Cái đầu được xem là nơi đáng kính nhất trên thân thể, người Pháp ngoài từ tête ra còn có từ chef (thượng cấp) để gọi tên bộ phận chóp bu này. Vì thế, cái mũ đội đầu, ngoài từ chapeau thông dụng ra còn được gọi là couvre-chef (nghĩa đen: bảo bọc thượng cấp).

Ðể bảo bọc thượng cấp, người Việt ta dùng nón lá, hoặc đội thật để đi chợ, đi buôn bán, đi làm đồng… hoặc đội chơi, như một trang sức, để chụp ảnh, quay phim, múa hát trên sân khấu, hoặc trang trí hàng quán hay treo trong nhà. Ai cũng biết người Bắc gọi nón là mũ, riêng nón lá thì Bắc kỳ 54 hay Bắc kỳ 75 gì cũng đều đồng lòng gọi như người Nam là nón lá chứ chả ai gọi là mũ lá cả. Y chang như vậy, cùng chỉ con ủn ỉn, người Bắc gọi là lợn, người Nam gọi là heo nhưng không có cái bánh nào là bánh da heo cả, chỉ có bánh da lợn mà thôi. Tương tự, không có bánh tai lợn mà chỉ có bánh tai heo. Liệu điều này có đủ để dám chắc bánh da lợn do người Bắc nghĩ ra và tác giả bánh tai heo là một người Nam

Người Việt có nón lá thì người Pháp có mũ nồi. Ở đây, ta có thêm một trường hợp ngôn ngữ đặc biệt, giống trường hợp bánh da lợn, bánh tai heo và nón lá. Người Việt dù Bắc hay Nam đều thống nhất gọi cái mũ nồi là mũ nồi, chẳng ai gọi là nón nồi bao giờ. Chiếc mũ này hẳn do người Pháp đem vào nước ta đầu thế kỷ 20, chỉ là không rõ chính xác năm nào… Trong mắt người đầu tiên đặt tên cho nó, chắc trông nó giống cái nồi. Và rất có thể, đó là một người Bắc nên mới gọi anh chàng bảo bọc thượng cấp này là cái mũ. Hai Quê thấy nó giống cái nắp nồi hơn. Nhưng không sao, ai cũng biết tên cúng cơm của nó là bê-rê, tiếng Pháp viết là béret.

Mũ nồi xuất thân từ vùng Basque (Tây Nam nước Pháp) nhưng từ lâu đã rời khỏi nơi sinh trưởng, không những trở thành biểu tượng quốc gia mà còn được dân chúng năm châu bốn biển yêu chuộng, trong đó có Việt Nam ta. Những người chăn cừu ở miền núi hẻo lánh xưa kia đem lông cừu kết lại để có cái đội đầu che mưa che nắng khi ra đồng chẳng bao giờ ngờ được cái mũ quèn ấy về sau lại tốt số đến thế! Nhờ dân bán hàng rong đưa đi khắp nơi mà chiếc mũ trở nên thịnh hành, lại được giới văn, nghệ sĩ lăng-xê nên bàn dân thiên hạ đua nhau mua về đội. Ðến thế kỷ thứ 19, nhờ sản xuất công nghiệp, mũ nồi không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà cho cả du khách thập phương và quân đội. Thời Ðệ Nhị Thế Chiến, rất nhiều kháng chiến quân Pháp đội mũ nồi ra chiến trận chống phát xít Ðức. Ảnh tài liệu cho thấy đây là đồng phục của các nữ y tá cứu thương trên chiến trường đại Thế chiến thứ hai.

Xem thêm:   Những đứa trẻ "thiêu thân"

Nguyên thủy, chiếc mũ nồi có màu trắng ngà ngà tự nhiên của lông cừu. Về sau, được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau, trong đó, các màu đỏ, đen, nâu, lam, lục được dùng làm quân phục cho các binh chủng thiện chiến khắp nơi trên thế giới. Ở Pháp, mũ xanh dương đậm được dùng cho nhiều binh chủng khác nhau, trong đó có bộ binh, pháo binh, công binh, không quân, thủy quân lục chiến, sĩ quan đặc nhiệm, liên quân Pháp-Ðức…

Ðể phân biệt, phải nhìn cách đội mũ, ví dụ, lính liên quân Pháp-Ðức đội mũ lệch về bên trái, phù hiệu nằm bên phải trong khi lính thủy quân lục chiến kéo mũ nghiêng về bên tai phải. Mũ đỏ gắn liền với lính dù. Màu đỏ này là đỏ tía của hoa Amarante, biểu tượng của sự bất tử chứ không phải đỏ máu, đỏ lửa như nhiều người vẫn nghĩ.

Mũ xanh lục dành cho lính Lê dương. Lính ONU đội mũ xanh dương nhạt… Lính OTAN đội mũ vàng. Mũ tím hiếm thấy nhưng không phải không có, lính bảo vệ tổng thống  xứ Cameroun dùng màu này.

Ngoài ra, có một loại mũ nồi rộng vành màu xanh dương đậm, tên chính thức là Béret Chausseur Alpin, hình dạng tròn xoe, trông như cái bánh nướng, người Pháp gọi là tarte (pie) nên còn được gọi là mũ tarte. Mũ này dành cho các đơn vị chuyên lùng đánh vùng rừng núi thâm sơn cùng cốc.

Xem thêm:   Cây bông gòn đầu làng

Mũ đen trước  đây do du kích quân kháng chiến đội, nay được dùng cho một số đơn vị đặc nhiệm. Mấy anh chàng có «máu cách mạng» trong người rất thích đội mũ nồi đen. Gắn thêm ngôi sao phía trước nữa cho nó oai như Ché Guevara. Người hùng này một thời được giới trẻ Pháp ngưỡng mộ điên cuồng, nhất là những thanh thiếu niên bị các đảng phái cánh tả ảnh hưởng bằng cách khai thác hình ảnh phong trần và cuộc đời phản kháng kết thúc ở tuổi 39 vì bị xử bắn. Các cô cậu vừa mua mũ đội đầu vừa khoác áo in hình Ché để lấy khí thế nổi loạn. Trào lưu mặc áo in hình Ché tạo ra lợi nhuận kếch xù, làm giàu cho giới sản xuất và kinh doanh. Ðây là một nghịch lý mỉa mai vì Ché đã dùng cả tuổi xuân và mạng sống của mình để chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, chống lại chủ nghĩa tư bản!

Ðể Ché và đời Ché qua một bên, nhân sắp đến ngày giỗ đầu của Nữ hoàng Elizabeth, xin nhắc một chuyện vui về Nữ hoàng và cái mũ nồi. Trong một lần viếng thăm và duyệt binh ở Scotland, Nữ hoàng nghịch ngợm hỏi đùa một người lính: «Cái mũ nồi nó cứ ở nguyên đó với khanh hay sẽ có lúc bay đi?» (Do you keep it on the whole time, or does it blow off ?) Anh lính trẻ không nín cười được nhưng vẫn đứng ngay ngắn, cố gắng tìm cách đáp lời: «Dà… khi chúng thần «đỗ bến» thì chắc nó nằm yên, thưa Nữ hoàng.» (Erm… it’s supposed to stay on when we’re stationary, Ma’am.) Nữ hoàng cười thành tiếng, thích thú nhắc lại từ chàng lính vừa dùng: «When you’re stationary?»  «Khi các khanh đỗ bến à?»

Xem thêm:   Air Force One

Trong lĩnh vực thời trang, tuy mang tiếng là mũ ông già nhưng không chỉ mấy A Giành (anh già) mới thích đội mũ nồi. Thanh niên, phụ nữ và cả trẻ nít đều ưa chuộng. Các nữ minh tinh hàng đầu của thập niên 50-60 như Michèle Morgan, Brigitte Bardot, Greta Garbo, Marlène Dietrich cũng từng lăng-xê chiếc mũ không bao giờ lỗi thời này. Ðội mũ, khi đẩy qua phải, khi kéo qua trái, khi để ngay ngắn, khi xoay ngược ra sau, khi ép sát tóc, khi thả phồng phồng, tùy hứng.

Việt Nam ta, văn nghệ sĩ thích đội mũ nồi không ít…

(từ trái hàng trên) Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm; Nhạc sĩ Từ Công Phụng; Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. (hàng dưới) Nhà văn Phan Nhật Nam; Nhà thơ Sao Trên Rừng

Dân chơi mũ nồi thứ thiệt ở Basque, quê hương của chiếc mũ luôn có sẵn ba cái trong tủ. Một cái để đội thường ngày, một cái để đội khi tiệc tùng, đình đám và một cái dành cho lễ hội lớn. Nói nôm na là đi làm một cái, đi chơi một cái, ăn Tết một cái.

Du khách đến Pháp, nhất là Paris, thường thích mua cái bê-rê «so French» đội chơi hoặc đem vài cái về làm quà cho người thân. Chỉ là, công may ở Pháp rất cao, mũ nỉ thứ thiệt do thợ Pháp khâu giá từ mấy chục đến trên 300 euros một chiếc. Trung Hoa Lục Ðịa dập máy, xuất cảng ào ào, bán ở khu bình dân có 4 euros một cái, khuyến mại 3 cái 10 euros. Hai Quê điệu đàng nhưng không muốn bỏ cả trăm bạc vô cái nón, chỉ mở ví cho cái bê-rê Made in China. Bắt chước minh tinh Michèle Morgan, xoay nghiêng nghiêng, kéo xề xệ, nheo nheo mắt, đứng ẹo ẹo trước tháp Eiffel chụp tấm hình lấy le. Xong, lè lẹ gỡ xuống vì… ngứa.

HQ

Ghi chú: Tất cá các ảnh minh họa trong bài đều lấy từ nguồn Internet, trừ tấm đầu, do tác giả chụp.