Viết cho con trai, mai sau giở ra đọc lại để nhớ chúng ta đã cùng sống những khoảnh khắc như vậy.

Bảo Huân

Sáng thứ Tư, thức giấc, mở máy, thấy nhiều cuộc gọi nhỡ của cậu Ba con, mẹ liền gọi về. Vừa «Allô, chị đây!» đã nghe cậu Ba bệu bạo:

– Mẹ bỏ mình đi rồi, chị ơi!

– Ủa, đi đâu?

– Mẹ về với tổ tiên rồi!

– …

– …

– …

– Nhưng hồi đầu tuần cậu nói PCR âm tính!

– Em cũng không biết tại sao lại như vậy nữa! Sau khi điều trị Molnupiravir, mẹ đã dứt ho và ăn uống bình thường trở lại. Chiều hôm qua, mẹ ra sân xem em tưới cây, được một lúc thì kêu ớn lạnh, em lấy áo len cho mẹ mặc rồi khuyên mẹ vô nhà nghỉ ngơi. Hồi bốn giờ sáng, mẹ gọi, than ran ngực và khó thở, em cho mẹ thở oxy rồi đưa mẹ tới bệnh viện. Bác sĩ ra khám trên taxi luôn, ổng nói giãn đồng tử rồi, khỏi cần vô. Em kêu taxi quành đầu xe, trở về nhà.

Nói chuyện với cậu Ba xong, mẹ đứng dậy đi lập bàn thờ mới. Cậu Ba dặn ảnh thờ cậu Ba gửi là do bà ngoại chọn sẵn, cứ vậy mà lên khung để Paris-Sàigòn cùng thờ ảnh giống nhau. Mẹ nhớ tấm ảnh này. Năm ngoái, bà ngoại gửi qua Messenger, hỏi mẹ thấy sao. Mẹ thấy có luồng điện lạnh buốt xẹt một cái ngang tim nhưng vẫn nịnh nọt cho bà vui: «Ðẹp rạng ngời mà không chói lóa!» Bà cười: «Mẹ chuẩn bị sẵn để khi nào đến lúc, tụi con khỏi phải lo. Coi vậy mà không dễ nghen, bố đi mười mấy năm rồi, mẹ phải tìm tấm nào đừng quá «hiện thực» mai kia mốt nọ con cháu nhìn lên trang thờ lại bảo bà già hơn ông!»  Bà ngoại con là như vậy, cẩn thận từng li từng tí, việc gì cũng chuẩn bị trước từ sớm, thật kỹ lưỡng.

Càng lớn tuổi càng cẩn thận, kỹ lưỡng. Lần nào mẹ gọi về, bà cũng dặn: «Có ra ngoài nhớ kéo khẩu trang lên che kín mũi. Dặn mấy đứa nhỏ rửa tay thường xuyên. Trong nhà lúc nào cũng phải thủ sẵn chanh, gừng, sả, vừa uống vừa xông, phòng bệnh hơn chữa bệnh. À, mà nếu lỡ có dính phải «nó» thì ngừng xông nghe con, chỉ nên ăn trái cây và uống nước nhiều thôi. Nghe nói ca sĩ Phi Nhung vì xông nhiều quá mà bị mất nước nên mới không cứu được.»

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Buổi sáng bất động trước di ảnh. Mẹ tưởng mẹ đủ sức ra ngoài mua nhang đèn, hoa quả. Nhưng một tiếng, hai tiếng, ba tiếng rồi bốn tiếng trôi qua, mẹ vẫn chỉ có thể làm một việc duy nhất là ngồi ì một chỗ, nhìn bà.

Buổi trưa đi học về, con ôm mẹ. Mẹ úp mặt vào ngực con, khóc hu hu. Con đứng thật vững. Mẹ khóc thật lâu. Chờ dứt cơn, con dỗ: «Mẹ đừng khóc nữa, lúc nãy mẹ khóc, con nhìn lên bàn thờ, thấy mắt bà buồn hiu.»

Con đêm qua là cậu nhỏ mê games cười to, hét lớn, bị bố rầy khuya rồi còn làm ồn mà sáng dậy bỗng hóa thành người đàn ông chững chạc lau nước mắt cho mẹ. Mẹ được thể làm nư: «Tại sao? Tại sao lại là Covid! Tại sao lại là bà ngoại của con chứ!»  Con nhún vai: «Tại sao không!» «Nhưng mẹ không chịu! Mẹ không thể mất người mẹ thương nhất trên đời!» Con vờ làm mặt giận: «Ủa, hôm trước mẹ nói con là người mẹ thương nhất trên đời mà!»  «Mẹ thương nhiều người nhất trên đời. Giải nhất đồng hạng!» Con dịu dàng: «Mẹ vừa cười rồi kìa!»

Sáng Thứ Năm, mẹ trở lại văn phòng. Mọi người kinh ngạc: «Không về Việt Nam sao?» «Có chuyến bay nào đâu mà về! Mai hỏa táng rồi.» «Trời, sao nhanh vậy!» «Thời Covid mà, làm đám được đã là may.» Ai nấy nín thinh. Mẹ vừa làm việc vừa «gom orders» của những người thân ở Pháp muốn gửi vòng hoa chia buồn. Mẹ hỏi ý cậu Ba, cậu con nói : «Hành động nhanh may ra còn kịp, bây giờ đã sáu giờ chiều bên này.» Hoa đặt xong, trước khi giao đi, được chụp gửi qua cho mẹ kiểm lại. Có lỗi chính tả, sót tên, lộn loại hoa v.v. sửa siêu tốc, chớp nhoáng, được đưa đến bên linh cữu, cậu con kịp chụp hình kỷ niệm để vài giờ sau tất cả đều bỏ lại, chỉ có bà tiếp tục lên đường.

Xem thêm:   Nhẫn

Sáng Thứ Sáu, mẹ theo xe tang đến lò thiêu. Từ lúc động quan đến khi hạ huyệt chưa đầy một tiếng. Khi mẹ rời màn ảnh Lifestream, con ngạc nhiên: Xong rồi sao mẹ?! Thắp  thêm vài tuần hương thì nhận được vidéo quay cảnh đưa hũ cốt lên chùa. Con lại  trố mắt: Sao nhanh vậy mẹ ?! Nhanh thật, con. Nhanh như khoảng cách giữa lúc bà nói với mẹ: «Con ơi, ca sĩ Lệ Thu bị Covid đưa đi rồi!» và lúc cậu Ba báo tin: «Chị ơi, mẹ mình dính Covid rồi !» Nhanh như khoảng cách giữa lúc bà khoe: «May quá, có được mấy viên Molnupiravir này cứu mạng!» và chớp mắt cậu con nghẹn ngào: «Em không biết tại sao lại như vậy nữa!» Nhanh như khoảng cách giữa lúc mẹ dụi đầu bú tí, nghe bà hát: «Ngày nào năm xưa em còn bé tí teo, nằm gần bên mẹ em bé như con mèo…» và buổi sáng hôm qua gục vào vai con mà khóc. Nhanh như khoảng cách giữa khi con là chú bé lên 5, nghe lóm sư cô khuyên giải mẹ khi ông ngoại qua đời rằng «Mỗi chúng ta đều cần một cây cầu để bước qua bờ bên kia.» và ngay lúc này, con dùng chính câu nói đó để vỗ về mẹ: «Mẹ ơi, mỗi người đều cần một cây cầu để nhảy qua, tiến lên một nấc (trời ạ, đúng là games thủ!). Mẹ hãy nghĩ đến cảnh bà ngoại đang khoe với ông ngoại: «Nhờ sống đến 2021 mà em biết thêm một cây cầu mới tên là Cầu Covid !Em đã mượn cây cầu siêu hiện đại này để đến bên anh.» Và ông ngoại nịnh đầm: «Em lúc nào cũng biết nhiều hơn anh! So với thầy me chỉ biết cầu chết già, cầu chết trận, thì anh chỉ biết thêm cầu lao tù, cầu vượt biên, cầu đột quỵ, cầu ung thư là cùng !»

Xem thêm:   Cãi trời

Mẹ nhìn con. Ðây là lần đầu tiên mẹ ngước mắt lên kể từ sáng Thứ Tư. Thằng cu bé bỏng của mẹ! Con hãy ngồi đây với mẹ thêm một lúc nữa, mẹ vẫn chưa cạn nước mắt. Nhưng con lắc đầu. Con không thể ngồi mãi với mẹ, con còn phải học bài. Mẹ nài nỉ, con ngồi thêm một chút nữa thôi vì con không biết sao, rồi sẽ có ngày mẹ lìa xa con như ông bà ngoại sinh mẹ ra rồi cho mẹ nếm mồ côi một mình. Con đáp: «Khi ngày ấy đến, con chắc chắn cũng sẽ rất buồn nhưng bây giờ con vẫn phải đi học bài.» Nói xong, con nhìn mẹ thật sâu trước khi khép cửa, trở về phòng. Một luồng khí nóng hổi bao trùm tim mẹ. Ðó chính là ánh mắt của bà ngoại con. Ánh mắt tuyên bố với hiệu trưởng Ðảng viên: «Tôi thà nghỉ dạy, đem đồ nhà ra chợ trời bán để sinh nhai còn hơn đứng lớp trước lũ học trò do bà cài vào, học không lo học, lo ghi chép những gì cô giáo vợ ngụy nói để đi báo cáo.» Ánh mắt nhìn thẳng vào mặt tên quản giáo trại tù Long Giao khi hắn xua tay: «Chuyển trại rồi, đi về! Ðã vào rọ mà còn dám tranh với đấu!» khi bà lặn lội đem lương thực đi cứu đói ông. Ánh mắt nói không với người bà con xa, sau 75 tàn mạt, dẫn dụ bà làm thuốc tây giả để kiếm cơm. Ánh mắt bà nhìn ông những ngày ông bị ung thư hành hạ, bệnh viện không có Morphine, chỉ biết nghiến răng chịu đau, viết hai câu thơ an ủi vợ con:

Dẫu cho chớp bể mưa nguồn/dẫu thân cỏ mục vẫn hồn bướm hoa.  

HQ