Cũng như tất cả những người Việt Nam khác, tôi đang nói và viết chữ Việt.  Ai cũng bảo yêu tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Thậm chí như cụ Phạm Quỳnh còn đề cao: “Tiếng Việt còn thì nước Việt còn.” nhưng thật sự chữ quốc ngữ lại không phải do người Việt chế ra, ấy là nhờ công của những Giáo sĩ phương Tây, cụ thể như những Giáo sĩ: Francesco Buzomi (Ý), Diogo Carvalho, Antonio Diaz, Francisco de Pina(  (Bồ Ðào Nha), Alexandre de Rhodes…

Thuở ấy, khi các Giáo sĩ theo thuyền buôn đến nước ta truyền đạo, họ đã đến thương cảng Nước Mặn thuộc xứ Ðàng Trong. Thuộc Qui Nhơn bây giờ. Họ đã gặp nhiều gian khó và nguy hiểm nhưng may mắn được quan Khám lý Trần Ðức Hòa trợ giúp. Trong quá trình truyền đạo họ cảm thấy chữ Hán quá rắc rối và họ đã dùng mẫu tự Latinh để chế ra một loại chữ viết mới.

Từ đó chữ quốc ngữ dần dần hình thành, cơ sở đầu tiên chính từ một ngôi nhà tranh vách lá ở gần cảng Nước Mặn. Sau đó vùng này phát triển, nhiều nhà thờ mọc lên quanh đây.

Ngày nay, nơi này chỉ còn là một mảnh đất nhỏ xíu, người ta dựng một cội cây bằng xi măng, trên ấy có gắn bảy tấm bia đá khắc  bảy ngôn ngữ để tưởng nhớ cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ.

Nền cũ nơi phôi thai chữ quốc ngữ   

Chữ quốc ngữ sơ khai hình thành bởi các Cha cố: Francesco Buzomi, Francisco de Pina… nhưng phải đến Alexandre de Rhodes thì chữ quốc ngữ mới hoàn chỉnh và cũng chính ông và vài cộng sự khác như: Gaspar do Amaral; Antonio Barbosa người đã viết quyển từ điển Việt-Bồ-La. Có thể xem đây là quyển sách tư liệu về tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử của nước ta và cùng với quyển: Phép giảng tám ngày là quyển sách bằng chữ quốc ngữ  đầu tiên được in ở nước ta.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Cảng Nước Mặn thời ấy sầm uất và tấp nập, tàu buôn nước ngoài vào ra thông thương khá dễ, các Cha cố đến truyền giáo và dựng lên nhiều họ đạo. Ngày nay vẫn còn khá nhiều họ đạo quanh vùng.

Giai đoạn 1618 – 1622 là lúc hình thành chữ quốc ngữ, đến 1626 về sau là lúc chữ quốc ngữ phát triển.

Khi chữ quốc ngữ được phát triển thì việc in ấn cũng phát triển theo. Tiểu chủng viện Làng Sông là nơi được đặt nhà in đầu tiên của Việt Nam. Giai đoạn 1864-1878 Cha cố Eugene Charbonnier Trí là người điều hành nhà in. Ðến năm 1904 Cha cố Damien Grangeon Mẫn đã tái thiết lại nhà in và hoạt động đến 1935 thì chấm dứt, kéo dài hơn 70 năm.

Những vị điều hành nhà in Làng Sông

Những máy in typo của nhà in  này được nhập từ Pháp. Nhà in đã in đến 1000 đầu sách. Ðến năm 1922 số sách được in lên đến 63,185 quyển với 3,407,000 trang giấy.

Nhà in thuộc Tiểu chủng viện Làng Sông đã từng in báo Lời Thăm phát hành cả Ðông Dương thời ấy.

Theo trang web của Giáo phận Qui Nhơn thì: “Lời Thăm” là tờ báo của địa phận Qui Nhơn, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1922, và hẳn còn xa hơn nữa nếu tính đến tiền thân của “Lời Thăm”, tức là tờ “Lời thăm các thầy giảng”, phát hành số báo đầu tiên ngày 20/9/1919…” Lời Thăm đình bản năm 1943 vì chiến tranh.

Sau năm 1935 nhà in Tiểu chủng viện Làng Sông ngừng hoạt động, một số máy in chuyển về Nhà thờ Mằng Lăng, đến năm 1947 Việt Minh trưng dụng tất cả các máy in của Nhà thờ và kể từ đó hoàn toàn chấm dứt một nhà in đầu tiên của nước Việt.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Hơn 400 năm sau, một gã du tử người Việt quay về thăm lại nơi phôi thai chữ quốc ngữ và nơi in những quyển sách Việt đầu tiên mà lòng cảm khái. Nhìn những di ảnh và di vật thấy xúc động khôn tả, tưởng nhớ công lao người xưa đã dày công dụng trí để chế ra một văn tự mới mà ngày nay mình gọi là chữ quốc ngữ. Bốn trăm năm so với lịch sử thì chẳng là bao nhưng thế sự thăng trầm đã làm mai một đi tất cả. Cảng Nước Mặn giờ đây đã lùi vào dĩ vãng, còn chăng là trong sách vở và trong tâm tưởng. Nơi có ngôi nhà tranh với chữ quốc ngữ hình thành thì hoang phế, lau lách đìu hiu. Tiểu chủng viện Làng Sông còn đó nhưng nhà in cũng đã bị quên lãng lâu rồi, nhớ chăng chỉ là những kẻ còn hoài cổ, những người còn hướng vọng tiền nhân.

Báo Lời Thăm – 1932 (nhà in Làng Sông)

Lời Thăm, số 2-3, 1938 năm thứ 20, tr 601

o O o

Tộc Việt thuở ban đầu chỉ khu trú vùng Trung du Bắc bộ, lần hồi xuống đồng bằng và tiệm tiến về phương Nam. Tộc Việt thuở ban đầu dùng loại chữ gì thì chúng ta chưa biết được, mãi đến khi người Hán xâm lăng và đô hộ thì chúng ta sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức. Tộc Việt dùng chữ Hán hai ngàn năm nhưng chúng ta vẫn là chúng ta. Những nhân vật mà sử sách còn ghi nhận như: Nhâm Diêm, Tích Quang, Sĩ Nhiếp… là những nhà cai trị và cũng là những người truyền bá chữ Hán cho tộc Việt. Trong quá trình sử dụng chữ Hán chúng ta đã chế ra chữ Nôm nhưng xem ra không được coi trọng, chỉ có mỗi vua Quang Trung là người khuyến khích và công nhận chữ Nôm. Thời thế thay đổi, khi các Giáo sĩ phương Tây đến nước ta truyền giáo, họ đã dùng mẫu tự Latinh để chế ra chữ Việt, tính từ sơ khởi cho đến ngày nay thì cũng đã bốn trăm năm.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Tôi về thăm cái nôi sơ khai phát sanh chữ Việt và nhà in sách Việt đầu tiên của nước mình. Lòng bâng khuâng thương nhớ chi lạ, nhớ buổi đầu gian khó và công lao của các Giáo sĩ Tây phương, họ đã dùng năng lực trí huệ của mình để chế ra một loại văn tự mới cho người Việt.

Tôi ngẩn ngơ trước hình ảnh những máy in và các ấn phẩm của nhà in trong Tiểu chủng viện Làng Sông, những cuốn sách tiếng Việt đầu tiên của người Việt Nam. Dĩ vãng đã qua, nền xưa của ngôi nhà tranh nơi các giáo sĩ sống tạm  dùng đó làm nơi chế ra chữ Việt, giờ chỉ là một cái nền xi măng trơ trọi cô liêu giữa một xóm nghèo ở vùng quê. Người đời đã quên, phần lớn chúng ta không còn ai biết gì về nơi phôi thai tiếng Việt cũng như nhà in sách tiếng Việt đầu tiên.

Nhà in trong Tiểu chủng viện Làng Sông ngày nay không còn, còn chăng là những tấm ảnh chụp lại, những ấn phẩm đã ố vàng nằm im lìm trong tủ kiếng, họa hoằn lắm mới có khách vãng lai đến nhìn xem chốc lát rồi đi.

Nhân ngày lễ Tạ Ơn của Mỹ, chúng tôi muốn nói lên lời tạ ơn những người đã tạo ra chữ quốc ngữ để đến ngày nay dù ở trên đất Mỹ chúng ta vẫn dùng mỗi ngày trong sinh hoạt.

Chuyện Đời Xưa – 1914 (nhà in Làng Sông)

Tiểu Chủng Viện Làng Sông

TLTP – Ất Lăng thành, 10/2022