Mỗi người Mỹ, trung bình thải 5 lbs rác một ngày. Cả nước Mỹ quăng ra bãi rác 300 triệu tấn một ngày. Trong đó có 91% rác nhựa cũng bị chôn lấp thay vì được tái chế. Mỹ chôn cất nhựa tương đối tử tế, trong khi nhiều quốc gia khác thẳng tay tống ra sông hồ, kết quả là mỗi năm có 17 triệu tấn rác nổi lềnh bềnh trên đại dương.
Với vị trí hàng đầu thế giới cả về ý thức lẫn kỹ thuật, người Mỹ làm gì với rác?

Một bãi rác tại Indonesia (photo:Bay Isomoyo | AFP)
rong một bài mới đây trên báo Trẻ, có tiêu đề “Bài ca mang tên Rác” có nói về tình trạng bi kịch rác thải ở Việt Nam, cả rác hữu cơ và rác tư tưởng. (“Bài ca mang tên rác đã đăng tại: https://baotreonline.com/van-hoc/tap-ghi/bai-ca-mang-ten-rac.baotre)

Bãi rác nổi lớn nhất thế giới, rộng 1.6 triệu cây số vuông, nằm ở giữa California và Hawaii, gọi là “Bãi rác Thái Bình Dương: Great Pacific Garbage Patch”, có diện tích lớn gấp 3 lần nước Pháp
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói về loại rác thải thông thường. Giải quyết rác thải luôn là vấn đề nhức đầu cho bất kỳ địa phương hay quốc gia nào. Ở những quốc gia ít phát triển, rác được đổ lung tung vô tội vạ, làm nhiễm bẩn môi trường và nguồn nước, dẫn đến bệnh tật không chỉ một thế hệ. Bãi rác nổi trên đại dương lớn nhất thế giới nằm ở giữa California và Hawaii, gọi là “Bãi rác Thái Bình Dương”: Great Pacific Garbage Patch, có diện tích lớn gấp 3 lần nước Pháp và là nơi lưu trữ gần 2 tỉ loại vật liệu nhựa, chúng góp phần giết chết hàng nghìn động vật biển mỗi năm do ăn phải hoặc vướng phải lưới rác này.
Ở những quốc gia phát triển, thậm chí giàu có như Mỹ, giải quyết các vấn đề về rác cũng không hề dễ dàng, nhất là ở những thành phố lớn như Houston, New York, Los Angeles, Chicago… đường sá chật hẹp, người chật như nêm.

Một nhà bảo vệ môi trường đang xem xét hiện vật tại bãi rác Thái Bình Dương
Rác đi đâu?
Quan trọng nhất là đổ rác đi đâu để không bị ô nhiễm không khí và nguồn nước. Tại Guatemala, Ấn Độ… người ta đổ rác xuống một thung lũng, bên dưới thung lũng là một đội quân lượm rác, phần lớn là các em bé, công việc hôi hám này lại là nguồn thu quan trọng, nuôi sống cả gia đình.

một con hải cẩu và một con rùa biển vướng lưới rác nằm chờ chết
Ở Mỹ rác được quy hoạch một khu vực riêng để đổ rác do những công ty chuyên nghiệp về rác đảm trách dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà quản lý môi trường. Hiện Mỹ có khoảng 3,000 bãi rác, mỗi bãi rộng khoảng 600 mẫu. Khoảng 40% rác là thực phẩm, theo báo cáo của National Resource Defense Council (Hội đồng Tài Nguyên Quốc gia), mỗi năm người Mỹ đổ đi khoảng $165 tỉ thức ăn thừa.
Cấu tạo một bãi rác
Khu vực được chọn để đổ rác thường quy định phải cách xa trung tâm thành phố, không quá xa để xe rác di chuyển rề rà, không quá gần để ô nhiễm dân cư. Các xe khi rời khỏi đều được tẩy rửa kỹ càng với thuốc tẩy trùng để tránh mang ô nhiễm vào thành phố.
Ở một ngọn núi được quy hoạch, người ta đào sâu xuống, có khi hàng 100 mét để chứa được nhiều tầng rác. Bên dưới đáy quy định phải tráng 1 hoặc 2 lớp đất nện dày hơn nửa thước để tránh nước ngầm bên dưới thấm lên, sau đó lót một lớp nhựa dày chịu nén (high-density polyethylene (HDPE) và một lớp cát chừng nửa mét, nước rỉ từ rác hay nước mưa sẽ được dẫn vào một hệ thống ống cống riêng ngay tại bãi để lọc và khử trùng.

Sơ đồ một bãi rác tại Mỹ
Trên bãi rác, những loại xe đặc biệt, nặng vài chục tấn chạy khắp bãi để nén xuống tối đa. Vào cuối ngày, một tấm bạt khổng lồ được trùm lại để tránh chim chóc, thú rừng tha rác vung vãi.
Đến khi lớp rác đủ dày, người ta lấp lại để tiếp lớp thứ hai, thứ ba… cho đến khi chấm dứt đời sống của một bãi rác.

người Ấn đổ rác và nhiều thứ khác xuống sông, nơi họ vẫn sử dụng để tắm giặt
Đóng một bãi rác
Một bãi rác trung bình có tuổi thọ từ 30 đến 50 năm, sau khi đã vun cao ngất, chúng được niêm lại bằng một lớp đất dày bên trên có phủ bạt tự tiêu hủy. Trước đó, các kỹ sư đã lắp đặt các đường ống chằng chịt bên dưới bãi rác để nhận khí methane, một loại khí hình thành rất mạnh khi rác tỏa nhiệt, khí methane được dẫn đến một lò nhiệt điện để biến thành điện năng, lượng điện từ các bãi rác thải ở Mỹ có thể cung cấp cho 1.5 triệu căn nhà trong vòng 15 năm, cho đến khi rác bị phân hủy hoàn toàn.

một bãi rác tại một khu phố ở Trung Quốc
Bên trên núi rác, các loại cỏ thích hợp được trồng sẽ trở nên một khu vườn xanh tươi. Giai đoạn chờ rác tiêu hủy hoàn toàn, khoảng 30 năm, các núi rác không được trồng cây, vì rễ cây sẽ phá vỡ các lớp bảo vệ bên trên. Trong khi chờ một khu rừng hình thành, bãi rác này sẽ được tiếp tục kiểm tra, theo dõi trong vòng 30 năm bởi những nhà bảo vệ môi trường, nhằm tránh hiện tượng rò rỉ nước thải hay khí methane.
Một bãi rác khác lại xuất hiện với quy trình khép kín như vậy.
Nơi đâu tốt nhất?
Mặc dầu Mỹ có những quy định rất chặt chẽ trong việc tiêu hủy rác nhưng không phải tiểu bang nào cũng làm ăn tử tế. Năm ngoái, những tiểu bang giải quyết rác thải hiệu quả nhất, trong đó có việc quản lý bãi rác, tái chế, và ít ảnh hưởng môi trường là: Connecticut, California, Vermont, Oregon, New York, Maine, Iowa… những tiểu bang luộm thuộm nhất gồm Alaska, Nevada, Montana, Arizona…

Sống nhờ rác
Ở quốc gia khác.
Mỹ có cách giải quyết của họ, ngoài ra, có nhiều quốc gia có những cách riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn cho môi trường. Bảng sắp hạng đứng đầu là Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp và Na Uy… Đức tái chế được 70% từ rác thải, trong khi Mỹ chỉ tái chế được khoảng 30%. Trong khi dân Mỹ đóng góp vào bãi rác khoảng 40% là thức ăn thừa thì Pháp, Na Uy, Nam Hàn, Đan Mạch, Nhật chỉ tống ra bãi rác chừng 25% thực phẩm.

Rác ở Hà Nội
Kết
Có nhiều quốc gia nhận thầu rác của thế giới, dĩ nhiên, họ chẳng có nhà bảo vệ môi trường nào, chẳng có ai kiểm tra, ngoại trừ những người sống nhờ bãi rác, trong đó, tệ hại bậc nhất là Chile và Ấn Độ, việc kiểm soát môi trường gần như bỏ ngỏ. Một quốc gia khác cũng gây hại môi trường nghiêm trọng là Trung Quốc, do ý thức kém, tất cả chất thải đều được thẳng tay tống ra ao, hồ, sông, rạch và thẳng tiến ra biển. Việt Nam, Cambodia, Lào, Philippines… cũng không ngoại lệ, việc tuồn rác rưởi, chất thải ra ống cống hay sông rạch được xem như chuyện bình thường.

Rác ở Đà Nẵng
Ngay cả việc quản lý, kiểm tra rác thải lớp lang và kỹ lưỡng như Mỹ, vẫn gây hại cho môi trường, đặc biệt là sự rò rỉ khí methane.
Rác từ các quốc gia chậm phát triển lờ lững trôi ra biển và “tập kết” thành những đảo rác khổng lồ, diện tích khoảng 1.6 triệu cây số vuông.

Rác ở TP. Hồ Chí Minh
Nhựa bị nắng nóng phân hủy và tan vào nước, trở thành thức ăn của sinh vật biển. Con người sẽ gián tiếp tiêu thụ những hạt vi nhựa, chúng tác động vào mạch máu, hệ thần kinh và gây ra vô số bệnh tật.
Vì vậy, cuộc chiến ý thức để giải quyết rác thải không phải chỉ có quốc gia nhà giàu, mà phải quan tâm đến cả xóm nhà lá, vì bầu khí quyển và nguồn nước là của chung, chúng sẽ phân phát tai ương khắp cõi loài người.
TA