Chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới ngày 03 tháng Mười Một 2020, ngày bầu cử chính thức, để nước Mỹ chọn ra vị tổng thống thứ 46, chúng ta cùng tìm hiểu tại sao Mỹ lại có hệ thống bầu cử tổng thống khác hẳn các quốc gia dân chủ khác: Hệ Thống Bầu Tổng Thống Qua Cử Tri Ðoàn – The Presidential Selection System – The Electoral College.

Hội Nghị Philadelphia vào tháng Năm 1787 đã đề xuất hẳn một bản dự thảo hiến pháp hoàn toàn mới, khác hẳn với dự định ban đầu chỉ tu chỉnh the Articles of Confederation. Trong phác thảo táo bạo đó, quyền lực hành pháp (the executive power) là một trong những điểm có tính cách mạng, bởi the Articles of Confederation chỉ nói đến cơ quan đại diện (a congress) có chức năng chính là lập pháp. Không những tạo ra hẳn một nhánh hành pháp riêng mà quyền hành pháp còn trao cho chỉ một cá nhân có những thẩm quyền rất lớn như bổ nhiệm thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện hay thương thảo các hiệp ước với ngoại bang.

Trong Article 2, Section 1 của Hiến Pháp Mỹ, câu đầu tiên viết rằng:

Quyền lực hành pháp sẽ trao cho ông Tổng Thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thiết chế tổng thống đã được các nhà lập quốc xác định chỉ là một trong ba nhánh quyền lực cơ bản của chính quyền liên bang. Bản chất quyền lực của các nhánh này phải khác nhau và có sự độc lập, ràng buộc nhau nhằm làm cho chúng tự kìm soát và đối trọng (checks & balances) để ngăn sự thông đồng, tích tụ, thoán đoạt quyền lực vào một cá nhân hay vào một nhánh.

Hiến Pháp Mỹ trong Article 2, Section 1 viết rõ tổng thống sẽ được bầu theo cách sau:

“Mỗi Tiểu Bang sẽ đề cử một Số Lượng Ðại Cử Tri bằng với tổng SỐ Thượng Nghị sỹ và Ðại Diện của mỗi Tiểu Bang hiện diện trong Quốc Hội, cách thức đề cử do cơ quan Lập Pháp mỗi Tiểu Bang ấn định: song, bất cứ Thượng Nghị Sỹ hoặc Ðại Diện, hoặc Người đang nắm Chức vụ Tín Nhiệm hoặc Thù Lao của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đều không được là Ðại Cử Tri.

Các Ðại Cử Tri sẽ tập hợp lại tại Tiểu Bang của họ để bỏ Phiếu cho hai Người, tối thiểu một trong hai người này không được là cư dân đồng Tiểu Bang với họ…

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Nguyên tắc hiến định vừa dẫn vẫn được nước Mỹ bảo tồn từ khi bản Hiến Pháp 1787 được thông qua cho tới tận ngày nay dù đã có Tu Chính Án số 12 (đệ trình 9 Mười Hai 1803, phê chuẩn 15 tháng Sáu 1804.) và số 20 (đệ trình 2 tháng Ba 1932, phê chuẩn 23 tháng Một 1933) thay đổi một số điểm quan trọng trong hệ thống bầu tổng thống.

Hệ thống bầu tổng thống Mỹ hiện có 538 Ðại Cử Tri (con số hợp thành từ 435 thành viên Hạ Viện, 100 Thượng Nghị Sĩ và 3 Ðại Cử Tri dành riêng cho District of Columbia). Một ứng cử viên muốn trở thành Tổng thống Mỹ phải giành được tối thiểu 270 phiếu Ðại Cử Tri.

Áp theo tiêu chí dân chủ, rõ ràng cử tri đoàn (electoral college) thiếu dân chủ trầm trọng. Một đất nước có hơn 300 triệu dân mà chỉ có hơn 500 người được cầm lá phiếu quyết định trực tiếp chọn ra tổng thống cho cả nước!

Song, các nhà lập quốc Mỹ là những người có lối tư duy tích hợp, rất linh hoạt khi xây dựng chính quyền để nhằm đạt được mục tiêu tối thượng của chính quyền là đủ hiệu năng để quản trị và gìn giữ tự do cho cá nhân, xã hội. Ðằng sau tính chất “thiếu dân chủ” của cử tri đoàn có những triết lý rất sâu sắc.

Alexander Hamilton một bộ óc được đánh giá thuộc dạng xuất chúng nhất trong Hội nghị Philadelphia đã viết bản The Federalist No 68 để trình bày cho công chúng thấy các ưu điểm của cách thức bầu cử tổng thống qua cử tri đoàn. Ông viết:

Mọi người đã mong muốn rằng tâm tư của người dân phải chi phối việc chọn lựa ra người sẽ được ủy thác một tín nhiệm vô cùng lớn lao. Ðòi hỏi này sẽ được đáp ứng bằng cách trao quyền bầu, không phải cho bất kỳ tổ chức đã có, mà cho những người được nhân dân chọn riêng cho mục tiêu đặc biệt này và ở trong một điều kiện phối hợp đặc biệt.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Phụng đàn cùng ta reo khúc “Ô mê ly”

Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do quan trọng nhất. Ðiểm mấu chốt trong việc trao quyền lựa chọn quyết định về tổng thống cho một số cá nhân trong các Tiểu Bang xuất phát từ tư duy cho rằng muốn có lựa chọn chính xác người đủ phẩm chất cho chức vụ quan trọng như tổng thống thì cần phải có một mức hiểu biết và kinh nghiệm nhất định mà điều này dân thường khó có thể có. Ðây cũng là sự cảnh giác, e ngại nói chung của giới trí thức tinh hoa nước Mỹ lúc đó, họ thường sợ ý kiến của đám đông dân thường – “the mob” – dễ nhiệt huyết nhưng thiếu sáng suốt. Alexander Hamilton viết tiếp:

“[L]ựa chọn cuối cùng phải được thực hiện bởi những người có khả năng nhất trong việc đánh giá các phẩm chất phù hợp với chức vụ, và có những điều kiện thuận lợi nhất trong việc cân nhắc, và phối hợp thật khôn ngoan tất cả mọi lý tính và mọi yếu tố thích hợp cho việc quyết định chọn lựa. Do đó, những người do các đồng bào khác chọn ra từ toàn xã hội sẽ là những người có tiềm năng cao nhất về hiểu biết và khả năng phân định cần thiết trong những cuộc tìm hiểu phức tạp như vậy.

Chưa cần dựa vào các nghiên cứu xã hội học, nếu bình tâm, chúng ta cũng phải thừa nhận để có thể chọn lựa, đánh giá một cách kha khá về các chính trị gia, những nhà hoạt động xã hội thì chúng ta cần phải đầu tư không ít thời gian, công sức mới có thể có một lượng thông tin có ý nghĩa; chưa kể còn phải có những kiến thức, kinh nghiệm mới không bị cuốn vào những thông tin thiếu chính xác hay các hành vi đánh lạc hướng, thiếu thành thật thường có của các nhân vật muốn lấy lòng công chúng. Nhiều khi đủ thông tin vẫn chưa đủ, đánh giá con người còn đòi hỏi những trực giác, mẫn cảm đặc biệt nữa.

Xem thêm:   Cãi trời

Theo Alexander Hamilton, và cũng là của đa phần trí thức tinh hoa Mỹ đương thời, Ðại Cử Tri là những cử tri trung gian không chỉ có nhiều ưu điểm vượt trội về kinh nghiệm, kiến thức, sự tinh tường về chính trị, xã hội, họ còn là những người bị tách khỏi các ảnh hưởng không có lợi như chủ nghĩa thân quen, lệ thuộc, mua chuộc, thao túng kể cả từ ngoại bang.

Hamilton cho rằng Cử Tri Ðoàn còn có tác dụng làm nản lòng những nhân vật giảo hoạt, giỏi mỵ dân nhưng thiếu tài năng, đức hạnh cho chức vụ hết sức quan trọng của nước Mỹ:

Tiến trình lựa chọn như thế tạo ra sự vững tâm là chức vụ Tổng thống sẽ không bao giờ rơi vào vận may của bất cứ ai không có các phẩm chất cần thiết ở mức độ cao nhất. Các tài láu, và những mẹo vặt khoa trương (the little arts of popularity) có thể đủ bốc một người lên hàng danh giá bậc nhất trong một Tiểu Bang; nhưng sẽ phải cần thêm nhiều tài năng và sự tinh anh loại khác, người đó mới có thể đạt được lòng yêu mến và tin cậy của toàn Liên hiệp, hoặc của một bộ phận khá lớn, để trở thành ứng viên thắng cử vào chức vụ siêu quần Tổng thống Hợp Chúng Quốc.

Ðó là những lý do cơ bản khiến các nhà lập quốc Mỹ đã tán thành một thiết chế bầu cử hết sức đặc biệt cho người đứng đầu quyền lực hành pháp: Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Trong hơn 230 năm qua đã có nhiều phê phán, phản đối cử tri đoàn nhưng mọi khuyến nghị, phong trào đòi hỏi cải tiến hoặc bãi bỏ cử tri đoàn đều không được Quốc Hội Mỹ chấp thuận. Có lẽ giới trí thức tinh hoa Mỹ vẫn rất coi trọng tư tưởng của các nhà lập quốc hoặc/và cách thức bầu tổng thống theo thể thức phổ thông trực tiếp cũng vẫn không phải không có khiếm khuyết.

PHS (06/10/2020)

(Các phần dịch tiếng Việt do PHS thực hiện)