Thời gian những năm gần đây, khi các mạng xã hội, smartphone trở nên phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể tạo cho mình nhiều trang Facebook, YouTube, TikTok… rồi đăng lên đó bất cứ thứ gì “thượng vàng hạ cám” theo ý mình, mà không cần phải xin giấy phép trước.
Năm 2005, Việt Nam mới tập tễnh làm quen với blog Yahoo!360. Số người biết dùng Yahoo!Mail và viết blog Yahoo!360 còn rất ít ỏi, và tôi là một trong số cá nhân ít ỏi ấy. Năm 2008, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội làm vụ án bảo vệ quyền lợi cho 8 giáo dân Giáo xứ Thái Hà bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khởi tố, bắt giam, vì họ đã có hành vi dám đi đòi lại đất của Nhà Chung bị ủy ban quận Đống Đa “mượn” rồi không trả, sau đó quận Đống Đa âm thầm đem bán sang tay cho tư nhân. Lúc này, máy ảnh mini kỹ thuật số là vật sang trọng, mắc tiền, xa xỉ, ít người sở hữu nó. Tôi quá ngạc nhiên khi thấy giáo dân Thái Hà tự trang bị cho mình hàng ngàn cái máy ảnh mini kỹ thuật số để chờ “tác nghiệp” khi diễn ra phiên xử sơ thẩm, tự biến mình thành “nhà báo tự do.”
Thời gian những năm gần đây, khi các mạng xã hội, smartphone trở nên phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể tạo cho mình nhiều trang Facebook, YouTube, TikTok… rồi đăng lên đó bất cứ thứ gì “thượng vàng hạ cám” theo ý mình, mà không cần phải xin giấy phép trước.
Đồng thời với việc mạng xã hội phát triển thì “nền kinh tế hàng rong” cũng phát triển “đông như rươi Tháng Mười” (âm lịch,) cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Ngày xưa các cụ có câu: “Phi thương bất phú,” “Trăm người bán vạn người mua,” bán hàng thì không lo ế, đã bán trước sau gì cũng làm giàu do số người cầu nhiều gấp 10 lần số người cung. Câu này nay đã lỗi thời, người bán hàng bây giờ đông quá, không khéo số người bán ngang bằng số người mua, hoặc có khi người mua lại ít hơn người bán, hoặc éo le hơn mua qua bán lại giống câu chuyện hài “Cừu và lợn đi buôn” thì chết mất.
Trước sự phổ biến và dễ dàng “làm nhà báo” của cư dân thế giới, và nhu cầu quảng cáo cho người tiêu dùng biết món hàng của người bán với chi phí thấp, vậy là “nảy mầm” ra một nghề mới trong cộng đồng mạng xã hội, tôi gọi là “nghề ăn,” vì trong các đoạn video clip được post lên mạng, nhân vật chính chỉ làm công việc duy nhứt là ăn, với rất nhiều kiểu ăn. Dân Việt gọi nghề này bằng cụm từ ba rọi là “nghề review thức ăn, tức Food Reviewer. Chưa bao giờ mà thiên hạ “đóng vai chánh” trong phim dễ dàng tới như vậy, và kịch bản thì tự soạn hoặc chủ quán viết sẵn cho học thuộc lòng rồi đọc lại. Việc các nhà hàng, quán ăn sử dụng người có ảnh hưởng để review nhằm hút khách hàng không còn là chuyện lạ. Cũng vì vậy mà từ đây bắt bắt đầu xảy ra rất nhiều bi hài kịch đối với “nghề ăn.”
Review, từ điển Anh – Việt dịch ra là xem xét lại, phê bình, đánh giá lại. Nếu chỉ ăn rồi khen, chê theo đúng chất lượng món ăn thì cái sự “review” này không có gì đáng nói, thậm chí rất cần thiết cho các khách hàng để “Xe trước đổ xe sau phải tránh.” Chính tôi mỗi lần muốn mua món đồ gì đó trên Amazon, tôi đều đọc lướt qua các reviews của người mua, và tôi đặc biệt chú ý đến các reviews “chê” (đánh giá ít ngôi sao) nếu viết rõ ràng, có hình ảnh rõ ràng. Điều này giúp tôi khỏi phải mua lầm món hàng rồi mất công đem đi trả lại. Kinh nghiệm cho thấy phần lớn khách hàng Amazon đã mua mà “chê” thì đều đúng.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Thực tế có không ít TikTokers, Facebookers, YouTubers nhận tiền của nhãn hàng để quảng cáo đồ dỏm, đồ giả, đồ kém chất lượng, lừa gạt người xem video của họ. Làm “nghề ăn” này không khó, cần vài cái smartphone, một chút kiến thức về mạng xã hội, kiến thức về edit cho video, và ít nhứt phải có hai người cùng nhóm, đặc biệt da mặt phải dày hơn người bình thường là có thể “hành nghề.” Trong hai người thì phân công nhau, một người chuyên phụ trách quay video, livestream, và một người là “diễn viên chính.” Điều kiện để làm diễn viên chính là phải có năng khiếu nói tía lia, nói như bắn súng liên thanh (người Bắc gọi là nói luôn mồm, nói tranh hết phần thiên hạ,) và sẵn sàng trơ mặt ra khi bị người xem video chửi bới.
Đã có “điều kiện cần” rồi, “điều kiện đủ” là đi kiếm “con mồi,” tức là các chủ quán ăn, để mời mọc họ trả tiền quay video “review đồ ăn.” Họ sẵn sàng xông vào quán ăn, gí sát camera vô mặt chủ quán trong lúc người ta đang bận bịu, và hỏi tía lia những câu vô nghĩa lẫn vô duyên.
Chủ quán nào khó tánh sẽ trả lời “Không” và mời họ ra ngoài. Khi đó, họ sẽ mua thức ăn, và bắt đầu livestream “diễn viên chính” vừa ăn vừa chê món ăn rất thậm tệ, chê tơi tả, chê sai sự thật. Làm cho những người hời hợt, cả tin vào video tẩy chay quán đó, quán bị mất khách. Ngược lại, nếu chủ quán đồng ý xì tiền ra cho nhóm “reviewers” thì thôi rồi, các reviewers khen ngợi món ăn đến tận mây xanh.
Có lần tôi coi video review loại thức ăn màu đen thủi đen thui, không biết đó là món gì. Cô gái xinh đẹp vừa mở hộp thức ăn ra đã có vẻ muốn ói (nôn) nhưng cô vẫn xúc món ăn trong hộp ăn lấy ăn để, miệng nói lặp đi lặp lại “Ngon lắm! Ngon lắm mọi người ạ!” “Nhìn vậy chứ ngon lắm các bạn ơi,” “Do mình chưa quen mùi thôi,” “Vừa bóc ra đã thèm rồi”… nhưng nhìn mặt thì thấy cô đang nhắm mắt nhắm mũi nuốt trợn trắng số thức ăn ấy. Trong khi cố gắng nuốt, cô đã chực ói ra mấy lần, cô lấy tay vuốt vuốt cổ. Cuối cùng, hình như quá sức chịu đựng, cô ói hết thức ăn ra ngay trên sóng livestream, khiến cho người coi video được một trận cười.
Một nữ Youtuber người Mỹ chuyên review về xe hơi đã “review” xe cho hãng nọ mới tinh từ Đông Lào qua Mỹ. Cô ra sức khen ngợi về “chất lượng,” “hậu mãi” và “bảo hành” của hãng xe trên cả tuyệt vời. Trong khi tại thời điểm cô Mỹ review thì chưa có công ty bảo hiểm nào ở Mỹ chịu bán bảo hiểm cho xe, chưa có trạm bảo hành nào của hãng hoạt động trên đất Mỹ.
Trước đây, trong các group Facebook người Việt ở Mỹ có cậu chàng kia (tạm gọi là anh V.) viết nhiều bài ca ngợi quán ăn Việt ở quận Cam kèm theo nhiều hình ảnh, video về món ăn rất hấp dẫn. Ban đầu, những bài viết của anh V. được đông đảo thành viên group hoan nghênh, và tới quán “ăn thử cho biết.” Sau một thời gian thì các group rộ lên ý kiến thành viên nói với nhau: “Thấy V. viết bài khen quán nào thì chừa quán đó ra, đừng có tới kẻo mất tiền oan.” “V. nhận tiền của chủ quán để khen bừa chớ thật sự V. không hề ăn nên không biết rằng quán đó dở tệ.” Thấy vậy, có lần V. post bài khen quán ăn khác, kèm hình chụp receip, thì có người nói: “Lấy receip của ai chụp mà không được. Quán đó em tới ăn rồi. Tệ lắm.” Lâu rồi, tôi không thấy bài reviews đồ ăn của V. trên các group nữa, có lẽ V. bị mất uy tín vì nhiều bài reviews không trung thực.
Tôi cũng đã từng viết nhiều bài báo về món ăn Việt ở Little Sài Gòn, nhưng tôi chưa bao giờ được chủ quán nào mời một ly trà đá miễn phí, và tôi cũng chưa bao giờ nói cho họ biết rằng tôi sẽ viết về thức ăn quán của họ.
Khi sự đánh giá về chất lượng ngon – dở của món ăn được quy thành tiền, là “cần câu cơm” thì reviewers bị đồng tiền chi phối, tất sẽ không giữ được sự khách quan và trung thực trong lời nói của mình. Cho nên, làm bất cứ nghề gì, dù chỉ đơn giản là “nghề ăn” thôi, cũng cần phải có cái tâm.
TPT