Dịch sang tiếng Việt:

Giáo sư Dương Đức Nhự

Mùa Thu 1976, Hội Sinh Viên Việt Nam tại Southern Illinois State University (SISU) tức Ðại Học Công Nam Illinois có chừng hai chục hội viên. Ða số học ngành kỹ sư hoặc kế toán, và có học bổng từ hồi mới sang Mỹ trước 75. Sau khi Sài Gòn sụp đổ, phải cần cả một năm trời để họ điều chỉnh tình trạng di trú, thay đổi chương trình tài trợ sinh viên, ổn định tinh thần và tiếp tục đời sống. Lúc đầu không ai để ý, nhưng dần dần trong Hội ai cũng biết chuyện Chàng Khùng. Như một đạo sĩ kỳ dị, hắn thiết lập bản doanh tại hành lang tòa nhà Krost Hall, nằm giữa Trung Tâm Sinh Viên và Tòa Nhà Hành Chánh Woody. Hắn ngồi trên một tấm chăn, nhiều khi hắn đứng, khua chân múa tay và lẩm bẩm một mình. Quanh hắn là những truyền đơn và quảng cáo về tự do, dân chủ trong khối Thế Giới Thứ Ba.

Trong nhóm sinh viên Việt Nam, mọi người đồn đại về cuộc đời hắn. Trước kia, hắn từng là một sinh viên tiến sĩ tại phân khoa Khoa Học Chính Trị. Hắn xuất thân từ một gia đình cách mạng. Cha hắn là một anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, ông chết trận tại Ðiện Biên Phủ. Người anh cả nuôi hắn. Ông này là Chánh Sở An Ninh phủ Tổng Thống của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Một hôm, ông đưa người em ra máy bay, và kế đó, người thanh niên này đã có mặt tại SISU, nơi có Trung Tâm Việt Học. Ai cũng biết tham vọng của Chàng Khùng là về nước tranh cử chức vị. Hắn không dè dặt, giấu giếm giấc mơ này. Mục đích của hắn là trở thành Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đó là khi còn chưa mất nước, còn có một nước để làm Tổng Thống. Mùa Thu 1975, anh hắn ở trong trại tù cải tạo, và chàng Tổng Thống-sẽ-thành của một nước cộng hòa ở Ðông Nam Á thấy mình trở thành Phó Giám Ðốc nhà hàng ăn Steak & Ale trên con đường từ phi trường Mirian, Illinois về Ðại Học Công Nam Illinois.

Mùa Thu 1977, hắn từ bỏ luận án tiến sĩ và việc làm ở Steak & Ale. Tòa nhà Krost Hall, nơi có phân khoa Khoa Học Chính Trị, trở thành trú sở thường xuyên của hắn. Hắn quyên tiền đóng góp để tái thiết một nước Việt Nam mới, và loan báo cho quần chúng sinh viên biết rằng cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam chưa chấm dứt.

Lần đầu tiên tôi gặp hắn ở Krost Hall, hắn đưa cho tôi một tờ truyền đơn. Tờ truyền đơn đặt câu hỏi: “Cuộc chiến ở Việt Nam thuộc về Mỹ hay thuộc về giai cấp trung lưu của Nam Việt Nam?”

Tôi hỏi: “Ai là giai cấp trung lưu của Nam Việt Nam?”

Hắn nhìn tôi, rõ ràng là hắn khám phá ra những đặc điểm di truyền trên mặt tôi. Hắn trả lời giản dị, có lẽ quá giản dị: “Cô và tôi.”

Sinh viên tò mò đứng thành một vòng tròn quanh hắn. Cứ như thế kéo dài mấy tháng đầu. Rồi người ta bỏ mặc hắn. Chẳng bao lâu, đa số sinh viên ném truyền đơn của hắn vào thùng rác ngay trước mặt hắn. Cứ như thế được một năm. Và hắn trở thành một cảnh thông thường trước lối vào Krost Hall.

Cứ mỗi lần đi cạnh Krost Hall là tôi thấy hắn. Chúng tôi nhìn nhau. Một hôm, tôi vứt tờ giấy bạc một đôla vào cái hộp của hắn, hắn chăm chú nhìn tôi. Với chiều cao 5’11, hắn cao hơn hầu hết những người Việt Nam khác cùng thế hệ. Hắn cũng đen hơn và vạm vỡ hơn. Cặp mắt sáng, làn da nâu ánh, hai bàn tay to, xương xẩu, rắn chắc, với những ngón tay dài, vuông đầu. Tóc hắn cắt rất ngắn. Cằm vuông, đầy đặn, đôi môi mím chặt, cái mũi nhọn khiến tôi nhớ đến chàng tài tử Mỹ đen Sidney Poitier. Một năm trước khi Sài Gòn mất, tôi đã coi một phim tại Hội Việt Mỹ về một ông khách da đen tới dùng cơm. Từ đó, tôi không quên bộ mặt của người tài tử da đen này.

Chàng Khùng là thể hiện Việt Nam của Sidney Poitier. Thắm thiết, mạnh mẽ, và công chính. Hắn có thể trở thành một nhà cách mạng. Một nhà lãnh tụ.

“Tôi phải gọi cô là gì?” Hắn hỏi.

“Tôi chỉ là My. My.”

“Bây giờ, hãy nói chuyện phát-âm-học.Trong tiếng Việt và tiếng quan thoại, ‘Mỹ’ nghĩa là đẹp. ‘Mỹ’ cũng có nghĩa là nước Mỹ. Nước Mỹ đẹp. Với một thanh điệu khác, Mỹ khiến tôi nhớ đến Mỵ nương, tên của nàng công chúa con vua Hùng.”

Tôi gật đầu. Tôi biết “My” nghĩa là gì.

“Hay cô có thể là Michelle. Michelle ma belle. Ce sont les mots qui vont très bien ensemble. Très bien ensemble.” Hắn nói tiếp.

Thì ra Chàng Khùng là một người mê nhạc Beatles. Giống như những người khác.

Tôi bỏ hắn quay đi, vừa đi vừa cảm thấy khổ sở. Không còn nước Việt Nam Cộng Hòa nữa. Nó đã bị thay bằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Ở đó, không có người Việt Nam nào bỏ phiếu cho Chàng Khùng, cho dù có một cuộc tổng tuyển cử xảy ra, nhất là chàng chỉ đứng phát truyền đơn ở Nam Illinois.

Bảo Huân

o O o

Những tờ giấy bạc một đôla của tôi tiếp tục rơi vào trong cái hộp của Chàng Khùng. Một hôm, hắn tuyên bố:

Xem thêm:   Quả ngọt

“Cô có muốn thành một Ðệ Nhất Phu Nhân không?”

“Anh nói cái gì?” Tôi giật mình hỏi. Hắn đã nói ra giấc mơ của tôi. Sinh ra trong một xã hội Khổng Mạnh, tôi không có hy vọng gì trở thành một nữ Tổng Thống. Cho nên tôi đành chịu làm Ðệ Nhất Phu Nhân vậy. Tôi không bao giờ nói điều này ra với bất cứ một ai. Giấc mơ ấy, dù quái dị, đã chết đi khi Sài Gòn sụp đổ.

“Tôi muốn lấy cô làm vợ!” Hắn nói.

“Anh thật là khùng.”

“Ðó chính là điều người ta nói về tất cả những vĩ nhân không chịu làm người tầm thường. Tôi nói thực đấy, tôi muốn cưới cô.”

“Tại sao?

“Cô thực sự là một Ðệ Nhất Phu Nhân. Một thứ Ðệ Nhất Phu Nhân. Như tôi vậy.”

“Tôi thành hôn bây giờ thì còn quá trẻ.”

“Người ta không bao giờ quá trẻ để biết yêu và để được yêu.”

Nói đến tình yêu làm tôi càng thêm buồn, biết rằng cha mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một thanh niên không có việc làm, một gã vô nghệ. Tôi nhức nhối bước đi, ý thức rằng hắn đang nhìn theo.

Từ bữa đó trở đi, mỗi lần tôi đi qua Krost Hall, hắn lại nháy mắt với tôi: “À, chào Ðệ Nhất Phu Nhân của tôi!”

o O o

Thời tiết trở lạnh hơn, khóa học tiếp tục, và mùa Thu đang tới gần. Lá đang đổi màu.

Chàng Khùng không đứng nữa. Hắn ngồi xuống nền đá, quấn mình trong tấm chăn bẩn. Một bữa kia, hắn lại bảo tôi:

“Tôi muốn cưới cô làm vợ. Cô là người đàn bà đẹp của tôi.”

“Tại sao anh lại làm như vậy?” Tôi sắp sửa khóc.

“Làm cái gì hả cô?”

Tôi trỏ vào những tờ truyền đơn. “Chúng chẳng có ý nghĩa gì.”

“Cô đừng bao giờ nói với tôi như thế.”

“Xin lỗi. Tôi chưa đầy hai mươi tuổi. Tôi không biết gì nhiều.”

Tôi nhìn gần hơn vào mặt hắn. Rõ ràng đó là biểu hiện Việt Nam của nét mặt Sidney Poitier. Cặp mắt nảy lửa, mép môi mím chặt tỏ ra là một người thẳng thắn, bướng bỉnh, chịu chấp nhận số phận, và nguồn cội, với niềm kiêu hãnh tuyệt đối.

“Tại sao tôi lại phải lấy anh?” Tôi thay đổi câu chuyện.

“Vì tôi biết cô có một cái bụng đẹp và một cái rốn gợi cảm.”

Tôi đỏ mặt. Dĩ nhiên, là một thiếu nữ đoan chính, khiêm cung, tôi như bị điện giật, và cảm thấy bị xúc phạm. Từ khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã trở nên dè dặt và lặng lẽ hơn. Nam giới lấn tới luôn là một đe dọa đối với tôi.

“Da cô mịn láng, với một hàng lông tơ nhỏ chạy từ rốn tới bụng dưới…” Cặp mắt hắn nhắm lại. Hắn đang mơ màng trong thế giới riêng của hắn, và sẽ chẳng để ý nhiều tới phản ứng của tôi.

“Anh thật khùng.” Tôi thở dài.

“Cuộc đời còn có gì đáng sống hơn là theo đuổi một chính nghĩa và rúc đầu vào bụng người đàn bà mình yêu mà hôn cái rốn của nàng!”

“Anh không yêu tôi. Anh chỉ vì anh thôi.” Tôi bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu lớn.

“Anh thô lỗ và vô trách nhiệm.Và anh đang đùa giỡn với tôi.”

Tôi thấy giận hắn, và thấy bị đe dọa bởi những nhận xét “sensual” của hắn. Nhưng một cảm giác mơn man cứ kéo dài trên vùng bụng dưới của tôi mỗi lần tôi nhớ tới những gì hắn nói. Cảm giác ấy làm tôi bận tâm. Tôi quyết định không bao giờ cho hắn tiền ăn trưa của tôi nữa.

o O o

Mùa Thu tới trong vẻ đẹp bi thương, với lá vàng bay trong không khí lạnh. Khi đi bộ trong khuôn viên đại học, tôi quấn mái tóc dài quanh cổ. Bạn cùng lớp gọi tôi là “cô gái đông phương gầy ốm tóc quấn quanh cổ.”

Ðã nhiều tuần tôi không đi qua Krost Hall. Vì tôi bận học. Rồi một bữa kia tôi phải đi qua khu rừng giữa Krost Hall và thư viện Morris để tới Tòa Nhà Truyền Thông và Nghệ Thuật. Ðể tập kịch. Ở phía bên kia khu rừng.

Trên những bậc thềm của Krost Hall, không thấy Chàng Khùng nữa. Hắn đã đi rồi.

Không còn tấm chăn. Không còn những cuộc nói chuyện ngu xuẩn. Không còn truyền đơn hay quảng cáo. Không ai nhớ hắn cả. Cũng không ai để ý là hắn đã đi rồi. Ðã có lần tôi nghĩ là người ta sẽ đặt hắn vĩnh viễn trên vỉa hè Krost Hall, như thế hắn sẽ thành một cơ chế. Như là cơ chế Krost Hall.

Tôi đứng ngay chỗ hắn vẫn đứng. Tôi ngơ ngác và bất ngờ cảm thấy mất mát. Tôi đi qua tấm cửa kính đúp. Vào Krost Hall. Ở bên trong, tôi lượm một tờ báo của trường đại học. Ngay trang đầu có một bài về Chàng Khùng. Hắn đã bị những nghi can vô danh đả thương. Cảnh sát đang điều tra.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Phụng đàn cùng ta reo khúc “Ô mê ly”

Bài báo nói rằng hắn ta rất khỏe, và đã chiến đấu can đảm như một chiến sĩ, tuy nhiên thái độ anh hùng đó đã dẫn hắn tới bệnh viện, khu săn sóc khẩn cấp.

Bài báo nêu lên mọi giả thuyết. Ðạo tặc ư? Không chắc, vì hắn không có gì trên người, và hộp tiền của hắn, đầy tiền cắc và những tờ giấy bạc một đôla, vẫn nguyên vẹn. Thù hằn ư? Nỗi cay đắng của những cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam? Hay là những cha mẹ Mỹ mất con ở Việt-Nam đã trả thù những người tị nạn mới tới? Hay là đoàn viên hội “da-trắng-là-nhất” vẫn hiện diện không định danh được ở miền nông thôn Nam Illinois? Hay chỉ là hận thù cá nhân?

Dù sao chăng nữa, biến cố này đã xảy ra trong một đại học thanh bình, tự do, bên ngoài một tòa trú sở của những phân khoa Lịch Sử, Khoa Học Chính Trị, Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Một biến cố như thế chưa bao giờ xảy ra tại Nam Illinois và SISU thường vẫn ngủ yên. Những kẻ tấn công có ý định giết chết hắn.

Bài báo tiếp tục nói về luận án dở dang của hắn. Hắn đã viết về cuộc chiến đấu chống thực dân và cộng sản tại Việt Nam và hắn xây dựng một mô hình tái thiết vùng thôn quê. Khai thác dầu hỏa dọc theo bờ biển. Xuất cảng gạo. Tiến đến hoàn toàn chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, Nga, Tàu.

Hắn nói về việc xây dựng một giai cấp trung lưu mạnh, về tự do ngôn luận phải in sâu vào tâm trí người dân để trở nên một thói quen, một thái độ, một nếp sống. Ðó là mô hình Mỹ áp dụng vào Ðông Nam Á đang phát triển.

Luận án này là công trình của một con người lý tưởng, bài báo kết luận.

o O o

Tôi rời khỏi Krost Hall và tiến về phía Tòa Nhà Truyền Thông. Tôi phải đi qua rừng để dự buổi tập kịch.

Mùa Thu hiện ra trước mặt tôi. Một tấm nệm lá vàng, đỏ, và xanh vàng. Như một bức tranh tù túng, trong gió heo may buổi sớm, khu rừng đông lại ở phía trước.

Những hàng cây đứng im lặng, và vô vàn lá đang chờ đợi trong sự im lặng tuyệt đối đó trong khi tôi giẫm bước lên chúng. Những tiếng động rất nhỏ vang ra khi làn gió thổi vào lá. Những tiếng động này trở thành ròn rã, vỡ gãy khi tôi giẫm giày lên trên đất ẩm.

“Lá đang khóc,” tôi thầm nghĩ, vừa nghĩ vừa nín thở.

Giữa những lá vỡ, tôi bắt đầu trông thấy cặp mắt đen, nảy lửa của chàng sinh viên cao học vỡ mộng đã quyết định bỏ dở những năm dài theo đuổi sự học và đã gọi tôi là “Ðệ Nhất Phu Nhân” của chàng.

Tôi muốn đứng giữa rừng, chôn chân vào xác lá vỡ. Lạc hướng và bối rối. Ðầu óc tôi tràn ngập những tư tưởng. Tôi đã tìm được tự do từ một cuộc chiến tranh, thoát khỏi một chế độ. Tôi chỉ tìm được một nhà tù mới trong sức nặng của văn hóa, bóng dáng cuộc đời tôi đã bỏ lại phía sau tiếp tục ám ảnh tôi về ban đêm. Tôi mơ đang trở về nhà để khăn gói sửa soạn cho một cuộc ra đi đúng nghĩa. Có những cơ hội chào từ biệt những người tôi yêu, họ chúc tôi may mắn và hành trình tốt đẹp, thay vì một cuộc chạy trốn trong những chiếc máy bay chở hàng hay trong những ghe thuyền đánh cá.

Tôi mong muốn được tới những vùng đất rất xa, được tặng quà chào mừng, không có những người đứng sau những biểu ngữ “Duy có Tổng Thống Ford là muốn họ mà thôi.”

Tôi đã làm một cuộc hành trình qua đại dương và được gặp những chiếc lá đang đổi màu báo hiệu sự thay đổi mùa và bản chất vô thường của chính đời sống. Một ngày kia, khi đời sống và cái chết hòa làm một, chính tôi sẽ trở về với đất, hòa nhập với những chiếc lá trong vô tận ở dưới mặt đất, và lúc đó tôi sẽ đổi thành không khí mùa Thu. Duy lúc đó tôi mới đạt tới bờ bến tuyệt đối an toàn. Tuyệt đối tự do. Và vô tận. Một người tị nạn đến được nơi nương náu cuối cùng để có bình an.

Cho tới giờ phút cuối cùng ấy, thì tôi phải vượt khu rừng để đến với sân khấu.

Các sinh viên kịch nghệ đang tập kịch và dự tuyển cho vở Người Lái Buôn Thành Venice. Tôi là một sinh viên tị nạn mới từ Việt Nam tới và phải đóng vai của mình.

Tôi phải đọc phần của một nữ luật sư nhờ tài hùng biện mà đã cứu được người nàng yêu. Một người bạn cùng lớp cứ hỏi: “Bạn có chắc đóng kịch Shakespeare được không?”

Tôi vẫn lắng nghe tiếng khóc của những chiếc lá đang chết. Có lúc chúng thổn thức.

Chẳng khác gì sự rung động của trái tim tôi.

Xem thêm:   Móng sư tử

Một cơn gió mạnh thổi qua, và tất cả muôn vàn lá chợt thức dậy lần cuối cùng. Trước khi chết. Tiếng khóc của chúng cùng vang lên dồn dập mỗi lúc một nhanh hơn choáng đầy không khí.

Tôi níu chặt lấy vai, rung động vì tiếng nhạc của thiên nhiên. Nhạc cầu siêu cho những chiếc lá đang chết.

Ðứng giữa rừng, tôi bắt đầu khóc. Vô cớ. Không có một lý do nào hết.

Những xúc cảm bùng nổ. Không cần thiết. Không can cớ. Niềm thất vọng của tôi càng lớn khi tôi không hiểu nổi những giọt nước mắt của chính tôi.

Tôi đến sân khấu Phân Khoa Kịch Nghệ Ðại Học Công Nam Illinois như thế đó. Ðể đọc những lời của một vai trò khác hẳn với tôi, trong một ngôn ngữ mà một năm trước đó ở quê nhà được coi là một phần của chương trình ngoại ngữ. Tôi phải đóng vai đó trước một cử tọa còn nghi ngờ khả năng của tôi.

o O o

Tôi không bao giờ gặp lại Chàng Khùng nữa. Tờ báo đại học cho biết là sau khi ra khỏi khu săn sóc đặc biệt của bệnh viện là hắn biến mất. Rõ ràng hắn đã xuất viện trước khi những vết thương hoàn toàn bình phục. Hoặc giả có người bắt cóc hắn.

Ðối với những sinh viên Việt Nam tại SISU, hắn trở thành một huyền thoại.

Tôi không bao giờ biết hắn thực sự là ai. Tôi là người Việt Nam và tin tưởng vào sự may mắn của con số chín. Tất cả những việc quan trọng trong đời sống có thể được tóm tắt trong chín chữ.

Từ nhiều ngày, nhiều năm nay, để tưởng nhớ một người mà tôi đã tin tưởng, tôi vẫn ước ao đã trao được cho chàng chín chữ của tôi. Một ngày kia, tôi đã viết chín chữ đó xuống trong nhật ký của tôi:

Thân gửi Ông Tổng Thống nước Việt Nam Cộng Hòa mới,

I think I have fallen in love with you.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Em nghĩ rằng hình như em trót yêu anh

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Je  pense que je vous ai tout juste aimé

o O o

. . . .

Và Sau Đó, với thời gian qua:

Chính tôi cũng đã già đi. Hôm nay tôi thức dậy, nhìn vào trong gương và thấy một người đàn bà trong đó. Ðã qua rồi thời sinh viên năm thứ nhất tại SISU.

Từ ngày gặp Chàng Khùng lần cuối cùng, tôi không bao giờ được gặp một người nào mà tôi muốn trao tặng chín chữ của tôi. Một người nào có những giấc mơ to lớn hơn đời sống và có can đảm theo đuổi những giấc mơ ấy, không bao giờ e thẹn, ngại ngùng nói những ước mơ ấy ra trong một thế giới không tình cảm.

Tôi cất giữ chín chữ ấy trong một cái bình ảo thuật và đậy nắp lại, cùng với thời thơ ấu mới lớn ở Việt Nam. Ðồng thời, tôi tiếp tục chờ đợi, hy vọng sẽ gặp một người nào gọi tôi là Ðệ Nhất Phu Nhân. Tôi không bao giờ gặp cả. Tôi học xong đại học. Rồi vào trường Luật. Trở thành luật sư. Làm việc liên tục trong một số những hãng luật. Thời gian chầm chậm trôi qua. Một hôm, nhìn vào gương tôi nhận ra là tuổi hai mươi đã qua rồi. Rồi tôi về Houston, Texas, và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại miền khí hậu lạnh để có thể thấy bốn mùa thay đổi và những lá vàng rơi.

Tôi nhìn vào cặp mắt người đàn bà ở trong gương trước mặt tôi và nói với nàng:

“Ừ, tôi biết cô. Tôi biết tất cả về cô, và tôi vẫn thích cô.”

Tôi muốn vô cùng là tôi có thể nói như thế với một người khác, với tất cả sự trìu mến ràng buộc những trái tim nhạy cảm. Những ràng buộc giữa những nghệ sĩ, những người mơ mộng, những bạn bè tốt nhất họ hiện hữu vượt ra ngoài cõi đời này. Sự thông cảm giữa những người trưởng thành, sâu sắc, mang niềm hoài cảm nhớ tiếc những giấc mơ đã chết.

Tôi muốn tôi có thể ôm hình bóng của chính tôi, vì tôi nhìn thấy trong mắt người đàn bà đứng trước mặt tôi hình dáng cái bình ảo thuật với chín chữ trĩu nặng những giấc mơ của nàng.

Tôi muốn vô cùng là tôi có thể làm cho điều đó xảy ra với nàng. Công cuộc đi tìm tình yêu và lý tưởng. Trong một thế giới bị xâm chiếm bởi những tiêu chuẩn vật chất,và chủ nghĩa tiêu thụ, điển hình là sự đòi hỏi vô nhân của sự thi hành luật pháp, thì người đàn bà-mà-tôi-đã-trở-thành sẽ tiếp tục kiếm cách trao đi, một cách giản dị và trọn vẹn, chuỗi chín chữ bằng tiếng Anh đơn giản. Hay bằng bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, bao gồm cả tiếng mẹ của nàng.

Chín chữ của tôi.

DNN