ảnh chuồn chuồn đậu trên vòng thép gai thời chiến tranh hay trên hàng dây kẽm mẹ phơi quần áo ngày hoà bình đang phai dần trong trí nhớ. Trò trẻ con, với chỉ cột một đầu vào đuôi chuồn chuồn, một đầu gắn mảnh giấy ghi nguệch ngoạc lời nguyện ước (mãi vẫn là nguyện ước) cũng đã phất phơ bay vào tít mù. Chỉ còn niềm hoài cảm man mác mỗi lần có dịp thấy lại những chiếc cánh lụa chuồn chuồn lấp loá, lửng lơ giữa chiều nắng tắt…

Chuồn chuồn Sympetrum meridionale, con đực màu đỏ và con cái màu vàng đang giao phối – Carnon 08.2013

Bài và hình CN

Xem thêm:   Bayreuth đầy quyến rũ

Thiais 07.2024

* Chú thích: Thật ra, nhện (8 chân) không phải là côn trùng (6 chân) mà lại có họ hàng gần với tôm cua.

Tài liệu tham khảo:

https://fr.wikipedia.org/wiki/Odonata

https://www.vncreatures.net/all_events/new_20.php

https://www.meslibellules.fr/blog/odonates-du-vietnam-2012-2018/

http://odonatavietnam.blogspot.com/2014/07/sympetrum.html

https://atlas-odonates.insectes.org/

https://youtu.be/0TKAPX3vRVQ?feature=shared

https://youtu.be/w9OUltnRjPQ?feature=shared