Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Angie Hồ Quang, một cái tên không xa lạ với độc giả và khán, thính giả của các cơ quan truyền thông VN. Không những ở vùng Dallas Texas, mà còn ở nhiều tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ. Không những trong cộng đồng bản xứ, mà cả ở các cộng đồng Á Châu. Chị sang Mỹ năm 1984, theo học “Public Administration” tại UTD và  bắt đầu làm việc cho Sở An sinh xã hội từ 1991 đến năm 2020. Hiện, chị đã về hưu nhưng vẫn cộng tác với đài phát thanh, truyền hình và báo chí.

Buổi sáng thật bình yên, êm ả trong khu vườn nhỏ, mướt mát những màu xanh của lá, rực rỡ xinh tươi những màu hồng, vàng, tím của hoa. Bên ly cà phê thơm ngát, tôi bắt đầu câu chuyện với người phụ nữ lúc nào cũng sẵn trên môi một nụ cười tươi tắn…

Ngân Bình (NB): Ngày trước, tại sao chị chọn công việc tại sở ASXH. Có phải là do sở thích? 

Angie Hồ Quang (AH): Hồi nhỏ thì tôi cũng mơ ước đủ thứ: làm kỹ sư, bác sĩ hay cô giáo. Nhưng khi tị nạn qua Mỹ, thì mới thấy là “job” chọn mình, chứ mình không chọn “job”. Ở đâu có job, có lương thì mình làm (cười).

NB: Trước khi vào làm cho cơ quan An Sinh Xã Hội thì chị làm gì?

AH: Hai năm đầu đến Mỹ, tôi đi làm công nhân. Sáng làm tiệm bánh French Gourmet ở Houston. Chiều làm Seven-Eleven.

Bà Angie Hồ Quang và thân phụ Hồ Quang Nguyên (1989). Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Lúc mới qua Mỹ, chị có bị trở ngại gì không?

AH: Có chứ. Việc trở ngại ngôn ngữ là quan trọng nhất, gây nhiều chuyện buồn cười. Tôi nhớ, hồi mới được nhận vào làm cho Seven-Eleven, họ huấn luyện 3 ngày. Thí dụ, khi khách đến mua thuốc lá, bia hay rượu thì phải check ID. Một hôm, có anh chàng vào mua, sau khi tính tiền, tôi nói “Anh cho xem ID”. Chàng thanh niên ngạc nhiên “Tại sao?” “Dạ, tại luật là vậy”. “Luật gì kỳ vậy.?” “Hễ ai mua bia là tôi phải xem ID”. “Cái này là Root Beer, là nước ngọt mà!” (cười).

Lần khác, khách hỏi có DR. Pepper không. Lúc đó, tiếng Anh còn tệ, chỉ nghe được chữ Doctor, nên tôi trả lời “Xung quanh đây, không có văn phòng bác sĩ”. Tiếng Anh lõm bõm của mình gây biết bao trở ngại và tôi đã phải mất nhiều thời gian để rèn luyện tiếng Anh. Và cũng chính vì vậy, tôi rất thông cảm tình trạng Anh ngữ hạn chế của đồng hương trong những năm làm việc.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

NB: Lúc làm ở cơ quan ASXH, có khi nào chị gặp trường hợp khó giải quyết không? 

AH: Khá nhiều. Ví dụ, văn hóa của Mỹ thì mọi người trong gia đình nếu ở chung, đều có nhiệm vụ chia sẻ chi phí. Văn hóa Việt mình là cha mẹ nuôi con, con sẽ phụng dưỡng. Vì vậy, có một ông, đưa bố mẹ vào phỏng vấn để xin tiền SSI, khi làm hồ sơ, tôi hỏi “Ông bà cụ ở với anh, anh có tính tiền gì với ông bà cụ không?”. Ông ấy có vẻ tự ái, hỏi ngược lại “Không lẽ chị tính tiền với Ba Má mình hay sao?”. Thấy vậy, tôi diễn dịch một cách nhẹ nhàng hơn “Khi ông bà cụ ở với anh chị, ông bà có “đóng góp” gì vào việc chi tiêu của gia đình không?”.
Hoặc có người “cò mồi”: “Tôi là người Việt, cô cũng người Việt, cô khai sao cũng được, miễn tôi xin được tiền thôi”. Ý của họ muốn tôi “lách luật”. Nhưng ở Mỹ, nhiệm vụ của một nhân viên chính phủ, tôi phải công bằng cho tất cả mọi người, dầu bất cứ sắc dân nào.

Bà Angie Hồ Quang (bìa bên phải) trong buổi Hội thảo ASXH tại nhà thờ Methodist. Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Với kinh nghiệm của mình, chị thấy người Việt mình có gì cần điều chỉnh không?     

AH: Người Việt thường chỉ nhìn thấy lợi gần, không nghĩ đến chuyện xa. Cụ thể là một số người làm việc trong ngành Nails, khi khai thuế mẫu 1099 (chứng nhận mình làm chủ công việc của mình), họ thường muốn người khai thuế giúp họ trừ các chi phí liên quan tới công việc, để đóng thuế rất ít, thậm chí được bồi hoàn thuế. Nhưng nếu mình không đóng thuế liên bang, không  đóng thuế ASXH, thì khi về hưu đâu có lương hưu?
Mà tuổi già phải nương dựa vào con cái, thì thường nảy sinh nhiều vấn đề. Lại có người nghĩ “Tôi muốn có cái gì để lại cho con”, nên họ tìm kiếm nhiều phương cách, miễn sao giữ được tài sản. Thậm chí có người sang tên nhà cho con, đến khi hôn nhân con mình bị gãy đổ, thì căn nhà đó cũng phải chia đôi.
Lại có trường hợp vì muốn được hưởng trợ cấp SSI ở mức cao hơn, nên hai vợ chồng lấy địa chỉ hai nơi. Khi đến văn phòng ASXH, họ khai sao thì nhân viên ASXH ghi vậy, nhưng khi nhân viên ASXH khác kiểm tra thì đổ bể. Thí dụ khai, ông ở Plano, bà ở Garland. Ðiều tra viên đến hỏi hàng xóm bà vợ ở Garland “Có thấy ông này sống với bà này không?”, hàng xóm nói có. Ðiều tra viên đến Plano hỏi hàng xóm của ông chồng, thì người ta trả lời “Tôi chưa bao giờ thấy ông này ở đây….”

NB: Qua những sự việc đó, chị có lời khuyên nào cho đồng hương không?

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

AH: Bây giờ có rất nhiều thông tin thất thiệt lan tràn trên mạng xã hội. Mình nên tìm hiểu những thông tin chính xác để không đi sai đường. Báo, Radio, TV thường cung cấp thông tin trung thực. Do vậy, nên dầu đã về hưu, tôi vẫn cố gắng tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ với đồng hương những thông tin chính xác và trung thực nhất.

Từ trái: Tiến sĩ Walter Nguyễn, Bà Angie HQ, Nhạc sĩ Lam Phương, Ông Lâm (em rể của NS. Lam Phương). Hàng đứng: Ca sĩ Thế Sơn và vợ. Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Được biết chồng chị, Tiến sĩ Walter Nguyễn, là Tổng Giám Đốc cơ quan Mosaic Family Services, một cơ quan phục vụ các dịch vụ xã hội cho người tị nạn, người nghiện ma túy, nạn nhân của tệ nạn buôn người, nạn nhân của bạo hành gia đình. Công việc của anh có hỗ trợ cho công việc làm của chị không?         

AH: Thưa có, vì sinh hoạt cùng lãnh vực, nên nhà tôi rất thông hiểu công việc tôi làm và thông cảm chuyện giờ giấc bất thường của tôi. Công việc của tôi rất cần sự hậu thuẫn của gia đình và tôi may mắn có được điều đó.

NB: Trong cộng đồng VN, chị là một gương mặt rất quen thuộc, hễ nhắc đến tên chị là ai cũng biết. Việc này có làm cho ông xã chị có chút “ganh tị” nào không?

AH: (Cười) “Ganh tị” thì chắc chắn là không rồi, nhưng quả thật nhà tôi không vui khi bị giới thiệu là “Ông bà Angie Hồ Quang”, vì chính ông cũng có vị thế trong công việc, trong xã hội, chỉ có điều là công việc của nhà tôi không trực tiếp với cộng đồng người Việt mình.

Bà Angie Hồ Quang (bìa phải) nhận bằng cảm tạ do Bộ Y Tế Nhân Sinh và Sở An Sinh Xã Hội cấp, trong buổi thuyết trình về Chiến tranh Việt Nam, nhân ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Tôi được biết, các con của chị nói tiếng Việt rất giỏi, dù các cháu sinh ở Mỹ. Chị đã dạy cho cháu bằng cách nào?

AH: Vợ chồng tôi cho cháu đi học tiếng Việt và quan trọng nhất là trong gia đình phải nói tiếng Việt. Hồi nhỏ, mỗi lần tôi đưa đi học tiếng Việt, cậu con trai lớn than thở “Mẹ ác quá, có ngày Chúa Nhật cũng bắt con đi học”. Nhưng khi ra trường và làm việc cho một ngân hàng ở Garland, khu vực có nhiều người Việt, thì cháu lại rất vui khi thấy có nhiều người đến ngân hàng, chờ gặp cháu để được giải đáp thắc mắc bằng tiếng Việt. Nhân đây, tôi cũng muốn  khuyến khích các em trong gia đình VN, ráng gìn giữ tiếng Việt, vì không những điều đó có lợi cho bản thân trong công việc làm, mà cả mối quan hệ của bà con họ hàng, và nhất là giúp ích cho đồng hương.

NB: Các cháu trưởng thành ở Mỹ, trong khi anh và chị thuộc lớp “cổ kính”, liệu trong gia đình có những khác biệt giữa hai thế hệ không?

AH: Ở Mỹ, khi đứa con được 18 tuổi, là nó đã trưởng thành. Lúc ấy, cha mẹ chỉ có thể góp ý, chứ không thể bảo nó làm theo ý của mình. Vì khi đứa bé lớn lên ở đây, nó sẽ không suy nghĩ theo cách nghĩ của các bậc phụ huynh quen cách ở quê nhà. Tuy nhiên, trong gia đình tôi may mắn là không có sự khác biệt nhiều.

Gia đình trong ngày tốt nghiệp của thứ nam Danh Nguyễn, (từ trái: Vinh Nguyễn, Bà Angie Hồ Quang, Danh Nguyễn, Tiến sĩ Walter Nguyễn). Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Anh và chị đều bận rộn, như vậy ai sẽ là người chăm sóc các cháu?

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

AH: (cười) Cả hai! Nhưng theo tôi, cha mẹ chăm dạy là một chuyện, mà bản tính trời ban cũng là điều quan trọng không kém. Tôi có hai đứa con. Ðứa lớn xong 4 năm đại học, nhà tôi khuyến khích học “Master”, cháu nghe lời. Lúc ghi tên xong, cháu nói “Con ghi tên rồi, ba ký check trả tiền học”. Nhà tôi bất ngờ “Con đã đi làm, con phải trả tiền chứ!”. Cậu Cả tỉnh bơ “Cái này là con học cho ba mẹ, nếu ba mẹ không trả tiền, con khỏi học”. Vậy là suốt 2 năm cao học, chúng tôi phải “gánh” cho con. (cười) Trong lúc cậu em lại đặt chỉ tiêu rất rõ ràng. Muốn học gì, nó chuẩn bị trước, năm đại học đầu tiên cháu đã định hướng là sẽ theo ngành Y,  thi “MCAT” trước, và 3 năm là tốt nghiệp đại học. Khi làm ở bệnh viện Parkland, cháu thấy có nhiều bệnh nhân người Mễ, bèn học tiếng Spain và hiện tại đã có thể giao dịch với bệnh nhân Mễ một cách lưu loát.

NB: Anh chị có thường trò chuyện với con cái không?

AH: Từ lúc các cháu còn bé và cho đến bây giờ, vợ chồng tôi vẫn thường dành thời gian nói chuyện với các con, và nhiều điều đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của bọn trẻ. Có lần con tôi hỏi “Tại sao mẹ hay nhường đồ ăn ngon cho con và ba”. Nhà tôi trả lời “Ðó là văn hóa của người VN, những gì tốt nhất là người phụ nữ đều dành cho chồng, con”. Con tôi nói “Ở Mỹ, là phụ nữ, mẹ phải là người được hưởng những cái gì tốt nhất”.

Từ trái: Bà Angie Hồ Quang, Bà Thúy Liễu, Ông Tuấn Nguyễn, Bà Hồng Lê, Bà Thu Nga, Tiến sĩ Walter Nguyễn. Ảnh: tác giả cung cấp.

NB: Mặc dầu đã về hưu, đúng ra chị sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, an hưởng, nhưng tôi thấy chị vẫn luôn bận rộn cộng tác với báo chí, truyền thanh, truyền hình. Nhiều người nói là chị là người có tâm nên mới làm được công việc này, chị nghĩ sao? 

AH: Tùy hoàn cảnh gia đình, mà tính cách của mình được hun đúc ra sao thôi. Có lẽ tôi ảnh hưởng từ Ba của tôi. Ông là bác sĩ, nhưng rất chú trọng đến những sinh hoạt xã hội. Hồi bé, ông thường đưa anh em chúng tôi đến viện mồ côi, ba tôi cắt tóc, còn mấy tụi tôi thì cắt móng tay, móng chân cho họ. Tự nhiên nó nhập vào mình hồi nào không biết. Và với tôi, tiếp tục phục vụ là một cách để tạ ơn đời.

NB: Dạo này vườn tược, rau trái sum suê, chắc nhờ có nhiều giờ rảnh rang để chăm sóc phải không chị ?

AH: Thấy vậy chứ không phải vậy, hiện giờ tôi còn bận hơn lúc đi làm. Ngày trước, người quen nhờ tôi đưa đi bác sĩ, hay giúp thông dịch, họ ngại. Bây giờ, biết tôi nghỉ hưu, nên họ nhờ vả sốt sắng hơn (cười). Nếu trong khả năng thì tôi rất sẵn sàng. Khi giúp được việc gì cho ai, thì tôi cảm thấy ngày đó có ý nghĩa…
Trả lời xong, chị bước tới mở vòi nước tưới, những dòng nước trắng bạc, xõa tóc ôm lấy những ngọn rau xanh non mởn. Chị mỉm cười nói tiếp “…Việc làm ý nghĩa là hạnh phúc ngoài xã hội, còn hạnh phúc ở nhà là ở đây, an nhiên với cây cỏ đó chị”.

NB thực hiện