Bảo Huân

Bảo Huân

Hát bài chòi là một trò chơi chỉ có ở vài tỉnh miền Trung Việt Nam. Đầu Xuân, Mồng Một Tết, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, nếu thấy chán các trò bầu cua cá cọp vì kiểu chơi đỏ đen, chán các điểm vui chơi, hội chợ toàn thứ đồ Trung Quốc vây bủa, thì cách tốt nhất là về nhà gắp một dĩa củ kiệu, dưa món, làm một dĩa bánh tét cho ấm bụng và lên đường đến hội bài chòi.

Trò chơi diễn ra có nơi cả ngày lẫn đêm, có nơi chỉ chơi về đêm, bắt đầu từ 5 giờ hoặc 6 giờ chiều cho đến 11 giờ đêm. Và một khi đã đến hội hô hát bài chòi thì tha hồ rung lắc, tha hồ cười và xả stress.

Bố cục bài chòi

Có thể nói rằng nếu như trước đây, các bài xướng của người hô hát bài chòi thâm thúy bao nhiêu thì hiện tại, nó được phá cách và hài hước nhằm gây cười bấy nhiêu, tuy nhiên không hẳn là nó đã đánh mất sự thâm thúy. Người viết xin nói qua bố cục của một hội bài chòi.

“Bài chòi là nghệ thuật dân gian của người Việt nhằm trấn khí (người Việt từ xưa quan niệm không khí đầu xuân là khí sạch, khí màu xanh, tức Thanh Long Khí, đến từ phương Đông. Nhưng Cao Biền, phù thủy phương Bắc, tức Trung Hoa đã lợi dụng lúc phương Nam vui Tết mà mang hắc khí từ phương bắc để yểm phương Nam, tức nước Việt. Người Việt thúc giục trống chầu, trồng cây nêu, treo cờ thần và hô hát bài chòi là cách để xua đuổi tà ma từ phương Bắc những ngày đầu năm)”.

Thường thì bố cục của hội bài chòi gồm chín chòi, gọi là “cửu huyền”, trong đó, tám chòi của khách chơi gọi là “bát quái” và chòi trung tâm cho người hô hát đứng rung thẻ gồm chòi và cột thẻ (cột thẻ là một cây cột lỏng gốc, người ta chôn một ống tre lớn xuống ngang mặt đất, sau đó bỏ cây tre có ống thẻ bên trên vào cái lỗ bằng ống tre đó để tiện rung lắc). Chòi trung tâm còn gọi là chòi Càn Khôn, tức trời đất hội tụ.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Theo như lời của nghệ nhân Đình Túy, người có thâm niên hô hát bài chòi trên hai chục cái Tết và chịu khó nghiên cứu về nguồn gốc bài chòi thì: “Bài chòi được viết trên thẻ bằng chữ Nôm, hầu như không liên quan gì mấy đến văn hóa Trung Hoa, thậm chí còn là một hình thức đối kháng lại như được giải thích sau đây”.

“Mỗi thẻ bài chòi nhỏ dành cho người hô có chứa một con bài, ví dụ như con Nhì Nghèo, Năm Rún, Tứ Tượng, Tam Huê, Bạch Tuyết, Thái Tử, Quân Vương, Ba Bệnh, Ba Gà, Tham Quan… Tổng cộng là sáu mươi tư thẻ, tương đương với sáu mươi tư quẻ trong Bát Quái”.

“Sáu mươi tư thẻ này giống như sáu mươi tư lá bùa để chống lại sáu mươi tư quẻ của Trung Hoa, đặc biệt là chống phù thủy Cao Biền đã trảm long mạch xứ Việt. Chính vì vậy sáu mươi tư thẻ bài mang sáu mươi tư sinh mệnh của sĩ phu và thứ dân của Việt tộc để đương đầu với sáu mươi tư quẻ của Trung Hoa… Và người rung lắc, hô hát bài chòi trên một nghĩa nào đó cũng là nhà chiêm tinh của năm”.

slide-baichoi

“Tôi lấy một ví dụ, trước đây ba mươi năm, vào những năm tám mươi, những thẻ bài chòi của người chơi (mỗi thẻ chứa ba thẻ nhỏ của người rung, khi người chơi nhận cờ ứng với ba thẻ trên tấm thẻ của mình là tới, kết thúc hội bài chòi. Ví dụ như người hô kêu tên con Tam Huê, thẻ của mình có Tam Huê thì đưa tay ra hiệu người chạy cờ mang tới cho mình một lá cờ… Cho đến khi đủ ba lá cờ ứng với ba con trên thẻ của mình thì hô to ‘tới rồi’, cả hội vỗ tay cổ vũ…) thường hay trúng mấy con Nhì Nghèo, Ba Bệnh Và Rún Lồi”.

“Vì những năm đó trong thời bao cấp, đói khổ quá, không đói, không bệnh mới là chuyện lạ. Mà đói đến lồi rún nữa kìa. Những năm sau này, Tết nào tôi hô cũng trúng mấy con Thái Tử, Phong Tình, Chân Dài, Tham Quan, Nhà Vua, Nhì Nghèo”.

Đêm bài chòi (ảnh Hỷ Long)

Đêm bài chòi (ảnh Hỷ Long)

“Mà nhìn lại thấy cũng đúng, có thái tử, thời bây giờ thái tử nhiều vô kể, tham quan cũng nhiều như cỏ cú, chân dài thì miễn bàn, hễ có tham quan thì có chân dài, có thái tử, thậm chí có cả những ông vua địa phương, vua trung ương… Nhưng có cái hay là mấy con đó luôn đi kèm với con Nhì Nghèo. Điều này cho thấy quan càng tham thì dân càng nghèo, càng nhiều con Tham Quan, Nhà Vua trúng thưởng thì càng có nhiều con Nhì Nghèo tương ứng”.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

“Và mỗi thời đại có một kiểu hô hát bài chòi khác nhau, nghĩa là các bài lĩnh xướng của bài chòi biến đổi theo thời gian. Thời đại trong sạch thì người hô hát bài chòi giữ tâm thanh tịnh, hô hát một cách nghiêm cẩn. Thời tao loạn, hư hỏng thì mình cũng phải biến đổi theo dòng thời cuộc…”.

Chờ hô bài chòi (ảnh Hỷ Long)

Chờ hô bài chòi (ảnh Hỷ Long)

Lĩnh xướng bài chòi cải biên

Để ví dụ cho vấn đề vừa nêu, anh Đình Túy hát ngay mấy câu bài chòi thời trước 1975 rồi sau đó hát tiếp mấy câu bài chòi thời bây giờ để chỉ con Nhà Vua. Những câu thời trước 1975: Rằng anh ư hử sách đèn/ Lên kinh ứng thí muộn mằn đời trai/ Thi lần một rồi thi lần hai/ Thi hương thi hội rồi lại lai rai thi đình/ Cũng vì thời cuộc bất minh/ Nên chi anh phá bỏ gông cùm xa xưa/ Anh cũng chẳng trông ơn móc mưa/ Xây dựng nên nền Cộng Hòa đệ nhứt cho vừa lòng dân/ Kể từ ngày anh đứng lập thân/ Cũng là giúp nước an dân bốn mùa… Ấy là con Nhà Vua!.

Anh Đình Túy giải thích thêm rằng con Nhà Vua thời đó ám chỉ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Còn cũng con nhà vua, anh tiếp tục hát bài lĩnh xướng thời bây giờ: Chớ ăn chi mà da trắng mặt trơn/ Ngồi lì cái đít cho lờn cái đinh (ghế)/Xây nhà rồi lại xây dinh/ Xây xong cho mình rồi lại bà con/ Đời dân cứ thế hao mòn/ Ngồi trên ăn sạch dân còn cái xương/ Ngoài thì chay tịnh chao tương/ Mà trong ruột đích thị một phường lưu manh/ Cung phụng mỏ đỏ mắt xanh/ Cho dân đau đớn kiếp lầm than trôi/ Miệng thì không ngớt đãi bôi/ Nhưng ruột chứa đặc sệt giống loài sài lang/ Kể từ dân biết thở than/ Anh ngồi phách đốc nhưng hoang mang quá chừng/ Xử dân toàn chỉ luật rừng/ Bao giờ anh đổ xuống thì dân mừng dân vui… Ấy là con nhà vua!

Một nữ nghệ nhân hô bài chòi. ảnh baobinhdinh

Một nữ nghệ nhân hô bài chòi. ảnh baobinhdinh

Riêng bài lĩnh xướng cho con Nhà Vua thời hiện tại, anh Đình Túy không giải thích mà chỉ nói rằng ấy là câu hát nói về triều đại phong kiến (!?). Anh cho biết thêm là thời bây giờ, người hát bài chòi như anh nếu biết sáng tạo, biết cải biên những bài lĩnh xướng trong lúc hô hát và tìm một điểm nào đó tổ chức bài chòi thì dư tiền để sống. Nhưng nghiệt nỗi muốn tổ chức bài chòi thì phải xin phép và phải nộp trước nội dung bài lĩnh xướng cho ngành văn hóa kiểm duyệt. Chính vì những rắc rối này mà cơ hội của nghệ nhân hô hát bài chòi không có.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/21/2024)

Nếu may mắn lắm thì đến dịp Tết, hát những bài vốn đã thành thói quen trên miệng, khi nào có rượu say và bốc một chút thì làm cương, chơi một bài tự chế, bài cải biên. Đương nhiên chơi xong sẽ có người nhắc nhỡ… Anh lại giải thích với họ rằng thời bây giờ làm gì có vua, anh đang hát để chửi vua chúa thời phong kiến, đây là bài hát gia truyền… Và bất quá thì sáng mai ra ủy ban xã làm kiểm điểm, mặc dù chẳng biết kiểm điểm cái gì! Và nói cho cùng thì đời sống của những nghệ nhân hô hát bài chòi cũng chật vật chẳng kém gì nghệ sĩ hát tuồng, hát bội.

Hô bài chòi (ảnh Hỷ Long)

Hô bài chòi
(ảnh Hỷ Long)

Tạm biệt anh Đình Túy, chúng tôi tiếp tục đi, đâu đó trong gió Xuân, trong cái tĩnh lặng của Tết quê xứ Quảng, tiếng trống chầu hát bội thỉnh thoảng lại vọng ra u ầm. Và chắc cũng trong lúc chúng tôi đang đi lang thang, anh Túy và nhiều nghệ nhân hô hát bài chòi khác đang say sưa rung lắc, như thể gom cả đất trời, nỗi lòng trước nhân tình thế thái trong mấy tấm thẻ, trong mấy bài lĩnh xướng về con Nhà Vua, con Hoàng Hậu, con Thái Tử, Con Nhì Nghèo…