1

Hồi nhỏ, thuở học tiểu học, nghe mấy anh lớn hát: “Cô gái Ðồ Long lắc bầu cua…” chẳng hiểu ất giáp chi cả, cứ bắt chước nghêu ngao. Sau này lớn lên, đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung, coi phim chưởng Hồng Kông mới “ngộ” ra nhiều điều. Yêu chàng Kiều Phong, chưởng môn nhân Cái Bang ngang tàng, hiệp nghĩa; khoái chàng công tử Ðoàn Dự thấy gái đẹp là động lòng, lẽo đẽo đi theo để bị lợi dụng, bị đối xử chẳng ra gì; thích nhà sư trẻ tục lụy Hư Trúc khờ khạo đi tìm “người trong mộng” trong khi đầu thì trọc lóc, không còn sợi tóc…

Trong truyện võ hiệp của Kim Dung (và các tác giả khác) cũng như trong phim chưởng, tôi luôn thấy một “nguyên tắc”. Ðó là người có chân mệnh thiên tử thì không  bao giờ bị đánh té hay bị bắt quỳ dù khi ấy đang còn bạch diện vô danh. Hay, người chánh nghĩa thì cho dù bị lục lâm thảo khấu, bị các tà phái đánh bầm giập, lên bờ xuống ruộng nhưng cuối cùng cũng là người chiến thắng. Ví dụ như anh chàng nát rượu Lệnh Hồ Xung cuối cùng cũng chiến thắng ngụy quân tử Nhạc Bất Quần. Có một chi tiết rất lý thú là trong truyện kiếm hiệp, ngoại trừ các tiêu cục nhận chuyển tải hàng có thu  tiền thì hầu hết khách hành tẩu giang hồ, đàn ông cũng như đàn bà, đều “vô công rỗi nghề”, chẳng có công ăn việc làm gì cả. Ngoài việc “vung gươm rút kiếm, động tay động chân” và vẫn có cơm rượu hàng ngày nhưng áo quần thì độc bộ. Tới bữa cứ vào tửu điếm, bỏ gươm kiếm lên bàn cái rầm rồi hét lớn, kêu tiểu nhị bày rượu thịt ê hề. Ăn xong là lên đường, chẳng thấy trả tiền bao giờ. Có hôm, gặp kẻ thù hay cảnh chướng tai gai mắt, tức giận vung gươm vung kiếm đánh tưng bừng khiến thực khách bỏ chạy tán loạn, bàn ghế đổ nát, tô chén bể vụn. Hy hữu lắm mới thấy có người ném ra nén bạc bồi thường. Buôn bán vậy mà thấy các tửu điếm mở ra tràn lan, thiệt lạ kỳ!

Xem thêm:   Chuyện cái cây

Những nhân vật giang hồ trong truyện kiếm hiệp ấy thường theo tôi vào giấc ngủ, kể cả sau này khi đã là chàng sinh viên trường sư phạm. Không phải một thời mà hình như suốt cuộc đời, tôi mơ ước trở thành chàng lãng tử có công lực thâm hậu, được truyền nhiều bí kíp võ công thượng thừa, cứu khốn phò nguy, hành hiệp giang hồ, thực thi chánh nghĩa, đề cao đạo lý làm người. Và sau khi thiên hạ thái bình, giang hồ hết hiểm ác thì tìm đến nơi sơn cùng thủy tận, dựng lều tranh, bắt chước Trương Vô Kỵ ngày ngày lấy bút kẻ lông mày cho người đẹp quận chúa Triệu Mẫn (bản dịch trước 75 là Triệu Minh). Một cuộc đời tuyệt đẹp!

Bảo Huân

2

Tôi ra Huế thi đại học vì thương Mẹ, nghe theo lời Mẹ. Trước đó, chú P. em kết nghĩa của ba tôi, muốn đưa tôi vào Sài Gòn để học. Ba đồng ý nhưng Mẹ thì không! Mẹ tôi thương con, luôn muốn con quấn quýt bên mình.

Tôi ra Huế, thi vào trường đại học sư phạm. May mắn, tôi đậu. Những ngày học ở Huế, nếu không phải đến trường, tôi cùng với N. hoặc một vài người khác thường la cà trong đại nội hay lên Thiên An ngắm hoàng hôn. Những lúc không có ai, tôi một mình tựa cổng Ðông Ba, ngắm những vết rêu xám xịt hay những bờ tường loang lổ hoang phế theo vương triều cũ.

Tôi nhớ, có một chiều, cư xá vắng vẻ, một mình buồn bã, tôi lang thang vào đại nội, dừng chân bên hồ Tịnh Tâm. Sen đã tàn hoa, còn sót lại một phiến lá úa vàng, chơ vơ giữa hồ. Cảnh lẻ loi ấy giống như tôi đang cô độc. Tôi thấy mình chẳng khác gì Lệnh Hồ Xung lúc bị đuổi khỏi Hoa Sơn, bị Nhạc Linh San ruồng rẫy. Tôi không biết uống rượu nên không mượn rượu tiêu sầu được. Tôi vào quán cà phê Hoa Hồng 9, mượn hương vị cà phê để giải khuây nỗi niềm. Ngồi trong quán mà cứ ngỡ như đang ở quan ải! Không biết lúc Kiều Phong đưa A Châu về quan ngoại có đau đớn và sầu khổ như tôi bấy giờ không nữa. Riêng tôi, thấy chung quanh mình một màu u ám, đông đặc giam kín tôi vậy!

Xem thêm:   JO Paris 2024 - một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi (kỳ 2)

Lớp tôi khi đó nhiều nữ. Ai cũng xinh xắn, đáng yêu. Còn tôi, từ tỉnh lẻ ra, rụt rè và tự ti, chẳng khác gì anh chàng Ðoàn Dự, cứ đứng ngắm từ xa, chẳng dám nói gì. Hằng ngày đến lớp, ngắm các cô từ sau lưng mà thầm mong có một Tiểu Long Nữ xuất hiện để tôi, chàng Dương Quá, được yêu được thương.

Các cô gái Huế hồi đó cũng khéo lắm, khó biết được các cô đang nghĩ gì, yêu ghét ra sao! Có thể do nếp sống ở cố đô khiến các cô khép kín tình cảm của mình. Nhưng, có phải các tôn nữ ấy là những hỏa diệm sơn mà tôi chưa biết cách, chưa tìm đường để kích hoạt, bùng phát? Các đàn anh tôi ở Huế lâu năm “chỉ bảo”, “mở mắt” tôi, nói vậy. Không biết đúng hay sai?

3

Thực ra, chẳng có gì liên quan giữa phim truyện và các nhân vật của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung với Huế cả. Chỉ có tôi buồn quá, liên tưởng vậy thôi.

Những ngày ở Huế thật buồn. Và sau này, tôi có ra Huế vài lần và lần nào cũng còn nguyên cảm giác buồn bã ấy. Huế đã buồn. Mùa Ðông Huế càng thê thảm sầu hơn. Tôi qua cầu Trường Tiền, mưa quất vào mặt đau rát. Mà nói gì đến những ngày mưa dai dẳng! Nói gì đến cảnh “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”! Ngay những chiều nắng vàng trải dài trên đường Lê Lợi, nhìn những tà áo dài  khép nép tan trường cũng man mác nỗi u hoài. Nếu ở nơi khác, áo dài trắng tung bay trong gió thì ở Huế, vạt áo dài cũng phải chịu thân phận ảm đạm. Những bàn tay nắm chặt vạt áo, kềm giữ không để gió chiều từ sông Hương cuốn theo, bay bổng. Các cô gái lớp tôi cũng vậy.

Xem thêm:   Đường vào bãi tha ma

Hồi đó, trường sư phạm cũng xuất hiện những chiếc mini jupe  nhưng rất ít. Và các cô gái can đảm tô màu sắc cho bức tranh vốn tối màu, đơn điệu nhưng cũng không giúp cho Huế lung linh, lóng lánh lên. Và, không cần tinh tế lắm cũng nhận ra sự ngượng ngùng, thiếu vẻ tự nhiên lẫn tự tin của họ khi có ai đó chăm chú nhìn. Huế là vậy!

Lần ra Huế gần đây nhất, tôi không còn cảm giác buồn bã nữa. Thay vào đó là sự hụt hẫng, sự thất vọng não nề. Huế thời trai trẻ của tôi hoàn toàn biến mất, không còn dấu tích gì. Giống như những người bạn năm xưa, bây giờ không biết đi đâu, về đâu vậy. Chỉ còn hình ảnh và cái tên để nhắc nhớ. Thế thôi!

Sông Hương vẫn lặng lờ trôi! Ngôi trường vẫn còn vóc dáng cũ. Nhưng cái hồn Huế thời trẻ trai của tôi đã theo hoàng hạc về đâu mất rồi. “Ngàn năm sực tỉnh lê thê, Trên thành son nhạt, chiều tê cúi đầu; Bờ tre rung động trống chầu; Tưởng chừng còn vọng trên lầu quan…” (HC).

Còn em, bây giờ có là em của ngày xưa?

LVB