…Một năm người có mười hai tháng

Ta trọn năm dài một tháng Tư

(Thanh Nam, Đất Khách, 1983)

Vợ chồng Như Hà 

Câu chuyện bắt đầu từ nhiều cú điện thoại, trước thềm 30 tháng 4 năm 2021, năm thứ hai của đại dịch Covid 19.

Cú điện thoại thứ 1

Ờ, tình hình dịch Covid 19 ở Châu Âu thế nào rồi hả mi? Nghe nói bùng phát đợt dịch lần thứ 3 hả? Tháng Tư, sao đen tối quá vậy! Tháng Tư mi có viết được cái chi không, truyện ngắn, tuỳ bút, tạp văn?”.

Tôi trả lời: “Viết cái chi đây, viết về tình yêu, cuộc sống, dịch Covid 19, công ăn việc làm hay viết về quá khứ, chạy loạn mất nước năm 75 hay viết về chính trị thời cuộc lúc đó? Sự thật mà nói năm 1975, tụi mình còn nhỏ lắm chưa hiểu biết gì về tình hình chính trị”.

Ðứa bạn thứ nhất nói trong điện thoại: “Ờ, viết đi mi, viết lại đi mi, viết về một thời mà buổi sáng tới trường, buổi chiều bắt phải đi hô khẩu hiệu, lớn lớn chút là đi lao động, lao động đào kênh, đào mương, trồng khoai trồng sắn. Viết đi, lấy tựa chi cũng được, tau nói mi nghe nè, nếu mà không có dịch Covid 19 ni, tau về Việt Nam rồi. Thường thường thì ba tau hay về Việt Nam vào tháng Tư, mấy năm gần đây không đi được nữa. Tuổi cao, sức khỏe yếu rồi, ba tau nhờ tau cuối tháng Tư nếu về Việt Nam được thì đi lên Tiên Lãnh, gần trại cải tạo Tiên Lãnh thăm hai ngôi mộ, hai người bạn thân của ba tau bị tụi cộng sản bắn chết trong một lần vượt ngục bất thành, chôn tại chỗ, địa chỉ gần khe suối, dưới tán cây rộng vào thập niên 80, nếu mộ chưa dời xuống nghĩa trang Tam Kỳ”.

Bạn tôi trong điện thoại nhắc đến chuyện xưa, chuyện thời cuộc làm thay đổi số phận cuộc đời của chúng tôi. 30 tháng Tư năm 75, chúng tôi còn nhỏ không tham gia chiến tranh nhưng chứng kiến và cùng gia đình chịu đựng những khó khăn trong việc thăm nuôi cha, anh, em, chú, bác đang “học” cải tạo ở Tiên Lãnh. Ðịa danh Tiên Lãnh, vùng núi ở Quảng Nam, cực kỳ hiểm trở, nằm sâu trong dãy núi Trường Sơn, sát gần biên giới Lào. Ðịa danh ấy trở nên quen thuộc, không phai mờ trong ký ức chúng tôi. Rồi nó đọc hai câu thơ tâm đắc nhất để minh chứng:

…Mười năm mặt sạm soi khe suối.

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ…

(Ta về – Tô Thùy Yên)

Hình gia đình 3 thế hệ chụp tại Đức

Những chuyến thăm nuôi gồng gồng, gánh gánh, khuân khuân, vác vác, con đường gian khó của các gia đình có người thân đang bị giam giữ và nó cũng theo cùng năm tháng, để giờ này tôi cùng tụi bạn viết Ðường về núi xưa như một phần trong ký ức của tuổi hoa niên mà cứ mỗi tháng Tư về là đem ra nói.

Tôi nhớ nhà tôi nằm đối diện bến xe khách Tam Kỳ, nhà thường xuyên tiếp khách đi thăm nuôi (lúc đó chưa có phòng trọ mà nói thiệt tiền đâu có mà ở trọ). Gia đình ba mẹ tôi bị đánh tư sản mất toàn bộ tiệm thuốc tây, gian nhà trước không còn tiệm thuốc trở nên rộng, trống trải. Mẹ tôi để cái đi-văng sát góc tường, sát góc đi-văng là cái mùng đen cuộn tròn. Buổi tối, tôi hay giăng mùng chống muỗi cho các chị, cô, các thím, dì ngủ qua đêm chờ sáng mai ra bến xe mua vé chuyến sớm nhất đi Tiên Lãnh. Trong rất nhiều người ghé ngủ qua đêm, tôi nhớ nhất là dì Nẫm (vợ Thiếu tá Nẫm). Dì người Huế, giọng nói nhỏ nhẹ, dáng cao, nước da trắng. Dì đi thăm nuôi lúc nào cũng quần đen, áo bà ba lụa sẫm màu, tóc búi gọn gàng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/14/2024)

Cú điện thoại thứ 2

Là của em trai thằng bạn đã mất: “Chị khỏe không? Chị và gia đình giữ gìn sức khỏe nhen…”.

Tôi trả lời: “Cảm ơn em, chị và gia đình khỏe. Còn em có chi lạ không?”.

Em kể: “Dạ, tháng Tư đến gia đình em buồn nhiều hơn vui, nhất là ba em. Ông trầm tư buồn bã. Ba em làm rất lớn bên Quốc dân đảng, sau biến cố 75, ba gỡ mười mấy cuốn lịch. Những tháng ngày ba ở tù cải tạo, đẩy gia đình đến khánh kiệt, mẹ em hoá điên rồi mất. Tháng Tư dương lịch là tháng ba âm lịch, giỗ má em, giỗ luôn anh em (là bạn học với tôi). Nhà em bị cộng sản cướp mất, về quê sống, thì bị hắt hủi, chà đạp, vùi dập…”.

Và em đã viết hồi ký, viết khi chưa đặt chân đến Mỹ. Em chuyển cho tôi những đoạn em viết, tôi đọc, buồn đến rớt nước mắt.

Em viết: “Ba hắn đi tù. Một mình mẹ hắn đơn độc gánh gồng mọi đắng cay để nuôi 5 đứa con nhỏ. Cả nhà cũng đã nhiều ngày tháng ăn khoai lang với canh mít non và trái cây ngoài vườn để mà sống, Mẹ hắn cũng mấy lần vay mượn đâu đó để mua vài lượng thịt heo nạc về làm chà bông thăm nuôi ba hắn. Khoảng giữa tháng 12 năm 1979 âm lịch, chắc cũng gần Tết rồi, hắn vừa đi chăn bò về thì mẹ hắn gọi vào, giúp mẹ giã thịt heo làm chà bông để ngày mai mẹ đi thăm nuôi ba hắn. Mùi thịt chà bông thơm không thể tả được! Bụng hắn đã đói cồn cào và hình như hắn cũng chưa từng được ăn miếng thịt heo nào thơm như vậy. Hắn thấy mẹ đang loay hoay xay gạo lứt, hắn liền bốc một nắm vừa đưa tới miệng, cũng ngay lúc mẹ hắn quay lại. Mẹ hắn la toáng lên, nhà mình còn mấy thúng khoai, hồi chiều mẹ bán mua thịt cho ba. Con ăn mất lấy chi mai đi thăm nuôi ba? Hắn hoảng hồn bỏ ngay xuống lại cái cối gỗ. Vừa giã thịt vừa ấm ức, nước miếng của hắn cứ nối nhau thành dòng chảy xuống nền nhà đất…”. (trích hồi ký Cương già).

Như Hà và con gái 

Cú điện thoại thứ 3

“Ê, mi làm chi đó, khỏe không?”.

Bạn nói tiếp: “Tháng Tư năm nào bên Mỹ cũng rầm rộ chống cộng sản, diễn hành mặc những bộ đồ lính có nhiều sao mai, cấp bậc, giày lính giống thời trước 75 để tưởng niệm cái chết của miền Nam Dân chủ, Tự do, tiếc nuối thời đã qua nhưng năm ni ít hơn, có lẽ do sự thay đổi bầu lại tổng thống, rồi đại dịch Covid 19 trùm xuống mà người ta ít tụ tập hơn. Trước 75, ba tau làm bên Quân đội, dượng tau bên Cục phản gián, cậu tau bên Quốc gia Hành chánh. Nhà bên ngoại tau có nhiều người con rể, mỗi ông “cắm sâu” ở đất Tiên Lãnh mười mấy năm. Có ông dượng – chồng của dì ruột tau, rể của bà ngoại – tội nhất, “cắm sâu” nhất, nhốt biệt giam dưới lòng đất hơn mười năm, không được gặp mặt mỗi lần thăm nuôi, chỉ cho nhận đồ. Ðến khi con rể của ngoại ra khỏi lòng đất thì đã bị mù từ bao giờ rồi! Dượng đi HO số 1, diện đặc biệt do chính phủ Mỹ làm hồ sơ. Nhớ mỗi lần đi thăm nuôi, dì tau cứ cúng, coi bói, coi quẻ, xin xăm để được gặp chồng, cầu xin được thấy mặt mà không được. Ðằng đẵng mười mấy năm trời biệt giam. Ác dã man thiệt! Tau đợi chích ngừa Covid xong, sẽ đi thăm dượng”.

Xem thêm:   Quả ngọt

Cú điện thoại thứ 4

Tau đây, tau mới khuyên ba tao, thôi ba ơi, ba giữ gìn sức khỏe chứ 46 năm trôi qua rồi, ba cứ ấm ức, hận tụi cộng sản đã nhốt ba mười mấy năm, hại gia đình người ta tan nát…”.

Tôi nói: “Tháng Tư với những người dân miền Nam Việt Nam nói chung và với người lính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng, là nỗi buồn không nói được, đã ăn sâu trong xương tủy rồi mi ơi”.

Tụi nhóc chúng tôi biết có hai gia đình, có hai chị là chị của bạn tôi, đi thăm nuôi ba “học” cải tạo. Lúc ấy, hai chị tuổi đương thì, đều đẹp, nước da trắng, tóc dài, đôi mắt to đen tuyền. Hai chị bị công an cai ngục thay nhau hãm hiếp giữa núi rừng, thỏa mãn thú tính rồi mới cho thăm nuôi ba. Thật là tận cùng của sự đốn mạt, dã man gớm ghiếc man rợ, vô nhân tính của đám công an cai ngục. Trở về sau chuyến thăm nuôi một chị đã hoá điên; còn chị kia bị trầm cảm nặng nề không tiếp xúc với ai cả (cho tôi xin không thể nói tên).

Tháng Tư, nhắc chuyện cũ buồn lắm các bạn ạ!

Cú điện thoại thứ 5

Bạn hỏi tôi trong điện thoại, mi làm chi đó, tôi buồn buồn trả lời: “Mấy bữa ni, có nhiều cuộc điện thoại của các bạn nhắc về tháng Tư. Tau tính gom hết lại, thời của tụi mình viết, cho tháng Tư…”.

Bạn gởi cho tôi: “Có những vết thương quá lớn, quá sâu và quá đớn đau đã từng in hằn trên ký ức tuổi thơ của một con người, mà cho dù dòng thời gian trôi qua không biết bao nhiêu thập kỷ, màu cuộc sống đã bao lần biến đổi, thân phận con người đã thay đổi rất nhiều hay dù riêng chính chúng ta đang cố gắng tự huyễn hoặc cố tình quên đi một phần nào đó nhưng vết thương chỉ có thể lành lặn ở ngoài thể xác, còn  tận sâu thẳm của nội tâm, vết nứt vẫn còn âm ỉ đâu đó, mà mỗi một khi trái gió trở trời hay chỉ vì một duyên cớ vô tình bất chợt nào đó, cũng đủ khiến cho vết thương bộc phát trở lại, lặng lẽ nhói đau thấm buốt đến tận xương tủy…”.

(trích HP – Nhất là tháng Tư).

Vợ Chồng Như Hà và con gái 

Phần gia đình tôi cũng chẳng khá hơn. anh rể tôi cũng “cắm đất” Tiên Lãnh hơn mười mấy năm. Tôi hay hỏi ông anh rể: “Những hũ đồ ăn, mắm muối, chà bông… lúc đó anh ăn ngon không?”. Anh trả lời: “Nhận đồ xong, gánh sâu vào núi, nơi ở, nộp hết lại cho quản giáo, không được đụng đến, họ đổ ra, cho vào một cái thau, đồ khô, đồ bột, mắm muối, heo, gà, cá, đổ tất tần tật ra kiểm tra, coi có giấu gì trong đồ ăn không, tới bữa ăn lên xin, xin cho từng muỗng, từng muỗng. Món ăn ni, nếu không phải tù binh thì không bao giờ biết được mùi vị nó thế nào…”.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Tôi giỡn: “Hèn chi sau khi ra tù, ăn cái món chi chi anh cũng thấy ngon, ai nấu anh cũng khen đáo để. Thì ra menu gốc dùng để so sánh là menu của nhà tù (thay vì nhà hàng) Tiên Lãnh”.

Anh cười. Cuối cùng, anh cũng được thả ra, thời gian đầu vẫn còn bị quản thúc, bị kiểm soát chặt chẽ của công an. Anh kể lại: “Anh nhớ, mỗi đêm khuya nghe tiếng chó sủa, là phải trốn, nghe tiếng người là sợ khiếp vía, sợ bị bắt nhốt lại. Sống trong cảnh mà giữa con người với con người, cùng một khu phố, cùng một vùng mà sợ nhau đến chết khiếp, lúc nào mình cũng là tên tù binh, bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt, đánh, xử tử… Hai chữ tự do nghe cao sang xa vời vợi quá, là cái không bao giờ nghĩ tới, là cái không bao giờ mình có được…”.

Nhìn lại 14 năm bị nhốt, những tháng ngày sống trong lo âu, sợ hãi mà mỗi lần nghĩ lại, hay tự hỏi làm sao mà trên thế gian này vẫn tồn tại những thứ chỉ có trong tưởng tượng hay phim ảnh?

Anh rể tôi theo đạo Tin Lành. Anh kính Chúa, yêu Chúa. Anh hiền, ít nói nhưng rất phong độ, rộng rãi, hay đùa giỡn với tụi nhỏ trong gia đình. Tính hào hoa phong nhã đời lính ăn sâu trong máu anh dù cộng sản đày đọa anh xuống tận cùng địa ngục trần gian nhưng khí phách ngang hùng của người lính vẫn còn nguyên. Ðôi ba lần tôi hỏi anh: “Anh có tha thứ cho họ không? Anh có còn thù họ không? Ðã gần nửa thế kỷ rồi…!

Anh trả lời: “Sự thật từ chính đáy lòng, Anh không làm nổi điều đó, không làm nổi em à nhưng anh cầu xin Chúa, xin Chúa giúp anh, cho anh biết tha thứ, biết yêu thương, cho anh quên đi…”.

Anh nói thêm: “Nhưng anh tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ phạt những kẻ làm ác và họ sẽ lãnh lấy hậu quả do họ làm ra…”.

Tôi đồng ý. Tháng Tư, tháng Tư nhiều sự kiện và cũng nhiều nỗi niềm. Ðầu tháng Tư thì con dân Chúa khắp nơi trên thế giới có thánh lễ Phục sinh, kỷ niệm sự chết và sống lại của Chúa Giê su. Cuối tháng có ngày 30 tháng Tư mà dân hải ngoại, dân miền Nam hay dùng từ “Tháng Tư đen”.

Cú điện thoại thứ 6

Là đứa bạn quê nhà. Bạn vừa đi Tiên Phước về, khoe trong điện thoại:

Tiên Phước bi chừ thay đổi lắm, người dân trồng nhiều bòn bon, cam, quýt được buôn bán, xây dựng có chút khởi sắc hơn xưa…”.

Tôi nói: “Từ bến xe Tiên Phước đi nữa đi nữa, đi sâu vào rừng, mi gặp ông Tiên ổng ra ổng Lãnh vô…”.

Bạn tôi cười trong điện thoại.

Tháng Tư, Châu Âu thời tiết còn lạnh, buổi chiều nhiệt độ xuống nhanh, vài tia nắng yếu ớt tắt dần khi hoàng hôn buông xuống, không đủ sưởi ấm tôi. Tháng Ba âm lịch lại có trăng hồng, tôi bâng khuâng tự hỏi lòng, liệu sau này khi đã quen với nếp sống Châu Âu, với cuộc sống bình an, tự do bên này, tôi có quên đi Ðường về núi xưa không?

NHN

(Tháng Tư – Đức quốc)