(Mang yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn)

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc và đồng vai vế với vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy). Ông sinh năm 1930 ở Nha-Trang và qua đời tháng 8.1975 trong một vụ thảm sát bằng lựu đạn ở trại tù cộng sản tại Biên-Hòa. Minh Kỳ là một nhạc sĩ tên tuổi, sáng tác rất nhiều nhạc phẩm giá trị được khán thính giả khắp nơi ưa chuộng. Ông hợp tác với nhiều nhạc sĩ nhưng được nhắc nhở nhiều nhất qua những sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng gồm Anh Bằng, Lê Dinh và Minh Kỳ. Ông tham gia vào lực lượng Cảnh sát Quốc gia Việt-Nam Cộng Hòa với chức vụ Đại Úy trước ngày miền Nam bị cưỡng chiếm.

Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1920 (có tài liệu ghi là 1925) và mất ngày 30 tháng 4 năm 1995 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nhạc sĩ Hoài Linh phục vụ trong Quân lực Việt-Nam Cộng Hòa với cấp bậc Trung Úy nhưng được biết đến và nhắc nhở qua những ca khúc trữ tình của hơn 20 năm miền Nam Việt-Nam thanh bình, thịnh trị. Sự nghiệp sáng tác của Hoài Linh khá đồ sộ và còn được yêu chuộng đến ngày nay như “Lá thư trần thế”, “Về đâu mái tóc người thương”, “Căn nhà màu tím”, “Nhịp cầu tri âm” v.v. Lời ca trong âm nhạc Hoài Linh rất mượt mà và trữ tình nên nhiều nhạc sĩ như Song Ngọc, Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Nguyễn Hiền v.v. đã nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời ca cho sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Minh Kỳ   

Nhắc đến nhạc phẩm “Chuyến tàu hoàng hôn”, ca sĩ Hoàng Oanh đã thuật lại như sau: “Mùa hè năm 1962, nhạc phẩm Chuyến tàu hoàng hôn” ra đời trong một ngày mưa đầu mùa ly biệt. Sau khi hoàn tất phần nhạc, nhạc sĩ Minh Kỳ đã nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời ca. Bản nhạc được viết tại Thị-Nghè giữa năm 1962 và được tác giả ấn hành. Sau đó, nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cũng tái bản nhiều lần trong những năm của thập niên 60”.

Xem thêm:   Bang bang

Hơn 60 năm qua, “Chuyến tàu hoàng hôn” đã được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày trên sân khấu, thâu hình, thâu thanh nhưng lần thâu đầu tiên do hãng dĩa Việt-Nam thực hiện với tiếng hát ca sĩ Hoàng Oanh và phần hòa âm của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi năm 1962 tạo được ấn tượng nhiều nhất. Lần đó, ca sĩ Hoàng Oanh chọn hát lời 2, chứ không phải là phần lời 1 thường được phổ biến sau này.

Tiễn đưa nhau giữa buổi hoàng hôn dâng lên màu tím thẫm, đôi tình nhân bịn rịn không muốn rời xa. Thời gian ơi xin ngừng lại, không gian ơi xin đừng tan để phút giây lưu luyến này kéo dài thêm chút nữa …

“Chuyến tàu hoàng hôn”, 1962

“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà

Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta

Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian

Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài

Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi”

Thương nhau nhiều nhưng dù lưu luyến mấy rồi cũng phải chia xa. Con tàu chuyển mình rời sân ga và đem theo bao niềm nhung nhớ. Chiều xuống đã lâu, sương rơi ướt áo mà bóng ai còn thấp thoáng ở thềm ga. Những giọt mưa thu hay nước mắt của người ở lại cứ lăn dài trên má, trên môi …

“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn

Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm

Hoàng hôn dần buông

Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống”

Nhạc sĩ Hoài Linh

Đường dẫu xa nhưng đường bao nhịp nối, tình dù cách xa nhưng trăm mối ngổn ngang. Lòng thầm trách con tàu vô tri mang người thương về chốn nào xa xôi để người ở lại tương tư sầu nhớ …

Xem thêm:   Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn

“Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành

Đem yêu thương đi đến nơi nao, cách đôi tình

Đường bao nhịp nối, tình trăm nghìn mối

Hướng theo một bóng người”

Nơi chiến địa gươm giáo, súng đạn vốn dĩ vô tình nhưng vì muốn bảo vệ nền hòa bình non trẻ nên người trai phải dấn thân đi vào tuyến lửa. Dù giặc thù gây bao tang tóc nhưng người ra đi quyết mang theo tình yêu thương để rắc lên muôn vạn oán hờn và mang lại công bằng, bác ái trên một dãy đất chinh chiến triền miên …

“Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ

Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa

Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai,

Còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn

Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn”

Nhạc phẩm “Chuyến tàu hoàng hôn” (hình bìa ca sĩ Minh Hiếu) trên dĩa hát 45 vòng của hãng dĩa Việt-Nam, 1962

Nhịp xe lướt nhanh trong khúc quân hành rộn rã như lời nhắn nhủ của người ra đi. Rồi đây, nương dâu sẽ thắm xanh, vườn cây cho trái ngọt thì sá gì chút tình riêng bé nhỏ. Giữ cho nhau niềm tin như lời hứa buổi chia tay hôm nào, hoàng hôn buông xuống và nhường cho ánh ban mai lấp lánh đầu ngày …

“Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca

Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương

Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn

Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương”

Ca sĩ Hoàng Oanh và dĩa CD “Chuyến tàu hoàng hôn” được thâu thanh và phát hành ở hải ngoại

Mùa thanh bình sẽ về sau bao ngày chia ly, sầu nhớ. Giây phút hạnh ngộ cho kẻ tiền tuyến, người nơi hậu phương chan hòa một niềm vui như trăng thanh sáng tỏ đêm rằm, như bông hoa thắm tươi trên ngàn lối. Tình thương sẽ xoa dịu hận thù và nối lại những ngăn cách sau chuỗi ngày chinh chiến, điêu linh …

Xem thêm:   Nhạc sĩ Thanh Bình một đời tình lỡ

“Người ơi chí nam nhi khi đã gửi sa trường

Thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương

Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương

Là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm

Ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta”

Sau mấy mươi năm thương hải, tang điền, từng lớp trai tráng vì nước đi xây tình quê hương, đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn mà thanh bình còn lẩn khuất nơi xa. Mùa xuân năm  đó xóa tan bao niềm ước vọng để người dân Việt cứ mãi lầm than và lặng lẽ ra đi mang theo nỗi sầu vong quốc.

TV (10.03.2025)