“Chạm trán” hay “đụng độ” cảnh sát ở bất kỳ đâu trên trái đất này là điều mọi người không ai muốn vì “chỉ tổ phiền toái”. Nhưng cuộc đời luôn có hai mặt, tốt – xấu, thiện – ác luôn song hành. Chạm trán cảnh sát đâu phải lúc nào cũng đem lại xúi quẩy…

Bảo Huân

Năm 2013 lần đầu tiên đến New York trong tâm trạng của một gã nhà quê lên phố, tôi choáng ngợp với tất cả mọi thứ ở đây, kể cả chuyện cảnh sát. Một buổi chiều người bạn ở Maryland lái xe lên đón tôi đi lòng vòng cho biết phố phường. Gần 11 giờ đêm trở về khách sạn trên đường số 17 gần công viên Central Park, chẳng biết thế nào bạn lái xe đi vào đường một chiều. Cả người bạn lái xe và tôi đều không nhận ra, nhưng nghe tiếng còi inh ỏi tôi quay qua nói với bạn:  “Có chuyện gì mà xe cứu thương hụ còi dữ vậy?” – “Chết rồi mình đi vào đường một chiều”. Bạn tôi vừa dứt lời đã thấy 2 xe cảnh sát chặn ngay đầu xe. Tôi nhìn gương chiếu hậu thấy hai cảnh sát khác trong dáng vẻ thận trọng từ từ tiến lại. “Mày cứ ngồi im để tao tính”, bạn tôi bình tĩnh bảo, trong khi hai tay bạn gác lên vô lăng chờ đợi. Tôi thấy cả thảy 4 cảnh sát 4 bên xe, trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” mà lòng rối bời, trống đánh thùm thùm trong lồng ngực. Rồi viên cảnh sát da đen cao to phía trước ra hiệu bạn tôi quay cửa kính xe xuống. “Tại sao lại chạy xe vào đường ngược chiều?” Viên cảnh sát hỏi.  “Tôi không phải người sống ở New York, tôi lái xe theo hướng dẫn của GPS. Ông xem này GPS đã chỉ tôi vào lối này. Tôi xin lỗi, tôi không cố tình đâu…”, bạn tôi giải thích. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra, viên cảnh sát bảo bạn tôi bây giờ lái xe theo sau xe của ông ta, “phải lái chậm và hết sức cẩn thận”, ông nhắc đi nhắc lại. Lúc này tôi mới hết run và nhìn ra ngoài thì thấy hàng chục chiếc xe dừng phía trước và phía sau xe mình ngồi. Cỡ chục cảnh sát đứng dưới đường dừng tất cả xe lại. Xe tôi chạy được một đoạn thì không thấy xe cảnh sát đâu nữa. “Ủa, không phải mình theo xe cảnh sát về đồn hả?”, tôi hỏi. Bạn tôi bật cười: “Họ cho mình đi rồi đó, mình đâu có làm gì sai”. – “Mình đi vào đường ngược chiều mà”. – “Ðó là do GPS chỉ sai”…

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Mình may mắn gặp cảnh sát tốt bụng hay cách ứng xử ở đây là như vậy? Tôi vẫn chưa hết thắc mắc, nhưng bài học về sự bình tĩnh của người bạn trong tình huống này thiệt là quý giá với tôi.

Câu chuyện “chạm trán cảnh sát” theo tôi về tận Arizona. Lâu ngày tụ tập nên các bạn ở đây thuê xe dẫn tôi đi Grand Canyon “giải ngố” một chuyến. Xe ra đường cao tốc được chừng 30 phút thì tài xế hốt hoảng bảo bị xe cảnh sát “quay đèn” từ lúc nào mà không hay biết. Xe từ từ tấp vào lề trong sự hồi hộp của mọi người. Cảnh sát hỏi: “Anh có biết là tôi quay đèn và chạy theo anh một đoạn đường dài không? Tại sao không dừng lại?”. Bạn tôi gãi đầu, gãi tai chỉ vào tôi bảo: “Có người bạn đến thăm, lâu ngày gặp lại nên mải nói chuyện không để ý…”. “Tại sao ban ngày mà bật đèn pha?”- “um, um…”, bạn lúng túng tìm công tắc đèn… Thấy vậy viên cảnh sát thò tay chỉ ngay công tắc và nói: “Xe đẹp đấy, mới mua à?” – “Không, tôi thuê”. “Bây giờ đi đứng cẩn thận nhé, bớt “tám” đi”. Chúng tôi không bị phạt lại được trận cười. Quả là một ngày tốt lành. Nhưng đi được một đoạn lại thấy xe cảnh sát lẽo đẽo phía sau. “Lại lỗi gì nữa đây. Lần này chắc không thoát ticket rồi”, một người nói. Xe chúng tôi dừng lại chờ đợi sự “trừng phạt”. “Hồi nãy tôi nghe mấy anh nói đi Grand Canyon mà, sao lại đi đường này, xa lắm. Tôi cũng đi hướng đó. Ði theo tôi đường này sẽ gần hơn…”. Viên cảnh sát mở cửa xe và nói luôn một tràng. Cả bọn hú hồn, còn tôi, một thằng nhà quê mới từ Việt Nam qua, cứ mắt tròn mắt dẹt vì cái sự dễ thương của viên cảnh sát…

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Hai câu chuyện, hai trải nghiệm của cá nhân người viết không vẽ nên một bức tranh tổng thể về ngành cảnh sát, cũng không nhằm biện minh cho việc ủng hộ sử dụng bạo lực của cảnh sát. Chúng ta cần phải thừa nhận với nhau một điều rằng ở bất cứ ngành nào, ở đâu cũng sẽ có những nhân tố xấu, một vài “bánh răng lỗi” không ăn khớp với sự vận hành của hệ thống. Cũng vì vậy, người ta phải xây dựng một hệ thống quản trị đủ mạnh, đủ khả năng để chọn lọc và loại bỏ những nhân tố cản trở sự vận hành thông suốt hệ thống. “Con sâu” phải được gắp bỏ khỏi “nồi canh” thay vì “vơ  đũa cả nắm” để đổ bỏ cả nồi canh.

Cơn cuồng nộ đổ lên những người mặc sắc phục cảnh sát trong những ngày qua đang để lại những hệ quả khôn lường. Một ngày vắng bóng lực lượng bảo vệ dân lành là một ngày bạo loạn lên ngôi. Chúng ta, những người dân lương thiện, cần một lực lượng cảnh sát hiệu quả và thân thiện.

NL