Kairan Quazi, cậu bé 14 tuổi gốc Ấn Độ, vừa trở thành nhân vật “nổi đình nổi đám” mấy ngày nay trên truyền thông Hoa Kỳ, khi cậu vừa được SpaceX mời làm việc. “Tôi đã nhận vị trí Software Engineer tại một trong những công ty tuyệt vời nhất hành tinh! Cảm ơn mọi người tiếp tục theo dõi hành trình điên rồ của tôi!” Quazi đã viết trên trang Instagram của mình bên cạnh lời mời làm việc tại SpaceX.

Kairan Quazi đã từng hiện diện trên bản tin KRON4 khi 10 tuổi vào năm 2019.
Theo đài truyền hình KTLA 5 (ngày 12 Tháng Sáu, 2023) Kairan Quazi đã nhận được bằng Cử nhân Khoa học về khoa học máy tính và kỹ thuật, đồng thời hoàn thành các khóa học sau đại học về máy biết tự học (machine learning,) một nhánh của Trí Tuệ Nhân Tạo (Intel Labs’ Human AI Lab.)
Kairan Quazi tốt nghiệp Santa Clara University, và cũng là người trẻ nhất được nhận bằng tốt nghiệp tại trường đại học này. Trước khi theo học ở trường đại học Santa Clara, Quazi đã học tại Las Positas Community College. Ngoài ra, cậu bé đã từng là thực tập sinh tại Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo con người của Phòng thí nghiệm Intel Labs, làm việc để phát triển các nền tảng tạo giọng nói dự đoán mã nguồn mở. Kairan Quazi cũng thông thạo nhiều ngôn ngữ lập trình. Mùa hè này, Kairan Quazi sẽ cùng với mẹ của mình từ Khu vực Vịnh San Francisco đến tiểu bang Washington để tham gia nhóm Starlink của SpaceX.
Trả lời phỏng vấn USA Today, Quazi nói cậu chọn SpaceX vì “Hào hứng trước thử thách áp dụng các kỹ năng đa ngành để mở rộng khả năng giao tiếp trên toàn cầu.” Theo luật lao động của tiểu bang Washington, SpaceX không cần sự cho phép đặc biệt để thuê thanh thiếu niên vì Kairan Quazi đáp ứng độ tuổi hợp pháp tối thiểu để làm việc.
Tôi dùng Google tra cứu danh sách 25 trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ, kết quả danh sách này không có tên Santa Clara University.
Kairan Quazi là một trường hợp có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt, không giống các “thần đồng” được thành danh nhờ phương pháp “luyện gà chọi” mà chúng ta vẫn thấy ở chế độ Việt Nam cộng sản và Trung cộng. Nghĩa là đứa bé ngoài việc bị ép “cắm đầu” vào các môn học tự nhiên thì không có khả năng cảm thụ về các môn học xã hội, khả năng sử dụng ngôn ngữ nghèo nàn, không biết cách diễn đạt ý nghĩ và không hòa nhập hoặc giao tiếp được với những người xung quanh như: bạn bè, hàng xóm, nhân viên siêu thị, tiệm ăn…
Kairan Quazi hòa nhập tốt với những người lớn tuổi hơn ở trường đại học, nên cũng không lạ khi cậu bé dùng Instagram thông thạo và theo học ngành trí tuệ nhân tạo.
Tuần rồi, tôi đã viết về vụ kiện “Affirmative Action,” nội dung vụ kiện xoay quanh việc nhiều bậc phụ huynh và học sinh cố gắng tranh cãi, biểu tình, đưa sự việc ra tòa án, vận động hành lang, tổ chức hội thảo, v.v. nhằm được “đặc cách” để kiếm một chỗ học cho con em mình (hay chính mình) vào các trường đại học “danh giá” Harvard, Stanford, and U.N.C. (the University of North Carolina) nổi tiếng thu học phí “cắt cổ.”
Ngay tại thời điểm này, hàng trăm phụ huynh học sinh tranh giành, chen lấn để xếp hàng xuyên đêm xin cho con vào học “Lớp 1 chất lượng cao” tại trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Ðông, Hà Nội. Vì là trường “chất lượng cao” nên cái gì cũng cao ngất ngưởng, từ học phí, tiền ăn, đồng phục, xe đưa đón, tiền câu lạc bộ ngoài giờ… để ở mức “thiên đình.” Không biết đã từng có bao nhiêu học sinh từ trường “chất lượng cao” bước ra trở thành “ông tướng, bà tướng” lừng lẫy, nhưng các “cậu ấm, cô chiêu” càng lớn thì ngày càng “tinh tướng” thì thấy nhiều rồi.
Thời tiểu học, tôi đi học ở ngôi trường nhỏ trong một xóm “xa xôi hẻo lánh.” Lớn hơn, tôi học ở ngôi trường cũ mèm “nhà dột cột xiêu” ở vị trí nửa quê nửa chợ, chớ không phải là “trường điểm”, “trường trung tâm” bê-tông cốt thép đồ sộ cao hai tầng mới tân trang ở trung tâm thị xã. Trường tôi học có tên cũng rất “cổ lỗ sĩ”: Trường Nguyễn Du, là tên gọi có từ trước 1975, sau này dù được đổi tên mới nhưng dân chúng vẫn cứ gọi là trường Nguyễn Du. Trường Nguyễn Du có “lợi thế” được tôi chọn vì gần nhà hơn nên tôi có thể đi bộ tới trường mỗi ngày, trường nghèo nên học sinh không cần mặc đồng phục đến lớp mà quần áo ai có gì mặc nấy, trường ọp ẹp nên không tổ chức “dạy thêm” thu tiền các học sinh vốn dĩ thường nhịn đói mỗi buổi sáng.
Tôi là một trong số năm sinh viên đầu tiên của tỉnh tôi tốt nghiệp đại học Luật (hệ chính quy tập trung.) Một đồng nghiệp có hai đứa con gái còn nhỏ hỏi tôi: “Ngày trước mày học trường nào để tao cho hai đứa con tao vô học.” Tôi nói trường Nguyễn Du, anh ta trố mắt ngạc nhiên, không thể tin được là tôi lại từ cái trường “tường gạch đỏ rêu phong” đó mà bước vào cổng trường đại học.
Một người quen của tôi ở Little Sài Gòn (rất giàu, làm chủ ba phòng xét nghiệm tư nhân về sinh phẩm, thực phẩm) mùa nóng ra đường “truyền kỳ” mấy món T-shirt, quần lửng nhiều túi, ăn cơm tấm quán bình dân. Ông này kể đứa con gái duy nhất không chịu học nghề của ổng để sau này thừa kế ba cái phòng xét nghiệm, mà đòi học trường đại học khác. Ổng cũng chìu ý con nhưng đừng hòng xin tiền để vô Harvard hay Yale gì đó, trường nào học phí rẻ nhứt ổng mới chịu trả tiền. Ổng nói bằng nào cũng là bằng đại học, tại sao cứ phải là Harvard, Yale, Stanford đồ, cho bị thiên hạ “cắt cổ”?
Học trường nào, ở đâu, có “danh giá” hay không, không “rập khuôn” cho bạn trở thành một quý ông, quý bà “danh giá” và giỏi chuyên môn, mà còn phụ thuộc vô nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố nội thân chiếm vai trò quan trọng. Ðặc biệt, trong thời điểm hiện nay, học sinh, sinh viên có thể học từ mạng internet ở bất cứ nơi đâu.
Tôi biết có nhiều người ở Mỹ ra trường rồi làm việc không đúng chuyên môn, vì hoàn cảnh bắt buộc cũng có, vì không thích nghề mình đã học cũng có.
Tôi tán đồng quan điểm trường nào rẻ nhất thì học trường đó. Ngày trước, khi chuẩn bị hồ sơ đi thi đại học, nghiên cứu thông báo tuyển sinh các kiểu, tôi nhận thấy thi vô trường luật nếu đậu không phải đóng học phí, sách vở chỉ cần mua các bộ luật (là loại sách in bắt buộc ngân sách nhà nước trợ giá) bán rẻ nhứt trong các nhà sách quốc doanh, không cần mua “dụng cụ học tập” như các ngành khác, không cần đồng phục… Quả là tiện lợi đôi đường.
Ở quận Cam có những trường có chương trình giúp đỡ tài chánh (miễn trả lại) cho học sinh, sinh viên, tôi biết mỗi chương trình nguồn tiền chi ra không nhỏ để giúp học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều phụ huynh chê trường college gần nhà mà muốn con mình vào thẳng trường university dù phải mướn phòng ở trọ xa nhà rất tốn kém, chưa kể việc đứa con quen sống trong nhà với cha mẹ bỗng dưng phải “share phòng” cùng người lạ, mà thói quen sinh hoạt, lối sống khác biệt.
Tất nhiên, thực tế phần lớn những đứa trẻ đều ham chơi nhiều hơn ham học và chúng cần có phụ huynh kèm cặp, nhắc nhở giờ giấc sinh hoạt. Cậu bé Quazi thì ngược lại, chương trình học tiểu học quá đơn giản. Khi được hỏi về việc bỏ qua phần lớn thời gian học tiểu học, cậu bé đùa giỡn về sự đơn giản của nó. “Tâm hồn tôi đang chết dần chết mòn ở trường tiểu học.” Thành công của Quazi cho thấy phụ huynh chọn trường như thế nào, đứa bé cần học ra sao, tất cả phụ thuộc vào khả năng, trí tuệ, sở thích của học sinh, và không cần phải quá cứng nhắc đi từ thấp lên cao.
TPT