Chuyến bay từ Dubai tới Sài Gòn thưa khách. Tôi ngồi một mình một dãy 3 ghế. Xong bữa tối, tôi nằm đắp chăn, nhắm mắt chập chờn. Và nghĩ ngợi vu vơ. Về những cơ duyên cho tôi cơ hội về thăm quê nhà lần này. Về chỗ trọ mới trong ngôi nhà “hoành tráng” của người bạn thân thời đi học. Về một gặp gỡ và những hành trình sắp tới. Về để thăm lại đất và người của tháng năm trước đại dịch. Về như thể đối diện những thử thách của nội tâm, trước ngoại cảnh.

Cũng như một đêm tháng Mười cách đây một thập niên, thành phố sinh quán chào đón tôi bằng một cơn mưa. Nhưng khác, vì mưa đêm cuối tháng Tư lần trở lại này ào ạt, mịt mù đến nỗi viên phi công phải lượn vòng gần ba mươi phút trên không phận phi trường, mới có thể hạ cánh xuống phi đạo.

Trong sảnh kiểm soát chiếu khán nhập cảnh chỉ thấy du khách của chuyến bay này. Nhân viên phi trường cắm cúi làm việc. Một ngẩng mặt. Rồi huơ tay thờ ơ bấm bàn phím, quét mắt nhìn những thông tin hiện trên màn hình. Và lẳng lặng đóng mộc. Nơi băng chuyền nhận hành lý, có bà du khách đang lớn tiếng phân bua thùng cạc-tông của bà bị thấm nước rách, nhiều món quà rơi rớt đâu hay đã bị ai lấy mất. Hành lý không phải qua máy soi. Chỉ mất khoảng ba mươi phút là xong mọi thủ tục. Cổng đến le ngoe vài chục người. Ra đón tôi lần này chỉ có ông anh, cô cháu dâu và người bạn mới. Mưa vẫn tầm tã. Cô cháu dâu phải vất vả hơn một tiếng mới gọi được tắc-xi.

Trên đường tới nhà trọ, người tài xế bắt chuyện, phàn nàn về hiện trạng giao thông trong thành phố. Tuyến đường xe điện Sài Gòn – Suối Tiên vẫn chưa hoàn tất. Mặt bằng đại lộ Lê Lợi vẫn chưa được “giải phóng”  hoàn toàn. Nhiều nơi, đường sá “xuống cấp” trầm trọng, không được sửa chữa. Cho ra vẻ bận rộn, “họ”  đào lên chỗ này chỗ nọ, rồi lấp lại. Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng góp đôi lời vô thưởng vô phạt. Mọi chuyện với tôi vẫn còn quá mới. Khung cảnh phố xá một đêm mưa nhiệt đới hai bên đường tuy đã quen mắt, nhưng cảm xúc trong tôi gần như mới vì những thay đổi. Chỗ trọ. Bạn đồng hành. Khung cảnh, thời gian, và tâm tư tôi.

Xem thêm:   Quay đều quay đều ...

Chỗ tôi ở trọ lần trở lại này là một ngôi nhà tráng lệ nằm trong một hẻm cụt, cạnh phố Phú Mỹ Hưng, quận bảy. Nhà có 3 tầng, mỗi lầu một phòng: “phòng mùa xuân” , “phòng mùa hạ”  và “phòng mùa xuân” . Có vài phòng để trống. Chúng tôi được bạn dành cho “phòng mùa thu”. Còn có thêm một sân thượng được bạn văn vẻ đặt tên “vọng nguyệt lầu” bày biện nhiều chậu cây cảnh.

Người bạn này của tôi lúc trước là dân học trường Tây, cha Nhật mẹ Việt. Tôi quen bạn qua một người bạn khác. Chúng tôi đã một thời khắng khít nhau, gặp mặt gần như mỗi ngày, dẫu không học chung trường. Thân thiết đến vậy, nhưng tính tình bạn và tôi khác nhau như đêm ngày. Bạn lanh lẹ, hoạt bát bao nhiêu thì tôi rụt rè, lặng lẽ bấy nhiêu. Tôi gặp bạn, la cà cùng bạn chỗ này chốn nọ, có lẽ chỉ để khỏa lấp những khiếm khuyết của tâm tính mình. Tôi du học trước bạn một năm. Không liên lạc nhau nhiều thập niên dài. Rất tình cờ, bạn quen biết một ông bạn ở cùng thành phố với tôi. Bạn qua thăm ông và chúng tôi gặp lại nhau. Bấy giờ bạn tôi đã trở thành “đại gia”, chuyên sưu tầm đồ cổ. Nhà bạn ở Genève, đã có lần bạn giới thiệu cho tôi xem qua màn hình iPad, trông như một tiểu bảo tàng viện. Bạn xây nhà ở Sài Gòn, luôn miệng dặn dò: “Về Sài Gòn, mày cứ tới nhà tao ở. Ðừng ngại gì hết nha!”

Bảo Huân

o O o

Chúng tôi tới nơi thì mưa cũng vừa tạnh. Ðã gần nửa đêm, nhưng vì bạn tôi chưa ăn tối, nên chúng tôi được anh quản gia trẻ hướng dẫn đi ăn khuya. Quán nhỏ ven đường Huỳnh Tấn Phát bán hủ tiếu hoành thánh chỉ có chúng tôi là thực khách. Không ngon, nhưng “ngon” ở không gian ăn. Ðơn giản. Buồn buồn. Mát se se và cách tiếp đãi ân cần, cũng như điệu bộ liến thoắng của cậu bé hầu bàn, hẳn là con của vợ chồng chủ quán.

Ðêm đầu tiên trong căn phòng mùa thu đầy đủ tiện nghi như trong khách sạn 4 sao, tôi trằn trọc vì trái múi giờ, nằm nhắm mắt, vẽ ra trong trí những dự tính. Hai tháng rong chơi ở Việt Nam, trời ơi, có bao giờ tôi nghĩ tới chuyện ấy. Nhớ lại lúc trò chuyện với ông anh bên Mỹ. Sau khi anh hỏi tôi có định về để gặp nhau không, tôi bối rối đáp, anh ơi, em muốn về lắm, nhưng kẹt nỗi… Anh nói ngay, anh sẽ tặng em tiền vé máy bay. Những ngày kế tiếp, tôi liên lạc mua vé. Nhằm lúc dịch bệnh đã bắt đầu giảm, đã có vài hãng hàng không mở lại tuyến đường về Sài Gòn. Và sứ quán Việt Nam cũng đã cấp giấy miễn thị thực, cho du khách nhập cảnh trở lại. Tôi chỉ phải để ý tuân hành vài thủ tục ngăn ngừa dịch bệnh mà thôi.

Xem thêm:   Móng sư tử

Ðể rồi, đêm nay, tôi có mặt tại Sài Gòn, nơi tôi ra đời và sống qua quãng đời niên thiếu. Mọi chuyện diễn tiến như một trò ảo thuật. Trên sân khấu vĩ đại và cuồng nộ của đời sống trong thời chiến. Cánh màn nhung mở ra, rồi khép lại. Tấn tuồng vui buồn theo chu kỳ thời tiết. Lần này, khi mùa mưa bắt đầu.

Lúc thiếp đi thì trời đã hây hây sáng. Dưới lòng hẻm vọng lên tiếng rao hàng ghi băng: “Bánh mì nóng giòn đây!”, và “Bánh chưng! Bánh giò!” Chỉ bao nhiêu đó, lặp đi lặp lại mỗi sáng sớm.

Trong nhà của bạn tôi, đã có sẵn 4, 5 chiếc xe gắn máy. Bạn nhắn tin, chúng tôi cứ tự tiện lấy chạy. Anh quản gia trẻ mời chúng tôi đi ăn sáng. Phở. Quận bảy có nhiều hàng quán của người miền Bắc vào sống sau một chín bảy lăm. Ðầy dẫy những quán phở tên hiệu một chữ. Quán này ghi thêm hàng chữ “phở Bắc chính hiệu”. Vào ngồi thì thấy trên bàn có đầy đủ tương đen, tương đỏ, tỏi ngâm giấm, và hầu bàn tự động mang ra một dĩa rau quế, ngò gai, rau om và giá trụng. Tôi có cảm tình với những tiệm phở có đầy đủ gia vị như vậy. Ai thích, cho vào. Không thích thì thôi, cớ gì phải ọ ọe: “Phở Bắc không ai ăn thế!” Lạ chưa, có ai bắt ăn đâu!

Xem thêm:   Nhẫn

Sau đó, tôi và bạn ghé uống cà-phê ven đường, dưới bóng mát tàn cây rậm. Cho bạn, một đen đá không đường sữa. Cho tôi, một cà-phê sữa đá. Cà phê đựng trong ly nhựa, có muỗng nhựa và ống hút, đậm vị, ngon không ngờ. Và rất rẻ. Tôi thích ngồi vỉa hè, lê la ăn uống. Chỉ cần sạch sẽ tương đối là đủ. Với tôi, những hàng gánh vỉa hè là nơi lý tưởng để tôi vừa nhẩn nha thưởng thức, vừa theo dõi sinh hoạt đường phố.

Nắng ngày đã găn gắt nóng. Tiếng động giao thông rộn rã đầu trưa. Còi xe vang liên tục, tiếng rụt rè, tiếng gắt gỏng. Những người bán vé số tới mời chào không ngớt. Tôi có cảm tưởng, dường như nhiều hơn trước. Có lẽ là hậu quả ngăn đường cấm chợ vì đại dịch sau hai năm đằng đẵng? Những tương phản của đời sống vật chất trong thành phố năng động này bắt tôi nhiều lúc băn khoăn. Chỉ cách ngôi nhà khang trang của bạn tôi một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, chạy thêm vài trăm thước, là tới khu phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng. Không gian thay đổi chóng vánh như nắng mưa. Bên này là đường Huỳnh Tấn Phát, huyết mạch của quận bảy, với hàng quán bình dân san sát và giao thông hối hả đêm ngày, ngang dọc những con hẻm mạng nhện. Bên kia là đại lộ Nguyễn Lương Bằng với 4 làn đường dành cho xe hơi và 2 làn dành cho xe máy ngược xuôi, hai bên là khách sạn cao tầng, siêu thị, cao ốc văn phòng cùng những quán xá cao cấp, giá bán gấp đôi gấp ba những nơi thị tứ. Những con đường nhỏ yên tĩnh bên trong. Vườn hoa và hồ nước trồng súng. Những căn biệt thự gắn hệ thống máy ghi hình tự động, lặng lẽ tới độ đáng ngờ…

Trưa hôm ấy, trong không gian êm ả và ẩm nóng của Phú Mỹ Hưng, bất chợt tôi nghe lại chuỗi âm quen. Inh ỏi. Giòn giã. Chợt vang chợt tắt. Tiếng ve. Thanh âm như thể ứa ra từ một tùy bút của Võ Phiến, trong một truyện ngắn của Ðặng Mai Lan, từ ký ức những mùa hè hoa niên tôi. Cũng trong thành phố này. Nhưng ở một nơi khác.

NND (07.2022)