Những cuộc bút chiến trên báo chí Mỹ gần đây xoay quanh Tổng thống Donald Trump có một điểm đặc biệt: nhiều bài báo đã trích dẫn một bản văn chính trị đã ra đời cách đây gần 250 năm, không phải bản Hiến Pháp, để làm điểm tựa cho các phản bác đối phương.
Gần đây nhất, cuộc tranh cãi về đe dọa của Tổng thống Trump sẽ cho đóng cửa Quốc Hội để những bổ nhiệm nhân sự của ông không phải qua khâu xét duyệt của Thượng Viện (một nhánh của Quốc Hội). Tuyên bố lại gây náo động, chia rẽ chính trường phát ra vào ngày 15/04/2020. Ngày 16/04, tờ Wall Street Journal đăng ngay một bài tán đồng:
Yes, Trump Can Close Congress (Ðúng thế, Tổng thống Trump có thể đóng cửa Quốc Hội). Trong bài này, tác giả, Sai Prakash, một giáo sư luật, đã dùng Hiến Pháp và quan điểm của James Madison, Tổng thống Mỹ thứ tư, người thường được coi là “cha đẻ” của Hiến Pháp Mỹ, làm nền cho bài viết.
Ngay hôm sau, 17/04/2020, The Atlantic đáp lại bằng một tít rất nghiêm khắc:
Trump Is Threatening to Subvert the Constitution
(Ông Trump đang đe dọa lật đổ Hiến Pháp) kèm một tiểu tít với khổ chữ nhỏ hơn nhưng khinh mạn: A president cannot just make Congress disappear when he wishes (tổng thống không thể cứ muốn Quốc Hội biến đi là được). Tác giả, hai cây viết thuộc giới luật sư, chuyên gia luật pháp có tiếng, Neal K. Katyal, Thomas P. Schmidt, đặt quan điểm của họ trên nền tảng không phải là Hiến Pháp mà là bản văn có tên: The Federalist số 69 và số 76.
Xem sơ qua một vài tháng trước, chúng ta cũng thấy The Federalist rất hay được trích để phản biện chính trị.
– The Daily Beast, 29/09/2019: Alexander Hamilton Warned Us About Trump and Barr: The Federalist số 65.
– Palmer Report, 09/10/2019: Donald Trump’s presidency will never get past The Federalist Papers: The Federalist số 65, số 66, số 84.
– The New York Time, 02/12/2019: Trump Is the Founders’ Worst Nightmare: The Federalist số 85.
– The Washington Post, 17/12/2019: The Daily 202: Alexander Hamilton has been cast in a starring role for impeachment’s closing arguments: The Federalist số 65, số 68.
– Truth Dig, 03/02/2020: Alexander Hamilton Would Have Backed Trump’s Impeachment: The Federalist số 01, số 61, số 65, số 66, số 69.
– The Heritage Foundation, 20/03/2020: In Combating Coronavirus, Trump and Governors Act Constitutionally: The Federalist số 70.
Nhìn sâu hơn vào chính trị Mỹ, từ ngày lập quốc đến nay, Tòa Án Tối Cao (Supreme Court) luôn coi The Federalist là một trong những nền tảng cho các phán quyết của tòa. Theo một thống kê năm 2007 của Trường Luật thuộc University Georgia, xu hướng này còn tăng lên trong những thập niên gần đây (Bảng dưới):
Về căn bản, The Federalist chỉ là một tập hợp 85 bài báo do ba tác giả nổi tiếng nhưng ẩn danh dưới cùng một bút hiệu Publius, viết rất vội để đăng liên tiếp nhưng rải ra trên ba tờ báo tại New York trong khoảng thời gian tháng Mười 1787-tháng Tám 1788, nhằm cổ động công dân-cử tri của tiểu Bang New York ủng hộ bản dự thảo Hiến Pháp Liên Bang vừa ra đời trước đó (tháng Chín 1787). Mỗi số The Federalist lên báo, người ta đều thấy Publius nắn nót mở đầu bằng câu:
“To the People of the State of New York:…” (Kính gửi Nhân Dân tiểu Bang New York…)
Trớ trêu, mục đích thuyết phục dân New York ủng hộ bản dự thảo hiến pháp đã thất bại hoàn toàn. Cử tri của New York đã chọn ra một phái đoàn đại diện đi dự phiên họp phê chuẩn hiến pháp liên bang, trong đó: 49 đại diện có tư tưởng chống (anti-federalist), 19 thuận (federalist). Song, gần như ngay lập tức, The Federalist (hoặc The Federalist Papers) được giới chính trị dân chủ chú ý và nồng nhiệt đón chào. Trong lúc The Federalist vẫn tiếp tục lên báo, hãng J. & A. McLean đã tập hợp cho in thành sách. Thế mới biết số đông dân chúng, đôi khi, nếu chẳng phải luôn luôn, thiếu hẳn “con mắt tinh đời”. Ðây cũng là một chủ đề được The Federalist luận rất tinh tế.
Một số học giả chính trị có bộ óc kiệt xuất đồng thời (và hậu thời) của The Federalist đều bày tỏ ngưỡng mộ, đánh giá rất cao các bài báo đã trở thành trứ tác cơ bản trong ngành khoa học chính trị.
Trong lá thư đề ngày 18 tháng Mười Một 1788 gửi James Madison, một trong ba tác giả The Federalist, Thomas Jefferson viết như sau:
“With respect to The Federalist, the three authors had been named to me. I read it with care, pleasure & improvement,… the best commentary on the principles of government which ever was written.” (Về The Federalist, cả ba tác giả tôi đều đã biết. Tôi đã đọc kỹ với sự thích thú và được thêm nhiều điều bổ ích… đây là khảo luận tốt nhất từ trước tới nay về các nguyên lý của chính quyền.)
Thomas Jefferson không chỉ uy tín vì là tác giả của bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập 1776 bất hủ; ông còn là người chịu đọc và chịu học, có khả năng nói và đọc 03 ngoại ngữ (trong đó có La Tinh), đọc được thêm 02 ngoại ngữ khác (trong đó có Hy Lạp); sở hữu những tủ sách cá nhân đồ sộ, có lúc lên chừng một vạn cuốn, lớn vào bậc nhất nước Mỹ đương thời. Nghiên cứu sau này đã tìm thấy thủ bút của Thomas Jefferson chú trên một ấn bản sách đầu tiên của tổng tập The Federalist (xuất bản tháng Ba-tháng Năm 1788), một hành động ít thấy của Thomas Jefferson khi đọc sách. Chúng ta cũng nên nhớ lại một chi tiết nhỏ: Thomas Jefferson thường đối lập với Alexander Hamilton, một tác giả quan trọng của The Federalist. Những chi tiết hơi rườm này cho thấy: Nhận xét của Thomas Jefferson về The Federalist là đầy uy lực, cẩn trọng và trung thực. Ðiều này khác xa với nhiều xứ sở nơi giới trí giả hay bốc thơm sách vở, thơ văn, bản dịch của người cùng phe cánh dù có thể chẳng đọc lấy một chữ, hoặc hoàn toàn mù tịt về ngôn ngữ gốc.
Năm 1835 tại Pháp, Alexis de Tocqueville thường xuyên nhắc đến The Federalist trong tác phẩm làm nên tên tuổi, De la démocratie en Amérique (Bàn về nền dân chủ Mỹ). Trong cuốn sách, ông đã làm một chú thích khá dài cho độc giả Pháp về cử chỉ này cùng câu kết luận:
“Le Fédéraliste est un beau livre, qui, quoique spécial à l’Amérique, devrait être familier aux hommes d’État de tous les pays.» (The Federalist, dù được viết riêng cho nước Mỹ, là một pho sách rất quý đáng để cho những người tham gia công việc chính quyền của mọi xứ sở thuộc làu.) – Tocqueville, De la démocratie en Amérique, Folio Histoire-Gallimard, 1986, trang 186.
Nhiều người cho rằng học giả chính trị người Anh John Stuart Mill (1806-1873) cũng phát biểu đề cao The Federalist ngang với các tác phẩm chính trị kinh điển Hy Lạp cổ đại. Song, trong bài viết này, người viết không dám khẳng định vì chưa tìm thấy chứng cứ gốc.
Năm 1980, ba học giả chính trị người Mỹ Thomas Engeman, Edward J. Erler và Thomas B. Hofeller còn kỳ công ra một cuốn sách, The Federalist Concordance, nhằm tạo chỉ mục (theo trang, dòng, bài, tác giả, hình thức, tần số xuất hiện…) cho gần như từng chữ có trong The Federalist giống như cách làm trong các bản Kinh Thánh Do Thái giáo hoặc Cơ-Ðốc giáo.
Một tác phẩm lớn như The Federalist, dĩ nhiên, không thể tránh được sự phiên dịch sang các ngôn ngữ khác. Pháp, nơi tôi đang được cư trú, Việt Nam, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, hai quốc gia đã thực hiện công việc đầy hân hạnh: dịch The Federalist sang tiếng nước mình. Song, sự hân hạnh này của hai nước hoàn toàn không giống nhau.
(còn tiếp)