1

Tôi có thói quen mỗi năm dọn dẹp lại bỏ đi nhiều thứ, những thứ tồn đọng, giữ từ năm này sang năm kia, bỏ thì thương, vương thì tội. Năm ngoái thấy tiếc, không nỡ bỏ đi, năm nay lại lôi ra, cân nhắc, đắn đo. Những cuốn sổ ghi chép đời nào từng chi tiết lụn vụn, lặt vặt như thưởng Tết bao nhiêu, mua sắm thứ gì… Ðó là tôi đã đoạn tuyệt nhiều với quá khứ rồi, từ cái thời khó khăn, mua bình sữa, cái nôi, thau tắm… tôi cũng ghi sổ hết để so sánh lương tháng mấy chục đồng mà chi phí cho một đứa bé thường là trội lên rất nhiều. Rồi lẩn thẩn, mình lấy đâu ra tiền chi dụng ngần ấy năm? Ðể rồi ký ức tuôn về ào ạt muốn ngộp thở. Tôi nhất quyết nói lời chia tay quá khứ. Giữ lại nặng lòng quá. Có ai ngồi tỉ mỉ ngoài mình để mà nhớ mà thương mà bồi hồi?

Năm nay tôi quyết hủy hết những cuốn sổ ghi chép đã ố vàng đi nhiều. Ða phần là sổ làm việc ghi nội dung các cuộc họp, linh tinh, giá cả… Mấy năm trước tôi cố giữ lại, giờ lướt qua lần nữa tôi thấy chẳng để làm gì. Nếu căn cứ so sánh thời giá qua các giai đoạn thì đã có nhà kinh tế, sử học… Ai cần đến tôi?

Tiếp đến tôi lôi chồng vở cũ thời còn làm việc mấy chục năm trước, qua các khóa tập huấn chuyên môn. Lần lại những trang vở cũ tôi hiểu ra lý do mình giữ nó bao nhiêu năm là vì… chữ viết đẹp quá, và vở thì rất sạch. Tôi lại tiếc lần nữa, chần chừ một lúc cuối cùng quyết định không giữ nữa.

Tuy nhiên, có những thứ mỗi lần giở ra luôn khiến tôi dừng lại thật lâu. Ðó là những lá thư của ba, của anh, của bạn bè mà ngày ấy, thư đi, tin lại trong nước phải đến hai tuần là nhanh. Thư nước ngoài gửi về phải một tháng hơn. Quá khứ tái hiện từng khuôn mặt người, cái cách cầm cây bút và đánh tay viết như thế nào.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Dáng ba ngồi bên bàn viết, lưng thẳng, đầu hơi nghiêng. Ba viết nhanh, chữ hơi khó đọc. Những năm đó tôi đi học xa. Ba kể chuyện gia đình, khích lệ tôi học hành và luôn trong những lá thư ba ghi cho tôi bao nhiêu tiền kèm câu dặn dò: “Ðồng tiền khó kiếm lắm, con giữ lấy mà tiêu dè sẻn”.

Cảm xúc đẩy lên cao, tôi vội vàng xếp những lá thư của ba và chuyển sang xấp thư của bạn bè. Những câu chuyện kể vu vơ, nỗi buồn thời tuổi trẻ, băn khoăn về tương lai… Những giòng chữ quen thuộc quá khiến tôi cảm giác mình đang ngồi trong lớp học, xung quanh bạn bè cắm cúi ghi chép.

Tôi thích nhìn cách mỗi người ngồi viết, quan sát và cảm nhận, để thấy không ai có chữ viết giống ai, mỗi người một phong cách riêng, cho dù đó là viết tay hàng ngày hay chữ ký cá nhân. Cũng như mỗi người mỗi tính, mỗi cuộc đời khác nhau mà mãi sau này, trải qua nhiều tôi mới hiểu hết.

“Ngay cả những cặp song sinh giống hệt nhau có chung ngoại hình và di truyền cũng không có chữ viết tay giống nhau. Ðịa điểm mà một người lớn lên và ngôn ngữ đầu tiên người ta học hòa trộn cùng với sự phân phối lực tay khi viết và cách định hình từ ngữ khác nhau để tạo ra một phong cách viết tay độc đáo cho mỗi người” (Theo Wikipedia).

Hàng chữ ngày Tết  

2

Tôi nhớ không lầm thì mãi đến năm 2000, tôi mới bắt đầu sử  dụng email. Và từ đó, những lá thư viết tay gửi qua bưu điện ngày một ít rồi hết hẳn. Không còn thư viết tay, mối quen biết nhiều và đa dạng hơn. Tôi cũng như nhiều người  bây giờ gõ phím máy tính hay thao tác hai ngón tay cái trên điện thoại nhoay nhoáy, nhanh hơn viết tay. Thậm chí, có khi tôi lười, bật chức năng giọng nói trên điện thoại, chuyển thành văn bản cho nhanh.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Một ngày, bỗng nhiên thèm đọc chữ viết tay của bạn bè, tôi email cho hai người bạn ở nước ngoài quen qua thế giới ảo. Nội dung tôi ngỏ ý muốn biết được chữ viết của bạn. Ðể “làm tin”, tôi lấy giấy ra và viết: “Chào bạn, bạn khỏe không, đây là chữ viết của mình, gửi lại cho mình xem chữ viết của bạn với”. Tôi vẽ kèm theo các icon mặt cười, trái tim… Tôi viết bình thường, không nắn nót, nhưng chữ vẫn còn đẹp và sạch sẽ, dễ đọc.

Mở ngoặc, ngày xưa nhiều bạn bè biết tôi viết chữ đẹp. Một thời gian dài trong hai năm từ 1984 đến 1986, tôi mua giấy ca-rô, mực đen, ngòi bút lá tre… về đóng thành cuốn rồi kẻ nhạc và chép đến 3 tập nhạc dày, hệt như bản in. Ðến nỗi, bây giờ mỗi lần giở ra, đứa con trai của tôi cứ há hốc mồm không thể tin được là có những bản nhạc chép tay đẹp như thế, từ mẹ.

Tất nhiên là tôi chụp hình “lá thư viết tay” vỏn vẹn hơn hai mươi chữ, kèm vào email gửi đi.

Tôi nhận thư trả lời ngay sau đó mà tôi hình dung ra bạn đang ngồi trong văn phòng, trước máy tính và cười ngất.

Nội dung thư hồi âm đều giống nhau, kiểu như, mấy chục năm rồi, bạn không viết tay mà suốt ngày ngồi gõ phím nên chữ viết kinh khủng lắm, như cua bò, không thể đọc được. Bây giờ cầm lại cây bút thật khó khăn.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Vậy là tôi không có được cái diễm phúc đọc “nét chữ” để biết “nết người” ở thời đại công nghệ lào rào gõ phím.

Chữ viết tay của tôi

3

Tôi thích nhất khoảng thời gian giáp Tết, mỗi ngày khi nào rảnh rang, tôi xách xe chạy rong, tạt qua chợ Tết, chợ hoa, hàng trang trí… Nơi tôi thường ghé lại là chỗ ngồi của mấy anh viết câu đối Tết mà tôi hay gọi là “hàng chữ”. Có lần tôi chụp được tấm hình hai đứa bé khoảng 3-4 tuổi, một bé hai tay bế con chó con, đứng say sưa nhìn anh chàng “thầy đồ” ngồi trên chiếc chiếu rộng, viết chữ thư pháp. Trên cái bàn nhỏ, linh tinh các thứ, bút, giấy, mực…

“Hàng chữ” không đông người đến nhưng năm nào cũng có. Người mua mang về những giòng chữ hy vọng đem lại may mắn, sung túc cho cả năm, người bán cũng muốn chia sẻ chút tài mọn, kiếm ít đồng tiêu Tết. Mấy năm trước  đọc báo thấy lao xao chuyện cấm không cho các “thầy đồ” viết chữ trên phố ngày Tết ở Văn Miếu, Hà Nội. Vẫn còn lưu trên Internet khi Google thông tin này. Có những tựa bài báo đọc lên thấy chạnh lòng, như: “Ông đồ cắp chữ chạy khi bị đuổi khỏi vỉa hè”.

Ðọc kỹ các thông tin cũ mới thấy, để giữ gìn trật tự đô thị, các “hàng chữ” được dời vào khu quy hoạch với các tiêu chuẩn a,b, c, d cho “thầy đồ”. Nhưng, từ khi đi vào quy hoạch thì lại ít người lui tới.

May quá, thành phố tôi ở chưa quy hoạch chuyện này nên tôi hy vọng Tết năm nay vẫn còn được lang thang ngắm các “thầy đồ” viết chữ.

Bây giờ mấy ai còn ham cầm đến cây bút và viết ra thành chữ?

Ông đồ thời nay

ĐTTT