Chợ ngày giáp Tết Nguyên Đán bao giờ cũng chen chúc, nhộn nhịp, tấp nập, mất nhiều thời gian để chọn hàng, xếp hàng chờ trả tiền. Tôi sợ nhứt là đi chợ mua thức ăn cho ngày Tết, mệt mỏi, căng thẳng, mất thời gian kinh khủng.

Cái chợ kiểu xưa  mà dân quê thường kêu chợ nhà lồng, ra đời lúc nào tôi không biết, khi tôi sanh ra biết đi chập chững đã thấy ở gần nhà tôi rồi. Ừ, thì nó cũng giống một cái lồng khổng lồ, kiểu khung nhà ba gian (hoặc nhiều hơn) hai chái có đủ kèo, cột, trên có lợp mái lá hoặc tôn thiếc, chung quanh trống lổng không có vách. Trong nền nhà lồng chợ được chia thành từng ô vuông, hàng hóa bày dưới nền đất còn người bán ngồi trên cái thùng gỗ có bốn chưn, vừa là cái ghế thấp để ngồi vừa là cái thùng đựng tiền có ngăn kéo. Cuối chợ có vài sạp gỗ bán tạp hóa, đường, đậu, gạo, cám nên cần phải bày bán trên cao cho không bị ẩm.

Khác với các siêu thị (supermaket) ghi sẵn giá tiền từng món hàng, khách mua chỉ cần lựa chọn rồi bỏ món hàng vô xe đẩy, người mua và người bán ở các chợ kiểu xưa mua sắm xong khan hết tiếng vì hỏi và trả giá. Giọng các bà rao hàng chói hết cả hai tai, muốn hỏi giá phải hét to lên giữa tiếng ồn ào, người bán cũng hét to lên để trả lời khách luôn miệng, rồi trả giá “cò kè bớt một thêm hai”, cuối cùng bỏ đi qua gian hàng khác hoặc đồng ý mua, cân, trả tiền. Mua món khác cũng lặp lại đoạn y chang như vậy. Thành ra người đi chợ thì cũng không đến nỗi quá đông, nhưng lại không về sớm được cứ lẩn quẩn trong chợ từ gian hàng này tới gian hàng khác, và mua rất nhiều thứ, thứ nào cũng mua số lượng nhiều, bởi vì “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” mà. Thậm chí có lúc phải đứng chen chúc, nhích dần lên từng bước để di chuyển, mồ hôi tuôn ra dầm dề, có khi còn xô đẩy để chen đi trước, tạo cơ hội cho kẻ xấu móc túi, rạch giỏ xách. Nhà có thanh niên, phụ nữ khỏe mạnh thì đi theo làm nhiệm vụ xách giỏ đồ cho bà má đi thong thả lựa đồ và trả giá.

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

Ði chợ Việt ở quận Cam đỡ hơn đi chợ kiểu xưa ở Việt Nam. Dù sao thì cũng tân tiến hơn ở chỗ có cái xe đẩy hàng, thích mua món gì cứ lấy bỏ vô xe, không cần mất thời gian trả giá, không chen chúc nhau san sát, trong chợ có máy lạnh mát mẻ và không lo bị giựt bóp. Tuy nhiên, chợ Việt ở Little Sài Gòn cũng giống chợ xưa ở chỗ người ta thi nhau mua thực phẩm chất đầy vun chùn trên các xe đẩy, mua như chưa bao giờ được mua, mua cứ như là ngày mai chợ nghỉ bán hàng rồi, mặc dù ai cũng biết rõ là chợ không nghỉ bán ngày nào, kể cả ngày 30 và Mùng Một cũng mở cửa bán nửa ngày.

Tôi cũng ngại cái sự chen chúc trong chợ ngày 29, ngày 30 nên ngày 25 Tháng Chạp tôi đã lo đi chợ, không ngờ phải chạy hai cái chợ Việt mới mua được 2 bao nhỏ (10 lbs) gạo Ba Cô Gái của Thailand, cũng là một trong số 4 bao gạo cuối cùng hiệu này. Người đi chợ tranh nhau mua tích trữ gạo làm tôi nhớ đầu mùa cúm Tàu cách đây hơn 2 năm trước người ta cũng tích trữ gạo mỗi nhà khoảng 5 bao lớn loại 50 lbs/bao. Tôi không có ý định dự trữ gạo (chỗ đâu mà chứa,) khi nào gạo ăn sắp hết mới chạy ra chợ mua thêm 1 bao nhỏ 20 lbs. Hôm nay, tôi ngạc nhiên thấy gạo bao lớn 50 lbs, bao trung 20 lbs, bao 10 lbs, bao 5 lbs đều hết sạch. Tuy nhiên, rất nhiều thương hiệu gạo khác chất cao ngất trong chợ mà thấy có 1 ông mua 1 bao. Tôi đã nghĩ nếu không có gạo Ba Cô Gái thì tôi vô tiệm Walmart mua gạo Basmati của Ấn Ðộ, rẻ hơn mà ngon như gạo Tài Nguyên ở Việt Nam.

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

Tôi mua được 2 hộp mứt thập cẩm $20/hộp. Bạn tôi thấy hộp mứt đẹp mà vừa túi tiền nên chạy ra mua thì đã bán hết sạch. 1 giờ chiều, thịt heo loại dùng kho tàu cũng hết sạch, thịt ba rọi, thịt đùi nạc còn vài miếng, tôi cũng “giựt” được 2 miếng đùi nạc mỏng te. Ông bán quầy thịt nói xế chiều mới nhập thêm đợt thịt ba rọi mới. Thịt đùi nạc kho không ngon bằng thịt ba rọi, nhưng giá tiền chỉ một nửa giá thịt ba rọi, tôi mua đại thịt đùi nạc kho cho rồi, chớ chạy ra lần nữa mua miếng thịt rồi xếp hàng chờ trả tiền chắc chết luôn. Quay qua định mua vỉ ớt hiểm (nhà còn vài trái) thì gian hàng bày ớt hiểm không còn vỉ nào.

Chợ Việt quận Cam thời nay cũng gần giống chợ ở VN lắm rồi. Nghĩa là bán những món trái cây không ăn được với giá bán mà phải bắt ghế mới leo lên tới. Tôi vừa thấy bạn Facebook đăng hình dân ngoài Bắc bán chuối già, trái nhỏ, xanh lè, non nhớt (không ăn được) với giá chặt chém, có nải chuối đề giá 700 ngàn hồ tệ, tức hơn 30 Mỹ kim.

Có người thích sắp mâm cúng “cầu dừa đủ xài” thì “qua sông phải lụy đò.” Ở đây không khan hiếm xoài, luôn có xoài Mễ nhiều size bán bốn mùa nên không bắt chẹt khách hàng được. Còn trái mãng cầu xanh lè, cứng ngắc, nhỏ xíu (để lâu không thể chín, không ăn được,) dính theo vài chiếc lá xanh, giá $15/lb, bằng giá một tô bún bò Huế bự và khá ngon ở quán Vỹ Dạ. Trái dừa tươi gọt hết lớp vỏ cứng bên ngoài, cỡ trái cam lớn, bạn tôi nói giá $6/trái.

Người Việt thường nói: “Mất cái này thì được cái kia” để tự an ủi. Ði chợ Việt ngày giáp Tết ở Little Sài Gòn, quận Cam không bị những cái khó chịu như đi chợ kiểu xưa, nhưng lại sanh ra những cách đi chợ vô cùng “độc đáo,” mà người ta thường gọi là “chơi chiêu” không biết nên cười hay nên khóc, có nên gọi nó là “được cái kia” hay không vì cái “được” này không hề dễ chịu chút nào.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Ði chợ kiểu thường là đẩy xe vô chợ, chọn mua một số món gì đó bỏ vô xe, xong đẩy ra xếp hàng chờ trả tiền. Ngày giáp Tết nên cách đi chợ cũng khác hơn, tôi thấy người ta đi chợ thành nhóm ít nhứt cũng hai người, có khi tôi thấy nhóm 3 hoặc 4 người, không biết là họ cùng một gia đình hay chỉ là bạn bè, lối xóm. Mỗi nhóm này chỉ lấy một xe đẩy hàng mà thôi. Trước hết, họ lựa vài món bỏ vô xe đẩy rồi một người đẩy xe ra xếp hàng chờ tính tiền. Vì chợ đông khách, xếp hàng dài dằng dặc, nên trừ cái người đứng xếp hàng “giữ chỗ” ra thì những người còn lại trong nhóm túa ra mọi hướng, mỗi người lấy một vài món hàng thì chạy ra thả vô xe đẩy của họ (đang trong hàng chờ,) rồi chạy trở vô lấy tiếp món khác, và bài bản cũ lặp lại. Cho tới khi chiếc xe đẩy và người đứng giữ xe đẩy tiến tới gần quầy cashier thì chiếc xe của nhóm họ chất chồng đồ ăn, đồ dùng cao “đụng nóc.” Coi như họ mua hàng xong là tính tiền đi ra ngoài liền, không phải chờ như người đi một mình. Dĩ nhiên là người xếp hàng sau các nhóm- đi- chợ phải chờ đợi mệt mỏi, dù người đứng sau có khi mua chỉ chục món, thậm chí mua ít hơn. May phước tôi không phải cực khổ gói bánh chưng, bánh tét, bánh ít gì hết nên tôi đi chợ ngày giáp Tết năm nay chỉ có một lần.

TPT