Cứ mỗi 4 năm và vào đầu mùa hè, giải vô địch túc cầu Âu Châu được diễn ra ở một quốc gia đã được UEFA (hội túc cầu Âu Châu) tổ chức rút thăm trước đó. Lần này, xứ sở Cộng Hòa Liên Bang Đức được “đăng cai” và “đứng mũi chịu sào” trong vai trò chủ nhà nên các sân vận động ở những thành phố danh tiếng cũng được tu bổ để chuẩn bị cho mùa thi thố.
Quán xá, nhà hàng, khách sạn nơi nào cũng được tân trang ít nhiều vì không chỉ dành cho dân đam mê túc cầu trong nước mà còn hân hoan tiếp đón khách khứa, khán giả ở khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây tham dự những trận banh hứa hẹn hấp dẫn và lôi cuốn. Có nhiều vị chủ quán tánh tình “chịu chơi” còn trang bị thêm vài cái ti-vi khổng lồ trong cũng như phía ngoài quán hòng đáp lại tấm thịnh tình của thực khách ghé qua. Đâu đó trên phố xá, người ta cũng đặt để những màn hình đại vĩ tuyến với dàn âm thanh tân kỳ bên cạnh những quầy hàng lộ thiên buôn bán thức ăn quốc hồn, quốc túy cùng với đủ thứ nước giải khát và bia, rượu mời gọi thèm thuồng. 51 trận đấu sẽ được diễn ra lần lượt ở những thành phố lớn trên nước Đức. 24 đội banh được tuyển lựa ở các nước Âu Châu được xếp lịch thi đấu vòng loại theo 6 bảng từ A đến F. Tiếp theo là “round of 16” (1/8), vòng tranh tài các giải tứ kết, bán kết và sau cùng là trận chung kết đoạt giải vô địch túc cầu Âu Châu với phần thưởng danh giá là chiếc cúp danh dự mạ bạc, mạ vàng, kim sa lóng lánh.
Từ những thành phố lớn nhỏ, dân ghiền túc cầu di chuyển theo từng toán, hân hoan đùa vui, nói cười kèm theo những tiếng trống, tiếng kèn cổ động rộn ràng như sắp sửa tham dự một ngày hội lớn. Khách du lịch khắp các nước gần xa cũng đổ về đây và được nhận diện khá rõ nét qua màu cờ, sắc áo cùng với những ngôn ngữ lạ xa. Họ đi xem túc cầu cũng như thực hiện song song một chuyến du lịch ở nơi này khi tiết trời đã ấm áp trở lại sau một mùa đông dài say ngủ. Phố xá rộn vui và bừng sống lại giữa khi những chùm lá xanh biêng biếc trên cành cao đang đùa vui với những tia nắng đầu ngày rạng rỡ. Vui mắt nhất là trang phục của nam giới người Tô-Cách-Lan (Scotland). Họ khoác lên người những chiếc váy ngắn màu xanh thẫm được nổi bật trên cánh áo Poloshirt in huy hiệu của đội nhà.
Người ta say mê thưởng thức 3 trận banh mỗi ngày ở đợt thi vòng loại. Ngoài số lượng vé mời đáng kể, các hạng vé vào cửa được ưu tiên cho những khán giả trung thành cũng như các câu lạc bộ yêu thích túc cầu trong và ngoài nước. Vì nhu cầu xem túc cầu quá lớn, vé vào cửa lại khan hiếm nên đám đầu nậu vé chợ đen có dịp ăn nên, làm ra. Một chỗ ngồi khiêm tốn ở hạng trung bình cũng bị đẩy lên gấp 5, 7 lần giá vé được quy định. Vé vào cửa của các trận tranh tài các giải “tứ kết”, “bán kết” và “chung kết” thì hiếm hoi hơn bao giờ hết và bị tụi con buôn “chợ đen, chợ đỏ” đẩy lên mức cao ngất ngưởng. Không thể tham dự trực tiếp các trận đấu ở cầu trường thì dân nghiện túc cầu tìm tới những cầu trường “dã chiến” với màn ảnh rộng thường đặt ở các công viên. Muốn có được một chỗ ngồi ở nơi đó hay ở các quán xá, thiên hạ phải tới trước vài tiếng đồng hồ may ra mới tìm được một vị trí như ý. Mấy anh “shipper” chuyển giao thức ăn nhân dịp này cũng có thêm công ăn, việc làm và bận rộn luân lưu trên khắp nẻo nhỏ, đường thuôn.
Ở trận tranh tài giải tứ kết giữa hai đội tuyển quốc gia Tây-Ban-Nha và Đức, trọng tài Anthony Taylor đến từ xứ sở sương mù và các cộng sự đã gây ra phẫn nộ trong dư luận vì không cho Đức hưởng trái phạt đền sau khi bóng trúng tay tuyển thủ Marc Cucurella sau cú sút của Musiala.
Anthony Taylor đã lặng lẽ rời cầu trường sau khi trận đấu kết thúc và trước cũng như sau không nói thêm lời nào về quyết định vừa qua.
Dân ghiền túc cầu ở Đức đã kêu gọi và thu thập được hơn 300,000 chữ ký để yêu cầu UEFA tổ chức đá lại trận so tài “tứ kết” giữa Tây-Ban-Nha và Đức. Họ cáo buộc trọng tài Anthony Taylor đã đưa ra quyết định sai lầm trong trận thua với tỉ số 1-2 của đội tuyển Đức ở hiệp phụ. Người khởi xướng là Erik V. trên mạng trực tuyến “online”:
– Đối với chúng tôi, giải vô địch Âu Châu đã kết thúc. Cám ơn ông Taylor! Người dân Đức đang vô cùng thất vọng sau trận tứ kết đầy cay đắng trên sân nhà Euro 2024!
Hai vị huấn luyện viên Nagelsmann và Wagner của đội tuyển Đức vô cùng phẫn nộ trước sự bất công trong bộ môn túc cầu nói riêng cũng như trong các sinh hoạt thể thao nói chung. Các cầu thủ tham gia cũng cảm thấy bị tổn thương vì đã hết mình trong cuộc chơi nhưng bị đối xử bất minh. Nhưng “the show must go on”, có ai tắm được hai lần trên một khúc sông và những kiến nghị đó đây như muối bỏ biển khi ván đã đóng thuyền hay khi gạo đã nấu thành cơm. Khi trả lời với báo giới, cựu tuyển thủ người Đức Andreas Moeller cũng đưa ra ý kiến về “scandal Schiri”: “Bóng tối sẽ bao trùm mãi mãi ở cuộc đấu tay đôi này”. Báo chí cũng đưa tin, đây cũng là trận cầm còi cuối cùng của ông Taylor ở giải túc cầu Âu Châu 2024 này. Hơn nữa, đội tuyển hoàng gia Anh quốc cũng được vào tứ kết, bán kết rồi chung kết nên vị vua sân cỏ này không còn được trao cơ hội tiếp tục điều khiển những trận tranh giải quyết liệt trong mùa thi đấu ở Âu Châu vào những giây phút cuối. Hai trận bán kết đã được UEFA quyết định với hai trọng tài là Slavko Vincic (Slovenia) và Felix Zwayer (Đức).
Trận chung kết giữa hai đội tuyển Tây-Ban-Nha và hoàng gia Anh quốc diễn ra ở sân vận động Olympia thủ đô Bá-Linh (Olympiastadion Berlin) cũng khép lại mùa “Euro Cup 2024” sau một tháng so tài giữa các đội tuyển quốc gia đến từ các nước Âu Châu. Cầu trường Olympia trong đêm chung kết rạng rỡ và lộng lẫy hơn bao giờ hết. Đội Tây-Ban-Nha hạ đội Anh với tỉ số 2-1 và giành được chiếc cúp danh dự của mùa Euro 2024 này. Kẻ thắng, người thua, người cười, kẻ khóc rồi cũng lên đường trở về nguyên quán và hẹn nhau ở mùa sau, giải túc cầu Âu Châu ở Anh quốc và Ái-Nhĩ-Lan (Irland) năm 2028 hay sớm nhất là giải túc cầu thế giới 2026 sẽ được tổ chức ở các nước Bắc Mỹ gồm Hoa-Kỳ, Gia-Nã-Đại và Mễ-Tây-Cơ. Những ngày vui rồi cũng qua mau, phố xá với hàng quán rộn ràng cũng trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường. Dân chúng ở Đức cũng như các nước Âu Châu láng giềng trở về cuộc sống hằng ngày sau những ngày thưởng thức túc cầu sôi nổi và được dịp tạm gác lại những nỗi lo lắng, muộn phiền khi vật giá leo thang không ngừng vì ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine đã hơn 2 năm nay.
Thêm vào đó, súng vẫn nổ, đạn vẫn còn bay và người dân bồng bế, dắt dìu nhau chạy loạn trên dãy đất Gaza khói lửa ngập tràn. Thời gian khiến cho vật đổi sao dời, biển cả hóa nương dâu. Thời gian bao giờ cũng là liều thuốc tiên và hàn gắn mọi vết thương tinh thần cũng như thể xác như mọi người vẫn nghĩ, vẫn nói. Người ta tin tưởng và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng khi thanh bình về lại với mọi miền xua tan đi những vầng mây u ám cũ.
TV (15.07.2024)