Lời giới thiệu:

Tiểu thuyết pha lẫn tự truyện, được viết với giọng văn khôi hài, trào phúng, về những tháng ngày tác giả, như bao người dân miền Nam phải sống dưới chế độ cộng sản sau năm 1975.

“Sau 75, nhà tôi đi làm rẫy, như nhiều người trong cả nước đi làm rẫy. Nhưng mãi hơn một năm sau khi thi đại học, cao đẳng, rồi xuống trung cấp, trung học vẫn ạch đụi, không vô được cái nào hết ráo, tôi mới bắt đầu khăn gói vào rừng vì cái rẫy nằm tuốt trong… rừng.

“Vô rẫy, chỉ là vô rẫy. Tôi không bao giờ nghĩ đó là phải đối diện với cơm áo, là kiếm miếng ăn, là đổ mồ hôi sôi nước mắt như mẹ tôi nói ra mới có thứ để bỏ vào bụng. Tôi, cho tới lúc đó, vẫn là con người ở dưới đất, hồn ở trên mây”. (HN)

Trẻ xin giới thiệu một đoạn trích trong tác phẩm “Rừng núi bạt ngàn” của Hoàng Nga.

Chương 5

Rừng núi bạt ngàn

Cái rẫy nhà tôi đúng là không nằm trên đồi cao. Nhưng dẫu sao đi nữa tính từ phía dưới ruộng, muốn nhìn thấy nó thì cũng phải ngước mắt.

Hôm tôi vào tới rẫy, trời mây trắng bàng bạc. Chiều vắng lặng không một tiếng động, không bóng chim bay ngang. Cái tịch mịch, êm đềm của buổi chiều và cảnh vật chung quanh đang ngả dần vào hoàng hôn vàng rực, trông thật giống như một bức tranh, một đoạn phim tuyệt mỹ.

Lẽ ra khi nhìn thấy cảnh thiên nhiên, đất trời như vậy, hồn thơ của tôi phải láng lai, chữ nghĩa phải lồm cồm bò dậy trở thành thi thành phú mới phải, nhưng đằng này tôi chỉ thấy … lạnh người. Sợ. Dù chẳng biết là sợ điều gì.

Ngước mắt lên cao nhìn thấy trời chiều đang dần xuống. Ngó xuống dưới chân là con đường mòn chạy dọc theo hai bên bờ ruộng thấp cao, chỗ khô cứng, chỗ nhầy nhụa. Hai thằng em bảo phải bỏ dép ra mới đi được mà tôi vốn không quen đi chân đất nên trượt lên trượt xuống như làm xiếc. Nhưng vậy đó mà hai thằng nhất định không thèm chờ, cũng không thèm chỉ giáo một câu để tôi đi cho dễ dàng, cứ tỉnh bơ bươn bả đi tới trước. Lúc đó tôi thật tình không nghĩ ra nổi gạo mắm, xì dầu nước tương và cuốc xẻng mang trên vai, xách trên tay làm hai thằng muốn hết thở, chỉ mong lên được tới trên chòi để xả hơi chút đỉnh. Nên tôi, con chị tiểu tư sản không quán triệt và cập nhật tình hình của địa phương, không thực hiện tốt công tác … lội ruộng, đã phừng phừng lửa giận ở trong bụng. Tuy nhiên tôi lại không dám dừng nửa chừng, mà ì à ì ạch, ná thở lội theo vì sợ mất dấu hai thằng. Về sau này thì tôi biết ra là ngoài chuyện hai thằng đã quá xá mệt, từ cái gốc cây gẫy Ba tôi sầu vạn cổ ngó theo bác Tư Nùng giã từ nương rẫy, chẳng cần hướng dẫn viên … tour guide gì hết ráo cũng có thể đi một mình.

Xem thêm:   Một đời lan

Bởi đó là con đường duy nhất. Từ đám ruộng lên tới rẫy nhà tôi làm gì có con đường cách mạng, con đường tình ta đi thứ hai!

Lội lên tới rẫy, chỉ có cái giỏ PanAm trên vai mà tôi cũng ướt nhẹp mồ hôi. Dầu gì cũng mấy tiếng đồng hồ quanh co lên bờ xuống ruộng, lội hết hố bò này đến lỗ chân trâu kia. Tôi không đuối mới kể là lạ. Nhưng đến lúc này nhớ lại chuyện xưa tích cũ, tôi đang tự hỏi không biết có phải tại ngó cái chòi xộc xệch một bên vách gỗ bên vách tre, không cửa ngõ, chỉ có chiếc giường be bé chắc là dành cho Ba tôi, mà tôi … toát mồ hôi hột hay không!

Lúc đó có lẽ bộ dạng tôi thảm sầu lắm, nên Ba tôi dịu dàng nói con ngồi nghỉ một chút rồi đi tắm, để Ba nấu cơm cho. Ðang mệt, định than mệt, nghe câu nói của Ba, tôi giật mình im luôn. Ngạc nhiên đến sững sờ. Y hệt như mới vừa nghe một tin giựt gân nào đó. Bởi vì Ba tôi mà cũng biết nấu cơm sao?

Thiệt đúng là khó tin nổi. Nhưng thiệt là đáng ngưỡng mộ! Vì suy ra chỉ cần “kiên định lập trường”, tìm hiểu sâu sắc chủ trương và đi đúng đường lối, kể từ ngày “đứng về phía nhân dân” và biến mình thành “giai cấp vô sản” mà Ba tôi đã chuyển sang giỏi giang như thế này!

Vì thế tôi đã quyết định thay vì nghỉ ngơi rồi đi tắm, lại ngồi xuống tấm ván ở bên cạnh ngó Ba tôi “nổi lửa lên em” với cái bếp kiềng ba chấu, nấu bằng củi mục và lá khô. Lẽ ra “phận làm con gái chưa một lần yêu ai, nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài” thì tôi phải cám cảnh “nhà neo đơn, bầy em chưa lớn trĩu đôi vai gánh nhọc nhằn”, nói với Ba để con làm cho, nhưng tôi cứ ngồi im, quan sát người hùng xông pha khói lửa. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay thích làm nghệ thuật, viết chữ Hán đẹp như rồng bay phượng múa, biết đánh trống chầu văn, chầu hát bội… sẽ chiến đấu như thế nào.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Tôi muốn xem Ba tôi “đổi đời” ra sao.

Xưa nay Ba tôi vốn là người chuộng nhàn nhã. Cốt cách phong lưu. Chắc học được từ các “lão tiền bối” Khổng Mạnh. Và phóng khoáng như dân Tây. Tiền bạc ông làm ra, luôn luôn muốn dành cho vợ con được hưởng những điều tốt nhất. Chẳng hạn để dạy các anh tôi ăn uống theo cách thức của người Tây, mẹ tôi đi mua bộ dao nĩa, Ba tôi im lặng không phản đối nhưng nhỏ to với mấy ông anh rồi dẫn đi ăn ở những nhà hàng sang trọng nhất thị xã, đến lúc biết ra, mẹ tôi đã cằn nhằn nghe muốn nổi da gà, mà Ba tôi chỉ cười.

Tôi ngồi ngó đi ngó lại đôi bàn tay vững chãi, ấm áp của Ba một lúc, tự dưng chợt nhớ lần về Huế, đang nắm lấy tay tôi dẫn qua cầu Gia Hội, chỉ cho tôi thấy ngôi nhà từ đường của dòng họ, nói nhà mình có dính dáng tới vua chúa. Bỗng Ba tôi khua tay, cười giòn:

– Lúc còn nhỏ, ngày nào Ba cũng ngồi trước thềm nhà chờ học trò đi học về để chọc họ “nhân chi sơ sờ vú mẹ, tính bổn thiện miệng muốn ăn”, rồi “tam tự kinh rình ăn trộm…” Tới lúc ông Nội bắt đi học chữ Nho để lớn lên làm quan cho giống … dòng họ, Ba sợ gần chết. Vừa sợ học trò lớn trả thù, vừa sợ phải đi làm quan.

Tôi nói nhưng Ba có học chữ Nho mà. Ba tôi gật đầu:

– Ba phải học hết mấy năm rồi sau mới đi học tiếng Tây.

Tôi hỏi tại sao. Ba tôi đáp thời buổi “mười người đi học chín người thôi” mà con, chữ Nho lúc đó đâu còn được chuộng nữa. Ðó là lần đầu tiên Ba tôi đổi đời; bỏ bút lông qua bút sắt, giã từ Trung Dung Luận Ngữ qua “parler français”, giã từ luôn cả mộng ước quan chức của ông Nội tôi, ngao du một mạch qua Thái, qua Lào. Về sau này, Ba tôi mua sách về tự học thêm Tứ Thư Ngũ Kinh.

Ba tôi hiền lành. Cười nói cũng hiền lành. Trong nhiều năm liền, cứ mỗi lần bịnh nằm dài, là tôi lại nhớ bàn tay dịu dàng đặt lên trán tôi, nói con gái của Ba ráng khỏe cho Ba mừng…

Và lần này, đổi đời, cũng cái bàn tay ấy, trước mắt tôi ngày ở trong rẫy, loay hoay hoài với mớ lá khô củi mục. Có lúc tôi đã định nói Ba bỏ bớt lá bớt củi ra để con không chảy nước mắt, nhưng rồi tôi vẫn ngồi im. Củi lửa mà cháy tốt, nếu thình lình Ba tôi quay lại thấy, chắc khó có cớ đổ thừa tại sao nước mắt rơi.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Thi sĩ cách mạng nói “bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Bàn tay người hùng của chúng tôi đã không cần xài tới sỏi đá cũng thành được một nồi cơm. Nhưng lúc dọn ra ăn, người hùng cứ thắc mắc:

– Ủa, sao Ba làm kỹ lắm mà nó lại như vậy cà?

“Nó lại như vậy” là vì người hùng không dám hạ lửa khi lò hết nghẹt, lá, củi cháy phừng phừng. Cơm réo rồi cơm sôi. Thiệt đúng như người ta vẫn hay nói, tơi bời khói lửa. Nên cái kết quả cuối cùng là một nửa bên trên hơi… sống, còn một nửa bên dưới thì… khét lẹt. Cháy đen.

Ba tôi khá buồn vì đã không “hoàn thành chức năng” của một… anh nuôi. Còn đứa con gái của Ba ngồi sau lưng không chịu mở miệng nói tiếng nào vì đã bận “ngộ” ra một điều là cũng chỉ với đôi bàn tay ấy, nhưng ngày xưa có thể nuôi nguyên một đàn con, lại cáng đáng thêm một đám cháu vừa bên vợ vừa bên mình một cách rất thảnh thơi nhẹ nhàng, còn ngày nay, dẫu có cố gắng đến toát mồ hôi hột, lực vẫn bất tòng tâm!

Suốt buổi cơm, người hùng chậc lưỡi không biết bao nhiêu bận:

– Bậy quá, bậy quá, đáng lý ra Ba phải kiếm cái gì lót ở ưới cái nồi mới đúng phải không?

Anh tôi không dám đưa mắt nhìn người hùng, chỉ khẽ nói không sao đâu Ba, tụi con ăn ngon mà.

Nhưng lúc ra sau hè rửa mặt, anh nói nhỏ với tôi, “Nên mới nói hai cô chịu khó thay phiên nhau vô rẫy là vì vậy!”

HN

Hoàng Nga, tên thật.

Quê quán Quảng Nam. Sang Úc năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008. Trở về Úc vài năm và hiện tại đang định cư tại South Dakota, Hoa Kỳ.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau (Làng Văn)

Bay Đi Cánh Chim Biển (Văn Mới)

Như Một Vết Chim Bay (Làng Văn)

Tình Yêu (Làng Văn)

Đêm Trắng (Văn Mới)

Ừ Thôi Kiếp Sau Em Nhỏ (Làng Văn)

Giòng Đời (Hướng Đi)

Kẻ Không Chiến Tuyến (Nhân Ảnh)

Rừng Núi Bạt Ngàn (Nhân Ảnh).

Để mua RỪNG NÚI BẠT NGÀN

Liên lạc tác giả qua email:

hoangngasd14@gmail.com.

Giá bán 20 đồng chưa có cước phí.

Ngoài ra độc giả có thể mua tại Amazon:

https://www.amazon.com/R%E1%BB%ABng-N%C3%BAi-B%E1%BA%A1t-Ng%C3%A0n-Vietnamese/dp/198970574X