“Báo mới đây, tin nóng hổi vừa… thổi vừa… xem đây…” Tôi thích lời rao của các em bán báo dạo ở Sài Gòn xưa. Ngày 11/7/2020 chính quyền thành phố HCM chính thức đổi tên đoạn đường từ Cầu Bông (Ðinh Tiên Hoàng) đến Phan Ðăng Lưu (Chi Lăng cũ) thành: đường Lê Văn Duyệt. Thật ra chỉ là “trả lại Caesar cái gì của Caesar”, bởi đường Lê Văn Duyệt đã hiện hữu với Sài Gòn từ… lâu lắm rồi!
Trước 1975, Sài Gòn có 2 đường mang tên Lê Văn Duyệt: một đường từ ngã 6 Phù Ðổng chạy dài đến Bến Xe đi Tây Ninh (bây giờ là Cách Mạng tháng 8); và một đường từ Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) đến giáp với Chi Lăng (nay là Phan Ðăng Lưu). Ðường Lê Văn Duyệt thứ hai ngắn hơn, được mang tên “Ông” vì chạy qua khu lăng mộ “Ông” – mà từ lâu lắm dân gian quen gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Tôi có nhiều kỷ niệm với con đường thứ hai.
Ai đi học ngày xưa đều biết công lao của “Ông” Lê Văn Duyệt. Lòng trung liệt với vua Gia Long để thống nhất sơn hà sau hàng trăm năm loạn lạc, đã đáng kính trọng; nhưng tài quản trị cả miền Nam, thần phục lân bang, mở mang bờ cõi, khai khẩn xứ sở, dẫn thủy nhập điền, kỷ cương pháp trị, ngoại giao cởi mở… mới là đáng nể! Thời đó chỉ có 2 tổng trấn: Nguyễn Văn Thành cai trị Bắc phần và “Ông” cai trị Nam phần. Quyền uy một cõi, nhưng với “Ông” không có oan sai và “quốc pháp bất vị thân”, dù người có tội bị ông xử là “papa” của một nàng “phi” sủng ái của vua Minh Mạng.
“Ông” không nịnh vua, không chiều ý các quân sư… quạt giấy bên cạnh vua. Lịch sử ghi nhận rằng: Vua Minh Mạng “ghét” đạo Thiên Chúa, nhưng trong vùng lãnh thổ của Ông đạo Thiên Chúa được tự do truyền bá; linh mục và nhà thờ nhiều hơn ở Bắc phần. Ðiều đương nhiên là: kiến thức khoa học kỹ thuật được truyền bá, giáo dục mở mang, kinh tế phát triển, cuộc sống an lành, văn minh đến mọi nơi.
Riêng tôi có hai niềm thương mến “đặc biệt” đối với tên Ông: một là tờ 100 đồng có hình Ông, và hai là ngôi trường nữ mang tên Ông, sánh ngang với “Gia Long” và “Trưng Vương”; ngôi trường mà tôi nhiều… nhung nhớ về tình yêu đầu đời tuổi học trò, những năm đầu sau “30 tháng Tư”

Bảo Huân
Hồi đó, tiền giấy lớn chỉ có 3 tờ: giấy 100 đồng màu đỏ in hình “Ông” Lê Văn Duyệt, giấy 200 đồng màu nâu đen in hình Quang Trung Nguyễn Huệ, và giấy 500 đồng màu xanh dương in hình danh tướng Trần Hưng Ðạo.
Thuở đó, học trò đệ nhất cấp như chúng tôi còn lâu mới “rớ” được tờ 200 hay 500; đi học chỉ có tiền xu, hoặc cao lắm là tờ 20. Bánh mì gà Hương Lan ngon nổi tiếng ở bưu điện Sài Gòn chỉ có 7 đồng. Ðứa nào con nhà giàu “bảnh” lắm chỉ có tờ 20, vậy mà tôi có được mấy tờ 100 in hình Ông.
Ðó là lễ phát thưởng cuối Hè lớp 8 năm 1974. Lãnh thưởng xong, về đến nhà mới mở phần thưởng “bự xự” ra: đồ chơi, tập, sách, truyện thiếu nhi thiệt đẹp; trong đó tôi thích nhất là hai cuốn “English for Today” – cuốn 2 màu xanh dương và cuốn 3 màu xanh lục – cuốn 2 nói về những kỳ quan thế giới, có “The Golden Gate Bridge” (cầu Kim Môn) mà đến… 40 năm sau tôi mới có dịp được đặt… “từng bước chân âm thầm” trên mỗi nhịp của cây cầu nổi tiếng một thời bắc ngang qua vịnh San Francisco.
Và… haha… có… một bao thư có 5 tờ 100 đồng mới tinh in hình Ông. Tôi đưa mẹ tôi 4 tờ, mẹ “đãi” tôi và cả nhà một chầu bánh canh bột lọc nấu tôm đất bằm vò cục ngon tuyệt, ngọt vị tôm thơm mùi nước cốt dừa. Còn lại một tờ, tôi ép trong tập để lưu giữ kỷ niệm lâu dài; đâu biết rằng chỉ một năm sau nó thành… miếng giấy lộn!
30 tháng 4 năm 1975 tới, học trò chúng tôi mỗi đứa một nẻo. Nhà giàu hoặc con nhà cao cấp thì di tản bằng máy bay hoặc tàu lớn. Còn lại thì “vượt biển” sau đó cùng gia đình hoặc riêng rẽ. Một số “bặt vô âm tín” cho đến tận bây giờ; số còn lại – sau bao ngày lênh đênh đầy hiểm nguy – cũng đến được “trại” ở Thái Lan, In đô, Phi lip pin… rồi vào Mỹ, Canada, hoặc Âu châu.
Tôi lên lớp 11, đời sống xã hội lúc đó cực kỳ khó khăn – nhớ lại vẫn còn thấy … “hãi”! Không chỉ trong đời sống kinh tế mà còn về tinh thần. Bao nhiêu sách truyện thiếu nhi đẹp đẽ, kể cả bộ sưu tập tem công phu của tôi và tờ 100 đồng đó đều bị buộc “nộp” cho phường để… “đốt”!
Mùa Hè đến, thanh thiếu niên trong phường được tập họp để “sinh hoạt hè”. “Sinh hoạt” gồm đủ thứ: học chính trị; đi gác đường; đi mít tinh cổ vũ phong trào; chặn… đường để… cắt tóc dài, cắt quần ống loe; đi thu sách báo “phản động, đồi trụy”để đốt – là tất cả sách báo nhạc khác với sách báo nhạc “cách mạng”; đi làm thủy lợi – “bốc” đất bờ kênh này “hất” qua bờ kia rồi ngược lại… Cũng có ca múa hát – những bài hát “cách mạng” – theo hướng dẫn của cán bộ đoàn.
Qua sinh hoạt Hè ở phường, lần đầu tôi gặp và quen em – một tiểu thư xinh đẹp, cao ráo, mảnh mai, dễ thương, da trắng hơn… trứng gà bóc, tóc ngang vai, mắt đen láy, và đặc biệt có cái tên “lạ”, “độc”, “đẹp”: Kiều Dinh.
Em học trường nữ Lê Văn Duyệt, cùng cấp lớp 11 với tôi nhưng em khối D (vạn vật), còn tôi ban C (toán). Em ở khu “nhà giàu” – khu cư xá công chức trên đường Bạch Ðằng, gần chợ Bà Chiểu, rẽ trái là đường Lê Văn Duyệt.
Em có lối nói chuyện dễ thương, êm dịu như rót vào tai người nghe, cộng với đôi mắt đen lay láy, thỉnh thoảng “chớp chớp” làm tôi bao lần… “rung rinh, xiêu vẹo”.
Như có duyên, tôi với em thân nhau qua mấy tháng Hè. Em nhờ tôi giải các bài toán – môn mà em nói rằng: “Cố lắm… mà sao… nó… không chịu… vô đầu.” Với tôi thì toán khối D là… chuyện… nhỏ xíu. Thật ra lúc đó không có gì để vui chơi nên có thời giờ là tôi lấy các đề thi trong sách luyện thi cũ ra làm… “đồ chơi”; riết rồi quen. Cho nên – với tôi – không có gì lạ mỗi khi em tròn xoe mắt khi tôi giải xong mấy bài toán – đối với em là khó – chỉ trong… 30 giây!
…
Rồi Hè qua đi, tôi và em lên lớp 12. Nhà tôi nghèo, mỗi sáng tôi dậy từ 4g30 sáng để đạp xe chở mẹ tôi ra góc chợ Bà Chiểu, xéo xéo trường em, để lấy hàng tươi – là các loại rau cải đậu, về cho mẹ tôi bán ở chợ Văn Thánh rồi mới đi học. Mỗi sáng lúc chở hàng về, tôi đều thấy em – áo dài trắng tinh khôi – đạp xe đến trường theo chiều ngược lại, tóc huyền bay trong… gió sớm.
Chỉ thoáng nhìn em rồi cúi mặt đạp xe chở nặng rau cải, đậu que, đậu đũa… ở phía trước và sườn ngang, với mẹ tôi ở yên xe phía sau. Không dám nhìn thẳng vì mặc cảm phận nghèo, cực khổ. Trong mỗi thoáng nhìn đó, tôi biết em nhìn tôi đầy thắc mắc: sao thấy em mà cúi mặt quay đi?
Một tối – thật bất ngờ – em đến nhà tôi, với “yêu cầu” tiếp tục giảng bài và giải toán cho nàng vì sắp thi đại học. Tôi đồng ý ngay vì lòng tôi bảo: tôi muốn gặp nàng!
Gần trọn học kỳ 2, cứ mỗi tối thứ Bảy, Chủ Nhật tôi đến nhà “kèm” cho em môn Toán. Em “khá” lên thấy rõ và tự tin khi giải “đẹp” các đề luyện thi “lăng quăng, móc câu” (là tích phân, đạo hàm), “khảo sát hàm số”… Ðặc biệt em vẽ đồ thị rất đẹp. Tôi mừng, hỏi em: “thi trường nào?”. Em đáp: “… trường dễ dễ cho chắc ăn…”; em thi vào Nông Nghiệp.
Một tháng sau thi, em đến nhà tôi báo tin em đậu và mời tôi đến nhà. Nhà em mừng em đậu đại học và sinh nhật, làm chung. Tôi đem theo cuốn “English for Today” làm quà tặng em. Ðến nơi, hơn chục người – toàn bạn nữ của em – chỉ mình tôi là nam. Niềm vui mà… chỉ có tôi… hiểu!
Mọi người ra về, em nói tôi ở lại chút. Trên băng ghế ngoài sân dưới giàn trầu bà chen bông giấy, em hỏi kết quả thi của tôi. Tôi nói: “Chắc rớt… lâu hổng thấy giấy báo… bạn bè có hết rồi… Rớt thì đi làm công nhân thôi… phải chi như D thi trường dễ dễ cho chắc…”. Em đặt bàn tay lên tay tôi an ủi: “Chờ thêm chút coi, đậu mà… D tin…”
Lời em “linh” thiệt – tôi đậu Bách Khoa. Chờ kết quả quá lâu, ba tôi đến trường BK. Cả tiếng đồng hồ chờ đợi, tay cán bộ ra nói “Ông về đi…”, ba tôi hết hồn: “Rồi, chắc rớt rồi”; 15 phút sau tay đó ra: “Ðậu cao…”. Ba tôi chỉ kịp xin bản sao giấy báo trúng tuyển, rồi về.
Thì ra kết quả trường đã gởi, nhưng gởi về… phường! Tụi “phường” hổng ưa nhà tôi nên tụi nó giấu để “bắt” tôi đi “nghĩa vụ quân sự” – là đi lính – đánh Pôn Pốt ở Campuchia. Hồi đó, phường uy quyền lắm. Bắt đi bộ đội rồi, không thể quay lại vì đã vào… trại lính.
Theo chỉ dẫn giấy báo trúng tuyển, tôi mang đồ đạc vào ký túc xá ở ngay, không kịp từ giã em. Ba mẹ dặn ở luôn trong ký túc xá, đừng về nhà. Về là “tụi nó” “hốt” ngay! Y như rằng – hôm sau – phường đến đưa giấy báo trúng tuyển… nghĩa vụ quân sự! Bà mẹ!
Ba tháng sau tôi mới về nhà với đủ giấy tờ chứng nhận của trường. Ngó qua bàn học cũ – bức thư với nét chữ thương yêu của em: “Sao lâu quá không ghé D. Có gì cho D biết với. D sắp nghỉ học rồi, theo ba má về quê, đem theo cuốn sách anh tặng. Muốn gặp anh gấp, nhớ tới nhe… D.”
Tôi chạy vội vào nhà em – là người khác – cán bộ miền Bắc vào ở. Hiểu rồi! 3 tháng tôi ở ký túc xá thì nhà D đi vượt biên. Thẫn thờ…! Em đi xa rồi, bao giờ gặp lại em đây? Tôi đến tìm em vì tôi đã biết… biết yêu em rồi… Tôi đã biết… biết nhớ em, D ơi !
Tôi – ngoài việc nhớ ơn công đức “an dân hưng quốc” của Ông – vui sướng biết bao với một lần trong đời cầm tờ 100 đồng có hình Ông; còn nhớ hoài con đường mang tên Ông, con đường xưa in dấu chân em, mà tôi nhớ như in những bâng khuâng bồi hồi mỗi khi có bước em qua…
Ðường xưa còn đó… mà dáng xưa – dáng em tôi, tóc xanh bay mơ màng… đâu rồi?
NBC – tháng 7/2020