LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21:

Bài 6:

Nhìn lại thế kỷ 20

Phụ nữ  gốc Á trong tiểu thuyết 

Trong lĩnh vực văn chương của thế kỷ 20, người phụ nữ châu Á đã được coi trọng hơn. Nhưng sự coi trọng ấy tự nó cũng vẫn dựa trên định kiến. Trong cuốn tiểu thuyết thương mại nhưng rất hay, The Immigrants (Người Di Dân), của Howard Fast, thập niên 1950, nhân vật chính – một triệu phú tự lập thân, Daniel Lavette – thuê một anh “ba Tàu” làm kế toán, lại đem lòng yêu con gái ông ta, bỏ bà vợ Knob Hill xinh đẹp sang trọng, con gái chủ nhà băng, nhưng lạnh lùng vô cảm, để đeo đuổi cô nhân tình người Hoa.  Người vợ “bé” châu Á dạy Lavette văn hóa, truyền thống, văn chương, chuyện thần thoại, cùng với tính liêm khiết và sự tử tế làm người, trái ngược với sự cách biệt và hợm hĩnh thường hay biểu lộ ở bà vợ giàu có mà…tính tình kiêu ngạo thối nát. Sau cùng, người phụ nữ châu Á hân hoan đón nhận một Lavette trắng tay khi vương quốc hàng hải của ông ta đổ sụp.

Nhưng tình nhân người Hoa của Lavette vẫn rất giống Madam Butterfly, Hồ Ðiệp Tử, mà phương Tây hay quen nhìn, trừ chi tiết cô không phải chết thương tâm.  Bản thân Lavette từ đầu không thể quyết định xem cô ta có hấp dẫn không trong con mắt của ông… Cũng giống như Madam Butterfly (và Miss Saigon), để có Lavette, cô gái Hoa làm nghề mọt sách quản thủ thư viện đã phải sinh  đứa con ngoài giá thú, chịu đựng sự ruồng bỏ của văn hóa mẹ.  Cô là người vợ châu Á hoàn hảo, thu hút, hay giúp đỡ, khôn trước tuổi, xây cho Lavette một mái ấm gia đình khi tinh thần  ông  hoảng loạn, không còn phương hướng.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Người Di Dân” của Howard Fast, đã được làm thành phim cho màn ảnh truyền hình, hậu bán thế kỷ hai mươi 

Phụ nữ châu Á xuất hiện ở nhiều vị trí phức tạp hơn trong các tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel Pearl S. Buck. Nhân vật nữ chính của Buck lộ rõ phẩm chất thông minh, linh hoạt, có chiều sâu, quyết đoán, tận tụy, phức tạp, và thường mang những ý thức nên thơ về hoài niệm nguồn cội. Nhờ Madam Buck, người đã trải nghiệm gần cả cuộc đời ở châu Á vì bà là ái nữ một nhà truyền giáo, đất nước  Trung Hoa huyền bí tự mở ra trước con mắt của người phương Tây, vào thời điểm Mao Trạch Ðông đã đóng cửa Trung Hoa, tách rời lục địa ra khỏi tia nhìn từ phương Tây. Thế nhưng, Madam Buck vẫn viết về châu Á, đàn ông, đàn bà, và lối sống Ðông phương theo nhãn quan của người ở bên ngoài, nhãn quan ấy xem xét, rồi xâu chuỗi lại. Theo chữ nghĩa của nhà nhân chủng học về văn hóa, Madam Buck là người “quan-sát-trong-cuộc,” nhưng vẫn không phải là người đã trải qua kinh nghiệm như một thành viên sinh ra của bộ tộc! Những người phụ nữ của Madam Buck luôn luôn tự chủ. Họ tự khẳng định theo cách riêng rất châu Á, trên lãnh địa của chính mình – một châu Á đang thay đổi, mặt đối mặt với một phương Tây xa lạ, và họ đang chống lại ảnh hưởng của Tây phương, trong lúc vẫn cố gắng dung hòa với những mâu thuẫn văn hóa phức tạp. Buck viết về những phụ nữ Trung Hoa và Ấn Ðộ ở trong nước Trung Hoa và Ấn Ðộ. Trên lãnh địa riêng của chính mình, những phụ nữ châu Á này được phép làm người châu Á, và trong cung cách truyền  thống, họ làm chủ số phận của chính mình. Bối cảnh đó đặt những nhân vật nữ của Buck tách khỏi những phụ nữ Mỹ gốc Á đương đại phải thật sự sống một vai trò hai mặt,  tách hẳn khỏi cái nôi văn hóa của xứ mẹ.

Xem thêm:   Pháp khí

Bởi lẽ những nhân vật của Madam Buck được miêu tả trên lãnh địa của chính mình, họ không cần thiết phải đại diện cái hội chứng mà bây giờ tôi gọi là “phụ nữ giữa hai thế giới.” Không giống những nhân vật nữ châu Á của Buck, được cơ hội  chống lại một phương Tây đang xâm nhập, những phụ nữ gốc Á ngày nay ở Mỹ lại phải đóng vai trò xâm nhập. Họ phải phá bỏ định kiến của đám đông bằng cách tự chứng minh rằng bản thân mình là một hữu thể khác biệt với định kiến. Sau đó họ lại phải mở một cánh cửa (hay đúng ra tôi nên nói là phá bức tường bằng đá  (nhìn thấy được) hoặc trần nhà bằng kính (không nhìn thấy được) để tìm lối đi, dẫn họ vào một thế giới không quen nhìn thấy gương mặt người châu Á dưới bất cứ hình thức nào, chứ đừng nói chi đến việc nhìn gương mặt châu Á theo định kiến. Khá thường xuyên, định kiến được sinh ra, không những bằng suy nghĩ định khuôn sẵn, dễ chuyển biến thành những thiên lệch có ý thức hoặc vô ý thức, mà định kiến còn được nuôi dưỡng bởi sự thiếu hiểu biết mà nhiều nhà văn gọi là “xuẩn động,” vì đám đông không có khả năng hay sự tò mò đủ để nhìn sâu vào một sự vật mà bề ngoài quá khác lạ so với kinh nghiệm hằng ngày, đến nỗi sự kỳ bí khó hiểu của nó trở thành… một đe dọa đầy nguy hiểm cho thực tại.  Hoặc giả đám đông quay mặt làm ngơ trước cái vật thể họ không hiểu được, cho nên nhu cầu của vật thể ấy coi như… không có!

Nữ văn hào Pearl S. Buck, viết về phụ nữ Châu Á, giải thưởng Nobel văn chương của thế kỷ hai mươi

Tiểu thuyết gia Graham Greene miêu tả khía cạnh định kiến này trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông, “Người Mỹ Trầm Lặng.” (Các nhà phê bình xếp hạng tiểu thuyết này như một dự báo tiên tri về hậu quả việc người Mỹ can thiệp vào Việt Nam, tiên tri kết cuộc người Mỹ sẽ chết ở Việt Nam, hai thập niên trước khi chiến tranh chấm dứt).

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Thông điệp về chính trị của Greene mang hương vị một cuộc tình tay ba giữa một cô gái Việt Nam rất trẻ, một nhà báo Anh tuổi trung niên, và một nhà ngoại giao Mỹ trẻ trung. Tôi xin gọi sự miêu tả của Greene về người phụ nữ Việt Nam – trọng tâm của cuộc tình tay ba – là  “miêu tả bằng cách không miêu tả.” Nhân vật và tính cách của cô gái trẻ Việt Nam được miêu tả hoàn toàn qua những suy nghĩ và các cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông yêu nàng. Ðể giới thiệu nhân vật, Greene viết bằng lối nhạo báng: “Tên cô là Phượng, hay Phoenix – Phượng Hoàng, nhưng ngày nay, chả có gì quá tuyệt vời, vì con chim Phượng chẳng bao giờ có thể tung cánh bay lên từ một đống tro tàn.” Thế giới nội tâm của Phượng là cả một vòm bí mật trước mắt hai người yêu cô, cho nên cũng trở thành bí mật trước mắt  độc giả. Hai chàng của nàng, một già một trẻ, một Mỹ một Anh, đều hướng tâm trí vào nàng, quyết định theo lăng kính của họ những gì họ cho là nhu cầu của nàng. Nàng rất ít nói.  Gần như không biết nói. Diễn đạt của nàng gồm một vài từ, vài câu ngắn tiếng Pháp “comment” (thế nào, cái gì), “enchante” (vui vẻ, vui thích), “Je ne comprend pas” (em không hiểu).  Sinh hoạt của nàng gồm có việc ngồi chơi ở quán bán sữa, đi xem  phim Pháp, coi các cuốn sách ảnh về hoàng gia Anh, mồi thuốc phiện cho người tình Ăng-lê, và sẵn sàng cởi cái quần lụa đen rất nhiều lần ngay cả khi chưa được yêu cầu. Biểu lộ suy nghĩ của nàng thường là cái chau mày hơi lâu và chăm chú (đặc biệt sau khi nghe tin người tình Mỹ của nàng đã bị ám sát), trằn trọc thâu đêm, thức giấc khi nàng vừa mơ một điềm xấu, lặng lẽ giải thích với người yêu:  “les cauchemars” (ác mộng). Vật tùy thân ít ỏi của nàng gồm mươi cái khăn quàng cổ nhiều màu để mang cho hợp với những chiếc áo dài, vài chiếc quần lụa, và có lẽ còn một vài tạp chí tiếng Pháp. Sau khi nhà ngoại giao Mỹ bị ám sát chết, Phượng trở lại với người yêu Ăng-lê, mang theo các chiếc khăn quàng và mấy cái quần lụa dài, mà Greene tả là “của hồi môn.” Tuy nhiên, nhân vật nhà báo người Anh (có lẽ là “bản ngã” của Greene) viết một bức thư gởi về người vợ Ăng Lê của mình đòi ly dị. “Chia tay với người phụ nữ này (Phượng) đối với tôi sẽ là bắt đầu cái chết.” Ở một vài đoạn trong cuốn tiểu thuyết, Greene cho rằng tình yêu của nhà báo Anh dành cho Phượng chỉ là biến dạng của thói quen nghiện hút, càng ngày càng nghiện nhiều vì nỗi cô đơn và tuổi già bất lực.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Nhân vật Phượng giống như bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam trong con mắt của những người quan sát và can dự phương Tây. Thế giới nội tâm của Phượng không thể xuyên thấu như núi rừng nhiệt đới Việt Nam đối với quân lính Mỹ. Có lẽ Greene chủ tâm miêu tả người phụ nữ Việt Nam như một ẩn dụ về sự bí hiểm của cơ cấu chính trị bá đạo (Machiavellian) ở Việt Nam, và cuộc chiến không giải thích được, một cuộc chiến vắt kiệt và làm bàng hoàng tâm trí người Mỹ.

Hình ảnh lấy từ phim “Người Mỹ Trầm Lặng,” phỏng theo tiểu thuyết của văn hào Anh, được thực hiện ở Việt Nam, với tài tử Michael Caine và Đỗ thị Nguyễn Hải Yến

XEM TIẾP BÀI 7:

Sự thành công vượt bực nhưng hiếm hoi của phụ nữ gốc Á trong quá khứ