Nước sạch để dùng luôn luôn là vấn đề nan giải đối với cư dân tiểu bang California, nơi được coi là bị hạn hán khắc nghiệt. Trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 có rất ít mưa. Năm 2023 tiểu bang California hứng nhiều trận bão dữ dội, các hồ chứa nước như hồ Folsom ở Vịnh Granite, hồ Oroville ngập tràn nước thật đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, những cơn bão đã tạo ra một lớp băng tuyết dày đến 239% so với mức trung bình ở tiểu bang này. Lượng tuyết này sẽ tạo ra số lượng nước khổng lồ.

Các hồ chứa nước tự nhiên ở Cali dâng đầy nước ngày 26 Tháng 3, năm 2023. Hình: AP
Nông dân Cali những tưởng đã “hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai.” Không ngờ tiểu bang lại ban hành “Các biện pháp mới về nước của California nhằm mục đích tăng tiền phạt cho những người vi phạm, bảo vệ vùng đất ngập nước”, tờ Thời Báo Los Angeles ngày 6 Tháng Chín, 2024 cho biết.
Dự luật AB 460 đã được cơ quan lập pháp thông qua vào tuần trước và là một trong những biện pháp liên quan đến nước, đang chờ Thống đốc Gavin Newsom ký.
Theo đó, Bộ luật này tăng tiền phạt đối với hành vi vi phạm lệnh cắt giảm nước của tiểu bang lên tới 10,000 Mỹ kim mỗi ngày, cộng với 2,500 Mỹ kim cho mỗi mẫu Anh-foot nước được chuyển hướng. (Nghĩa là lấy nước ra khỏi dòng chảy chung và chuyển tới các nơi khác mà không được cấp phép. Một mẫu Anh-foot là 325,851 gallon, hoặc đủ để phủ một mẫu Anh sâu một foot.)
Bà Analise Rivero, phó giám đốc chính sách của nhóm California Trout, đơn vị đồng tài trợ cho dự luật, cho biết: “Dự luật này sẽ đóng lỗ hổng đó và làm cho luật hiện hành mạnh mẽ hơn, và đây là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng trộm cắp nước.”
Bà Rivero nói thêm rằng khả năng áp dụng các khoản tiền phạt lớn hơn là rất quan trọng khi California đang phải vật lộn với những tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước.
Bài báo không cho biết nông dân, các chủ trang trại đồng ý hay phản đối dự luật, nhưng có “nói xa nói gần” rằng “việc vi phạm pháp luật và nộp tiền phạt đã bị một số chủ trang trại chuyển hướng nước bất hợp pháp coi là cái giá phải trả cho việc kinh doanh.” Điều đó cho thấy, nếu nông dân, các trang trại không trả nổi tiền phạt vi phạm, họ sẽ cắt giảm sản lượng cây trồng, vật nuôi, hậu quả là người tiêu dùng sẽ phải mua thực phẩm tươi ở mức giá cao hơn. Trong khi vài năm gần đây cư dân Cali đã phải trả tiền mua thực phẩm gấp đôi, gấp ba lần so với thời gian trước. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng khi dự luật này có hiệu lực, dân chúng lại phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa để dè sẻn thức ăn. Nhớ trước đây mua một vỉ 12 trứng gà giá khoảng $1.5, mua một thùng 60 trứng chưa tới $5, tuần rồi tôi vô tiệm Costco mua một thùng 60 trứng gà giá $12. Nghĩ tới chuyện năm tới bỗng nhiên mọi thứ thực phẩm tươi đều bị tăng giá thêm nữa thiệt là oải quá trời luôn. Các tiệm ăn luôn luôn tăng giá mà phẩm chất món ăn thì bị giảm xuống trầm trọng, e rằng sang năm tôi hết dám ra tiệm ăn.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy giới chức tiểu bang Cali bảo vệ nguồn nước chỉ bằng cách tăng tiền phạt hết lần này tới lần khác, năm này tới năm khác đối với người sử dụng nước, mà không thấy họ có phương án gì để bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước tự nhiên. Đành rằng siết chặt quản lý đối với những cá nhân xài nước phung phí là cần thiết, nhưng đó chỉ là giải pháp “chặt ngọn” mà không giải quyết tận gốc vấn đề thiếu nước.
Mùa hè ở Cali sức nóng mặt trời rất khắc nghiệt, suốt tuần nhiệt độ trong bóng râm luôn luôn từ 350C – 420C/ 950F – 107.60F tại khu vực Quận Cam. Với nhiệt độ này quý vị có thể chiên chín trứng bằng một cái chảo kim loại đặt trên sân cement hoặc ngoài đường nhựa. Tôi cứ tưởng tượng dưới sức nóng này trên mặt các hồ chứa nước thiên nhiên có từng đám mây hơi nước bốc lên ngùn ngụt. Ngay cả ban đêm nhiệt độ không cao lắm thì nước vẫn cứ bốc hơi. Một lượng nước rất lớn bị tổn hao ngoài ý muốn, không phải do cư dân xài phí, thật đáng tiếc. Nhìn con sông Shasta chảy qua vùng Montague, một lượng nước rất lớn sẽ bốc hơi theo dòng chảy.
Tiểu bang Cali nếu tách riêng thành một quốc gia độc lập thì được xếp hạng đứng thứ năm thế giới về sức mạnh kinh tế, nhưng không biết tại sao chưa bao giờ nghe nói tới các công trình nghiên cứu, các kế hoạch, dự án cải tạo hệ thống tưới tiết kiệm nước như cách làm của người Do Thái. So về số lượng thì Cali đang có nhiều nước hơn Do Thái gấp ngàn lần, nhưng Do Thái họ bảo đảm 95% nhu cầu lương thực cho dân trong nước, và là nước xuất cảng số lượng lớn thực phẩm tươi sống trên thị trường thế giới. Người dân Do Thái thường nói: “Tuy có khí hậu và địa lý vô cùng khắc nghiệt, nhưng chúng tôi vẫn có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới.” Cũng vì vậy mà nước ngọt ở Do Thái được quản lý chặt chẽ hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Trước đây tôi có kể cho quý vị nghe chuyện ông bạn học tôi ổng cất cái lều ở sân sau, làm hẳn hệ thống đường ống nước, sink rửa chén giống y như sink rửa chén trong nhà bếp. Mỗi ngày ổng đều đem chén bát nồi chảo ra lều rửa, nước rửa chảy theo hệ thống ống dẫn ra tưới cây, cây rất xanh tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như ông bạn tôi. Đem đồ ra lều ngoài vườn rửa rồi đem vô nhà, mùa nắng nóng cũng mệt mà mùa lạnh cũng mệt, ban đêm trời lạnh mở cửa ra ngoài rửa chén thì thật không tiện chút nào.
Tôi hỏi ông hàng xóm thử làm ống dẫn lấy nước rửa chén khi thấy ông tưới cây mỗi ngày, ông trả lời làm hệ thống ống dẫn tốn nhiều tiền lắm, thà trả thêm tiền nước sạch còn hơn.
Thời tôi còn là sinh viên trường luật, trừ các bạn có nhà tại Sài Gòn, phần lớn sinh viên các tỉnh đều sống tập thể ở ký túc xá trong trường. Ăn cơm xong chạy ra vòi nước đánh răng, rồi bụm hai bàn tay uống nước từ vòi nước chảy ra, đôi khi nhìn thấy vòi nước đóng đầy rỉ sét, rong rêu, mà bọn tôi cũng đành tặc lưỡi “Kệ nó.” Và cũng không có đứa nào bị vấn đề gì về sức khỏe vì uống nước trong vòi đó. Bây giờ, uống nước trong vòi ở sink rửa chén tại nhà, tôi lại thấy mùi vị nước “ngon” hơn mùi vị nước ở vòi nước uống trong trường học, hoặc ở bệnh viện, các khu thương xá lớn. Vì vậy, tôi cho rằng nước từ vòi ở sink nhà bếp chảy ra rất tốt. Mỗi ngày tôi tắm gội, rửa chén, rửa rau, tôi thấy tiếc phần nước thải đó bị bỏ đi, nếu có thể chuyển ra tưới cây thì còn gì tốt bằng. Nên chăng chính phủ tài trợ cho dân mỗi nhà một lều rửa chén để tận dụng nước tưới cây?
Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa nông dân và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, giữa bảo vệ môi trường và tiết kiệm nước, là bài toán khó, cần được đầu tư nguồn lực tài chánh, trí tuệ, nghiên cứu trong thời gian dài, không phải cá nhân có thể tự làm được. Tiết kiệm nước vì hạn hán không phải là giải pháp lâu dài, nếu tình hình thời tiết Cali vẫn cứ tiếp tục hạn hán thì sao? Nếu hạn hán lâu năm kéo dài đất đai bị sa mạc hóa thì sao? Chính phủ tiểu bang càng không thể đẩy cái khó về phía dân, bằng cách ép buộc dân chúng tiết kiệm, tiết kiệm, và tiết kiệm mãi, cho tới khi không còn gì để tiết kiệm trên những nông trại khô cằn.
TPT