Lời tòa soạn: Thời xưa ông bà thường hay nói có núi vàng ăn hoài cũng hết. Hình như điều đó chưa sai bao giờ. Có rất nhiều dẫn chứng bạn có thể nhìn thấy quanh mình. Đảo quốc Nauru là một ví dụ, họ bòn rút tài nguyên, ăn xài phung phí. Tại Việt Nam, có lẽ không khác mấy, nhóm cầm quyền không chỉ tàn phá tài nguyên đất nước mà bào mòn trơ trọi cả lòng tin, một kiếp ăn mày cũng đã được báo trước.

Trong những thập niên huy hoàng, Nauru từng là nước có GDP (tổng sản phẩm quốc nội) bình quân đầu người cao thứ nhì thế giới, nhưng ngày nay, những gì còn lại chỉ là đất đai hoang vu cằn cỗi và một khối nợ công khổng lồ.

Diện tích vỏn vẹn 21.3 km2, không có thủ đô chính thức và hiện chỉ có khoảng 11,000 dân nhưng nước Cộng hòa nhỏ nhất thế giới này đã từng trải qua nhiều thập niên cực kỳ thịnh vượng, đặc biệt là giai đoạn “tiền vào như nước”, từ năm 1970-1998. Nguyên nhân nằm ở trong lòng đất. Nauru là một đảo núi lửa – san hô, nhìn như một hạt cát nhỏ ở giữa Thái Bình Dương, gần xích đạo và thuộc châu Úc. Trong hàng trăm ngàn năm, cả triệu con chim lớn nhỏ sinh sống ở đây đời này qua đời nọ, phân của chúng tích tụ lại cùng với sự đắp bồi của đại dương đã phân hủy thành một mỏ phosphate rộng lớn và nguyên chất nhất thế giới. Một kho báu vô cùng quý giá vì đây là nguyên liệu cực kỳ cần thiết để sản xuất phân bón. Nauru từng là thuộc địa của Ðức, rồi Úc nên từ đầu thế kỷ 20, các tập đoàn nông nghiệp của những quốc gia này thay nhau đến đây khai thác phosphate.

Chỉ sau xứ dầu hỏa

Năm 1968, Nauru giành độc lập và giành lại quyền kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên từ những công ty nước ngoài. Thời điểm ấy, đảo quốc chỉ có khoảng 5,000 dân và chính thức bước vào những năm tháng huy hoàng. Từ năm 1972 đến năm 1975, giá phosphate tăng gấp 6 lần. Giai đoạn 1968 – 2002, Nauru xuất cảng tổng cộng 43 triệu tấn phosphate, thu về khoảng 2 tỷ USD. Năm 2002, dân số nước này tuy đã tăng gấp đôi so với khi mới giành độc lập, nhưng cũng chỉ vọn vẹn 10,000 người.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Ðỉnh điểm của sự thịnh vượng là năm 1974, với lợi nhuận ròng thu về tương đương 125 triệu USD, GDP bình quân đầu người của Nauru đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê Út và gấp 3 lần Mỹ, theo Ðài truyền hình France Télévisions. Chính phủ nước này, thông qua quỹ đầu tư Nauru Phosphate Royalties Trust, bắt đầu chi tiền mua bất động sản ở khắp nơi, từ các đảo quốc thuộc Thái Bình Dương đến Mỹ, Úc, New Zealand, Philippines… Các tòa cao ốc mang quốc kỳ Nauru lần lượt xuất hiện ở Melbourne (Úc); Washington, Hawaii (Mỹ)… Lợi nhuận từ bất động sản, và nhất là từ “máy in tiền” phosphate đã được chính phủ của đảo quốc dùng để xây dựng một cuộc sống vương giả, cho cả các quan chức lẫn dân chúng.

Sân golf sang trọng được xây dựng. “Hạt cát” bé tẹo ở Thái Bình Dương có hẳn một hãng hàng không quốc gia – Air Nauru – với 7 máy bay, trong đó có 5 chiếc bay được những quãng đường tầm trung, có thể chở khách đến Nhật Bản (vẫn duy trì dù thường xuyên trống không), Úc… Trên thực tế, Air Nauru chủ yếu chỉ để… thể hiện đẳng cấp. Tối nay rạp chiếu phim trên đảo đã hết vé? Chẳng hề gì, người dân chỉ việc mua vé máy bay, chiếc Boeing 737 sẽ đưa họ đến đảo quốc Kiribati hàng xóm, “chỉ” cách có 800 cây số. Ðó là thời của sự quyền quý và những hành động đôi khi có thể xem là điên rồ. Một nhà ngoại giao của Úc từng làm việc ở Nauru trong thập niên 1970 kể với tờ L’Express: “Họ không hề lo nghĩ gì cả. Mọi người đều lãnh ngân phiếu hằng tháng với con số cực cao. Trong những siêu thị thông thường nhất cũng có bán caviar (trứng cá tầm muối). chuyện những chiếc máy bay Boeing chở đầy cổ động viên bay 5,000km sang Melbourne để xem một trận bóng trong giải của Úc là chuyện không có gì đặc biệt”.

Một chiếc Rolls Royce đậu trước khu khai thác phosphate vào năm 1976 – ảnh: National Geographic

Đào đến tận xương tủy

Hầu hết cư dân của Nauru là dân bản địa nên đều sở hữu đất đai. Và thu nhập của họ đến từ việc chính phủ trả tiền để khai thác phosphate trên đất nhà, lại không phải đóng thuế vì ngân khố nước này trong thời hoàng kim lúc nào cũng đầy ăm ắp. Tiền không thiếu nên Nhà nước tỏ ra rất rộng rãi. Tuy thu nhập bình quân đầu người của Nauru có thời điểm lên đến 50,000 USD, nhưng chi phí về y tế (kể cả đưa bệnh nhân sang chữa bệnh ở những bệnh viện hàng đầu của Úc), giáo dục, đến cả tiền thuê người giúp việc cũng được chính phủ hỗ trợ toàn bộ. Dân chúng không cần làm việc, chỉ còn biết đến vòng xoáy tiêu thụ và hưởng thụ. Nhà nào cũng sắm sửa những thiết bị điện tử gia dụng tối tân, phòng nào cũng gắn máy lạnh, cũng có truyền hình. Mỗi gia đình có 3, 4 chiếc xe hơi, một số nhà còn có 6, 7 chiếc, chủ yếu chỉ để chạy trên con đường lớn duy nhất vòng quanh đảo có tổng chiều dài khoảng 20 cây số. Khi xe bể bánh, hết xăng hay trục trặc giữa đường thì họ sẵn sàng bỏ lại ven đường, cả tháng sau mới đưa về hay thậm chí… tặng luôn cho người khác.

Xem thêm:   Dubai

Với lối sống này, trong vòng vài thập niên, người dân Nauru, nhất là thế hệ trẻ, đã có rất nhiều tiền nhưng lại đánh mất tất cả: truyền thống văn hóa, nghề nghiệp, thiên nhiên và cả sức khỏe… Các món ăn và sản vật địa phương hoàn toàn biến mất, nghề đánh bắt cá, trồng trọt của tổ tiên đã “tuyệt chủng”. Người dân chỉ dùng thực phẩm nhập, chế biến sẵn, và hầu hết đều là đồ đông lạnh, mặn, nhiều chất béo. Không phải làm việc, ít vận động, đi siêu thị mua hàng cũng chỉ cần ngồi trong xe bấm kèn là có người mang hàng ra tận cửa xe, lại hội hè đình đám liên tục, béo phì và tiểu đường trở thành “quốc bệnh” của Nauru. Với 95% dân số bị thừa cân vào cuối thập niên 1990, tuổi thọ trung bình của nam giới nước này là 56 tuổi và nữ giới là 64 tuổi.

Tuy nhiên, những ngày tháng vương giả không phải là bất tận. Thời hoàng kim của Nauru khép lại dần khi phosphate bắt đầu cạn kiệt, trong khi những đầu tư của chính phủ ở nước ngoài chỉ có một số là mang lại lợi nhuận, còn lại phần lớn đều chỉ là phung phí ngân sách mà không thu lại gì. Ðiển hình là vụ đầu tư gần 4 triệu USD để thực hiện một vở nhạc kịch về cuộc đời của Léonard de Vinci tại London, Anh. Suất diễn ra mắt, toàn bộ các quan chức trong nội các Nauru đã bay nửa vòng Trái đất sang thủ đô của xứ sương mù để xem. Nhưng vở nhạc kịch này là một sự thất bại vì không thu hút khách và khoảng một tháng sau đã không còn suất diễn ở nhà hát.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Hết phosphate, đảo quốc chỉ còn là một bãi hoang tàn, 80% diện tích bị đào bới “tới tận xương tủy”, toàn bộ các loài chim – vốn là nguồn gốc tạo nên các khu mỏ quý giá – đã biến mất, 40% hệ sinh thái biển quanh Nauru bị hủy diệt… Nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác phosphate, nên bị ví von là “tự ăn thịt chính mình”. Ðể duy trì mức sống xa hoa cho cả nước, chính phủ đảo quốc này bán dần các bất động sản, trong đó có tòa nhà Nauru House cao 52 tầng ở Melbourne, từng là biểu tượng một thời cho sự thịnh vượng của họ. Nauru bắt đầu vay nợ, rồi dính líu đến những thương vụ đầy tai tiếng như rửa tiền, bán hộ chiếu, lập công ty bình phong để các tập đoàn hoặc cá nhân nước ngoài trốn thuế… nhưng cũng không cầm cự được bao lâu. Người dân khi không còn khoản tiền được chu cấp hằng tháng thì không biết làm nghề gì để sinh nhai, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên đến 90%.

Nauru từ tỷ phú tiêu tiền như nước đã trở thành ăn mày nợ nần chồng chất, hàng chục năm qua tồn tại lây lất nhờ vào viện trợ của cộng đồng quốc tế và một số quốc gia, đứng đầu là Úc. Ðảo quốc này tuy rất nhỏ bé, nhưng chính là lời cảnh tỉnh cho nhân loại. Một thế giới lấy tiêu thụ làm động lực và lợi nhuận kinh tế làm mục tiêu tối thượng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá một cách mù quáng thiên nhiên thì tương lai sẽ ảm đạm như những khu đất cằn cỗi, khô khốc của Nauru.

Hoang tàn và cằn cỗi. Ảnh do tác gia cung cấp

LC

(Trích từ báo Công Giáo & Dân Tộc với sự đồng ý của tác giả)