Em xin lỗi thầy

Hôm ấy đang đi lang thang trong trại tỵ nạn Panatnikhom, Thailand, tôi gặp lại người bạn đồng hương Gò Vấp. Hắn hỏi tôi có đi học Anh Văn ở đâu chưa, tôi trả lời, thì cũng có, nhưng trình độ lớp hơi thấp, tôi muốn học cao hơn chút. Nghe vậy, hắn giới thiệu tôi vào một lớp Anh Văn ngay khu nhà hắn. Tôi hỏi giá cả, hắn bảo, tỵ nạn mà, có nhiêu trả nhiêu, Thầy giáo rất linh động. Rồi tôi đến lớp học, hỏi han mấy người chung lớp, họ cũng nói giống bạn tôi, rằng giá chung chung là như thế, nhưng có tiền thì đóng, không có thì tháng sau, có lúc nào trả lúc đó, hoặc trả theo khả năng, tỵ nạn mà! (Nghe thấy thương làm sao ba chữ “tỵ nạn mà!”). Vì thế tôi an tâm đến lớp mỗi ngày, chờ đến đầu tháng có thư có tiền bên Mỹ gửi qua, tôi sẽ thanh toán cho Thầy.

Ðến ngày có tiền, tôi nhớ mấy lần thấy mấy chị trong lớp cứ cầm cục tiền đưa thẳng cho Thầy, đôi khi làm Thầy hơi ngại. Vốn bản tính lâu lâu thích làm chuyện “khác người”,  làm “fancy things” cho đời tỵ nạn bớt nhàm chán, tôi chạy qua nhà kế bên xin cái phong bì. Nhưng họ không có phong bì trắng, mà chỉ còn loại màu hồng, có hoa lá cành viền xung quanh, nhìn cũng đẹp.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Tôi bỏ tiền vào phong bì sạch sẽ, lịch sự, thơm tho rồi đến lớp. Tan học, chờ mọi người về hết, tôi nán lại, trao cho Thầy phong bì. Lúc ấy thấy màu hồng cũng hơi sến, nhưng đã lỡ rồi, nên tôi có hơi bẽn lẽn, nói lí nhí: “Em gửi Thầy cái này!”. Thầy hơi bất ngờ, nhìn tôi rất ngại ngùng, mặt đỏ bừng, không nói nên lời, tay run run đón lấy chiếc phong bì. Tôi cũng không nghĩ tình huống lại như thế, chẳng biết phải giải thích tại sao dùng phong bì, bèn quay đi, thì Thầy vội vàng giữ tôi lại, nhìn tôi, nói ấp úng: “Em viết gì trong đó cho tôi vậy, Thơ hả? Tôi cũng rất thích Thơ …”

Giờ thì đến lượt tôi bất ngờ, mới thấy cái vụ “fancy” không phải lúc nào cũng hay ho. Biết thế cứ đưa tiền ra cho xong, khỏi bày vẽ “phong” với chả “bì”! Nhìn vẻ mặt bối rối, lúng túng của Thầy, tôi thấy có lỗi, rồi lấy hết can đảm trước khi bước đi, nói rất nhanh, một câu phũ phàng trần trụi:

“Dạ không, là tiền học phí tháng này đó Thầy!”

Bảo Huân

KL

Edmonton