Tin không vui cho những người tiêu dùng (như tôi) là “Dollar Tree theo bước Walmart và Target với hành động chống trộm táo bạo,” đồng loạt nhiều tờ báo tiếng Anh ở Mỹ đưa tin cách đây 5 ngày. Tác giả bài viết nhận định: “Các nhà bán lẻ đang thực hiện những bước đi cực đoan có thể tự chuốc lấy thất bại và đẩy khách hàng đến với Amazon, Kroger và Publix.”

Bên trong một tiệm Dollar Tree, thành phố Anaheim, Quận Cam.

Trong 2 năm đại dịch, người người bị cấm túc, hàng hóa khan hiếm, mua được hộp khẩu trang y tế, hộp bao tay cao su hoặc chai nước rửa tay … sản xuất tại Mỹ không hề là chuyện dễ dàng, nên người tiêu dùng đành phải chọn giải pháp ở nhà và mua hàng online với giá cắt cổ của các “nhà đầu cơ” (bên thứ 3) trên các trang Amazon, Walmart hoặc Target. Thời gian này, tôi không dám mua những hàng hóa liên quan tới sức khỏe có nguồn gốc “Made in China” dù giá rẻ, sợ bị mua phải hàng đã qua sử dụng tái chế. Thậm chí hàng bán ở Mỹ mà không do thương hiệu uy tín bán tôi cũng sợ luôn. Có người quen kêu tôi mua khẩu trang của “ông đó,” “bà đó” quảng cáo “sản xuất tại Mỹ” mà giá có $5/hộp 100 cái. Tôi trả lời họ lấy nhà máy ở đâu để sản xuất dị? “Made in USA” mà không có nhà máy? Nghĩ sao trong lúc khan hiếm vật tư y tế này, giá lương nhân công ngành hàng y tế tăng vọt, khẩu trang sản xuất tại Mỹ mà có giá rẻ như cho? Tôi không dám mua, tôi mua vải tự may khẩu trang cho an toàn. Cũng cần nói thêm là thời điểm đó, tôi vô tiệm Walmart xếp hàng ngay quầy bán vải, một hàng dài mà khách hàng (ai cũng đeo khẩu trang vải tự may, màu sắc, kiểu cọ rất “phong phú”), dù người sắc tộc gì cũng đều mua vài yards vải cotton là đủ biết mua để làm gì rồi.

Lúc đó, phần lớn người Mỹ đều cho rằng bán lẻ online sẽ đè bẹp bán lẻ truyền thống tại tiệm, còn cái tên Amazon thì “nổi như cồn,” doanh thu khiến bất cứ nhà buôn nào cũng phải mơ ước. Tuy nhiên, khi không còn cấm túc thì việc buôn bán online có vẻ bị chựng lại, khách hàng vẫn thích mua sắm trực tiếp hơn.

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Trừ những món hàng cao cấp như laptop, máy chụp ảnh, smartphone, hàng điện tử … từ những thương hiệu nổi tiếng không cần phải chạm tay vào món hàng để thẩm định phẩm chất ; người mua hàng có kinh nghiệm đều biết rằng đối với giày dép, quần áo, nón, khăn, đồ ăn, thức uống đều cần phải tự tay sờ, nhìn tận mắt mới có thể mua được. Thí dụ: Có những chiếc áo mùa hè nhìn hình chụp rất đẹp, mà sờ tay vô mới cảm nhận được vải nóng và cứng, không thấm hút mồ hôi, không phù hợp mặc mùa hè. Nếu mua chiếc áo này online, tất phải mất thời gian và tốn thêm xăng để đi trả.

Tôi vừa trả lại 3 món hàng mua từ trang Amazon (sau 5 ngày dài cổ chờ đợi delivery) và tôi phải tiếp tục ordered 3 món giống y như vậy nhưng khác thương hiệu sản xuất, và lại tiếp tục chờ thêm 5 ngày nữa. Tôi được hoàn lại 100% số tiền mua hàng khi chọn trả hàng, điều này đồng nghĩa với Amazon bị lỗ chi phí delivered cho tôi. Nếu chọn giao hàng trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau, tôi phải trả thêm tiền ship nhanh, mà có khi tiền ship bằng với giá tiền món hàng. Rất là bất tiện.

Từ đầu Tháng 10 năm nay, Amazon thay đổi chính sách, khách hàng không còn được hưởng quyền lợi “free shipping” đối với gói hàng từ $25 trở lên, mà phải là $35 trở lên. Trong khi nhu cầu cần dùng chỉ là một món hàng nhỏ trị giá từ 1 Mỹ kim đến vài Mỹ kim thì mua trực tiếp ở tiệm là tiện lợi nhất.

Thời gian 2 năm trở lại đây, truyền thông tiếng Anh liên tục đăng tin tức các  tiệm bán lẻ bị đập phá, bị “ai đó” ngang nhiên vô tiệm “hốt” đầy từng xe hàng hóa và cũng ngang nhiên đi ra mà không trả tiền, nhân viên nào phản ứng sẽ bị “ai đó” đánh đập, gây thương tích. Lại có thêm luật nhân viên tiệm không được chống cự, cản trở “ai đó” khiến cho các tiệm bị tấn công nhiều hơn, chủ tiệm càng thêm nản chí.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Để “chống cự ngầm,” các quản lý tiệm bèn tăng cường hệ thống tủ kiếng trưng bày hàng hóa với các ổ khóa, các mặt hàng từ $30 trở lên đều được cho vô tủ kiếng khóa lại. Việc này rất phiền phức cho các khách hàng lương thiện khi muốn “nghiên cứu” món hàng để quyết định mua hay không. Bấm chuông gọi nhân viên mở cửa tủ kiếng có khi xém “què ngón tay” và chờ đợi mỏi mệt mới có người mở cửa. Thật tai hại cho khách hàng. Nhưng điều này không làm khó được kẻ gian, tôi đã từng coi nhiều đoạn video clip trên mạng internet thấy kẻ gian dùng búa bự đập kiếng bể loảng xoảng rồi hốt đồ trong tủ, hoặc đem hẳn cưa máy, mỏ hàn điện vô tiệm “hồn nhiên” cắt khóa tủ cho đồng bọn đứng kế bên hốt đồ.

Chúng ta hoàn toàn hiểu và thông cảm với sự thiệt hại của chủ nhân và ý muốn bảo vệ tài sản của họ. Nay thì cửa hàng tạp hóa bình dân giá rẻ Dollar Tree có kế hoạch “nối gót” các “đại ca” Walmart, Target, Walgreens … sao chép một trong những việc làm ít thân thiện với khách hàng nhất, làm khách hàng thêm thất vọng.

Giám đốc điều hành Dollar Tree, Rick Dreiling, phát biểu trong cuộc họp: “Chúng tôi hiện đang thực hiện một cách tiếp cận mang tính phòng thủ cao để thu hẹp quy mô”. “Chúng tôi đã mất một phần tư, nhưng chúng tôi có một số hình thức thu nhỏ mới mà chúng tôi sẽ giới thiệu vào nửa cuối năm nay. Và nó bao gồm mọi thứ, từ việc di chuyển một số quầy/kệ nhất định đến phía sau quầy kiểm tra. Nó liên quan đến một số trường hợp nhốt.” (tức cho hàng hóa vào tủ khóa lại).

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Thử hình dung một khách hàng buộc phải đợi nhân viên bán hàng mở tủ trong khi chỉ mua một gói giấy vệ sinh hoặc hộp súp trị giá $1.25. Nếu ở nơi khác, khách hàng đó sẽ bỏ tiệm Dollar Tree, mà ghé vô tiệm Kroger, Publix hoặc chuỗi cửa hàng tạp hóa gần nhất không sử dụng kệ có khóa. Tai hại ở chỗ, khu vực Little Sài Gòn (Quận Cam,) nơi có đông đúc người gốc Việt sinh sống, thì Kroger, Publix lại “khan hiếm”, còn Dollar Tree gần như phổ biến ở mức “thương hiệu của mọi nhà”. Thành thử cư dân Little Sài Gòn và vùng phụ cận là những người bị ảnh hưởng xấu nhiều nhứt bởi “cải cách bảo vệ tài sản” của Dollar Tree.

Thời gian gần đây, để chứng tỏ việc tăng giá từ mức thấp nhất là $1 lên mức thấp nhất là $1.25 cho một món hàng trong thời gian đại dịch là “vạn bất đắc dĩ,” Dollar Tree đã “quay ngược đồng hồ” và giảm giá hàng trăm mặt hàng trong cửa hàng xuống còn $1, nhưng khách hàng sẽ thất vọng khi biết rằng không phải tất cả hàng tồn kho đều được giảm về giá cũ. Người có tinh thần bi quan thậm chí còn dự đoán rằng Dollar Tree sẽ tăng giá thấp nhứt lên $3 hoặc $5 cho một món hàng, giá cao nhứt không giới hạn, để bù vô phần thiệt hại do bị cướp, và bù cho chi phí sắm sửa hàng loạt kệ trưng bày hàng có khóa, có khi lại tăng giá để bù luôn cho việc phải trả lương cho nhân viên chuyên “nghề” cầm chìa khóa đi vòng quanh tiệm mở tủ kiếng theo yêu cầu.

Trong một nền kinh tế đã chứng kiến nhiều thăng trầm bi đát vài năm qua, không có gì ngạc nhiên khi cuối cùng mua sắm online hay mua sắm trực tiếp thì khách hàng đều là người chịu thiệt thòi. Thường nghe nói “Bán hàng là làm dâu trăm họ”, câu đó xưa rồi. Thời nay phận làm khách hàng thiệt khổ làm sao!

TPT