Năm ngoái, tôi có kể với quý độc giả Trẻ các trường hợp người già gốc Việt ở Mỹ không biết dùng mạng internet, kém tiếng Anh, và bị kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa Sở Xã Hội, Bảo Hiểm Y Tế, Bank… để lừa tiền, lừa lấy thông tin cá nhân của các cụ, rồi dùng thông tin ấy lập trương mục giả mạo lừa đảo những nạn nhân khác.

Năm nay, scamers ngày càng “nâng cao level” hơn, những kẻ lừa đảo giấu mặt đã “tấn công” sang các nhóm tuổi trung niên, tuổi trẻ thông thạo tiếng Anh và internet, biết dùng mạng xã hội, có nhiều tiền, đặc biệt nhắm vào nhóm người Việt mới qua định cư Mỹ.

Phần lớn người Việt rất dễ tin người khác. Trên mạng xã hội đang lan truyền video hai anh Tây trắng trẻ cứ loằng ngòa loằng ngoằng không biết làm cách nào xếp chiếc xe đẩy trẻ em. Kế tiếp xuất hiện một “lão tiền bối” Tây trắng tóc bạc chỉ bằng vài chiêu đơn giản cái xe đẩy đã “chịu phép” đâu vào đó gọn gàng. Các bà, các cô được dịp “lên giọng”: “Thấy chưa, đàn ông ngoài việc ăn no vác nặng thì biết quái gì chuyện nội trợ của phụ nữ. Nuôi con là cả một nghệ thuật.” Cánh đàn ông có cơ hội “nịnh đầm” rằng: “Một người đàn bà có thể dạy ba bốn anh đàn ông vai u thịt bắp cách xếp lại cái xe đẩy em bé.” Thật ra, đó là một video dựng diễn nhằm gây cười cho khán giả chớ không phải là thật. Bất cứ món đồ gì khi bán ra đều có kèm theo tờ giấy (hoặc cuốn sổ nhỏ) hướng dẫn lắp ráp, sử dụng với hình vẽ chi tiết, dễ hiểu, không cần biết tiếng Anh vẫn lắp ráp được đúng bản vẽ, và biết cách dùng đúng món đồ ấy. Thí dụ: Mấy năm trước tôi có mua trên Amazon cái bàn lớn mà thiết kế dạng đa công dụng, nó là cái bàn đủ chỗ cho computer và monitor lớn, có chỗ cho printer, vừa là bàn viết, đồng thời dính theo cái kệ đứng bốn ngăn bên trái. Khi mở thùng ra, tôi nhìn thấy một mớ cây sắt lớn nhỏ lủ khủ, ốc vít, một mớ mấy tấm ván hình chữ nhật nặng trịch. Tôi lật tờ hướng dẫn lắp ráp ra coi và ráp xong cái bàn.

Xem thêm:   Review & giả review

Một ông Facebooker trung niên kể rằng chính ông (ngày 24/5/2024) bị scamer (nói English giọng Ấn Độ) gọi điện thoại mạo danh nhân viên bank, yêu cầu đổi mã pin thẻ debit card vì những lý do bla… bla… theo ý của người gọi. Đổi xong rồi mà chính chủ dùng debit card đó xài, thì mỗi lần như vậy bị đánh cắp 500 Mỹ kim. Cũng may ông phát hiện kịp thời nên chỉ mất $500, ông gọi bank khóa thẻ, và bank đang làm hồ sơ bồi thường cho ông. Cái may thứ hai là ông sống ở Mỹ, nếu ở Đông Lào thì ông mất trắng hết tiền mà không được bồi thường.

Cách đây khoảng 6 năm tôi đổi thẻ SS (Social Sercurity card) vì ghi lộn họ tên. Để được sửa tên họ cho đúng, tôi phải cung cấp cho cơ quan chính phủ giấy khai sanh của tôi. Lúc đó tôi mới định cư ở Little Sài Gòn hơn một năm, không biết sao y chứng thực giấy tờ ở đâu, bèn nhờ một anh bạn giúp. Ông này dẫn tôi tới văn phòng nọ (tôi không biết văn phòng đó ở đâu, tên gì) sao y chứng thực khai sanh với giá 50 Mỹ kim. Tôi thấy giá cao quá, hỏi anh bạn làm sao ổng biết văn phòng chứng thực đó, ổng trả lời thấy quảng cáo trên đài truyền hình Việt ngữ. Trời, thời buổi này mà ổng còn tin quảng cáo sao?

Sau này tôi làm giấy ủy quyền gởi về Việt Nam cho em tôi đi kiện đòi đất, tôi tới công chứng viên khác thì ông trưởng văn phòng nói chính phủ Mỹ quy định một chữ ký 15 đồng thôi. Bác sĩ gia đình tôi nói năm 2016, 2017 thì $50 có giá trị lắm đó (!)

Mới đây, mạng xã hội Facebook rầm rộ tố một cô tên Nguyễn Hoàng Thanh Trúc từ Việt Nam qua Mỹ diện du lịch đã vô các group Facebook tiếng Việt ở Cali “bán voucher du lịch combo cùng vé máy bay” giá rẻ,” sau khi Trúc nhận tiền của nạn nhân xong thì Trúc “biến mất.” Rất nhiều đồng hương gốc Việt đã bị Trúc lừa tiền. Các nạn nhân đến tận văn phòng tại một địa chỉ trên đường 1st thành phố Santa Ana (Orange County) tìm Trúc mới biết văn phòng đã đóng cửa, và biết thêm rằng Trúc bị đài truyền hình quốc gia VTV (chuyên mục 24h) đưa vào chương trình Cảnh Báo Lừa Đảo trên toàn quốc. Vụ này, các nạn nhân ở Mỹ sập bẫy là vì tin “đồng hương” không rõ lai lịch, nguồn gốc lại có thứ “hàng hóa” đặc biệt mà bán giá rẻ.

Tin nhắn “lạ” tôi nhận được trong khi đang gõ bài viết này, yêu cầu tôi click vô link để điền form “nhận hàng” (mà tôi đặt hàng hôm qua, nhận hôm nay, 30-5-2024) dù tôi không đặt hàng. Link nhìn biết ngay “bất thường.” Tôi đã blocked số điện thoại đó và bấm “Report Junk.”

Có người hỏi tôi trên YouTube, Facebook, đài truyền hình sao rất nhiều “người nổi tiếng” (“Key Opinion Leader” – KOLs) gốc Việt quảng cáo thuốc trị bách bệnh của lang băm quá, rồi nào là yến huyết, tuyết sâm ngàn năm ở đâu có nhiều quá, bật TV lên là thấy? Tôi trả lời quảng cáo nhiều là vì có nhiều đồng hương Việt tin rằng các KOLs đó là bác sĩ chuyên khoa, nên các KOLs nói ào ào sản phẩm họ quảng cáo chữa bách bệnh, ăn/uống vô thì được trường thọ, khỏe như vâm, thần lực dồi dào không khác truyền thuyết dùng “Minh Mạng thang.” Họ bán được sản phẩm mới có tiền mướn quảng cáo, đồng hương không ai mua lấy đâu ra nhiều tiền mướn KOLs nói triền miên, nói dai nhách ngày này qua ngày khác.

Xem thêm:   50 năm những người lính Mỹ

Tháng rồi, nhà bạn tôi bị hỏa hoạn, công ty bảo hiểm nhà (có ký hợp từ trước) đã cử nhân viên tới xem xét và đặt lịch quay lại “clean up” nhà cửa. Không hiểu sao có người gọi tới bạn tôi tự xưng là nhân viên bảo hiểm và yêu cầu “clean up” giá 500 Mỹ kim. Bạn tôi ngạc nhiên quá, hỏi lại công ty bảo hiểm thì phía công ty trả lời rằng đó không phải là nhân viên của họ, lịch “clean up” vẫn theo thỏa thuận cũ không thay đổi.

Cách đây 2 ngày, tôi nhìn thấy một website quảng cáo trên mạng internet rằng công dân Mỹ có quyền lợi an sinh xã hội vài ngàn Mỹ kim/người. Kinh nghiệm làm việc trên internet hơn 20 năm cho tôi biết link đó thuộc loại “xàm xí xú” và “bốc mùi” lừa đảo, đã trả tiền quảng cáo cho Google để được đẩy lên hàng thứ 2 trên trang tìm kiếm. Tôi tò mò click vô coi thì thấy đó là một trang không chính danh (tức ai cũng có thể tạo ra, không có họ tên người chịu trách nhiệm, số điện thoại và địa chỉ). Cách viết bài và hình ảnh trình bày chủ nhân website cố gắng làm cho người xem nghĩ rằng đây là web chính thức của chính phủ Mỹ. Tất cả các đường link trang này cung cấp khi quý vị click vô đều dẫn tới những nhánh phụ của chính trang này, và không dẫn tới website nào của chính phủ Mỹ. Rất nhiều đường link khuyến dụ người xem với quyền lợi hàng ngàn Mỹ kim. Đồng thời, họ (web ẩn danh) khuyến khích người đọc gởi email “trình bày” riêng với họ. Nói tới đây thì quý độc giả đã biết rằng nạn nhân sau khi cung cấp thông tin cá nhân cho họ thì họ sẽ dùng các thông tin đó làm gì rồi, tôi không cần nói thêm dài dòng. Cuối cùng, tôi cũng tìm hiểu được tên miền gốc của website đó xuất xứ từ Ấn Độ. Không bao giờ có chuyện người Ấn Độ tự dưng lại “rảnh rỗi” lập website “lo lắng” cho quyền lợi của công dân Mỹ cả.

Xem thêm:   Mẹ ta trả nhớ về không

Trong bài viết trước đây của tôi (đã thượng dẫn) đã nhấn mạnh rằng tất cả cơ quan công quyền của chính phủ Mỹ, bank, bảo hiểm y tế, bảo hiểm khác, DMV, trường học… không bao giờ gọi điện thoại cho quý vị, mà họ gởi mail giấy tới nhà quý vị. Vì ông Facebooker bạn tôi (tôi kể ở trên) mới đây đã bị kẻ gian mạo xưng nhân viên bank lừa 500 Mỹ kim, thiết nghĩ tôi lặp lại ý trên một lần nữa cũng không thừa.

TPT