Không chỉ người yêu Hong Kong tại Đài Loan và nhiều nơi trên thế giới không ngủ trong những đêm này, mà rất đông người Việt cũng thức theo dõi tình hình Hong Kong. Trong đó có tôi. Tôi tự hỏi vì sao người Việt lại đau đáu nhìn về Hương Cảng như vậy? Phải chăng đất nước chúng ta và Hong Kong có chung vận mệnh trước kẻ thù hung bạo – Trung Quốc, nên có sự đồng cảm và thương quý dành cho nhau.

Tôi theo dõi Hong Kong qua nhiều kênh thông tin, nhưng chủ yếu là trên Facebook. Ở đây, ngoài việc tiếp cận những thông tin thì tôi còn có thể lắng nghe tiếng nói của dân mình dành cho những người bạn đang trong cuộc đàn áp, bách hại. Tuy nhiên, ngoài số đông ủng hộ ra thì cũng có người phản đối, dè bỉu cuộc cách mạng này, phần lớn họ là dư luận viên, và những người trong hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi nhặt lại những tiếng nói của những Facebookers, vốn có nhiều cung bậc: bình tĩnh, sắc sảo, phẫn nộ, hài hước… và sẽ giữ nguyên văn phong của họ.

Facebooker Nguyễn Hưng Quốc:

Trả giá

Tôi nghĩ những người Hong Kong xuống đường đòi tự do và dân chủ thừa hiểu việc làm của họ chẳng khác gì việc lấy trứng chọi đá. Không ai không biết dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng họ vẫn xuống đường. Vẫn chấp nhận nguy hiểm. Và, cuối cùng, chấp nhận thất bại. Tại sao? Lý do, tôi nghĩ, vì họ hiểu: Nếu không xuống đường, họ sẽ bị một thất bại khác, lớn hơn, và, đáng buồn hơn: Họ không xứng đáng với nền dân chủ mà họ muốn có.

Ðể có tự do, người ta cần phải trả giá.

Lịch sử gọi cái việc trả giá ấy là anh hùng.

Hong Kong như một giấc mơ

Chưa bao giờ tôi thấy người Việt quan tâm đến một biến cố chính trị nào trên thế giới như với cuộc biểu tình tại Hong Kong lúc này. Trên facebook, từ trong nước ra tận hải ngoại, đâu đâu cũng thấy bàn chuyện Hong Kong. Vui có. Buồn có. Nhưng lúc nào cũng đầy ngưỡng mộ.

Tại sao?

Tôi nghĩ một trong những lý do chính là ở đó chúng ta nhìn thấy được một giấc mơ của chính mình, thấy thanh niên Hong Kong đang thực hiện những điều mà chính mình vẫn khắc khoải ao ước.

Thôi, như vậy cũng được. Khi một giấc mơ được ấp ủ, nó sẽ nhập tâm, và một ngày nào đó, nó có thể sẽ biến thành một động cơ để hành động. Biết đâu sẽ tới ngày ấy nhỉ? Khi giới trẻ Việt Nam cũng rộn ràng xuống đường đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam. Cứ tưởng tượng thế. Ðể lên tinh thần.

Ba bài học từ Hong Kong

Liên quan đến các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ tại Hong Kong hiện nay, có ba bài học lớn nhất:

Thứ nhất, chính quyền độc tài bao giờ cũng tìm cách ăn cướp quyền tự do của dân chúng, ngay cả khi họ đã từng công khai hứa hẹn bảo vệ các quyền tự do đó (ở trường hợp của Trung Quốc đối với dân Hong Kong là qua chính sách “một quốc gia hai chế độ” họ từng cam kết khi lấy lại Hong Kong từ tay của Anh vào năm 1997).

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Thứ hai, để bảo vệ tự do của mình, dân chúng cần phải mạnh. Mạnh ở ba khía cạnh: Một, có ý thức sâu sắc về các quyền tự do vốn có của mình; hai, có quyết tâm bảo vệ các quyền tự do ấy; và ba, biết cách tổ chức các cuộc đấu tranh để đạt được hiệu quả mình muốn.

Thứ ba, lực lượng tiên phong các phong trào dân chủ bao giờ cũng thuộc về giới trẻ, chủ yếu là giới sinh viên học sinh với sự hỗ trợ của giới trí thức nói chung. (Ở Hong Kong hiện nay, hai trong số những lãnh tụ nổi bật nhất là Joshua Wong và Agnes Chow đều mới 22-23 tuổi.)

Cả ba bài học ấy đều rất đáng để người Việt chúng ta hiện nay suy ngẫm.

oOo

Phong trào Dù Vàng Hong Kong:

Gửi các bạn Hồng Kông,

Chúng tôi từ Việt Nam, dưới chế độ như ÐCSTQ. Nó không dễ dàng để chúng tôi ủng hộ HK một cách tự do như các bạn Hàn Quốc. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi của chúng tôi vẫn muốn bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với những người Hồng Kông can trường.

(Dear Hongkongers,

We’re from Vietnam, under a regime like CCP. It’s not easy for us to support HK freely like Korean students. However, our young people still would like to express our support to brave Hongkongers via our pics)

oOo

Facebooker Le Phuong: “Khác với Xô Viết Nghệ Tĩnh hay cây đa Tân Trào, người Hồng Kông không làm cách mạng vì thiếu ăn, rách mặc. Họ đấu tranh vì phẩm giá con người, vì tương lai đất nước họ, vì những giá trị cao cả hơn là có một con trâu của riêng mình, phá được kho thóc, đấu tố được ông bà chủ mình… Ðám dè bỉu người Hồng Kông trên mạng là vốn liếng di truyền của tư duy tiện dân, làm cách mạng để kiếm miếng ăn hay thoát ra khỏi địa vị thấp hèn. Nên chúng không hiểu, không tài nào hiểu được các bạn trẻ Hồng Kong đâu. Ðừng phí lời với chúng. Chúng xứng đáng là những con vật ngoan ngoãn nô dịch ách Chinazi, hay phải chăn dắt chúng bằng gậy để không cản trở cuộc kiến quốc mai này. Ký tên: một người sành đời, điềm đạm và kiên định quá xá!”

Các bạn trẻ HK không hề biết học tập gương các liệt sĩ CM VN.

Thay vì chơi bom xăng, phải chế tạo và ném rất mệt, các bạn cứ tẩm xăng vào người rồi chạy vụt vào đồn cảnh sát như anh Lê văn 8 (nếu còn chạy nổi). Bảo đảm dân HK sẽ tôn các bạn làm ông tổ nghề bán xăng lậu. Thay vì thản nhiên để cho nó trói quặt tay dẫn đi, ngẩng cao đầu làm thinh rất kiêu hãnh, các bạn phải học tập chị Võ thị 6 hái cái hoa sứ cài lên tóc, hát véo von bài “mùa hoa lê ki ma nở” (còn vì sao bị trói tay mà còn hái được hoa thì tui méo bik)

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

Thay vì chặn xa lộ, chiếm phi trường rồi rút, cũng theo gương chị 6 nhà toy, các bạn cứ thảy mẹ nó trái lựu đạn vào siêu thị. Hồi đó một mình chị 6 quất được 14 thường dân chết tốt.

Thay vì lịch sự đi vô WC giải quyết trong lúc biểu tình, các bạn gái cứ leo lên cao ốc tè xuống. Hắc cảnh có nhìn lên đắm đuối thì nói cho nó biết đang học tập chị Út tịch.

Các bạn trai thì cứ theo gương cắt trộm dây điện của anh Trỗi, cúp mẹ nó cầu dao điện của sở cảnh sát. Lỡ hắc cảnh nó có xử bắn thì nhớ tè trong quần là đủ bộ.

Túm lại là các bạn còn quá non so với mấy anh chị nhà tui, nên bị uýnh sặc máo là phải. Chúc các bạn may mắn lần sau.

oOo

Facebooker Nguyễn Đình Bổn: “Ðã bắt đầu có những ý kiến cho rằng dân Hong Kong, giới trẻ Hong Kong là những “kẻ làm loạn”, một số là từ những “văn nghệ sĩ”, “người nổi tiếng”… khiến không ít bạn trẻ VN hoang mang. Tôi sẽ có vài ví von, trích dẫn… để các bạn trẻ thân quý của tôi cùng suy ngẫm.

Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh cánh chim trời để nói về người dân Hong Kong. Theo cam kết của Trung cộng với Anh quốc, Hong Kong sẽ có 50 năm được hưởng các quyền tự do dân chủ như một chính thể tam quyền phân lập khi bị trả về Trung Quốc. Các quyền cơ bản đó là Tư pháp độc lập, tự do bầu cử, tự do báo chí…, và chính Tập Cận Bình muốn thu hẹp, hạn chế các quyền này khi ra Dự luật Dẫn độ, dù diễn giải khéo léo ra sao, thì dự luật đó một khi thành luật, người dân Hong Kong có thể bị đưa về Hoa lục để xét xử, nghĩa là tước đi quyền độc lập Tư pháp và cả Hành pháp mà Hong Kong được hưởng đến năm 2047.

Nó giống như những cánh hải âu đang bay lượn, một ngày kia bị bắt nhốt vào cái lồng sắt nhỏ hẹp, dân Hong Kong, tuổi trẻ Hong Kong muốn tung cũi sổ lồng là đương nhiên, dù có gãy cánh bể đầu hay mất mạng!

Còn những ý kiến cho rằng giới trẻ Hong Kong làm loạn từ VN nó y như câu danh ngôn này của Alejandro Jodorowsky (nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn phim của Chi lê): “Những con chim được sinh ra trong lồng thường nghĩ rằng việc bay lượn là bệnh hoạn.” Tôi tin, những người chê lớp trẻ Hong Kong, họ chỉ là những con chim được sinh sản công nghiệp, trong cái lồng độc tài chật hẹp.”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

oOo

Facebooker Ếch Ao:

Không thành “kông” cũng thành nhân

Năm 1930, thủ lĩnh Nguyễn Thái Học trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã nói một câu bất hủ “không thành công cũng thành nhân”

Thế kỷ 21, một cuộc “nổi dậy” đã làm rung động hàng triệu trái tim khắp thế giới, cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của người Hồng Kông. Nhiều người nói cuộc đấu tranh của người Hồng Kông là không thành công, hay nặng hơn là thất bại. Tôi không nghĩ vậy.

Tôi vẫn thường nghĩ bất hạnh không phải là không thực hiện được điều mình muốn mà là không biết mình muốn gì, mình cần gì, mình yêu ai. Người Hồng Kông đã biết mình muốn gì, họ đã làm điều mình muốn, thực hiện lý tưởng của mình. “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích, mà là trên từng chặng đường đi” (Che Guevara). Người Hồng Kông đã sống, đã chết cho lý tưởng của mình. Ðiều đó không phải là thành công sao?

Những ngày này, những tin tức dồn dập về Hồng Kông làm (chúng) tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Không người có lương tri nào lại không quan tâm đến những con người quả cảm tại Hồng Kông. (Chúng) tôi tự hỏi mình có thể làm điều gì cho người Hồng Kông đây?

Chúng tôi chụp tấm ảnh này để muốn nói với người dân Hồng Kông: chúng tôi cảm ơn, nể phục và yêu quý các bạn. Hãy cố lên!

oOo

Ngoài những bài viết ra thì nhiều Facebooker còn thơ để nói lên tình cảm của mình dành cho Hong Kong. Tôi xin trích lại từ Facebook của hai nhà thơ Bùi Chát và Nguyễn Viện về sự kiện này.

Dường như

Cả thế giới này im lặng

Để Hongkong một mình chống lại cái ác

Nhìn Hongkong lặng lẽ

bước vào cái chết

Của lương tri tất thảy chúng ta

Bùi Chát

oOo

Nụ hôn HongKong

Hãy hôn em cho dù chúng ta phải mang mặt nạ

Khoảng cách của tình yêu có thể đo bằng cái chết

Cho dù thế, hãy hôn em

Chúng ta chỉ sống một lần

Nỗi oan khiên của thế giới của văn minh của phẩm giá

Dưới chân chúng ta, mặt đất rung chuyển và con người ngã xuống

Cho dù thế, cứ hôn em

Hongkong không khóc vì nô lệ

Con đường chúng ta vẫn đi ngày mai có thể khác

Ngôi nhà chúng ta vẫn ở ngày mai có thể mất

Nhưng dù thế, hãy hôn em

Và ôm em thật chặt

Quê hương chúng ta đang cháy

Và hơi cay và nước bẩn màu xanh và dùi cui súng đạn

Và những cái chết của bạn bè chúng ta

Sự mất tích của lòng nhân ái

Hãy hôn em trên sự đổ vỡ này

Hãy hôn em đắm say cho dù chúng ta đang tan biến

Hãy hôn em cho dù không có bất cứ sự có mặt nào của con người

Hãy hôn em. Hãy hôn em.

Nguyễn Viện, 20/11/2019