Ðây là một thuật ngữ trong văn học cổ điển, cụm từ này cũng thường thấy trong những vở tuồng cổ, ý nghĩa của nó là tóc dựng chạm mũ. Những điển tích trong văn học hay tuồng cổ thường mô tả những quan tướng có khí phách cao độ, có cảm giác mãnh liệt khi đụng việc hay sự kiện gì đó khiến cho tóc trong mũ phải dựng lên. Văn học cổ thường dùng những hình ảnh và từ ngữ mang tính cách ước lệ, tuy nhiên thuật ngữ “khí phát xung quan” thì lại rất thật, có thật trong đời thường. Khi tâm lý con người bị kích thích mạnh, người có cảm xúc mạnh thì việc tóc lông dựng lên là việc thường tình. Xét về mặt khoa học thì khi tiếp xúc với một vật tĩnh điện thì cũng làm cho tóc lông dựng lên, tuy nhiên đây là hiện tượng vật lý chứ không phải do tâm lý. Những người nhạy cảm, dễ bị kích thích, dễ xung động và có cảm giác mạnh thì rất dễ nổi da gà, sởn gai ốc, dựng lông tóc…
Tôi có lẽ cũng thuộc cái dạng người như thế, trong đời tôi cũng đã 3 lần xúc động mạnh, mạnh đến nỗi nổi da gà, tóc lông dựng lên, cơ toàn thân như căng cứng …
Lần đầu “khí phát xung quan” là lúc chạm tay vào cánh cổng dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Lúc ấy tôi chỉ là một cậu học trò cấp hai, dĩ nhiên là tôi cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên và học hành dưới chế độ Cộng Sản, bị nhồi sọ, tẩy não, học ở trường là thế nhưng khi về nhà thì nghe những chuyện kể của ngoại, ba má, cậu, dì… thì lại thấy khác hoàn toàn. Tôi lại đam mê đọc sách nên trong nhà còn sót những sách cũ của Sài Gòn là tìm đọc ngấu nghiến. Tôi còn nhớ những cuốn giáo khoa thư cũ, đặc biệt là tập san Sử Địa Xuân Đinh Mùi dày cộp như pho tự điển… Từ đó trong tôi là cả một mối rối ren hoài nghi giữa: Ngụy – cách mạng, địch – ta, thắng – thua, chánh – tà, nam – bắc… và dĩ nhiên là sự yêu ghét cũng đã nghiêng về hướng thiện mỹ, tốt đẹp, nhân bản, sự thật… Tôi thấy luyến tiếc cho một thời vàng son của Sài Gòn, mặc dù tôi chưa hề được hưởng. Tôi đau cho một Sài Gòn dĩ vãng. Tôi luôn nuôi ảo vọng về Sài Gòn xưa dù chẳng liên can gì đến bản thân mình, chẳng hưởng ân cũng chẳng có oán. Tôi biết Sài Gòn một thời rực rỡ trăm hoa đua nở của văn học nghệ thuật, sáng tác ra bao nhiêu in bấy nhiêu, sách báo ngập trời, người người say mê đọc, mỗi buổi sáng báo mới được bày bán và rao khắp mọi ngả đường. Sài Gòn một thời là thời hoàng kim của những kẻ mê chữ nghĩa, yêu văn chương, thích nghệ thuật, mê âm nhạc… Những nghệ sĩ tha hồ sáng tác và sống được bằng tiền sáng tác của mình. Tôi nhớ lần ấy cùng với người em họ đèo nhau trên chiếc xe đạp đi từ Chợ Lớn xuống Sài Gòn. Tôi chạm tay vào cánh cổng dinh Độc Lập, tự dưng bao nhiêu gai ốc sởn cả lên, lông tay lông chân dựng hết, cơ co cứng, bao nhiêu cảm xúc trào dâng mãnh liệt, có lẽ điệu bộ tôi lúc ấy kỳ quặc lắm khiến thằng em họ lo lắng hỏi có phải bị trúng gió không. Lúc ấy trong tâm tưởng tôi hiện ra bao nhiêu cảnh tượng những tướng tá ở trong dinh, hình ảnh cuộc sống Sài Gòn xưa kia hiện lên và cảnh tượng thê thảm khi xe tăng húc đổ cổng dinh…
Lần thứ hai “khí phát xung quan” là khi tay tôi chạm cổng Ngọ Môn của kinh thành Huế. Lúc này đã là một sinh viên đại học, lần đầu đến Huế, bàn tay tôi áp chặt lên phiến đá tường thành, cảm giác cả một trời ký ức dĩ vãng trong tạng thức hiện ra như cuốn phim quay chậm. Nào là cảnh vua quan thiết triều, bá quan phủ phục, voi chầu ngựa hí, cảnh hiến phù ở Thế Miếu, cảnh công thành của lớp lớp quân binh, tiếng vọi đồng lanh lảnh trên tường thành. Bàn tay tôi như dính chặt vào tường và có cảm giác như có một luồng điện chạy xuyên qua người, giống hệt kiểu truyền công lực ở trong phim kiếm hiệp. Gai ốc nổi cả người, lông tay lông chân dựng đứng như có vật tĩnh điện rà sát thân thể. Cảm xúc mãnh liệt quá và đã chảy nước mắt. Lần “khí phát xung quan” này chẳng có tâm ý phân biệt chánh – tà, ta – địch, bắc – nam, yêu – ghét… Chỉ đơn thuần thương tiếc và nhớ dĩ vãng lịch sử xa xưa. Tôi đi loanh quanh xem những di tích và cổ vật còn sót lại. Có lẽ cửu đỉnh và cửu vị thần công và tấm biển trong điện Thái Hòa treo phía trên ngai vàng ghi 4 câu thơ (Văn hiến thiên niên quốc/xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường, Ngu) để lại dấu ấn đậm nhất, vì đó là những hiện vật ít ỏi còn sót lại và còn nguyên vẹn. Cả kinh thành đã điêu tàn, cung khuyết sụp đổ hầu hết chỉ còn mỗi ngôi điện Thái Hòa và Thế Miếu, những cổ vật đã bị lấy đi sạch sành sanh.
Lần thứ ba “khí phát xung quan” là lúc tôi được nhà văn Ban Mai dẫn đi thăm di tích thành cổ Đồ Bàn – thành Hoàng Đế. Từ nhỏ đã đọc sách về những cuộc chiến giữa Chiêm – Việt, giữa Tây Sơn – Gia Long, đã nghe kể nhiều về huyền sử Champa, đồ cổ Hời, ma Hời, vàng Hời, chuyện huyễn hoặc Tháp Chàm … Dĩ nhiên là tôi cũng biết nước Champa đã bị sáp nhập hoàn toàn vào nước Việt. Từ lâu tôi đã đọc về khởi nghĩa Tây Sơn, Tây Sơn đánh Trịnh – Lê – Mạc – Nguyễn, đánh Tàu, đánh Xiêm … Gia Long trả thù tận diệt Tây Sơn … Từ lâu đã biết về thành Đồ Bàn – thành Hoàng Đế, dĩ nhiên là chỉ biết qua chữ nghĩa và sách vở chứ chưa hề bước đến những chốn di tích ấy. Không biết ngày xưa kinh đô Đồ Bàn – Hoàng Đế, kiên cố và huy hoàng như thế nào chứ bây giờ chỉ thấy một vùng lau lách đìu hiu. Không biết ngày xưa thành to lớn và vàng son như thế nào chứ giờ chỉ còn những viên gạch đá ong rải rác đó đây. Cả một vùng quạnh quẽ hoang vu đến rợn cả người, cảnh vật đúng như hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan đã từng cảm thán:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đồ Bàn đã bị vua Lê Thánh Tông cho phá thành bình địa. Thành Hoàng Đế ( Đồ Bàn) bị vua Gia Long cho san bằng đến nỗi không có một viên gạch nào còn nguyên vẹn, ấy vậy mà không biết vì cơ duyên gì mà hai con voi đá và hai con sư tử đá còn sót lại sau hai cuộc tàn phá ấy. Rồi thời gian bào mòn, rồi nạn trộm cắp cổ vật, rồi sự phá hoại của những chính sách ngu xuẩn … Hai con voi đá và hai con sư tử đá vẫn còn nguyên vẹn cho đến bây giờ, duy chỉ vết phong hóa của thời gian phủ lên thì không thể nào tránh khỏi và chính nét phong hóa đó càng làm cho lòng người thêm thổn thức. Khu vực tử cấm thành của Đồ Bàn – Hoàng Đế còn có ngôi mộ của hậu quân Võ Tánh, người đã tự thiêu vì bị đô đốc Trần Quang Diệu vây ngặt. Tôi áp tay lên mộ ngài, một dòng điện chạy xuyên qua thân, bao nhiêu gai ốc nổi lên, lông tay và trên thân lại dựng đứng hết, cả người rùng rùng cảm giác như bị trúng phong.
Chao ôi là lịch sử, những cuộc chiến tương tàn khốc liệt và thảm thương thay, những thành – bại và thăng – trầm cứ vần xoay tiếp diễn. Những triều đại và những thể chế chính trị nối tiếp nhau, máu xương đã đổ, đang đổ và sẽ còn tiếp tục đổ. Sử Ta, sử Tàu, sử Tây cũng đều thế cả! Những cuộc chiến liên miên không bao giờ dứt, không đánh lớn thì đánh nhỏ, không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác… thái bình thịnh trị vẫn cứ là ước mơ và hy vọng, hoặc có thì cũng chỉ là những giai đoạn ngắn ngủi và lác đác nơi này nơi kia mà thôi.
Ngày xưa đọc sách cứ ngỡ “khí phát xung quan” là ngôn từ ước lệ, là điển cố văn học, điển tích hát tuồng nào ngờ đó là sự thật, là cảm xúc thật của con người.
TLTP