Ngày 30 tháng Tư năm 1975, miền Nam Việt-Nam bị cưỡng chiếm bởi những người cộng sản đến từ phương Bắc. Những người may mắn và nhanh chân đã kịp di tản trên những chuyến bay cuối cùng trước ngày Sài-Gòn hấp hối. Hàng trăm ngàn quân, cán, chính còn kẹt lại bị lùa vào những trại tù nơi những vùng sơn lam chướng khí và chịu đựng những đòn thù hủy hoại tuổi thanh xuân. Vì không thể chấp nhận chế độ cộng sản hà khắc, hằng triệu người đã liều mình đi tìm tự do trên những chiếc ghe mong manh, bé nhỏ. Từ sự kiện lịch sử đó, cuốn phim tài liệu “Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” của đạo diễn Thanh Tâm, do Ethnic Channels Group và Lunar Village Production sản xuất với một phần tài trợ của chính phủ Gia-Nã-Đại (Canada Media Fund) được ráo riết thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm và ra mắt lần đầu tiên ở Toronto từ mùa Xuân năm 2024.
Những câu chuyện có thật cùng với những nạn nhân may mắn thoát chết trên đường vượt biển đã lần lượt kể lại những tháng ngày giông bão mà họ đã trải qua. “Tự do hay là chết” là tâm nguyện của người ra đi không hẹn được ngày về và cũng không thể nào biết được tương lai mình rồi sẽ về đâu. Những tâm sự đau thương, tủi nhục được giữ kín mấy chục năm trời giờ đây được phơi bày trước ống kính, không phải kể lể mà muốn nhắc nhở cho thế hệ mai sau, vì sao người Việt-Nam phải lưu vong và có mặt trên khắp mặt địa cầu.
Ra đi là chấp nhận hy sinh và mất mát nhưng mấy ai ngờ được rằng nước mắt của người vượt biển không làm cho nước biển mặn hơn nhưng máu của người Việt-Nam sẽ không bao giờ phôi phai trong màu nước biển. Hòn đảo quỷ Ko Kra còn vang vọng những tiếng thét hãi hùng của nhóm thuyền nhân tội nghiệp. Bãi biển Tha Sala vẫn còn nhuốm máu đồng bào mình với những cái chết oan khuất trên đường đi vượt biển. Chúa, Phật ở trên cao còn phải nghẹn ngào rơi lệ trước cảnh máu lệ chan hoà bởi những bàn tay man rợ của bọn người đầy thú tính. Đường đi không đến, ước mộng không thành vì những nhân chứng không bao giờ tới được bến bờ đã gửi thân vào lòng biển lạnh hay không may qua đời nơi các trại tị nạn.
Trong phút giây thập tử nhất sinh, trong số họ gặp được những tấm lòng bác ái cùng những bàn tay nhân đạo đã vươn ra và cứu vớt kịp thời. Trên đất mới, người tị nạn bắt đầu xây dựng lại cuộc đời và theo thời gian cuộc sống đã âm thầm bén rễ. Cây xanh đơm trái, chồi quế trổ thêm bông. Thế hệ con cái rồi đến cháu nội, ngoại được sanh ra và lớn lên trong bầu không khí tự do. Dù dễ dàng hội nhập giữa xã hội nhưng các em, cháu thuộc thế hệ sau này, nào ai biết được tại sao mình khác màu da, gương mặt mà lại ở tận chốn này. Thắc mắc đó cũng là câu hỏi của người bản xứ nhưng ai sẽ là người đứng ra giải thích những khúc mắc giữa cuộc sống vô cùng vội vã này. Hơn thế nữa, nhiều người tị nạn năm xưa vì cuộc sống bộn bề đã quên rồi những ngày trốn chạy và lênh đênh trên biển.
Trong ý nghĩ đó, đạo diễn Thanh Tâm đã thực hiện cuốn phim “Thuyền Nhân: hành trình 50 năm” với hy vọng truyền đạt cho thế hệ tương lai, cũng như người dân bản xứ thông hiểu hơn về những người tị nạn gốc Việt. Sự hy sinh của những người vượt biển, vượt biên trên đường tìm tự do cần phải được nhắc nhở và trân trọng. Dù không muốn khơi gợi lại nỗi niềm đau thương một thời đã phai phôi theo ngày tháng, cũng như không dấy lên niềm hận thù nhưng hệ lụy này không thể tái diễn lần nữa trong lịch sử của dân tộc Việt-Nam và hơn bao giờ hết, nguyên nhân của nó cần phải xóa bỏ vĩnh viễn.
Sau đợt ra mắt ở các thành phố đông người Việt cư ngụ ở Gia-Nã-Đại, phim được tiếp tục trình chiếu ở Hoa-Kỳ, Úc Châu rồi đến Âu Châu. Buổi chiếu phim nào cũng thu hút đông đảo khán giả tham dự và lấp kín khán phòng dù thời tiết nắng mưa bất chợt hay giữa khi Xuân tàn, Hạ tới. Đó là một món quà yêu thương vô giá dành cho cô đạo diễn xinh đẹp đã bỏ nhiều tâm sức, thời gian, tiền của và hy sinh hạnh phúc cá nhân để thực hiện cuốn phim mang tính thời sự đầy nhân ái này.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc sống nơi quê nhà dẫu đã ít nhiều thay đổi nhưng người dân vẫn đắm chìm trong nỗi niềm tuyệt vọng và tìm mọi cách để thoát khỏi cuộc sống u ám, lầm than. Chiến tranh dù đã rất xa nhưng hòa bình chưa về trong ánh mắt trẻ thơ hay trên môi trầu của ngoại. Người đi xa vẫn nhớ thương về chốn cũ và thầm hỏi trời cao, ai đã gây ra thảm cảnh chia ly khiến cho thuyền ghe lạc hướng, dòng nước buồn đã đục một màu sông.
Bài và hình TV (31.07.2024)