Năm Sa Đéc là nghệ danh của bà Nguyễn Kim Chung (1907-1988), nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, từ hát bội cho đến cải lương, thoại kịch và điện ảnh. Bà là vợ của cây bút sưu khảo nổi tiếng và sưu tầm đồ cổ Vương Hồng Sển (1904-1996).

Chân dung cô Năm Sa-Đéc   

Cô Năm Sa-Đéc

Vì say mê hát bội, ông Hương Cả Nguyễn Duy Tam ở Sa-Đéc lập gánh “Thiện Tiền Ban” và đặt tên cho cô con gái út là Kim Chung để nhớ đến tên tuổi cô đào hát bội Năm Chung nổi tiếng ở Mỹ-Tho. Với lòng đam mê ca hát cộng với khả năng thiên phú và sẵn có gánh hát nhà, cô Năm đã không phụ lòng thân phụ, từng bước đi lên và vững chắc trên bước đường nghệ thuật với nghệ danh Năm Nhỏ.

Cái tên Năm Nhỏ (để phân biệt với cô Năm Chung) không còn xa lạ với khán giả say mê hát bội. Nhắc đến cô, khán giả nhớ đến những vai tuồng vang bóng một thời như Đào Tam Xuân (tuồng Đào Tam Xuân), Lữ Phụng Tiên (trong tuồng Phụng Nghi Đình), Hồ Nguyệt Cô (tuồng Tiết Giao đoạt ngọc), Tô Ánh Tuyết (tuồng Mạnh Lệ Quân) v.v.

Chia tay với sân khấu hát bội, cô Năm chuyển qua cải lương vào năm 1934. Ở lãnh vực mới và với nghệ danh mới, cô Năm Sa-Đéc (giống như các bạn đồng nghiệp đã ghép tên quê hương xứ sở của mình vào nghệ danh như cô Ba Trà-Vinh, cô Ba Bến-Tre, cô Năm Cần-Thơ, cậu Mười Út Trà-Ôn) nhanh chóng gặt hái thành tựu mới ở các gánh hát đại ban như Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Song Phụng, Phụng Hảo, Thanh Minh Thanh Nga … Dù là tuồng tích cổ xưa, màu sắc hay tình cảm xã hội, cô Năm đều ca diễn xuất sắc. Những vai tuồng như Địch Thanh, Đổng Trác không thể “làm khó” được cô và đặc biệt vai bà Phán Lợi trong vở hát “Đoạn tuyệt” trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga được xem là vai diễn mẫu mực “thật và đẹp” cho các thế hệ nghệ sĩ sau này. Ở sân khấu thoại kịch và điện ảnh, cô Năm gặt hái được nhiều thành công khiến cho báo chí và khán giả khen tặng là “tài danh thinh sắc lưỡng toàn”.

Cô Năm Sa-Đéc và ông Vương Hồng Sển

Trái với con đường nghệ thuật thành công rạng rỡ, cô Năm đã trải qua đời sống tình cảm lận đận, chìm nổi. Sau vài mối tình trong cuộc đời nghệ sĩ rày đây mai đó, cô sống với ông Đặng Ngọc Chấn, từng là Đốc phủ sứ. Quan niệm “xướng ca vô loại” đã khiến cho cuộc tình này lâm vào ngõ cụt dù 2 người đã có với nhau một trai là Nguyễn Ngọc Đặng (1939-2005). Sau lần gãy đổ, cô Năm đưa con lên Sài-Gòn và đi thêm bước nữa với ông Vương Hồng Sển vào năm 1947. Con trai Vương Hồng Bảo (1950-1998) là kết quả của mối tình nghệ sĩ đẹp đẽ này. Dù đã bước qua 2 lần đò nhưng cô Năm chưa từng được mặc áo cô dâu.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Đầu thập niên 70, quán bánh bao và hủ tiếu «Ông Cả Cần» ở góc đường Nguyễn Tri Phương trương bảng hiệu với bức chân dung khổ lớn của cô Năm Sa-Đéc. Hỏi ra mới biết, con trai của người yêu cũ thời son trẻ của cô Năm là chủ nhân của quán ăn này. Do hiểu biết, quý trọng tâm tình của cha mình và cũng xuất phát từ tấm lòng ái mộ tài năng nghệ thuật của cô Năm nên ông xin được làm con nuôi và xin luôn cái tên nghệ sĩ của cô làm thương hiệu để quán ăn được quảng bá rộng rãi hơn.

Vì tham gia vào chương trình “Thép Súng” của đài truyền hình số 9 nên sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, cô Năm bị cấm hát. Mãi đến khi văn nghệ miền Nam được “cởi trói”, cô Năm mới được mời góp mặt trong vài bộ phim điện ảnh. Cũng nhờ cơ hội này mà cô được theo chân đoàn làm phim về thăm xứ sở quê nhà ở Nha-Mân, Sa-Đéc. Cuốn phim sau cùng được quay ở Đồng-Tháp-Mười đầy nắng lửa và muỗi mòng đã vắt kiệt sức của người nghệ sĩ lão thành. 2 ngày sau đó, cô trở về Sài-Gòn và qua đời vào ngày 26.01.1988. Đám tang cô Năm được tổ chức đơn sơ, chỉ có hàng xóm và các đồng nghiệp bên điện ảnh đến tiễn đưa lần cuối. Vì không được quàn ở Hội Nghệ Sĩ trên đường Cô Bắc và không được chôn cất nơi nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò-Vấp nên ông Vương Hồng Sển đưa cô về an táng nơi quê nhà Nha-Mân với mấy dòng thơ khóc biệt:

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò

Chén cơm Bà-Chiểu, con đò Sóc-Sa

(Sóc là Sóc-Trăng, Sa là Sa-Đéc).

Một cảnh trong vở tuồng “Đoạn tuyệt” trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga

TV