30 tháng Tư, gợi lại nhiều hồi ức đen tối cho những người tù cải tạo và gia đình. Đoạn hồi ký của người vợ đơn thân vượt đường dài đi thăm chồng ở một trại tù giữa vùng núi non đất Nghệ Tĩnh, khiến chúng ta vừa xót xa vừa cảm đ?ngộng.

Xin mời bạn đọc theo dõi qua bài viết của tác giả Trần Thị Nhật Hưng

Trại 6, tù Nghệ Tĩnh là nơi giam giữ một số sĩ quan VNCH vốn từ trong Nam sau 1975  đẩy tuốt tận Lào Cai rừng thiêng nước độc. Do biến cố người anh em Trung Quốc “môi hở, răng lạnh” quấy nhiễu vùng biên giới Việt Nam vào năm 1979 mới chuyển về đây.

Nếu thân nhân người tù từ Sài Gòn ra thăm phải lấy xe lửa từ ga Bình Triệu mất 3 ngày 3 đêm mới tới thành phố Vinh (Nghệ Tĩnh). Từ đó ra bến xe đò bắt xe lên huyện Thanh Chương mất 3 tiếng đồng hồ nữa. Rồi từ huyện vô trại 6 phải qua con sông nhỏ, sau đó mới theo đường rừng 20 cây số mới đến nơi. Đoạn đường rừng này hoàn toàn không có phương tiện giao thông công cộng ngoài xe đạp cá nhân.

Thời đó chưa có lịnh thăm nuôi, vì dân miền Nam chưa được phép ra Bắc ngoại trừ cán bộ, bộ đội đi công tác hoặc thân nhân của những người đó.

Tôi may mắn có người “anh em” từ Bắc vào Nam làm việc trong nhà nước làm cho một giấy lậu đi phép thăm bà cô, tôi liều ra Nghệ Tĩnh tìm thăm chồng với một giấy lậu khác đại để của công an địa phương chứng nhận tôi có chồng cải tạo rồi về nhà tôi điền thêm vài chữ “Xin được thăm nuôi”. Một may mắn nữa từ người quen này giới thiệu người thân kia, tôi được biết ông Tường ở ngay huyện Thanh Chương. Thấy tôi một mình, còn rất trẻ mới hai mươi mấy tuổi đầu mà lặn lội tìm nuôi chồng, ông cảm động ân cần giúp tôi, cho tôi tá túc, thăm dò đường đi nước bước rồi cho tôi mượn xe đạp (gia tài quý nhất của gia đình ông) ông hướng dẫn tôi cứ qua con sông nhỏ không có cầu mà phà thì ít đi lại, hầu hết dùng thuyền nan để qua bên kia sông, leo lên con dốc lớn, sau đó mới theo con đường mòn 20 cây số nữa là đến trại 6.

Đó là con đường rừng đất đỏ quanh co, gồ ghề khúc khuỷu, lên dốc xuống đồi rất khó đi. Nếu trời mưa thì đường nhầy nhụa từng vũng nước lớn, nhỏ nằm rải rác hoặc chắn ngang đường. Đường vắng tanh. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một bóng người từ túp lều tranh xa xa đạp xe ra đường. Tôi không rõ lúc đó từ nghị lực nào thúc đẩy tôi can đảm liều mạng đến đây để tìm thăm nuôi chồng. Có thể là do điếc không sợ súng. Lỡ tới thì tới luôn. Sau 3 tiếng đạp xe vô cùng vất vả, có lúc phải xuống xe dắt bộ vượt qua vũng nước lớn, tôi trượt chân té xuống ướt đẫm quần áo, thế mà cũng lò dò đứng dậy đi miết rồi cũng tìm ra trại.

Xem thêm:   Phận làm cha mẹ "12 bến nước"

Trại là một khu đất rộng, xung quanh có núi đồi và rừng cây. Nơi đây biệt lập hẳn với cuộc sống bên ngoài. Tôi đưa mắt nhìn hai bên, lố nhố từng nhóm người mặc đồng phục đang hì hục với công việc của mình, nào lợp nhà, cưa gỗ, kéo xe…Cứ mỗi nhóm có hai công an cầm súng canh giữ. Tôi đoán chắc đó là những sĩ quan cải tạo đang giờ lao động. Thấy tôi đến, ai cũng ngưng làm việc, ngước mắt ngạc nhiên nhìn tôi, tíu tít hỏi:

– Chào chị, chị từ Sài Gòn mới ra đấy hả?

– Sài Gòn bây giờ ra sao hả chị?

– Chị thăm ai thế chị?

Có người còn hỏi tôi:

-Cô bé thăm … bố à?

Tôi lắc đầu:

-Không, em thăm chồng.

-Vậy anh tên gì?

-Trần Hữu Lễ.

Anh Lễ lúc là Tỉnh Đoàn Trưởng tỉnh đoàn cán bộ Phát Triển Xây Dựng Nông Thôn Quảng Ngãi từ biệt anh em đổi vô Sài Gòn

Cùng lúc tôi đưa mắt dáo dác tìm chồng tôi, nhưng không thấy chàng ở đó. Một anh công an chạy ra hỏi thăm rồi hướng dẫn tôi vào nhà tiếp tân trình giấy.

Đó là một căn nhà nhỏ 3 gian bằng tranh, xung quanh được lợp bằng hàng cây thưa lá. Trước cổng có đề một hàng chữ xinh xinh: “Nhà tiếp đón gia đình trại viên”. Với lòng lâng lâng vui sướng, tôi bước vào phòng khách, tôi gặp một nữ công an đang quát tháo một người tù:

-Mày là thằng ăn cắp, phải viết bản tự kiểm mau!

Người tù (tù hình sự) là một thanh niên trạc 30 tuổi  khép nép nhìn nữ công an đồng trang lứa:

– Bẩm bà, con không làm điều đó. Mong bà tha cho!

Tôi có hơi ngạc nhiên về lối xưng hô đó. Nhưng sực nhớ sau 75, bà con ngoài Bắc vào thăm có kể, lối xưng hô này không lạ gì đối với người bị ghép là phản động gặp một đứa trẻ cũng phải “bẩm ông, bẩm bà” và xưng “con” dù đáng tuổi ông bà nội, ngoại chúng. Biết vậy, tôi để bụng, đứng yên nhìn bà trong cơn thịnh nộ, mắt trợn ngược trợn xuôi nhìn người tù ra lệnh:

Xem thêm:   Trang thư tín ngày 10 tháng 4 năm 2025

– Thôi, về chỗ mau, chiều nộp cho tao bản tự kiểm.

Quát xong, bà quét mắt nhìn sang tôi, nét mặt lạnh lùng hất hàm lên hỏi:

– Chị thăm ai? Cho xem giấy tờ.

Tôi không trả lời, lẳng lặng lấy giấy tờ xác nhận của công an phường, khóm đưa cho bà. Bà thoáng nhìn qua to tiếng:

– Giấy tờ này không hợp lệ, sai nguyên tắc. Chị không được phép thăm.

Hình ảnh nói chuyện cùng đồng bào trong quận Tư Nghĩa

Tôi chưng hửng trước lời nói ấy, chưa kịp giải thích sao đã nghe bà xẵng giọng:

– Chị có biết chồng các chị là những người theo giặc, tay sai của Mỹ phá hoại cách mạng, phá hoại nhân dân không? Còn các chị là những người tiếp tay cho chồng để chồng đốt nhà, cướp của nhân dân. Nhân dân đang căm thù những người như chồng chị. Nay cách mạng nhân đạo khoan hồng cho học tập cải tạo, chị ra thăm theo nguyên tắc phải có thẻ vàng do công an thành phố cấp mới được thăm.

Tôi sững sờ mở tròn xoe mắt, niềm uất hận sôi sục trong lòng, nước mắt chực trào ra, tôi chớp nhanh nén bao cay đắng tủi hờn để mong đạt được mục đích nên nhã nhặn trả lời:

– Thưa chị, mong chị thông cảm, vì theo thư chồng tôi gửi về bảo tôi đừng ra thăm nên không nói thủ tục thăm nuôi như thế nào. Tôi cứ tưởng giấy tờ như thế là đủ. Nay lỡ đến đây rồi, từ Sài Gòn ra đây những ngàn cây số, dù biết rằng đã sai nguyên tắc song mong chị xét qua vấn đề tình cảm mà cho tôi được thăm nuôi.

Bà công an vẫn lớn tiếng:

– Nguyên tắc là nguyên tắc. Không có xét vấn đề tình cảm gì cả.

Rồi lặng yên một lát, không hiểu nghĩ sao, bà bỗng hạ giọng:

– Thôi được, chị ra ao ngoài kia tắm thay quần áo và chuẩn bị nấu cơm, đợi tôi trình thủ trưởng cơ quan quyết định.

Nói rồi, bà ngoe nguẩy cầm giấy tờ của tôi đi mất.

Còn lại một mình uất ức với những lời chửi như tát nước vào mặt, tôi tha hồ để nước mắt tuôn rơi. Đang khóc, tôi nghe sau lưng có tiếng chân người đi lại, tôi vội lau nước mắt rồi đứng yên. Tiếng của vị thủ trưởng cơ quan lại gần, thông báo chiều đó 16 giờ cho tôi được thăm chồng một tiếng. Và bảo tôi xuống bếp nấu cơm. Bếp cũng gần đó, phía sau vườn, chỉ là căn chòi nhỏ để sẵn nồi niêu, củi lửa, ít chén bát và hai cái kiềng ba chân làm bếp. Tôi nấu cho chồng một nồi chè đậu. Một nồi xôi lớn rồi nắm thành viên để chàng ăn dần và một con gà luộc tôi mua dọc đường.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Mai Thành

Sau bao năm xa cách, từ khi ra Bắc cải tạo đói lạnh, chỉ thấy chàng còn da và xương. Duy chỉ ánh mắt và nụ cười là còn tinh anh tươi tắn. Chúng tôi chả nói được gì, phần có bà công an ngồi đó, phần niềm xúc cảm trào dâng làm nghẹn mọi ngôn ngữ, tôi chỉ ngồi yên nhìn chàng ngấu nghiến ăn. Thấy mà thương….!

Gặp nhau tại Thụy Sĩ sau 13 năm xa cách.

Khi chồng tôi theo bà công an vào trại, để lại tôi một chén xôi đậu. Tôi chưa kịp ăn, một anh tù hình sự có nhiệm vụ dọn dẹp gần đó, đến nói nhỏ với tôi:

-Chị ơi, tôi đói quá, chị còn cơm cho tôi xin một chén.

Thấy thế, tôi trao luôn chén xôi cho người đó, rồi ngồi khóc ngon lành.

Sau lần đó, tôi về lại Sài Gòn phổ biến và hướng dẫn gia đình các thân nhân trại 6 Nghệ Tĩnh cách thức thăm nuôi, mở ra một phong trào “Bắc tiến”. Cứ thế người này thông báo người kia, hướng dẫn người nọ. Dần dần bộc phát rộng rãi. Trại tù thấy các trại viên bị đói, cũng không khó khăn nữa, mặc dù không công khai cho phép.

Tôi giới thiệu ông Tường với mọi người (không có ông giúp đỡ, không cách nào biết đường vào trại được). Ông là người giúp tôi tận tình, cho tôi tá túc, cho tôi mượn xe đạp vào trại. Cũng chính nhờ ông gieo “nhân” lành giúp người vô vụ lợi nên về sau, ông bỗng trở thành “Giám đốc công ty chuyên chở bằng xe đạp thân nhân những người tù”. Ông huy động, phân phối tìm người chở xe. Mỗi cuốc xe chở người vào trại 20 đồng, chở quà cáp cũng 20 đồng. Hôm sau vô đón về cũng 20 đồng (một tháng lương công nhân ngoài đó 40 đồng). Tôi không rõ phần ông, phần những thanh niên chuyên chở, sau phần bị xẻo bởi ban giám thị trại (ngồi không lấy cớ bảo vệ sinh mạng người thăm nuôi) cuối cùng họ chia nhau được bao nhiêu? Hãy nghe họ tâm sự:

– Các chị ra thăm, ai cũng than là hoàn cảnh hiện nay sa sút, thế mà tiền rắc đường của các chị bằng cả tháng lương của chúng tôi. Nhìn vậy cũng biết đời sống trong Nam trước đây sung sướng lắm. Không lẽ chúng tôi mong chồng các chị rục xương trong tù để các chị thuê xe chúng tôi mãi. Nhưng ngày đoàn tụ của anh chị là ngày đói khổ của chúng tôi.

Nghe thật đau lòng, đứt ruột.

Bây giờ thì mọi sự đã sang trang, lịch sử đau thương của dân tộc cũng sang trang. Tôi ghi lại bài này chỉ để nhắc nhớ lại một vài kỷ niệm của một thời đã qua nhân ngày 30 tháng 4.

Bài và hình TTNH