Xưa rày, chỉ cần nghe “chữ Nho và cái nghiệp nhà Nho” thì đã ghê gớm lắm, tốn cơm, tốn gạo và đổ mồ hôi, sôi nước mắt, xương máu lắm rồi, chứ đâu phải chuyện chơi? Vinh vang phú quý như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… mà long đong, lận đận, đến mạt rệp, cũng không phải là hiếm. Bởi thế, khi tiếng súng Tây nó làm rung rinh cái lâu đài cố cựu ấy ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX thì  Ông Tú “chót” nhà ta, không cầm lòng đặng, phải thốt lên:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi

… Chi bằng, đi học làm Thầy Phán

Tối rượu Sâm Banh, sáng sữa bò…

Ấy vậy mà có thật đấy. Chuyện xảy ra giữa ban ngày ban mặt, giữa Hà Nội 36 phố phường, thủ đô ngàn năm văn vật của ta đấy. Ông đồ Tây lấy vợ Ta, cho chữ Ta và giữa phố ta. Cũng dung dăng dung dẻ, y như cái chủ trương “Pháp Việt đề huề” mà tôi ngộ ra, khi thấy cảnh ông Tây bà đầm dắt tay nhau “nam nữ thụ thụ rất thân”  giữa phố Tràng Thi, Hà Nội, năm 1950.

Yêu nhau, như gió yêu cây

Như mây yêu núi, như Tây yêu đầm

Chuyện này còn mới tinh sương. Tết Quý Mão (2023) vừa rồi. Ông bạn già ở Angers, thành phố trẻ, ở phía Tây nước Pháp gửi cho tôi mẩu tin (kèm ảnh). Khoe chuyện ông đồ Tây – Jean Sebastien Grill 41 tuổi –  có may mắn trở thành một trong 50 ông đồ đã tham gia “cho chữ” tại hội chợ Xuân ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Chuyện khó tin mà có thật này bắt đầu từ 2006 – theo lời kể – vợ chồng tôi đến Việt Nam và lần đầu tiên nảy ra ý thích về cuộc sống và văn hoá ở đây. Nó khác hẳn Paris, Angers hoặc Tokyo và Seoul. Bẵng đi lâu thật lâu, năm 2015, tôi làm quen với thư pháp, xin nói rõ là thư pháp của người Việt Nam, đấy nhé. Không ngờ, cái trò chơi nghệ thuật này có sức lôi cuốn đến thế. Tôi bèn xin theo học hai vị thầy dạy chữ có tiếng ở Hà Nội, theo người ta giới thiệu. Ngoài ra, tôi còn đặc biệt yêu thích nghiên cứu – tìm tòi về những mẹo vặt và lá lẻo chữa bệnh rất kỳ thú của Ðông Y cổ truyền Việt Nam. Hình như, tôi có cảm tưởng, hai ngón nghề này có ít nhiều bổ sung, giúp đỡ cho nhau? Tôi cũng tự chọn một bút danh cho mình là Trường Giang, vì nghĩ GIANG khi phát âm rất gần với JEAN trong tiếng mẹ đẻ của tôi. Và GIANG còn có nghĩa là con sông dài, nói lên khát vọng sống lâu, cũng như chữ THỌ trong cái chùm tam đa “Phúc Lộc Thọ” của người Việt.

Xem thêm:   "Kỹ thuật nhồi sọ"

Xin cùng tôi, bước vào từng “công đoạn”, nhé.

Sáng sớm đầu ngày, tôi đèo nhà tôi (cười) trên xe Honda, lạng lách quanh những ngả đường rồng rắn, chật ních người xe. Cũng tranh thủ đi mua, nào giấy dó, giấy điệp, nào nẹp tre, dây lụa. Rồi ghé vào cái quán bên đường, kêu mỗi đứa một bát bún riêu cua đồng, ăn với rau muống chẻ quăn, ít hoa chuối, thân chuối bào mỏng, tí mắm tôm chanh ớt xuýt xoa. Ðến  giờ, ra mở cửa, gỡ màn, dọn dẹp, treo tranh, cũng không quên thắp một cây hương, gọi là “lấy vía” cho thơm cửa thơm hàng. Ðể chào đón khách, tôi đóng bộ trang phục truyền thống, rất chỉnh tề, đúng kiểu cách của các thầy đồ: áo the, tay rộng, khăn xếp. Chỉ khác một tí, là quần Tây và đi giày Tây. Bộ đồ vía này tôi mua ở một hiệu may nhỏ có tiếng mà không trưng bảng hiệu, đâu ở Ngõ Huyện. Mặc vào, vừa y, rất thoải mái. Từ “đồ b” đến “bộ đồ nghề”, ôi, ngữ pháp Việt Nam, tuyệt thật! Có nghĩa là tôi phải sắp sẵn những thứ lỉnh kỉnh, như bút lông, nghiên mực, giấy dó, lưỡi dao, cái kéo, sợi dây v.v. Thú thật, tôi yêu và mê cái giấy dó này vô cùng, như mê cô vợ Việt của tôi vậy. Nghe đâu, nó làm nên cái danh giá, sự nghiệp cho cả làng làm tranh Ðông Hồ từ xửa xưa. Hèn chi, tranh Ðông Hồ đã đi cả vào dân gian trong câu ca “đến chùa Bút Tháp mua tranh Ðông H”. Ðến nay, tôi nghe kể, chỉ còn vài ba dòng họ theo nghề này. Tuy nhiên, đã là đất lề quê thói thì mấy ai mà quên được:

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân ngắm cảnh cho tan nỗi sầu

Mua tờ tranh đẹp tươi màu

Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.

Giấy dó để viết chữ và cho chữ, như thể nghiệm của tôi, nhờ bề mặt nó thô, xốp, dai, bền, nên không nhoè, không thấm, dễ làm trượt nét hoặc loang mực. Còn giấy lụa, giấy điệp thì mềm, mát tay khi viết các nét thảo, nét mác, nhẹ, bay bướm. Thư pháp là gì, nếu không phải là làm “thăng hoa giá trị của hệ thống văn tự của một dân tộc”? Ở xứ ta, hình như đã có một lịch sử khá lâu dài, mà cũng lắm nhiêu khê về cái “cái trò chơi chữ nghĩa” lắm công phu này: từ chữ đẹp, chữ xấu, chữ nghiêng chữ ngả, chữ gầy chữ mập. Từ có chữ, nói chữ, viết chữ, xin chữ, cho chữ; từ học chữ, nhiều chữ, lắm chữ, giàu chữ, nghèo chữ; từ xin chữ, nhặt chữ, bán chữ, mua chữ. Thậm chí, còn rước chữ và thờ chữ nữa…

Khi khách đến xin chữ, tôi cẩn thận viết trước một bước ra quyển sổ, để xem đã đúng các dấu chưa (đặc biệt là dấu hỏi và ngã/ đây là một phân biệt cực kỳ khó đối với người nước ngoài muốn học tiếng Việt); có viết sai chính tả các tận cùng (chữ c/t và n/ng); có phân biệt được các trường hợp (ch/ tr; d/gi, d/gi và r, s/x…) Ðến khi khách đã gật đầu rồi, tôi mới yên tâm… coi như đi được nửa đường. Ðành rằng, chữ đẹp hay chữ xấu là do ông trời cho, nó tự nhiên, như người làm thơ mà triết lý cổ đại La Mã đã khen đứt lưỡi là “natus poeta/ bẩm sinh đã là thi sĩ”! Ðấy là cái số có “hoa tay”, đã không viết thì thôi, chứ chấp bút là y như phượng múa rồng bay, mãn thiên hoa vũ.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Ðể có một bức thư pháp chuẩn, đẹp thì đòi hỏi phải có sự hài hoà về các mặt:

– bố cục (kích cỡ, khuôn khổ) sao cho xứng hợp.

– nét chữ (kiểu dáng) đậm nhạt.

– thần thái khoan hoà.
Người Việt vẫn bảo, “văn hay và chữ tốt” là cái cặp giá trị của một người kẻ sĩ trong xã hội, như cụ Uy Viễn tiên sinh đã dạy:
tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt
dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên

Chữ đẹp của thư pháp, phải có đủ 3 điều:

-vẻ đẹp về đường nét.

– ý nghĩa của câu chữ.

– thể hiện được thần thái và cảm xúc của người cho chữ.

Tóm lại, văn hay và chữ tốt, xưa nay đã là một trong những đặc tính để lượng giá con người. Và trăm hay không bằng tay quen cũng là một nghệ thuật trong công việc. Thường tình thì sống lâu lên lão làng và phải ra sức văn ôn và võ luyện. Nghề viết chữ, cho chữ – thư pháp (Calligraphy) suy cho cùng, cũng như binh nghiệp, gươm đao. Phải cho có gân, có cốt ở cổ tay, những ngón tay – khi mềm dẻo, lúc cứng cáp, có nắn có buông, có cương, có nhu. Và điều tối ư quan trọng là tịnh tâm, giữ lòng mình thật an nhiên, vô ưu thì mới thổi được hồn vào chữ, và chữ mới có nghĩa sâu xa, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi…

Khi nhà thơ của xứ Kinh Bắc, Hoàng Cầm viết “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” là ý nói về nghệ thuật của làng tranh Ðông Hồ đấy. Và cũng không quên nhắc các thầy đồ cho chữ ngày nay chớ xem thường kinh nghiệm của người xưa.

NĐB