Tình trạng trái đất bị ô nhiễm ngày càng nặng nề đã tạo ra sự lo ngại về môi trường sống. Vì thế, ở khắp nơi, người ta thúc đẩy những chương trình, những dự án làm xanh, sạch hành tinh như: Chấm dứt sản xuất xe hơi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; tự chủ năng lượng; xây dựng nhà máy điện mặt trời; trạm dịch vụ mặt trời và nhà ở thân thiện với môi trường.

Những thành tựu dưới đây giúp chúng ta tăng thêm niềm tin vào tương lai.

1. Đảo Gapado, Hàn Quốc: lượng khí thải CO2 bằng 0

Đảo Gapado thuộc Jeju, Hàn Quốc, có thể trở thành hòn đảo đầu tiên trên hành tinh có lượng khí thải CO2 là con số 0 tròn trĩnh. Bốn năm trước, dự án này đã được triển khai. Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ kinh phí cho các gia đình lắp đặt hệ thống sử dụng pin năng lượng mặt trời. Đã có khoảng 50% gia đình trên đảo đã lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng dành để sử dụng vào ban đêm và những ngày thiếu nắng. Trên đảo này, người ta đã kết nối các nhà bằng đồng hồ thông minh, nhằm tiết kiệm năng lượng. Một điều đáng chú ý là ở Gapado, năng lượng sản xuất đã nhiều hơn tiêu thụ.

Hiện nay, phần lớn người dân sống trên đảo Jeju, phía Nam Hàn Quốc sử dụng năng lượng gió và mặt trời. Người ta dự tính có đến 45% năng lượng tiêu thụ trên đảo là từ nguồn tái tạo.

Một thử nghiệm toàn diện 177 gia đình trên đảo Gapado này đã được tiến hành và kết quả cho phép chánh quyền thực hiện một dự án lớn hơn nhiều. Đó là biến Jeju với 600,000 dân, đến năm 2030, thành địa phương có mức khí thải CO2 bằng 0. Và sau đó, nhân rộng ra toàn đất nước Hàn Quốc.

Đảo sinh thái Gapado , Hàn Quốc,         

2. Xe hơi chạy bằng năng lượng hóa thạch sắp cáo chung

Năm 2016, quốc gia Na Uy đã bỏ phiếu thông qua việc cấm bán xe hơi chạy bằng năng lượng hóa thạch, kể từ năm 2025 trên lãnh thổ Na Uy. Về mặt sinh thái, phải thừa nhận các nước Bắc Âu đã đi trước thế giới khá xa. Năm 2019, 42.4% xe hơi bán ra ở Na Uy vận hành bằng năng lượng điện. Đây là một kỷ lục nhờ vào sự thành công đặc biệt của mẫu xe hơi Tesla Model 3. Mục tiêu chỉ đưa ra thị trường loại xe hơi thải ra “khí thải carbon 0%” của chánh phủ Na Uy đã có kết quả ban đầu rất tốt đẹp.

Xe điện Tesla Model 3.

3. Nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời khổng lồ

Xem thêm:   Chuyến du lịch ngắn ngày trên xứ Phù Tang

Được biết, tại Dubai, nhà máy mang tên thủ lãnh Hồi giáo Dubai: Mohammed bin Rashid Al Maktoum, bắt đầu hoạt động từ năm 2013, với công suất 13 mégawatt. Giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong năm nay, sẽ lắp đặt thêm 3 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, tạo ra công suất 800 megawatt, vượt xa nhà máy điện mặt trời lớn nhất hiện nay là nhà máy pin điện quang Topaz ở California có công suất 550 mégawatt.

Hiện nay, nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới đang tiếp tục mở rộng. Theo dự toán, đến cuối năm 2030, nhà máy này sẽ tạo ra công suất lên đến 5000 mégawatt và trở thành nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ, với giá điện rẻ nhất thế giới.

Trang trại năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum.

4. Tự đáp ứng nhu cầu năng lượng và thực phẩm

Một trong những thách thức lớn của thế kỷ 21 là xây dựng những thành phố có khả năng tự đáp ứng nhu cầu năng lượng và thực phẩm. Một số thành phố đã đạt được mục tiêu này như thành phố Almère ở ngoại ô Amsterdam, Hòa Lan. Năm 2017, cư dân ở đây đã hoàn toàn tự chủ trong việc tạo ra năng lượng và thực phẩm. Việc xây dựng những thành phố này dựa trên hai giải pháp nông nghiệp: Sử dụng Aquaponic (hệ sinh thái dưới nước trong đó, phân cá được dùng làm phân bón cho cây) và Aéroponie (canh tác sạch).

Từ năm 2015, tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, chỉ cách thủ đô Abu Dhabi vài cây số, thành phố Masdar đã bắt đầu được xây dựng. Dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2030 với mục tiêu sản xuất không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khi vẫn tự chủ thực phẩm và năng lượng dành cho 50,000 cư dân và 1,500 doanh nghiệp.

Thành phố tự đáp ứng nhu cầu.

5. “Trang trại” thẳng đứng

Xem thêm:   Lại chuyện “Người Việt xấu xí”?

Những “trang trại” thẳng đứng là những tòa nhà chọc trời dành riêng cho nông nghiệp nhằm mục đích hạn chế sử dụng đất trồng trọt kết hợp hệ thống cung ứng nhu cầu địa phương, đặc biệt là ở các thành phố.

Những dự án sáng tạo và bền vững này không phải là những dự án duy nhất. Nhiều dự án khác đã được xây dựng hay bắt đầu hoạt động từ 4 năm trước trên khắp hành tinh. Với 5.5  triệu dân sinh sống trong diện tích 700km2, Singapore lâm vào tình trạng thiếu đất trồng trọt nên đã tiến hành xây dựng những các “trang trại” đô thị từ năm 2012. Nhiều “trang trại” thẳng đứng cũng được các quốc gia khác chú ý xây dựng như ở Las Vegas, Nashville (Hoa Kỳ); ở Incheon (Hàn Quốc); Abu Dhabi và Dubai (Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất)

“Trang trại” thẳng đứng ở Singapore.

6. Năng lượng núi lửa

Năng lượng tái tạo không chỉ là gió và mặt trời. Một số quốc gia, như Iceland, đang nghiên cứu khai thác năng lượng thu từ núi lửa.

Từ năm 2010, chánh phủ Guatemala đã quyết định lắp đặt các nhà máy địa nhiệt được khai thác từ sức nóng của magma, tức hỗn hợp nhão sền sệt cực nóng phun trào ra từ núi lửa. Mục tiêu của dự án nhiều tham vọng này là biến nham thạch núi lửa thành năng lượng, đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng. Dự án này dự tính hoàn thành vào năm 2022.

Năng lượng núi lửa.

7. Làm sạch đại dương

Gần đây, nhiều dự án ra đời nhằm khắc phục những thiệt hại con người gây ra. Đó là những ý tưởng làm sạch các đại dương. Đáng chú ý nhất là

dự án xây dựng Tòa nhà chọc trời Lady Landfill: trung tâm tái chế nổi, sâu tới 30 mét, có nhiệm vụ hút chất thải và lưu trữ trước khi tái chế.

Xem thêm:   Cá đuối món nào gia vị đó!

Năm 2016, dự án làm sạch biển Ocean Cleanup đã được triển khai ở biển Bắc trong một năm. Năm 2019, hàng rào nổi đầu tiên ở Thái Bình Dương được thực hiện nhằm thu gom rác thải, làm sạch các đại dương bị ô nhiễm bởi chất nhựa.

Làm sạch đại dương.

8. Nhà Kerterre

Những người dân sinh sống tại tỉnh Finisterre thuộc vùng Bretagne, Pháp quốc, từ 20 năm nay, đã và đang xây dựng ngôi nhà của tương lai. Đó là những ngôi nhà Kerterre được làm bằng các vật liệu như vôi, cát và cây gai dầu vừa rẻ tiền vừa thân thiện với môi trường. Những căn nhà này có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt của vùng Bretagne.

Sự quan tâm ngày càng nhiều của công chúng về căn nhà sinh thái này đã giúp cho những công ty chuyên xây dựng những căn nhà Kerterre ở đây nhiều cơ hội làm việc. Adèle Marsal, nhân viên của một công ty, cho biết: “Chúng tôi lập một Trung tâm đào tạo và nếu không có đại dịch Coronavirus, trong năm nay, chúng tôi có thể tiếp nhận 600 người từ khắp nước Pháp đến học tập”.

Sự công nhận của pháp luật và phong tục địa phương là những yếu tố thuận lợi cho mô hình nhà Kerterre phát triển, không chỉ ở Bretagne mà lan rộng ra khắp nơi. Adèle Marsal tiết lộ: “Đây là một xu hướng đúng đắn và là giải pháp rất kinh tế để xây dựng căn nhà cho người dân. Căn nhà của tôi xây dựng chỉ tốn khoảng 10,000 Euro tiền vật liệu”.

9. Trạm dịch vụ cung cấp năng lượng mặt trời 100%

Năm 2016 tại đảo Corse, Pháp, công ty Driveco đã đưa vào hoạt động các trạm dịch vụ vận hành bằng năng lượng mặt trời, cung cấp 100% điện mặt trời cho các xe điện và xe hybrid (sử dụng 2 loại nhiên liệu xăng và điện). Hai trạm dịch vụ thế hệ mới đã được xây dựng tại Bastia và Ajaccio, khu vực nhộn nhịp nhất của đảo Corse. Một khởi đầu tốt đẹp báo trước một cuộc cách mạng thật sự, vì công ty Driveco tuyên bố đã xây dựng một mạng lưới gồm 70 trạm trên hòn đảo tuyệt đẹp này.

Trạm dịch vụ cung cấp năng lượng mặt trời.

ĐDH

(Nguồn: Internet)