Ngày 17/3/2020

Ba tháng trước, khi mọi người bắt đầu chào đón năm mới 2020 với những hy vọng tốt đẹp cho tương lai, họ sẽ không bao giờ ngờ chỉ vài tháng sau cả nhân loại kinh hoàng chứng kiến một đại dịch toàn cầu thảm khốc như vậy.

Virus Corona Wu Han bắt nguồn từ Trung Quốc chỉ trong 3 tháng lan nhanh đến các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc cuối cùng là Châu Phi. Có lần đọc ở đâu đó, đại khái người ta nói: Con người thật nhỏ bé, khi bước ra khỏi trái đất, từ vũ trụ bạn sẽ thấy trái đất như một ngôi nhà chung mà biên giới giữa các quốc gia không còn ý nghĩa nữa.

Virus Corona Wu Han gây ra đại dịch toàn cầu bắt con người sống chậm lại, suy nghĩ lại những gì đã qua.

Có lẽ không ai tin trong thế kỷ 21, nhân loại phải chứng kiến những hình ảnh tại Trung Quốc người chết nằm đầy đường, lò thiêu chạy hết công suất ở Wu Han cũng không kịp đốt xác người, tại vùng Lombardy miền Bắc nước Ý những hàng ghế trong nhà thờ phải dỡ ra để nhường chỗ cho các quan tài, nghĩa trang không còn đủ nơi chôn, trong đêm hàng đoàn xe quân đội chở quan tài tìm đến thành phố khác… Những ánh mắt thảng thốt, tuyệt vọng của bệnh nhân trong bệnh viện, những giọt nước mắt của bác sĩ, y tá thất thủ trước số bệnh nhân cấp cứu, lực bất tòng tâm.

Và tôi tin, với đà này tất cả mọi đất nước trên thế giới cũng sẽ trải qua thời khắc đó, chỉ là thời gian nào, nhiều hơn hay ít hơn mà thôi. Vì vậy, bạn đang ở nơi nào thì hãy chấp hành luật lệ nơi đó.

Các nước, đều cho máy bay chở công dân nước mình ở nơi dịch bùng phát dữ dội trở về nhà. Từ các em học sinh, sinh viên du học, người hợp tác lao động chính thức hay không chính thức, các nhà kinh doanh, ngoại giao, họ là con dân của đất nước mình thì phải bảo vệ đưa về là chuyện thường tình, nước nào chả vậy. Từ lúc dịch bệnh vỡ trận ở Trung Quốc, hay giờ đây trung tâm dịch ở Châu Âu có biết bao chuyến bay của các nước chở công dân họ về nước.

Tại Châu Âu, tất cả các nước bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp “bế quan tỏa cảng” để ngăn ngừa dịch bệnh. Mỗi nước, với nền văn hóa khác nhau, với kinh nghiệm y tế khác nhau sẽ có những cách làm khác nhau, tựu trung họ cũng chỉ mong mang đến một kết quả tốt nhất cho người dân nước mình.

Việt Nam cũng vậy không ngoại lệ. Trong dịch bệnh này chưa biết nước nào hành xử tốt hơn nước nào khi ở vào cùng tình thế, vì vậy xin ai đó đừng phô trương dạy đời thái quá rồi có ngày “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

Cũng như những người làm cha mẹ, tôi cũng thông cảm thấu hiểu cho những phụ huynh có con em đi học nước ngoài. Một bà mẹ giải cứu con những phút cuối trở về Việt Nam từ Pháp trước giờ cấm vận. Hay người cha đang cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam can thiệp khi đứa con và nhiều du học sinh bị mắc kẹt tại phi trường ở Pháp sau khi đã làm thủ tục xuất cảnh nhưng bị hủy chuyến bất ngờ, không trở về Việt Nam được cũng như chưa nhập cảnh lại Pháp được — một tình trạng chết dở khóc dở. Trong khi cả Châu Âu đang ban bố tình trạng giới nghiêm.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Tôi cũng là một người mẹ, cũng không ăn, không ngủ, lo âu thấp thỏm mấy tuần này vì tình hình dịch bệnh ở Châu Âu hoành hành ngày một dữ dội. Một đứa đang ở Ý trung tâm bão dịch, một đứa đang ở Hà Lan nơi chính phủ đưa ra phương án “miễn dịch cộng đồng”.

Tôi chỉ biết đưa ra lời khuyên chấp hành mọi khuyến cáo nơi các con đang sống, tuân thủ mọi quy định, ở đâu thì ở yên nơi đó, cẩn thận mọi lúc mọi nơi. Tụi nhỏ bình thường, vẫn hàng ngày học tại nhà, làm việc tại nhà, tất cả đều online. Thực phẩm lương thực ở siêu thị không thiếu. Tuyệt đối không ra ngoài. Lúc này là lúc cần giữ bình tĩnh và không nên hoảng loạn, hãy cố gắng lạc quan nhất có thể cho những việc làm bình thường hàng ngày, rồi mọi việc sẽ ổn.

 

Ngày 1/4/2020

Hôm nay là ngày đầu tiên Việt Nam ban bố tình trạng cách ly toàn quốc trong 2 tuần.

Tụi nhỏ nói, năm nay nắng sớm, mới cuối tháng 3 mà hoa Mộc Lan đã bung nở rợp trời, cái màu hồng phơn phớt nhìn đã thấy mong manh.

Mong manh như cái màu nắng tím biếc cuôí chiều còn run rẩy cố níu lại chút thời gian. Có những buổi chiều tím biếc như vậy, tôi thả bộ trên những con đường, thường nhìn thấy người già cô độc trong khung cửa sổ.

Có những bà lão tóc bạc trắng ngồi đan len sau bức rèm; có những ông lão ngồi im lặng trong bóng đêm, ánh sáng bên ngoài hắt vào khung cửa sổ nhìn họ bất động. Có khi họ mỉm cười chào khi tôi và bé Alex đưa tay vẫy vẫy. Họ nghĩ gì sau khung cửa sổ, những người già cô đơn?

Ở Châu Âu người già sống một mình rất nhiều. Theo chủ nghĩa cá nhân, những người con thường không sống cùng cha mẹ. Người già cũng vậy, họ thích ở riêng, sống tự do theo ý của mình, chỉ khi nào không còn làm gì được nữa họ sẽ vào Viện dưỡng lão.

Ở Hà Lan, cạnh nhà các con tôi sống có một người già như vậy. Bà sống một mình 10 năm rồi, sau khi chồng bà một bác sĩ nghỉ hưu mất. Thỉnh thoảng tôi qua chơi, bà có một chỗ ngồi yêu thích bên khung cửa sổ nhìn ra đường, bên cạnh là con chim hoàng yến bé xíu nhaỷ lách chách trong lồng, bé Alex rất thích bà cố.

Khi tôi ngạc nhiên ngắm nhìn phòng khách của bà treo đầy tranh, bà nói bà là họa sĩ, tranh của bà vẽ. Bà bằng tuổi mẹ tôi, tuy U90 nhưng bà vẫn thích hoạt động cộng đồng, dạy học miễn phí tiếng Hà lan cho dân nhập cư, bà hỏi tôi có thích học không qua bà dạy. Mỗi lần đi hái trái cây trong các nông trại về, tụi nhỏ thường đem qua cho bà một giỏ nhỏ, có khi là cherry, có khi blueberry. Một lần tôi nấu xôi vò và khô gà lá chanh đặc sản của mình đem qua biếu, bà thích lắm. Tôi hứa lần sau sẽ đem bánh hỏi thịt heo. Bà tiếp tôi vơí bánh ngọt chocolat và trà ngát hương hoa đồng nội.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Có những buổi tối chúng tôi đi chơi xa về, vẫn thấy bà ngồi một mình bên khung cửa sổ lặng im, bà nhìn gì ngoài kia sau khung cửa. Tôi cảm nhận nỗi buồn ở bà trong đôi mắt.

Những ngày này khi đại dịch toàn cầu do virus Corona Wu Han đang hoành hành trên khắp trái đất, những tin tức trên tivi hàng ngày với số thương vong, nhiễm bệnh tăng cấp số nhân. Những người già nghĩ gì khi thần chết đang vươn lưỡi hái đến họ, lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất. Họ có lo lắng, có sợ hãi, có tuyệt vọng trong nỗi cô đơn, khi lúc này đây chính là lúc con người cần có một mái ấm gia đình đúng nghĩa, có những người yêu thương bên cạnh.

Những ngày này, nơi xử sở tôi đang sống, tôi cũng đang tự ở nhà, tự phong tỏa, tự nhìn đời mình trôi qua bên khung cửa sổ khi chiều buông mà không có một đứa con nào quanh mình, tôi có lo lắng không, tôi có sợ hãi không, tôi có buồn không?

Tôi có, nhưng là cho những đứa con ở nơi xa. Ở Ý, ở Hà Lan, ở Châu Âu. Trái tim tôi bây giờ đang ở đó.

Hoa Mộc Lan phớt hồng nhìn mỏng manh là vậy nhưng đầy sức sống, sau một năm trơ cành giữa mùa đông giá, khi nắng ấm chúng sẽ bung nở và hào phóng khoe hết vẻ lộng lẫy của mình cho trần gian.

Thiên nhiên là vậy, con người cũng vậy. Người già tôi tin cũng sẽ bình an vượt qua khổ nạn.

Ngày 10/4/2020

Tin tức về dịch Corona Wuhan trên thế giới ngày một u ám. Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 17 giờ ngày 10/4/2020, thế giới ghi nhận 1.610.119 ca nhiễm tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 96.373 trường hợp tử vong. Tâm dịch hiện nay trên thế giới tập trung tại: Hoa Kỳ, Châu Âu (Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp), Trung Đông (Iran). Đặc biệt số ca nhiễm tại Hoa Kỳ tăng rất nhanh .Ý là nước có số tử vong cao nhất.

Thủ tướng Anh ông ông Boris Johnson đã rời phòng hồi sức tích cực tại Bệnh viện St Thomas ở London tối 9-4, đang “hồi phục rất tốt” sau khi nhiễm virus Corona Wuhan.

Nước Anh tăng gần 1.000 ca tử vong và hơn 5.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua.

Tình hình kinh tế trên thế giới đóng băng, chỉ số chứng khoán lao dốc không hồi kết. Dịch Corona Wuhan đã tác động mạnh đến cuộc sống người dân. Tình trạng thất nghiệp, thiếu lương thực đã và đang xảy ra ngày càng trầm trọng. Các quốc gia bắt đầu có những gói cứu trợ.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Trên facebook của Phong Le Van đăng hình ảnh một thầy giáo người Anh tại Sài Gòn đứng ngã tư đường với tấm bảng: “KHÔNG có công việc, giúp tiền để mua THỨC ĂN”. Ông là John đến Việt Nam năm 2015 và làm nghề dạy tiếng Anh.

Dịch bệnh khiến các trung tâm đóng cửa, trường học ngưng hoạt động và bản thân ông thất nghiệp đã 3 tháng. Việc trở về nước gần như không thể khi ông đã hết số tiền dự trữ và hiện không có tiền ăn và trả tiền thuê nhà. Ông mong muốn “có ai đó nhận tôi đi dạy với giá tiền thuê bao nhiêu cũng được”.

Chỉ sau 1 ngày tấm hình được chia sẻ chóng mặt, ông nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ. Số tiền người dân Sài Gòn quyên góp cho ông lên đến 36,5 triệu đồng trên FB ông Phong Le Van. Ông Lê mang đến trao nhưng ông John không nhận. Ông nói: Bây giờ ông đã ổn. Có người mời dạy rồi. Ông chỉ nhận đủ phần nhỏ thực phẩm và ít tiền. Số tiền này xin ông Lê hãy gửi đến người khác đang cần hơn.

Tôi tin rằng có rất nhiều người như thầy John đang ở đâu đó mong được trợ giúp mà chúng ta chưa biết. Đã có nhiều bình phẩm, nhưng với tôi hãy chia sẻ và thấu cảm số phận mỗi con người trong hoạn nạn trước khi phán xét.

Sau đại dịch Corona Wuhan biết bao điều nhìn lại.

Ngày 16/4/2020

Việt Nam sau 2 tuần cách ly, hôm nay là ngày đầu tiên thành phố tôi nới lỏng giãn cách cho phép người dân ra biển, đi tập thể dục. Vẫn hạn chế tụ tập đông người, trường học chưa mở cửa, nơi vui chơi giải trí du lịch vẫn cấm, hạn chế hàng quán, khuyến khích bán hàng online, mua đem về. Thành phố Quy Nhơn nằm trong địa phương nhóm nguy cơ thấp, nên được quyền mở rộng giãn cách, các thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao vẫn còn cách ly nghiêm ngặt chưa được dỡ bỏ.

Số người nhiễm Corona Wuhan trên thế giới hôm nay đã lên hơn 2 triệu người với 145 ngàn ca tử vong. Châu Âu có nước vẫn chưa thuyên giảm, nhiều nước số ca vẫn tăng mạnh. Mỹ rơi vào ngày thứ Tư u ám với số người chết và nhiễm vẫn cao nhất thế giới. Tại tiểu bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 15/5. Ơn trời, Việt Nam vẫn đang khống chế tốt với 268 ca nhiễm và chưa có tử vong, theo thông tin từ nhà nước.

Đại dịch Corona Wuhan chưa biết bao giờ sẽ thuyên giảm, nhưng chúng ta hãy bình tĩnh sống; ở nhà và ở nhà; rửa tay và rửa tay; và quan trọng nhất, hãy đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi.

Rồi mọi việc sẽ ổn.

Xin chờ những rạng đông.

 

Ban Mai

17/4/2020